Ác nghiệp đời trước nay thành bệnh, thành tâm cầu Phật vượt nguy nan.

Tại chùa Quảng Nhân, làng Phàn Giang, vùng Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, có vị hòa thượng Bảo Quang, tên tục Trần Ấu Thanh, quê nhà ở phố Triều Đông, thành Thiệu Hưng, Trung Quốc.

Trần Ấu Thanh rất có thiện căn. Năm 14 tuổi, khi nghe được những lời khuyến thiện, ông đã nảy sinh tâm nguyện muốn được xuất gia tu hành. Năm 19 tuổi, ông mở một hiệu thuốc, ông thường khuyên những người làm thuê trong tiệm hãy ăn trai trường (tức là kiên trì ăn chay trong thời gian dài hoặc không ăn sau giờ trưa), tiền món mặn sẽ được bù vào khoản lương.

Tuy vậy không may là mùa thu năm này, hai mắt của Ấu Thanh bỗng đều bị mù cả. Đến năm thứ hai, cổ của ông bị bệnh tràng nhạc, rồi ông lại bị bệnh hạc tất phong.

Vì để chữa khỏi bệnh, bắt đầu từ mùng 1 tháng 12, mỗi ngày khi đến canh năm ông đều quỳ ở trước sân cầu khẩn Bồ Tát, tuy vậy dù đã khẩn cầu hơn 49 ngày vẫn không thấy hiệu nghiệm. Bởi khi đó trời băng đất tuyết, người nhà lo ông bệnh tình trở nặng, liền khuyên ông giữ gìn thân thể, chú ý sức khỏe, nhưng không sao khuyên ngăn ông được. Ấu Thanh nói nếu như đại hạn đã đến, tình nguyện được chết cho mau lẹ, còn như thọ số chưa tận, cầu mong ông Trời ban phúc sao cho khỏi được mau lẹ. Ông phát nguyện rằng sau khi khỏi bệnh nguyện ý xuất gia làm hòa thượng.

Đến cuối tháng giêng năm sau, vào lúc canh năm, ông quỳ ở trước sân ra sức cầu nguyện như thường lệ, bỗng ông ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Trong lúc mơ màng, ông nhìn thấy có một người đàn ông đang bước về phía ông, nói rằng: “Trần tiên sinh, anh bị bệnh rồi chăng?” Rồi nói với ông: “Bệnh tật là quả báo do ác nghiệp đời trước đã tạo, anh hãy đi theo tôi”. Ấu Thanh đi theo người đàn ông đó, nhìn thấy hai bên đều là những cồn cát vàng, còn có rất nhiều phòng ốc.

Bà lão tóc trắng khai thị huyền cơ

Hai người đi được hơn một dặm thì đến một nơi. Nơi đó có một đại sảnh cùng bảy gian phòng, một gian trong đó có bố trí bàn xử án, hai chiếc ghế tựa. Chỗ khác với những ghi chép ở dân gian về Âm ty, là ông nhìn thấy người ngồi trước bàn xử án không phải là đại vương hoặc đại quan mặt mày uy nghiêm, mà là hai bà lão. Bà lão tóc trắng ngồi ở bên trái, bà lão tóc đen ngồi ở bên phải.

Bà lão tóc đen đứng dậy đi vào trong buồng, bà lão tóc trắng mời Ấu Thanh ngồi vào chiếc ghế ở bên phải, rồi nói với ông rằng: “Nhà ngươi muốn tu Đạo, nhưng có hiểu được chữ ‘Đạo’ (道) viết thế nào hay không?”. Ấu Thanh nói chữ ‘Thủ’ (首) cộng thêm chữ ‘Tẩu’ (走).

Tuy vậy bà lão tóc trắng lại nói: “Không phải. Chữ ‘Đạo’ mà ta nói đó chính là ba chữ ‘Trực’ (直)”. Đối với câu nói này hầu như mỗi người đều có lý giải khác nhau. Có người cho rằng hàm nghĩa cổ xưa của chữ ‘Trực’ là những gì mà mười con mắt nhìn thấy được, mười con mắt đều đang nhìn, cũng chính là chỉ trên Trời, trên Đất cộng thêm bốn mặt tám hướng, Thần linh trong khắp thế giới mười phương đều dõi theo nhất tư nhất niệm, nhất cử nhất động của con người. Ba chữ ‘Trực’ hình dung con mắt của Thần linh rất chi nhiều, có mặt ở khắp nơi.

Ba chữ ‘Trực’ xếp chồng lên nhau là thành chữ “Xúc” (矗), hàm nghĩa cổ xưa là hình dung cỏ cây xum xuê xanh tốt, có thể suy ra là gia sản dồi dào. Chữ ‘Trực’ còn có ý là thẳng đứng, ba chữ ‘Trực’ chính là ba đường thẳng đứng, không nghiêng không lệch, rất thẳng. Nói với mọi người rằng, trong cuộc sống thường ngày, cần phải khéo bảo trì thân, khẩu, ý. Ba điều này cần phải thực hành sao cho ngay chính nhất, tức là mỗi một hành động, mỗi một lời nói, mỗi một ý niệm đều phải ngay chính”.

Ấu Thanh nghe bà lão tóc trắng nói xong, vẻ mặt ngơ ngác, chẳng nghe hiểu ý của bà lão. Khi ông nói bản thân mình làm ăn buôn bán kiếm được rất nhiều tiền, trong nhà đã tích lũy được một khoản tài sản, bà lão tóc trắng nghe đến đây lập tức đứng phắt dậy, làm một động tác, trước tiên nhìn sang hai bên trái phải nhìn một cái rồi lại ngồi xuống. Ấu Thanh vẫn xem không hiểu, lúc này người dẫn đường nói: “Ý bà cụ là nói hết thảy mọi thứ nơi thế gian con người trong nháy mắt đều là hư không”. Bà lão tóc trắng dùng động tác này ví von “hư không”, xung quanh cái gì cũng không có. Bà nhắc nhở Ấu Thanh đừng nên chấp trước vào mọi thứ nơi thế gian con người, cuối cùng bản thân vẫn phải trở về nơi chốn ban đầu của mình, cái gì cũng đều không mang theo được.

Một chuyến du ngoạn không gian khác, căn bệnh quái ác được chữa lành

Bà lão tóc trắng chỉ cánh cổng tròn thông vào cái hang ở phía ngoài phòng cho bảo Ấu Thanh hãy đi vào nhìn thử. Ấu Thanh đi vào giữa pháp đình bên trong cái hang, lập tức cảm thấy khí lạnh thấu xương, mà trong căn phòng lớn phía sau pháp đình lại là tiếng người huyên náo. Đi vào sâu bên trong, lại có năm đại sảnh lớn, bên ngoài được vây quanh bởi hàng rào gỗ màu đỏ, chính giữa đặt một chiếc bàn xử án. Một người thân mặc áo dài màu vàng ngồi ở bên trên, phía dưới có một người đang quỳ.

Ấu Thanh lại nhìn thấy có hai người lôi một gã đàn ông cao lớn đi vào bên trong hàng rào quỳ xuống, lệnh cho đàn ông đó thè cái lưỡi ra. Lúc này có hai âm sai, một người trông như người thường, một người lại là màu tím đen. Một người lôi từ trong túi ra cái móc câu móc vào đầu lưỡi của người đàn ông đó, người còn lại thì lấy ra một con dao cắt sống lưng của người đàn ông. Có lẽ, người đó lúc sống không tu khẩu đức, tạo khẩu nghiệp sâu dày nên phải hoàn trả bằng phương thức này.

Khung cảnh thật sự quá khủng khiếp, thê thảm, Ấu Thanh sợ đến không dám nhìn tiếp nữa. Bỗng có một người chạy vội đến muốn bắt ông. Ông sợ quá vội quay người bỏ chạy, lại bị một con sông lớn chắn mất đường đi, Ấu Thanh hết đường trốn chạy, đành phải lấy hết can đảm liều mạng nhảy xuống, lúc này ông bỗng từ trong mê choàng tỉnh dậy.

Ngày thứ hai sau khi Ấu Thanh giật mình tỉnh dậy, trên người không ngừng phát sốt, kéo dài đến hơn nửa tháng bệnh tình lại dần dần chuyển biến tốt hệt như kỳ tích vậy, một con mắt cũng đã hồi phục thị lực. Ông đã từng phát nguyện rằng, sau khi khỏi bệnh sẽ xuất gia tu hành, nhưng mẹ ông lại không đồng ý.

Tháng 8 năm đầu Dân quốc, mẹ của Trần Ấu Thanh qua đời. Tháng 2 năm sau, ông liền đến chùa Quảng Nhân xuống tóc xuất gia, năm đó ông 26 tuổi. Từ đó ông một lòng chân tu cửa Phật, hy vọng sớm ngày được trở về thế giới của Thần Phật. Khi câu chuyện này được ghi chép trong quyển Nhân Quả Luân Hồi Thực Lục, Ấu Thanh vẫn còn tại thế, năm đó ông 44 tuổi.

Ấu Thanh từ trong mộng biết được rằng, bệnh tật là quả báo của ác nghiệp đời trước. Điều may mắn là ông đời nay hướng thiện, lập chí tu hành. Nghiệp báo của mọi khổ đau thông qua giấc mộng kỳ lạ đã được hóa giải giống như kỳ tích vậy. Đây có lẽ là bởi đức tin mạnh mẽ của ông, dù thân đang trong thống khổ bị bệnh tật hành hạ mà vẫn có thể một lòng giữ vững tín tâm vào Thần Phật, nhờ vậy mà có được thiện báo chăng?

Theo Đỗ Nhược, EpochTimes
Vũ Dương biên dịch

Video: Rốt cuộc sổ sinh tử của Diêm Vương ghi chép những gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||cd14a8e00__