Có câu nói “tương kiến nan, biệt diệc nan”, nghĩa là gặp nhau đã khó, chia tay lại càng khó hơn. Phật gia cho rằng xã hội loài người sống là vì có chữ tình. Con người sinh ra đã ở trong chữ tình này, vì chữ tình này mà sống nên suốt đời yêu ghét buồn vui. Hạnh phúc vì chữ tình này, thống khổ cũng vì chữ tình này. Vì đâu lại như vậy, làm sao để yêu thương mà không bi lụy, không khắc khoải, nuối tiếc.

Uyên ương cùng lượt bướm cùng bay

Khắp vườn xuân sắc lòng đắm say

Đó là hai câu mở đầu trong bài hát Tình nhi nữ trong một tập phim của bộ phim Tây Du Ký, đạo diễn Dương Khiết (楊潔, yáng jie), Trung Quốc, tập Đường Tăng trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh thì lạc vào một nữ quốc và được đức nữ vương của nước này chân thành tha thiết yêu quý, trân trọng ngay từ lần đầu tiên gặp mặt.

Lời bài hát phù hợp với diễn biến tâm trạng các nhân vật trong tập phim, cũng rất gần gũi với cảm xúc của con người mọi thời. Âm điệu mượt mà da diết, tâm tình thổn thức của bài hát có sẵn đâu đó trong tinh thần, tiềm thức của nhiều cô gái trẻ, những cô gái phương Đông kín đáo, ý nhị, thường giấu kín tình cảm của mình, thầm lặng và và vô cùng thiết tha. Theo thanh luật âm nhạc cổ truyền của Trung quốc, âm thanh cần đạt được nét rung, nét trầm và thoát, thể hiện được ý tứ thanh tao, nội tâm trắc ẩn…Bài hát lắng đọng bởi những âm hưởng này. Tiếng đàn thập lục dìu dặt, buông tỏa, hòa âm của bài hát được phối hết sức hòa hợp, gia tăng sức truyền cảm và tạo nên sức cuốn hút đặc sắc của bài hát, để lại những dấu ấn sâu sắc cho người nghe.

Đôi uyên ương cùng đậu, đôi bướm cùng bay
Khắp vườn, xuân sắc khiến người đắm say
Khe khẽ nhìn hỏi thánh tăng:
Nữ nhi có đẹp hay là mây?

Kể làm gì vương quyền phú quý
Ngại làm chi giới luật thanh quy
Chỉ muốn trời đất lâu dài
Được cùng với người trong lòng ta mãi sát bên nhau
Người yêu hỡi, ta yêu chàng lắm
Muốn kiếp này luôn được ở bên nhau.

Lời lẽ, âm điệu ngọt ngào da diết này khiến không ít người xem phim Tây Du Ký thầm mong ước cho ước nguyện tình duyên của Nữ Vương với Đường Tăng được như ý. Đường Tăng vốn là người tu hành, ông đã vứt bỏ hết thảy thế tục, công danh, sự nghiệp nên những vinh hoa phú quý vương quyền của nữ quốc không thể chạm đến tâm ý của ông, nhưng trước một cô gái trong sáng, chân thật và đầy trắc ẩn, đức độ như Nữ Vương thì có lẽ khó tránh khỏi phút động lòng. Theo thuyết của Phật gia mà nói, cuộc đời con người, mọi sự đều có nhân duyên, tu 500 năm mới có ngày gặp mặt, tu nghìn kiếp mới nên duyên vợ chồng. Đường Tăng và Nữ Vương gặp nhau đây chẳng phải cũng là một nhân duyên lớn. Nhưng tại sao cuối cùng họ vẫn phải có cuộc chia tay?

Kể làm gì vương quyền phú quý
Ngại làm chi giới luật thanh quy
Chỉ muốn trời đất lâu dài
Được cùng với người trong lòng ta mãi sát bên nhau

Nữ Vương có tất cả vương quyền phú quý, vậy còn “giới luật thanh quy ư”. Chẳng phải chỉ cần đôi lứa được sánh đôi bên nhau mãi mãi là hạnh phúc. Các câu chuyện cổ tích cũng thường kết thúc như vậy. Nhưng sự thật thì chỉ là những điều con người mong muốn: Chỉ mong trời đất lâu dài. Trong lòng Nữ Vương vừa nói thôi bỏ hết giới luật đi, nhưng bản thân nàng cũng hoang mang, không chắc chắn trời đất này có là mãi mãi hay không.

Tạo hình nhân vật Tây Vương Nữ Quốc với thần thái đoan chính, tình cảm sâu lặng

Phật gia nói, con người đến thế gian này như đến khách sạn, tá túc vài ngày rồi lại rời đi. Cuộc đời ngắn ngủi như thế,  đặc biệt không có gì là mãi mãi. Có gặp nhau thì có biệt ly, đó là quy luật của tự nhiên, của cuộc sống. Giả sử hai người yêu nhau có nên duyên chồng vợ, kể cả có cuộc sống ấm no cả đời thì cuối cùng con người vẫn phải đối diện với sự xa cách, chia ly, bởi sinh lão bệnh tử không ai tránh khỏi. Cho nên Phật gia khuyên con người ta xem nhẹ tình cảm luyến ái. Đạo gia khuyên người ta theo thuyết trung dung, nghĩa là cái gì cũng vừa phải. Tri túc thường lạc là như vậy. Văn hóa Ai Cập cổ đại có mô tả rất chi tiết, rõ ràng về một vị thần cai quản cõi linh hồn có thân người đầu sói, những người chết sẽ được phát xét bằng việc cân tim, trái tim nào nặng bằng đúng một chiếc lông vũ thì người mang nó sẽ được đi vào cõi bất tử, bằng không nếu nặng hơn sẽ phải đi vào địa ngục, chịu hủy diệt.

Đường Tăng là người tu hướng Phật, nên ông hiểu rõ sự nặng nhẹ này, hiểu rõ ý nghĩa nhân duyên và vô thường của người thường. Có người xem phim xong cho rằng Đường Tăng không ở lại vì nghĩ đến trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với vua Đường… thực ra điều gì cũng có thể nhưng trên hết có lẽ là ông có ngộ tính, biết được thế nào là chân chính thực sự. Nhìn nữ nhi mắt ngấn lệ lặng lẽ sửa soạn đưa tiễn người nàng yêu thương, tri âm tri kỷ, người ngoài không thể không cảm thương.

Đường Tăng với lòng từ bi bao la của mình nhìn là thấy ngay tâm tư của thiếu nữ, đoạn cảnh ông lên ngựa rồi nhưng chưa nỡ vội vã rời đi ngay mà còn thúc ngựa quay lại nhìn người ở lại lần cuối, không phải ông động tâm hay vấn vương tư tình, mà bởi lòng cảm thương nhưng biết rõ không thể mang lại gì, không thể giúp được gì, không thể thật sự cứu giúp ai nếu có ở lại, cái được không đáng gì so với cái mất. Chắn chắn đó là tình cảm cao hơn, trong trẻo hơn mà chỉ có người chân tu mới cảm nhận được, đó là một loại cảnh giới khác mà người bình thường không thể lý giải.

Cảnh biệt ly trong tập phim

Người phương Đông xa xưa vốn sống trong lễ giáo và lề luật, không dễ bộc lộ tình cảm, chuyện tình duyên và hôn nhân rất nghiêm túc, sắt son chứ không dễ dàng bộc lộ, dễ dàng chọn lựa, dễ dàng thay đổi như người ngày nay. Dù vậy người xưa vẫn thường khuyên người ta muốn bình an, hạnh phúc thì cần luôn sống thuận theo tự nhiên, không cầu mong, kỳ vọng điều gì quá, tình cảm và cuộc sống cần phù hợp hài hòa, luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến lợi ích của mình. Nữ Vương vì vậy mà dù trong lòng có chút bi thương vẫn hiểu được đạo lý, ân cần tiễn biệt người trong mộng của mình. Chính bởi thế mà tình cảm ấy rất đẹp, và đó cũng là một tình cảm trọn vẹn, một chiến thắng của tâm hồn, của tinh thần trước những cám dỗ, thử thách từ bên ngoài.

Người ta nói rằng, yêu càng nhiều thì đau càng nhiều, rằng tình yêu có thể khiến con người thăng hoa, cũng có thể dìm chết con người trong nhớ mong, uất hận. Thực ra điều đó chỉ đúng với tình yêu vị kỷ, tình yêu chỉ hướng vào bản thân thân, là tư tình. Cũng là tình cảm ấy nhưng khi được hướng ra ngoài, thực sự dành cho người khác thì tình yêu ấy chính là tinh hoa trân quý nhất của con người, đó là tình yêu được giảng trong Ki-tô giáo hay lòng từ bi được giảng trong đạo Phật.

Lắng nghe giai điệu êm ái của bài hát và lời lẽ chan chứa, có thể bạn vẫn rơi lệ bởi chứng kiến tình cảm ngọt ngào, lặng lẽ, những mong ước yêu thương được gửi đi khắc khoải. Nhưng nghe lại một lần nữa, ngẫm nghĩ về lời hát và bối cảnh câu chuyện, có thể bạn sẽ mỉm cười bình an bởi vì đã hơn một lần nữa hiểu thấu đạo lý về tình yêu.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Vinh Hoa