Đầu Xuân năm mới, lại đúng dịp Lễ tình yêu Valentine nên người trẻ đi chùa cầu duyên khá đông. Nhìn những gương mặt thanh xuân thành khẩn bưng mâm lễ, lầm rầm khấn vái, nhạt nhoà khói nhang, tôi bất chợt nhớ về một câu chuyện đã xảy ra từ lâu lắm.

Thuở trước, có một chàng thư sinh và vị hôn thê của mình đã ước hẹn vào ngày ấy tháng ấy năm ấy sẽ làm lễ thành hôn. Thế nhưng ngày đó đến, vị hôn thê của chàng lại kết hôn với một người khác.

Chàng thư sinh gặp phải cú sốc này đổ bệnh liệt giường. Vào lúc ấy, có một vị hoà thượng trên đường vân du đi ngang qua, hoà thượng lấy từ trong cánh tay áo ra một chiếc gương, rồi bảo chàng thư sinh nhìn vào trong gương ấy. Chàng thư sinh nhìn thấy biển lớn mênh mông, một người con gái bị giết hại đang nằm bơ vơ trên bãi biển, không một manh áo che thân.

Một người đi ngang qua, nhìn một cái, lắc lắc đầu và rời đi. Lại một người khác tới, cởi y phục của mình, đắp lên cơ thể của cô gái và rời đi. Lại một người nữa tới, đi qua, đào một cái hố và cẩn thận nhẹ nhàng chôn cất cô gái.

Vị hoà thượng giải thích rằng, người con gái đã chết trên bãi biển ấy chính là vị hôn thê của chàng thư sinh trong tiền kiếp.

“Anh là người thứ hai đã đi qua, từng đắp cho cô y phục. Cô ấy kiếp này yêu anh, chỉ để báo đáp anh ân tình đó. Tuy nhiên, cuối cùng cô ấy sẽ dùng trọn đời trọn kiếp này để báo đáp người cuối cùng đã chôn cất cô ấy, người đó chính là người chồng hiện tại của cô”.

Chàng thư sinh bừng tỉnh ngộ, bệnh không chữa mà khỏi.

Hai người kết thành vợ chồng rất có thể là do nhân duyên đời trước định ra. (Ảnh: flytothesky.ru)

***

Người xưa nói: “Tu trăm năm mới ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Duyên vợ chồng là “quả”, còn “nhân” đã được gieo từ bao đời bao kiếp.

Nếu trong tiền kiếp không có ân oán phải trả, không có ước nguyện tương phùng, thì kiếp này chẳng thể gặp nhau.

Có ân báo ân, có oán báo oán; sinh mệnh con người trong luân hồi đã từng ra tay làm phúc, cũng đã từng hãm hại kẻ khác. Kiếp này gặp được người chồng, người vợ đối xử với mình tốt hay không, âu cũng là kết quả ta xứng đáng thụ nhận.

Vả lại, Đức Phật Thích Ca trong lịch sử đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn để lên đường tìm Đạo, cả cuộc đời Ngài cố gắng giúp con người thoát khỏi ràng buộc của lưới tình; sao ta có thể cầu xin Phật “làm mối” cho đây?

Có câu nói rằng: “Bậc Thánh nhân cầu tâm chứ chẳng cầu Phật, còn kẻ ngu muội chỉ cầu Phật mà chẳng cầu tâm”. Tu tâm hành Thiện thì có thể cải biến mệnh xấu thành tốt. Một người hiền lành, hoà nhã, thường nhẫn nhịn bao dung người khác, thì tin rằng sớm muộn cũng có được nhân duyên tốt mà thôi.

Kính Tâm