Hãy tới Đài Loan du lịch một chuyến để cảm nhận hơi thở của nhân văn, trải nghiệm nét đẹp truyền thừa của văn hóa truyền thống. Khi bạn tới Đài Loan, thế giới của bạn sẽ đi xa hơn, tâm hồn bạn sẽ mở rộng hơn.
Đài Loan một đất nước thân thiện, thanh lịch và hiếu khách
Bay giữa quốc đảo, giữa màu xanh bát ngát, tôi lặng mình ngắm nhìn hòn đảo Đài Loan nhỏ bé nằm giữa đồi núi và rừng cây xanh ngắt một màu. Xung quanh là mặt nước biển bao la, đang yên bình soi dưới ánh nắng mơ màng. Máy bay đáp xuống sân bay Đào Viên, tôi ngơ ngác bước xuống sân bay, những cô tiếp viên xinh đẹp và thanh lịch mỉm cười chào đón hành khách đến với Đài Loan.
Ấn tượng của tôi về Đài Loan chỉ dừng ở những người Đài Loan mà tôi tiếp xúc tại Việt Nam. Trong suy nghĩ của tôi đó là những người thân thiện, lịch thiệp, nhiệt tình, vô cùng hiếu khách và luôn truy cầu sự hoàn thiện trong công việc. Tôi khá ấn tượng với cách ăn nói nhỏ nhẹ của những người đàn ông Đài Loan. Ở họ toát lên một vẻ đẹp kỳ lạ của sự khiêm nhường. Nhưng khi thực sự đặt chân xuống Đài Loan, hít thở bầu không khí nơi đây, và hòa cùng cảnh vật, con người nơi đây tôi lại thấy mình như lạc sang một thế giới khác hoàn toàn mới mẻ. Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài và chỉ đi có một mình. Nhưng không hiểu sao tôi không hề thấy lo lắng, chỉ có sự háo hức tự sâu thẳm đáy lòng.
Tôi ngơ ngác đến quầy hành lý và vòng đi vòng lại rất lâu mà vẫn không tìm thấy chiếc va ly của mình. Khi nhìn lại chỉ còn mình tôi đứng ở quầy. Thi thoảng chú chó đặc vụ lại đi qua, vẫy vẫy cái tai, cái mũi cứ hít hít đủ thứ mùi. Mỗi lần làm tốt chú lại được thưởng một miếng thịt khô, chú nhai ngấu nghiến một cách ngon lành. Khi tôi đang lúng túng không biết làm thế nào thì một cô nhân viên ở đó bước đến hỏi xem có thể giúp gì được tôi không? Tôi nói rằng tôi không tìm thấy chiếc va ly của mình. Cô ấy xem mã lấy hành lý dính trên vé máy bay của tôi, rồi rảo bước đi vào phía sau quầy và lôi ra chiếc va ly, mỉm cười trao lại cho tôi.
Tôi kéo va ly ra ngoài, mắt ngơ ngác nhìn tứ phía tìm xem có bóng dáng cô bạn của mình hay không. Đột nhiên có người ôm một bó hoa thật đẹp vẫy vẫy và gọi tên tôi. Tôi mừng rỡ nhận ra cô ấy.
Những ngày sau đó cô ấy đã đưa tôi đi khắp nơi, khiến tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Khung cảnh bình yên, tĩnh lặng đến bất ngờ giữa công viên đông đúc
Cô ấy lái xe đưa tôi tới Từ Hồ. Đó là một công viên nhỏ xinh xắn nằm bên cạnh chiếc hồ. Tôi tròn mắt nhìn tượng Tưởng Giới Thạch bày la liệt với đủ mọi tư thế. Bức thì cưỡi ngựa trông rất oai hùng, bức thì đứng, bức lại ngồi, bức thì giơ tay chào, bức lại trông khá nghiêm nghị. Bạn tôi kể rằng rất nhiều nơi họ đều tạc tượng Tưởng Giới Thạch và tặng cho công viên này, năm nào cũng có vài nơi tặng nên mới nhiều như vậy.
Kỳ lạ là công viên cũng đông nghịt người đi vãn cảnh nhưng khung cảnh lại yên lặng như tờ. Có những đôi nam thanh nữ tú nắm tay nhau tình tứ, cười cười nói nói, thì thầm vào tai nhau, khúc khích khúc khích. Cũng có những gia đình nhỏ cùng thơ thẩn dạo bước. Những em bé Đài Loan đáng yêu cứ chạy đi chạy lại lon ton, thi thoảng phát hiện ra điều gì đó thú vị chúng lại ríu rít gọi cha mẹ tới xem. Cũng có những cặp ông bà tóc đã bạc trắng ngồi trên chiếc ghế nhìn xa xăm. Khung cảnh bình yên đến lạ thường, mọi người nói chỉ đủ nghe và cố gắng không làm phiền tới người khác. Dường như mọi người đều đang hưởng thụ những phút giây hạnh phúc của cuộc sống thanh bình bên người thân yêu.
Các đấng mày râu bận rộn bồng con, xách đồ và hãnh diện khi được chăm sóc người phụ nữ của mình giữa chốn đông người
Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là ở đây, ngay giữa nơi công cộng, vậy mà các đấng mày râu lại bận rộn địu con, bế con. Các ông dắt cháu và đeo túi xách. Còn các bà, các chị thì đi thong dong, nhìn hai cha con, ông cháu mỉm cười hạnh phúc. Ồ, thật lạ! Chẳng phải mọi người nói rằng người Đài Loan gia trưởng lắm hay sao? Sao lại có chuyện ngược đời như thế này xảy ra nhỉ? Ở trong các quán ăn chuyện tương tự cũng xảy ra. Thông thường ở Việt Nam các chị các em đều cứ tất tả lo gọi cơm canh và chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo, để làm vừa lòng những người đàn ông thân yêu của họ. Thế mà ở đây, tôi chỉ thấy những cô gái ngồi chờ những chàng trai của mình mang đồ ăn tới. Các chàng tỏ vẻ rất hãnh diện khi chăm lo cho người phụ nữ của mình trước nơi đông người. Tôi mỉm cười nói với cô bạn: Đàn ông nước cậu thật đáng yêu! Cô ấy chỉ mỉm cười, bởi lẽ đã quá quen thuộc với những cảnh như thế.
Bất giác tình người ấm áp từ những chi tiết ở Đài Loan đã sưởi ấm trái tim tôi, khiến tôi thêm yêu mảnh đất và con người nơi đây
Ngay cả thùng rác và nhà vệ sinh ở Đài Loan cũng gây ấn tượng với tôi. Một điều thú vị nữa ở Đài Loan là nhà vệ sinh và thùng rác ở khắp nơi và có biển chỉ dẫn rõ ràng. Nên ở đây khi đi ra ngoài mọi người đều cảm thấy khá yên tâm và thoải mái. Trên khắp các con đường lớn ngõ nhỏ nhìn không thấy một mẩu rác. Thùng rác ở đây cũng đều chia ra 2 loại, một loại rác có thể tái sử dụng và rác không thể tái sử dụng. Mọi người đều khá quen thuộc với việc này, không ai bảo ai, ai nấy đều rất tuân thủ luật lệ nơi công cộng.
Còn nhà vệ sinh ở nơi nào cũng có một bục để đồ và một cái móc túi cho các chị em. Thông thường đều có một phòng vệ sinh dành riêng cho người tàn tật.
Trên những con đường đều vẽ vạch trắng và những lời hướng dẫn tỷ mỷ ở khắp mọi người. Bước chân trên đường phố Đài Loan tôi luôn cảm thấy ấm áp bởi những biển báo nhắc nhở ân cần như vậy: “Đường trơn vui lòng cẩn thận”.
Từ sân bay cho tới những con phố tôi đều bắt gặp những đường gạch nổi. Ban đầu tôi chỉ nghĩ họ cách điệu cho đẹp thêm. Cô bạn tôi chỉ vào đường gạch nổi đó và nói: “Chúng là dành cho những người khiếm thị”. Ai da! Không ngờ trong thiết kế tổng thể của cả một thành phố tại Đài Loan lại có những chi tiết tỷ mỷ đến vậy. Ngay cả người khiếm thị cũng có thể tự mình đi lại thoải mái tại nơi đây! Bất giác tình người ấm áp từ những chi tiết ở Đài Loan đã sưởi ấm trái tim tôi, khiến tôi thêm yêu mảnh đất này.
Cảnh tượng pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa và biển người đông nghẹt biến mất chỉ sau 20 phút đồng hồ
Ngày hôm sau là tết Dương lịch. Ở tòa tháp 101 nổi tiếng tại Đài Bắc có tổ chức bắn pháo hoa. Hôm ấy chúng tôi phải đậu xe ở rất xa rồi đi bộ vào trong. Người ở khắp mọi nơi đều thi nhau đổ về đông như kiến, đặc biệt là những đôi uyên ương và các bạn trẻ. Từ phía xa tôi đã nhìn thấy hai quả bóng bay rất to đang bay lơ lửng trên trời. Bạn tôi nói rằng nếu cần gì có thể qua đó tìm sự giúp đỡ, mọi người đều sẽ rất nhiệt tình giúp đỡ bạn. Tôi còn thấy từng dãy, từng dãy nhà vệ sinh di động đã ngồi an tọa ở đó, để phục vụ các du khách.
Chúng tôi chen chân vào trung tâm. Người quá đông cứ như những con sóng xô nhau. Tôi ngã rạp về một cô bạn trẻ người Đài Loan. Tôi chưa kịp mở miệng xin lỗi thì tôi lại bất ngờ vì nghe được lời xin lỗi từ bạn ấy! Sao lại có thể có chuyện ngược đời như vậy xảy ra trên mảnh đất này nhỉ? Suốt buổi tối hôm đó tôi liên tục nghe thấy những lời “Xin lỗi”, “Làm phiền bạn rồi!”, “Cảm ơn” vang vọng không ngớt khi mọi người đi ngang qua nhau.
Bất giác tôi quay ra và bắt gặp hình ảnh hai chị em người Đài Loan dắt nhau đi xem pháo hoa mà mắt tôi ngấn lệ. Cậu em nhìn phải mập gấp 3 tôi, trông như một cậu bé su mô. Vẻ mặt cậu ngơ ngác, như một cậu bé bị đao. Cô chị nắm chặt lấy tay em và thi thoảng nhìn cậu mỉm cười hạnh phúc. Tôi cũng thầm hiểu rằng cô chị đang muốn mang lại cho cậu em tội nghiệp của mình những giây phút bừng sáng dưới bông pháo hoa của năm mới.
Chỉ còn 30 giây nữa là đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Cả biển người đồng thanh hướng về màn hình lớn và đếm ngược đến 0 giờ. Những bông pháo hoa đủ màu sắc tỏa sáng rực rỡ giữa không trung. Hàng nghìn ánh mắt hạnh phúc đều ngước lên bầu trời thăm thẳm như nguyện ước những điều tốt lành cho năm mới. Thi thoảng lại òa lên những tràng pháo tay khen ngợi, xuýt xoa.
Khoảng 10 phút sau thì màn biểu diễn pháo hoa kết thúc. Mọi người lại lục đục đổ về các ngả. Những chiếc xe buýt dường như đã trực sẵn. Các chú cảnh sát giao thông với vẻ mặt hiền từ liên tục chỉ đạo đoàn xe chạy nhanh về các hướng. Loáng một cái, chỉ 20 phút sau, một biển người đã biến mất, trả lại không khí bình yên cho nơi đây. Tôi ngoảnh đầu nhìn lại, thấy thật khâm phục những người dân Đài Loan, trên quảng trường không thấy một mẩu rác!
Những con vật trên mảnh đất này cũng có thể hưởng thụ cuộc sống yên bình
Hôm sau cô bạn dẫn tôi tới Vườn Bách Thú Quốc gia ở Đài Bắc. Hôm ấy trời khá lạnh, thi thoảng có những hạt mưa rơi lất phất. Tôi thầm nghĩ chắc đi 1 tiếng là hết cái vườn bách thú này thôi mà. Nhưng đến nơi tôi mới biết vườn bách thú ở đây không giống như tôi nghĩ. Chúng tôi đi gần cả ngày trời, đến chùn chân mỏi gối cũng không đi xem hết được các con vật được nuôi dưỡng nơi đây.
Tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh những con thú nằm dài chán ngán giữa cái sân bê tông và vài gốc cây giả. Nói thực lòng, tôi thấy thương vì chúng bị nhốt ở đây và hàng ngày phải đón nhận những ánh mắt tò mò của con người đổ về phía chúng.
Nhưng ở Đài Loan thì khác hẳn. Dường họ mang cả một góc rừng về đây. Những con thú ở đây quả thực là đang hưởng thụ cuộc sống yên bình của mình. Cả một góc rừng cây rậm rạp tôi chỉ nhìn thấy có một vài chú hổ. Chúng vờn nhau, đùa nhau, rồi lăn ra ngủ ngon lành, như không hề có ai để mắt.
Cô bạn chỉ cho tôi một đĩa chuối đậu đầy những cánh bướm lung linh rất đẹp. Tôi thích thú khẽ chạm vào chúng. Nhưng kỳ lạ là chúng vẫn mải mê ăn chuối, chẳng hề để ý tới tôi. Ngay cả những chú bướm cũng chẳng có chút đề phòng khi thấy con người chạm vào mình. Chúng thật đáng yêu và thân thiện như những con người nơi đây vậy.
Chúng tôi lạc vào một cây cầu treo xung quanh quấn đầy cây leo, rồi thấy mấy em học sinh đi lại tíu tít, thì thào bảo nhau: “Hôm nay có hội thảo đấy!”. Chúng tôi tiến lại gần xem tờ hướng dẫn. Tôi đọc thấy dòng chữ: “Các bạn nhỏ, những chú côn trùng rất có ích với môi trường sống của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về cuộc sống của các chú nhé”. Oa! Ở nơi đây những chú côn trùng cũng được trân trọng đến vậy!
Tôi còn bắt gặp những chú chó nằm dài ven đường. Tôi hỏi cô bạn: “Sao chó ở đâu mà nhiều vậy? Con nào con nấy béo múp míp. Chúng không sợ bị bắt à?”. Cô bạn tôi chỉ cười bảo: “Người Đài Loan coi chó là loài vật rất trung thành với con người nên không ăn thịt chúng. Đó là những con chó hoang, những người dân tốt bụng mang đồ ăn ra cho chúng”. Thật may cho các chú, nếu ở Việt Nam thì đã trở thành những món đặc sản cầy tơ 7 món rồi!
Chúng tôi rời khỏi vườn bách thú, thì thấy trên đường chỗ lối ra có rất nhiều vết chân các con thú in trên lề đường. Trên đường có ghi dòng chữ: “Các bạn nhỏ thân yêu, các em thử đoán xem vết chân trên đường là của loài thú nào nào!”. Đi một đoạn nữa tôi lại đọc được một đoạn văn của một nhà văn nổi tiếng nào đó khắc trên mặt đường. Đại ý là giữa vũ trụ bao la, kỳ bí này con người chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ bé mà thôi. Ồ! Hóa ra các bạn nhỏ ở đây ngay từ bé đã được giáo dục để biết yêu thiên nhiên và kính ngưỡng vũ trụ như vậy. Thảo nào tôi luôn cảm nhận được sự khiêm nhường của những con người nơi đây!
Cố Cung, nơi lưu giữ những bảo vật của nền văn hóa Thần truyền 5.000 nghìn năm, nơi hội tụ tinh hoa của một trong những nền văn minh thế giới
Tôi đi từ sự thú vị này tới thú vị khác. Dẫu mới chỉ ở đây có vài ngày mà tôi như cảm thấy mình đang lạc sang một thế giới thần tiên. Cô bạn nhìn tôi mỉm cười hạnh phúc bảo: “Mai tớ dẫn cậu đi Cố Cung, cho cậu lác mắt!”
Sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt tại Cố Cung. Đập vào mắt tôi là những kiến trúc cổ kính, trang nghiêm như nơi thâm cung Tử Cấm Thành mà tôi từng thấy trong những bộ phim cổ trang của Trung Quốc. Tôi vừa đưa mắt ngắm nhìn những mái nhà cong cong, vừa vội rảo bước theo cô bạn vào trong.
Tôi cũng từng nghe về những bảo vật ở Trung Quốc nhưng chưa bao giờ được tận mắt ngắm nghía chúng. Hôm đó tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tôi không khỏi choáng ngợp và phải nghiêng mình kính phục bởi sự tinh xảo và những giá trị tinh thần lưu giữ trong những món bảo vật đó. Hôm ấy đúng là tôi đã được mở rộng tầm mắt. Bạn tôi kể những cổ vật ở Cố Cung luân phiên thay đổi 30 năm mới bị trùng một lần. Quả là một chuyến đi vô cùng thú vị!
Bởi vậy người dân Đài Loan lại có thể giữ gìn nhiều nét văn hóa truyền thống và con người nơi đây lại lương thiện như thế. Những gì tinh túy của văn hóa Thần truyền đều được lưu lại nơi đây và lưu lại trong tâm hồn những người Đài Loan.
Ngồi trên máy bay trở về Việt Nam lòng tôi bịn rịn như phải chia xa một góc tâm hồn của mình vậy
Sáng sớm hôm sau cô bạn chở tôi ra sân bay. Cô ấy hẹn tôi làm thủ tục xong thì ra gặp nhau. Tôi gật đầu, kéo va ly và ôm theo bó hoa cô tặng khi tới đây.
Vào đến quầy làm thủ tục tôi mới biết rằng chuyến bay của tôi sắp cất cánh. Những cô nhân viên hàng không dưới mặt đất tíu tít giúp tôi làm thủ tục thật nhanh chóng và một người đích thân dẫn tôi tới tận cửa máy bay cho kịp giờ. Bước tới cửa máy bay tôi cảm ơn cô ấy và nhìn theo cho đến khi bóng cô khuất dần. Những con người nơi đây sao quá đỗi thân thiện như vậy? Họ khiến tôi có cảm giác như đang được trở về quê hương mình, chứ không phải là tới thám hiểm một vùng đất mới.
Ngồi trên máy bay, nhìn ra bầu trời hòa cùng mặt biển bao la, những giọt nước mắt tự nhiên trào ra. Tôi không sao kìm nén nổi cảm xúc của mình. Một phần vì nuối tiếc không được gặp lại cô bạn như lời đã hứa, chẳng biết khi nào chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Một phần vì mảnh đất này đã in sâu trong tâm hồn tôi những cảm xúc ngọt ngào và bình yên.
Từ đó đến nay, mỗi năm tôi lại trở lại Đài Loan một lần. Lần nào tôi cũng thấy nhớ Đài Loan cồn cào. Bạn tôi cười bảo: “Chắc kiếp trước bạn là người Đài Loan nên mới có cảm giác ấy!”
Vậy nên nếu có cơ hội xin hãy một lần tới Đài Loan và tự mình trải nghiệm. Đài Loan không xa hoa, lộng lẫy như các thành phố hiện đại. Đài Loan trông cổ kính, thâm trầm nhưng lưu giữ biết bao nét đẹp văn hóa đã hun đúc nên những tâm hồn thánh thiện và hiếu khách nơi đây.
Hiểu Liên