Gần đây, giới truyền thông đưa tin về võ sỹ MMA Từ Hiểu Đông nổi danh “đánh những anh hùng rởm”. Từ Hiểu Đông nói, Lý Tiểu Long chỉ là một diễn viên điện ảnh, không có khả năng thực chiến. Vậy Lý Tiểu Long rốt cuộc có kungfu như thế nào?
Kungfu thực chiến của Lý Tiểu Long
Sư huynh cùng truyền thụ võ nghiệp của Lý Tiểu Long là Hoàng Thuần Lương, đệ tử của Diệp thị Vịnh Xuân, khi còn trẻ đã nổi tiếng là “Giảng thủ vương”. “Giảng thủ” tức là ra tay tỉ thí, tức là đánh nhau. Hoàng vốn xuất thân từ quyền Anh, vốn không phục bất kỳ võ sư võ truyền thống nào. Khi chưa nhập môn thì ngay cả Diệp Vấn anh cũng dám khiêu chiến, sau này bái Diệp Vấn làm thầy.
Anh luyện Vịnh Xuân quyền được 3 tháng liền đi khắp nơi khiêu chiến. Đối thủ toàn là những võ sư của các võ quán tên tuổi, đều có khả năng thực chiến. Anh đánh ít nhất cũng trăm trận, dường như bất bại. Những năm 50 của thế kỷ trước, anh tham gia cuộc thi đấu võ truyền thống do Đài Loan tổ chức, đọ sức với “Đài Loan thối vương” (vua đòn chân Đài Loan) là Ngô Minh Triết luyện Thiếu Lâm trường quyền, cân nặng hơn anh 18 kg, kết quả Hoàng Thuần Lương cũng không thất bại.
Bản thân Lý Tiểu Long cũng học võ của “Giảng thủ vương” Hoàng Thuần Lương, cực kỳ chú trọng thực chiến, dốc sức cổ vũ kỹ năng chiến đấu tiếp xúc toàn diện. Trong tạp chí “Đai đen” (Black belt), anh viết một loạt bài viết. Ảnh hưởng toàn thế giới của các bộ phim do Lý Tiểu Long đóng và quan niệm của Karate phái Kyokushin đã thúc đẩy sự ra đời của giải đấu võ thuật tự do, tức là MMA (mixed martial arts).
Trong bộ phim “Long tranh hổ đấu”, trang phục Lý Tiểu Long đọ sức với Hồng Kim Bảo là quần ngắn vật, găng tay ngón; các kỹ thuật chiến đấu thì mang đậm phong cách MMA (kết hợp các kỹ thuật đánh đứng, kỹ thuật quật ngã, kỹ thuật đánh nằm trên sàn). Cuối cùng, anh dùng kỹ thuật quật và khóa cổ của Judo siết chết Hồng Kim Bảo.
Khi quay phim “Mãnh hổ qua sông”, Lý Tiểu Long và Chuck Norris, người quyết đấu cuối cùng trong đấu trường La Mã đã cùng đàm luận võ thuật trong một căn phòng của khách sạn. Một lời không hợp liền đứng lên muốn tỉ thí. Lý Tiểu Long đã đánh Norris từ trong phòng lùi ra hành lang, liên tiếp tấn công khiến Norris lùi đến trước thang máy, cho đến tận khi Norris không còn đường lùi nữa lưng chạm tường. Hai người cười dừng tay. Sự kiện này đích thân Hồng Kim Bảo nói công khai trong một bộ phim tài liệu. Khi hai người thử sức, anh cùng với hơn 10 người nữa có mặt chứng kiến. Norris là vô địch Karate thế giới và nhiều lần vô địch trong các giải Karate toàn nước Mỹ.
Lý Tiểu Long xuất thân từ luyện võ thuật truyền thống. Trong con mắt của Lý Tiểu Long, người luyện Vịnh Xuân quyền thì võ thuật cần phải là kỹ thuật chiến đấu sống chết như thời cổ đại, chứ không phải chỉ là biểu hiện ‘đánh tới là dừng’. Cái gọi là ‘đánh tới là dừng’ chính là trong thi đấu Karate, sau khi đột phá được phòng ngự của đối phương thì không được đánh vào thân thể đối phương, chỉ đánh tới là dừng, tức là được điểm rồi.
Lý Tiểu Long thành danh từ võ thuật truyền thống Vịnh Xuân, dù anh không nhận được chân truyền từ sư phụ Diệp Vấn. Ngay cả Tổng giám đốc UFC Dana White cũng phải nói Lý Tiểu Long là cha đẻ của kỹ thuật võ tổng hợp. Cao thủ MMA hạng nặng Matthew Bonner cũng có cách nhìn tương tự.
UFC là giải đấu vô địch tối hậu (Ultimate Fighting Championship), một giải đấu võ thuật tổng hợp ở Mỹ bắt đầu từ năm 1993. Giải đấu này dành cho các loại võ thuật khác nhau có khả năng thực chiến tương đương, các giới hạn trong thi đấu rất ít. Đấu trường là một “lồng bát giác”, có một trọng tài, mỗi hiệp 5 phút, tổng cộng 3 hiệp. Nếu 3 hiệp vẫn không phân thắng bại thì do 3 vị trọng tài ngoài sàn đấu quyết định thắng thua. Cũng như vậy, khi một bên nhận thua, bị ngất hoặc trọng tài cho dừng trận đấu thì trận đấu kết thúc.
Võ thuật truyền thống và thi đấu hiện đại
Từ Hiểu Đông vốn là võ sư Sanda, sau khi hạ nhiều “đại sư võ thuật truyền thống” giả, trên mạng xôn xao những bình luận như “võ thuật truyền thống chỉ là quyền cước múa may hoa mỹ”, “hiện đại chiến thắng truyền thống”… Vậy võ thuật truyền thống và thi đấu hiện đại có quan hệ gì?
Kỹ thuật UFC – giải đấu võ thuật tổng hợp hàng đầu thế giới chính là tập hợp các loại võ thuật của các quốc gia mà thành. Các võ sỹ đều tinh thông các kỹ thuật của boxing, Muay Thai, Karate, Tiệt quyền đạo (còn gọi Triệt quyền đạo) và Judo. Mặc dù không có các phái võ truyền thống, nhưng trừ boxing ra thì các phái võ kia đều tiếp thu ảnh hưởng của võ thuật truyền thống. Karate là võ thuật người Nhật học của người Trung Quốc triều Đường, ban đầu được người Nhật gọi là Đường thủ đạo (Tang Soo Do). Muay Thai là võ thuật của nước Nam Chiếu cổ đại (vùng Vân Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam ngày nay). Tổ tiên người Thái là người nước Nam Chiếu cổ.
Thời Đường có tượng đất người đánh võ boxing của người Hồ, các tư thế võ boxing của người Túc Đặc hoàn toàn giống với các thế võ boxing hiện đại ngày nay. Thế nên, chí ít thì người đời Đường cũng đã biết boxing rồi.
Từ Hiểu Đông vốn xuất thân từ vận động viên Sanda. Khi bắt đầu tổ chức giải thi đấu năm 1979 gọi là Tán thủ bởi vì các môn phái đều có Sáo lộ (Taolu – biểu diễn quyền) và Tán thủ (Sanshou – đối kháng). Sáo lộ dùng để rèn luyện, Tán thủ dùng để thi đấu đối kháng. Ví dụ có thể kể đến Nhạc gia Tán thủ, Vịnh Xuân Tán thủ… Thái cực tất nhiên cũng có Tán thủ. Sau này mới đổi tên thành Tán đả (Sanda). Do đó Sanda không phải là cái gì mới mẻ, chỉ là các môn phái hợp các kỹ thuật đánh cơ bản của mình.
Tình trạng này cũng giống như võ tự do, giống như Karate kiểu tiếp xúc hoàn toàn (Full contact Karate). Cái gọi là “Cao thủ Sanda” hạ gục “Lôi Công Thái cực”, thực ra chỉ là Sanda đánh thắng Taolu mà thôi.
Những người như Lý Tiểu Long đã cải cách thi đấu Karate ‘đánh tới là dừng’, biến thành hình thức tiếp xúc hoàn toàn (full contact), thực ra đó chính là một hình thức trở về với thuật thi đấu võ cổ đại. Võ tự do MMA chính là trở về với kỹ thuật đánh đứng thời cổ đại. UFC chính là trở về với quy tắc thi đấu Pankration của Hy Lạp cổ đại.
Nói nào là “võ thuật truyền thống chỉ là biểu diễn quyền cước hoa mỹ”, nào là “hiện đại chiến thắng truyền thống”, quả là nực cười.
Theo epochtimes.com
Tác giả: Hạ Tiểu Cường
Biên dịch: Nam Phương