Trong cuộc sống, người ta dễ gặp phải điều rắc rối. Những người gặp rắc rối thường thích đổ lỗi cho người khác. Họ lại muốn cải biến hành vi của người khác, muốn ai cũng phải hành xử theo cách mình nghĩ. Nhưng khi không thể làm được điều đó, mọi chuyện sẽ ra sao?
Người ta thường đổ lỗi cho người khác, cơ hồ như việc đổ lỗi ấy có thể giảm stress cho mình. Nhưng theo thời gian, bạn sẽ thấy vô cùng thống khổ trong cái vòng luẩn quẩn của stress và đổ lỗi. Thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy thế nào?
Bình thản quan sát
Chuyên gia tâm lý người Mỹ, Nancy Colier cho rằng người ta thực sự trừ bỏ được sự thống khổ nội tâm không phải bằng cách đổ lỗi mà bằng việc thay đổi quan điểm, góc nhìn. Khi bạn gặp phải phiền não, đừng vội đổ lỗi mà hãy thử đặt mình vào địa vị người khác và tự hỏi cái gì đang động chạm đến mình và làm mình khó chịu đến vậy?
Có một điều chắc chắn đó là thay đổi bản thân dễ dàng hơn cải biến người khác. Bạn trai của Nancy Colier là người luôn phàn nàn và hay đổ lỗi. Nancy muốn thay đổi tình trạng đó nên thường động viên anh rằng: “Mỗi khi gặp việc bực mình, hãy tận dụng cơ hội ấy để hướng vào nội tâm và tìm nguyên cớ “.
Nhưng rất tiếc là bạn trai cô vẫn không hiểu ra, mà Nancy trái lại còn trở nên cáu kỉnh, trách móc, đánh mất cả sự bình tĩnh của mình. Trong đầu cô lúc nào cũng thường trực ý nghĩ: “Nếu chẳng phải vì anh ta là một người vô trách nhiệm và hay đổ lỗi thì mình đâu có khổ thế này“.
Nỗi đau khổ ấy khiến Nacy phải hướng vào nội tâm, không phải để trách móc mà để nghiên cứu từng sự việc, từng cảm xúc mà tìm ra căn nguyên đau khổ của mình. Sau đó cô nhanh chóng hiểu ra lý do. Điều đó thật đơn giản nhưng trước đây cô không bao giờ nhìn ra. Cô nhận thấy rằng, sở dĩ bạn trai có thể khiến cô đau khổ là bởi trong tâm cô vẫn còn tồn giữ những ràng buộc, những cảm xúc tiêu cực.
Khi bạn trai chạm đúng vào những thứ cảm xúc ấy, khiến nó bật lên, thì nỗi thống khổ sẽ ngập tràn trong lòng cô. Điều ấy giống như việc người ta cầm trong tay một chiếc chai và xóc liên tục. Nếu trong chai có đầy đá răm thì nó sẽ phát ra tiếng kêu chói tai, nếu trong chai chẳng có vật gì thì có lắc mạnh bao nhiêu cũng chẳng nghe thấy gì cả.
Trước đây hành động của bạn trai có thể làm Nancy đau khổ nhưng giờ đây cô có thể bình thản quan sát, không phản ứng. Cô tự nhủ: “Mình hiểu những việc này đều có căn nguyên“. Rồi mọi sự lặng lẽ kết thúc. Trước đây chúng có thể gây nhiều buồn phiền nhưng bây giờ chẳng làm được gì nữa, giống như pháo đứt ngòi.
Trí huệ Đông phương: Thấu hiểu
Những gì mà Nancy nói về phương pháp “Bình thản quan sát” thực ra chính là đạo lý được người Á Đông xưa truyền tụng rộng rãi suốt hàng nghìn năm. Trong “Luận ngữ”, Nhan Uyên nói: “Nội tỉnh bất cứu“, tức là tự xét trong lòng không có điều hổ thẹn.
Trong “Luận ngữ”, Tăng tử cũng nói: “Ta mỗi ngày tự xét bản thân mình về ba điều: Vì người khác mưu tính công việc có giữ lòng trung thành không? Cùng bạn hữu giao thiệp có giữ lòng trung tín không? Có chuyên tâm học tập không?”. Mỗi ngày, ông đều tự mình trầm tĩnh cái tâm xuống để thấu hiểu xem có thiếu sót nào trong hành xử không. Thực ra thấu hiểu chính là trí huệ từ thời thượng cổ truyền lại, để cho lê dân bách tính rèn luyện hàng ngày.
Kiến trúc sư nổi tiếng người Đài Loan Hán Bảo Đức từng nói: “Nếu người dân của một quốc gia có được sự thấu hiểu về tu dưỡng thì tự nhiên sẽ biết khiêm tốn, không xem thường người khác. Trong trường hợp tranh cãi thì sẽ biết nhượng bộ, giữa người với người thì dễ hòa giải, xã hội cũng dễ đoàn kết“.
Từ xưa, thấu hiểu chính là một phương pháp chủ động để đề cao tu dưỡng đạo đức bản thân. Thấu hiểu chính là giữa người với người có nảy sinh mâu thuẫn thì cũng phải biết khiêm tốn, đừng mãi đổ lỗi cho người khác mà tạo nên nỗi thống khổ hoặc phiền muộn cho chính mình. Thay vì hướng ra bên ngoài tìm kiếm lỗi lầm của người khác, hãy tự tìm sai trong bản thân mình, hãy tự “hướng nội”.
Đó vừa là thể hiện của đức nhẫn nại, vừa là phẩm chất của lòng bao dung, bác ái. Một người nhẫn nại, bao dung thì liệu có bao giờ còn phải buồn rầu, sầu muộn nữa không đây?
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Hữu Kỳ biên dịch