Những phong cảnh đẹp và thơ mộng trong tranh họa sĩ Antoine Gadan mang lại cho ông cái tên “Họa sĩ của cỏ cây”. Những bức tranh ấm áp và gợi cảm của ông làm nổi bật sự lộng lẫy của vùng nông thôn Algeria cuối thế kỷ 19.

Antoine Gadan là họa sĩ gốc Pháp. Ông chuyển đến Algiers năm 1881 ở tuổi 27 và cùng gia đình chuyển đến Bône vào năm 1886. Ông đặc biệt thích chủ đề nông thôn nên đã sáng tác nhiều tác phẩm về vùng Bône. Ông đặc biệt thích chủ đề nông thôn nên đã sáng tác nhiều tác phẩm về vùng đất tươi đẹp này. Gadan thường vẽ vào buổi sáng và buổi tối để lưu giữ lại những vẻ đẹp đáng kinh ngạc của tự nhiên kể cả trong những thời điểm đặc biệt nhất của nó, khi bóng tối mềm mại và sương mù bao phủ trên tất cả mọi vật.

“Quang cảnh vùng Bắc Phi” (ảnh: Invaluable).

Ở vùng nông thôn xung quanh Bône, tình yêu thiên nhiên của ông đã được bộc lộ hết mức, và ông say mê tìm kiếm sự hài hòa cho nghệ thuật. Ông ngay lập tức yêu thích sự thuần khiết mà rực rỡ của vùng đất hoang sơ và hiền hòa này, những lùm cây bụi cỏ rải rác, những ngọn núi tròn trịa, những đứa trẻ chăn dê trên những con đường nhìn ra biển khiến ông vẽ tranh không bao giờ biết mệt.

“Những đứa trẻ chăn dê bên bờ biển” (ảnh: Gros Delletrez).

Gadan là nghệ sĩ tự đào tạo, ông vẽ theo năng khiếu và không gì có thể làm xáo trộn ánh sáng của tâm hồn nông dân vùng quê Burgundy (Pháp) của ông hòa trộn với ánh mặt trời Algeria. Tác phẩm của ông mạnh mẽ và đặc trưng  đến độ chiếm giữ một vị trí hàng đầu trong lịch sử nghệ thuật ở Algeria. Nhiều tác phẩm của ông hiện được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Algeria và Constantine.

“Những người lấy nước bên bờ sông” (ảnh: 1st Art Gallery).

Louis Arnaud, người đã dành nhiều giấy mực để tỏ lòng tôn kính với họa sĩ, mô tả rằng Gadan đã sống “trên một con đường nhỏ của vùng ngoại ô, song song với đại lộ Célestin Bourgoin, ngay phía sau nhà thờ Sainte Anne. Ngôi nhà đơn giản của ông như chìm trong cây xanh và hoa cỏ, và xưởng vẽ của ông không có gì đặc biệt, nằm ở cuối khu vườn rậm rạp”. Họa sĩ được mô tả là một người đàn ông “khiêm tốn và tốt bụng, có tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người, cùng với sự quyến rũ trong nghệ thuật, đã thu hút những nhà phê bình nghệ thuật và nhân được sự hỗ trợ của các nghệ sĩ lớn”.

“Núi Eydough và thung lũng Ruisseau d’Or, gần Bône” (ảnh: Gros et Delettrez).

Nhà phê bình nghệ thuật Boyer viết năm 1908: “Tranh của ông là sự lấp lánh của làn nước trong xanh và phản chiếu sự dịu dàng tuyệt vời của một cồn cát vàng hoặc đá núi màu nâu, với những ngọn núi xa xôi phủ những bụi cây xanh. Ông không tìm kiếm những hiệu ứng đặc biệt, mà vẽ những gì ông thấy, bằng sự thật và với tâm hồn thơ ca. Và với một sự đơn giản như vậy, nó đã chạm tới vẻ đẹp tự nhiên“. Nhà phê bình C. Monrialis, năm 1909 cũng đánh giá rất cao tác phẩm của Gadan: “Hương vị an hòa và tinh tế, đơn giản và thẳng thắn, nhẹ nhàng và tử tế, và trên hết là một hương vị rất sống động của thiên nhiên“.

“Các cô gái bên sông” (ảnh: Millon).

Một người đặc biệt yêu thích các bức tranh đồng cỏ của họa sĩ đã nói: “Những khe núi rậm rạp, thảm thực vật tươi tốt nổi bật trên những ngọn núi xa mờ, những buổi sáng trong suốt, những cánh đồng cỏ, cảnh tranh tối tranh sáng trong các thung lũng rợp bóng, mùa màng bội thu, tất cả những cảnh đó như đang diễn ra trước mắt, với sự kỳ diệu của màu sắc, để chúng ta có được những thưởng thức nghệ thuật tuyệt vời nhất“.

“Mùa gặt” (ảnh: Gros et Delettrez).

Trên thực tế, lãnh địa của Antoine Gadan không bị giới hạn ở vùng nông thôn ven biển, ông sẵn sàng tìm kiếm những cảnh quan tương phản, đánh giá cao cuộc sống yên bình trên cao nguyên, với tất cả sự nhạy cảm của mình, ngưỡng mộ màu vàng của cát và sự biến đổi gay gắt của ánh sáng ở những vùng đất xa hơn về phía Nam.

“Đi chợ về” (ảnh: Invaluable)

Chúng ta không biết nhiều hơn về sự tồn tại hòa bình và không biện giải của người nghệ sĩ trong số các họa sĩ giỏi nhất ở Algeria này. Tạp chí uy tín Mercure de France đã tuyên bố vào năm 1923: “Các tác phẩm của Gadan diễn giải tinh tế sắc thái ánh sáng của một đất nước Algeria của các đồng cỏ, phổ biến rộng rãi hơn nhiều trong các trung tâm văn hóa, so với sự đánh giá và ghi nhận hạn chế ở chính đất nước của ông“.

“Đứa trẻ chăn dê” (ảnh: Pinterest).

Tuy nhiên, ngày nay chắc chắn các nhà sưu tập từ Algeria, cũng như những người yêu thích hội họa “Phương Đông” khác, vẫn đang săn lùng và liên tục khám phá lại tranh của người họa sĩ phong cảnh gốc Pháp ở nơi viễn xứ này. Tác phẩm của ông thường xuyên có mặt trong các gian bán hàng nghệ thuật phương Đông. Đôi khi các bức tranh của ông được tìm kiếm như tìm vàng kim, vì chúng gợi lên hình ảnh xa xưa của một môi trường thiên nhiên không thể nào quên.

“Đây là Algerie” (ảnh: Pinterest).

Tổng hợp theo các nguồn: Expetisez, Bohams và Alger-roi (tác giả Marion Vidal-Blué).

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||b99d0edf1__