Lý Bạch không chỉ là nhà thơ vĩ đại thời Đường mà còn là một tài năng văn thơ được cả thế giới tôn sùng ca ngợi. Lý Bạch giỏi thơ ca, tinh thông lịch sử, học rộng biết nhiều, kiến thức uyên bác, đồng thời là một dịch giả ngoại ngữ hiếm thấy, chỉ nhờ vào một đạo quốc thư mà dọa lui được 10 vạn hùng binh ngoại bang.

Theo “Cảnh giới thông ngôn” của Phùng Mộng Long đời nhà Minh, Lý Bạch là cháu đời thứ 9 của Hoàng đế Tây Lương Lý Cục. Thân mẫu của Lý Bạch mơ thấy Thái Bạch Kim Tinh giáng trần nhập thai mà sinh ra ông. Vì thế Lý Bạch tên là “Bạch” và tự là “Thái Bạch”.

Lý Bạch dung mạo thanh tú, cốt cách thanh tao, ngoại hình phiêu đãng xuất thế. Năm lên 10 tuổi, Lý Bạch đã tinh thông lịch sử, xuất khẩu thành chương. Người bấy giờ khen ngợi ông văn chương hoa mỹ, gọi ông là tiên giáng trần.

Lý Bạch hiệu là cư sĩ Thanh Liên, nhiều năm phiêu dạt bốn bể, thưởng ngoạn các loại rượu nổi tiếng khắp nơi. Một ngày, Lý Bạch đến cung Tử Cục ở Trường An du ngoạn, tình cờ gặp Hàn Lâm học sĩ Hạ Tri Chương, hai người nói chuyện tâm đầu ý hợp kết làm anh em.

Lý Bạch phiêu dạt bốn bể, thưởng ngoạn các loại rượu nổi tiếng, tình cờ gặp Hàn Lâm học sĩ Hạ Tri Chương, hai người tâm đầu ý hợp kết làm anh em… (Ảnh: insight.com)

Cũng trong năm này, nước Bột Hải (697-926 sau Công nguyên) phái sứ thần tới Đại Đường, triều đình lệnh cho Hạ Tri Chương tiếp đãi sứ giả, bố trí sứ thần ngoại quốc nghỉ tại Dịch Quán. Nước Bột Hải được triều Đường sắc phong, thời kỳ thịnh vượng nhất lãnh thổ nước này bao gồm các địa phận tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh Cát Lâm, tỉnh Liêu Ninh, vùng duyên hải biên cương và một phần bán đảo Triều Tiên ngày nay.

Ngày hôm sau, sứ giả Bột Hải đệ trình quốc thư, tuy nhiên trên quốc thư chỉ toàn những kí hiệu lạ như những dấu chân của chim muông cầm thú, toàn bộ văn võ bá quan trên triều không ai hiểu nổi.

Hạ Tri Chương bãi triều trở về tư gia, đem chuyện kể lại cho Lý Bạch. Lý Bạch nghe xong, muốn giúp đỡ triều đình. Vì vậy, Hạ Tri Chương tiến cử ông vào triều diện kiến Hoàng đế. Lý Bạch xem một lượt quốc thư, lập tức dịch ra tiếng phổ thông của triều Đường một cách lưu loát.

Tất cả các đại quan triều đình nghe Lý Bạch phiên dịch xong đều kinh ngạc thán phục. Lý Bạch không chỉ là một nhà thơ tài giỏi mà còn là một dịch giả bậc thầy, không ngờ Đại Đường lại có nhân tài tinh thông ngôn ngữ Bột Hải.

Đường Huyền Tông nghe xong nội dung quốc thư, long nhan không vui, hóa ra Bột Hải sai sứ thần đến là muốn Đại Đường đem 176 thành trì của Cao Ly giao nộp cho Bột Hải, nếu không sẽ khởi quân xâm phạm Đại Đường.

Lý Bạch thưa: “Chuyện này không cần nhọc công Hoàng thượng lo nghĩ, ngày mai truyền gọi sứ giả Bột Hải vào triều, trước mặt sứ giả Bột Hải thần sẽ hồi đáp quốc thư”. Huyền Tông vui mừng khôn xiết, mở tiệc thết đãi Lý Bạch tại đại điện. Bữa tiệc diễn ra linh đình vui vẻ, thơ ca tuôn trào, no say túy lúy.

Sáng sớm ngày hôm sau, Thiên tử gọi Lý Bạch lên điện, thấy ông vẫn đang say ngủ chưa tỉnh, bèn cho người dâng lên canh giải rượu. Thiên tử thấy canh quá nóng, liền tự mình lấy muỗng khuấy một hồi lâu cho bớt nóng rồi mới ban cho Lý Bạch uống.

Thánh chỉ tuyên sứ thần vào triều, Lý Bạch dùng quốc ngữ Bột Hải nói với sứ thần: “Tiểu bang thất lễ, thánh thượng hồng ân không so đo tính toán. Giờ chúng ta sẽ khởi thảo hồi đáp quốc thư, các ngươi hãy rửa tai cung kính lắng nghe!

Thiên tử ban thưởng cho Lý Bạch được ngồi trên một chiếc đôn gấm, kế bên long sàng để viết chiếu thư. Lý Bạch trông thấy giầy của mình không sạch sẽ, sợ làm bẩn long sàng. Đường Huyền Tông bèn lệnh cho đại thần Dương Quốc Trung bưng nghiên mài mực cho Lý Bạch, lệnh cho Cao lực sĩ cởi giày cho Lý Bạch. Hai vị quyền thần không dám cãi lệnh Thiên tử, đành làm theo lệnh đã ban. Lý Bạch ngồi viết, trong khi hai vị đứng kế bên hầu hạ ông.

Hoàng đế rất khâm phục và kính nể tài năng Lý Bạch. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Lý Bạch tay trái vuốt râu, tay phải múa bút liên hồi. Một lát sau liền viết xong chiếu thư. Lý Bạch đứng trước ngai vàng, dùng tiếng Hoa mà ngâm một lượt, rồi lại dùng tiếng Bột Hải đọc lại lượt nữa cho sứ thần. Lý Bạch tuyên đọc âm vang mạnh mẽ, giọng điệu hùng hồn. Sứ thần kinh sợ mặt vàng như nghệ.

Bãi triều xong, sứ thần khẽ hỏi Hạ Tri Chương: “Chức quan của người trên đại điện hôm nay lớn thế nào mà khiến cho thái sư phải bưng nghiên, đại úy phải cởi giầy?”.

Hạ Tri Chương đáp lời: “Thái sư là bậc đại thần, đại úy là cận thần, thì cũng chỉ là quyền quý trong nhân gian. Học sĩ họ Lý kia lại là thần tiên giáng trần, đặc biệt đến để giúp đỡ Thiên triều, còn có loại người nào dám sánh cùng cơ chứ!”.

Sứ thần hồi quốc, kể lại cho quốc vương Bột Hải mọi chuyện mắt thấy tai nghe ở nước Đường, và dâng lên quốc thư hồi đáp của nước Đường. Quốc Vương nhìn thấy trong thư viết nắn nót lưu loát tinh tế, trong tâm sửng sốt, vẫy đại thần đến bàn bạc: “Thiên triều có thần tiên trợ giúp, làm thế nào có thể đánh được đây”, nghĩ rồi bèn viết thư thần phục, nguyện mỗi năm cống nạp cho Đại Đường.

Lý Bạch đúng là một dịch giả hiếm thấy, chỉ dựa vào một đạo quốc thư mà dọa lui được cả mười vạn hùng binh.

Theo NTDTV
Vi Dung biên dịch