Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một góc nhìn. Bởi vậy mà cùng một sự việc nhưng mỗi chúng ta lại có suy nghĩ và ứng xử khác nhau. Dưới đây là ba câu chuyện ngắn mang thông điệp ý nghĩa về cách nhìn cuộc sống.

Câu chuyện số 1: Nồi cơm và bát canh

Khi tôi lên lớp 2 hay lớp 3 gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ vẫn hay nấu những nồi cơm bị nát vì cho quá nước, còn nồi canh thì mặn chát vì cho muối quá tay.

Vào một buổi tối mùa đông sau ngày làm việc dài trở về nhà, mẹ tranh thủ nấu bữa tối cho cha con tôi. Cha lúc đó cũng vừa đi làm về trong bộ dạng mệt mỏi. Sau một hồi nấu nướng tất bật mẹ bày ra một một bát canh nấu vội, vài miếng đậu phụ cùng một nồi cơm nát. Khi vừa nhìn mâm cơm mẹ nấu, vẻ mặt tôi trở nên ngao ngán. Tôi ngước lên nhìn cha trong đầu thầm nghĩ: “Lần này chắc cha lại nổi trận lôi đình cho mà xem’’.

Nhưng tôi chỉ thấy cha ăn một cách ngon lành, cha cũng không quên nói những câu vui vẻ và hỏi thăm chuyện học hành của tôi. Tôi nhớ lúc đó mẹ đã xin lỗi cha tôi một cách đầy lo lắng. Và tôi cũng không quên những gì cha nói với mẹ: “Không sao đâu, em không biết là giờ anh đã đổi khẩu vị rồi à?”

Tối đó khi đi ngủ tôi thì thầm với cha: “Cha thích ăn mặn từ khi nào vậy ạ?” Cha xoa đầu tôi cười rồi nói: “Con trai à, mẹ con ở ngoài đã làm việc vất vả rồi, về đến nhà lại phải lo toan cáng đáng hết chuyện gia đình, mẹ con quả thật rất vất vả”. Ngưng một lúc rồi cha nói tiếp: “Cha ngày trước luôn làm mẹ con buồn, mỗi khi mẹ con nấu ăn không đúng khẩu vị của cha thì cha lại nổi nóng, chê bai, quát mắng. Những lần như vậy thấy mẹ con ngồi khóc, nghĩ lại cha mới thấy bản thân mình thật ích kỉ con à”.

Rồi cha nói tiếp: “Con trai à, trong cuộc sống người ta không thể nào làm tốt tất cả mọi thứ được, ai cũng có những mặt không hoàn hảo của mình. Hãy nhìn vào điểm tốt của họ mà bỏ qua những điểm xấu và không quên dùng những lời nói tích cực để động viên họ, con sẽ thấy cuộc sống xung quanh mình đầy niềm vui và những điều tích cực.”
Hạnh phúc đôi khi không ở đâu xa, mà ở ngay những lời an ủi, động viên khi cần thiết. (Ảnh minh hoạ: internet)

Lời bàn: Con người sinh ra ai cũng có nhược điểm và ưu điểm, không có ai là hoàn hảo cả, ai cũng sẽ có những lúc gặp sai lầm. Hãy cảm thông và dùng những lời nói tích cực để động viên khi người khác mắc khuyết điểm, và hãy biết trân trọng những người xung quanh mình.

Câu chuyện số 2:  Ba con sư tử

Trong một khu rừng nọ có ba con sư tử cùng nhau hợp tác săn một con bò rừng. Sau khi hạ gục được con bò rừng, con sư tử A nói: “Hôm nay chúng ta nấu món súp bò thì thật là ngon tuyệt!”

Con sư tử B không đồng ý đáp lời: “Không, chúng ta nên cho vào nồi hấp là ngon nhất”.

Con sư tử C rú lên một hồi rồi nói: “Theo tôi thấy chúng ta nên nấu món phở bò là ngon nhất”.

“Không súp bò!”, “Không phở bò!”, “Không hấp bò!” ba con sư tử không con nào chịu con nào cãi nhau mãi không dứt, con nào cũng cho rằng ý kiến của mình là đúng. Con cá sấu nằm cạnh đó lợi dụng thời cơ, cướp con bò lôi xuống sông rồi chuồn mất. Ba con bất ngờ há mồm nhìn nhau vì làm mất con mồi.

Lời bàn: Khi làm việc theo nhóm chúng ta nên nghĩ đến đại cuộc, hạ bớt cái tôi của mình xuống. Mỗi người hãy dung hòa lắng nghe ý kiến của người khác. Và khi chuyện không theo ý muốn xảy ra, mỗi người nên hướng vào bản thân tự suy xét chính mình, tìm điểm chưa tốt để lần sau làm tốt hơn, không nên đổ lỗi cho người khác. Việc tranh cãi bất hòa tạo ra sơ hở khiến kẻ khác lợi dụng gây thiệt hại cho nhóm.

Câu chuyện số 3: Hai chiếc ô tô

Trên một đoạn đường quê có chiếc xe ô tô cũ kĩ đậu ở ven đường. Một hôm chiếc ô tô từ thành phố chạy qua đó. Thấy chiếc ô tô cũ nằm buồn rười rượi, chiếc ô tô thành phố tò mò đến hỏi thăm: “Sao bác nằm đây buồn thế?”. Chiếc ô tô cũ kĩ buồn rầu đáp lại: “Tôi ngày nào cũng phải chở hàng hóa, khi nghỉ ngơi thì nằm ở cái chỗ đồng không mông quạnh này quanh năm ngày tháng”.

Chiếc ô tô thành phố mừng thầm trong bụng, nghĩ: “Ta ngày nào cũng phải chở khách ở cái thành phố không khí ngột ngạt đầy khói bụi, ngày nào cũng tắc đường, còi thì inh ỏi suốt ngày”. Thế là hai chiếc xe hoán đổi chỗ cho nhau. Sau một thời gian hai chiếc xe đều hư hỏng nặng rồi trở thành đồ phế thải. Một chiếc hỏng vì chở hàng quá sức, còn một chiếc thì hư hỏng nặng vì tai nạn.

Lời bàn: Mỗi người sinh ra đều có số mệnh an bài, mỗi người đều có cuộc sống và hạnh phúc của riêng mình, chúng ta nên trân trọng cuộc sống của chính mình.

Thành Vũ

Xem thêm: