“Nhịn điều sỉ nhục tấm thân yên

Nhịn được hơn thua tránh lụy phiền

Nhịn kẻ thiểu căn lòng đại độ

Nhịn mầm dục vọng đắc Thần tiên”.

(Khuyết danh)

Trong các đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Tôn giả Xá Lợi Phất được mệnh danh là “trí huệ đệ nhất”, cũng là người có sức nhẫn phi thường. Dưới đây là câu chuyện xảy ra vào sáu mươi tiểu kiếp về trước, khi Tôn giả Xá Lợi Phất đang tu hạnh bồ tát.

Thuở đó, trong khi phát tâm tu hạnh bồ tát, Xá Lợi Phất đã rất chú trọng đến hạnh bố thí. Để thực hiện hạnh bố thí, Xá Lợi Phất không những phát nguyện giúp cho mọi người tài vật, nhà cửa, ruộng vườn, mà thậm chí còn hi sinh đến cả thân thể và tính mạng nữa.

Trong tiền kiếp Tôn giả Xá Lợi Phất cũng từng chịu rất nhiều khổ cực để tu luyện. (Ảnh minh họa: mettapage.org)

Bấy giờ, có một gã thanh niên tuổi chừng hai mươi đứng ở bên đường. Khi Xá Lợi Phất vừa tới trước mặt thì gã thanh niên liền khóc lóc kêu gào thảm thiết. Xá Lợi Phất thấy thế thì động mối thương tâm, bèn an ủi hỏi han:

– Này cậu! Có chuyện gì mà cậu đứng đây khóc lóc thảm thiết quá vậy?

– Xin ông đừng hỏi làm gì! Tôi dù có nói chuyện này với ông cũng chỉ vô ích mà thôi.

– Cậu ạ! Tôi là kẻ tu hành, có tâm nguyện giúp đỡ những ai bị đau khổ. Chỉ cần cậu nói rõ cái hoàn cảnh bất hạnh của cậu, nếu khả năng tôi có thể làm được gì để giúp đỡ thì tôi tức khắc làm cậu vừa ý ngay.

– Tôi biết chắc chắn là ông thể giúp gì được cho tôi đâu! Tài sản ở thế gian tôi không hề thiếu thốn, chỉ vì mẹ tôi bệnh quá nặng, không thể tìm thuốc chữa mà tôi đau đớn đến phải khóc lóc thảm thiết như vầy. Theo lời thầy thuốc bảo, tôi phải đi tìm cho được một con mắt sống của một người tu hành đem về làm thuốc thì chứng bệnh hiểm nghèo của mẹ tôi mới chữa khỏi được. Tôi vừa đi vừa nghĩ, đến như con mắt sống của một người bình thường còn chưa dễ kiếm, huống hồ là của một người tu hành! Nghĩ đến điều khó khăn này, rồi nghĩ đến mẹ bệnh nằm trên giường, vừa rên xiết vừa trông ngóng con mau đem con mắt về làm thuốc, mà lòng tôi đau như cắt…

– Cậu ạ! Không có gì khó khăn cả. Vừa rồi tôi đã nói với cậu về tâm nguyện của tôi. Tôi chính là một kẻ tu hành, và mắt của tôi đúng là mắt của một người tu hành. Tôi xin biếu cậu một con mắt của tôi để cậu đem về làm thuốc chữa bệnh cho bà cụ.

Gã thanh niên vui mừng nhảy nhót:

– Thật sao! Ông hoan hỉ cho tôi một con mắt sao?

– Bao nhiêu tài sản tôi đã đem bố thí cho người hết rồi. Tôi đang muốn tiến thêm một bước nữa trên đường tu hạnh bồ tát là bố thí đến thân thể tôi, nhưng khổ nỗi là chưa có ai cần tới. Hôm nay gặp được cậu tôi thật thấy mãn nguyện. Tôi vui sướng lắm và cảm ơn cậu vô cùng. Vậy cậy hãy dùng cách nào đó để lấy con mắt của tôi đi!

Nhưng gã thanh niên không chịu, nói:

– Không được đâu! Làm như vậy thì có vẻ như tôi cưỡng đoạt con mắt của ông. Tôi không dám. Ông đã tự nguyện cho tôi thì xin ông hãy tự móc nó ra trao cho tôi.

Xá Lợi Phất cho lời nói của gã thanh niên là có lý, bèn hạ quyết tâm, nén đau đớn, đưa tay móc con mắt bên trái ra, trao tận tay gã, và nói:

– Xin đa tạ cậu đã giúp tôi hoàn thành tâm nguyện. Cậu hãy đem con mắt này về nhà đi!

Gã thanh niên đưa tay tiếp lấy con mắt do Xá Lợi Phất trao cho, nhưng bỗng hét to:

– Thật là vô dụng! Tôi đâu có bảo ông móc con mắt bên trái làm gì! Bệnh của mẹ tôi, theo thầy thuốc bảo, phải dùng con mắt bên phải mới được!

Nghe thế, Xá Lợi Phất lại cho mình quả là đồ vô dụng. Ông tự trách mình sao đã không hỏi trước cậu ta cho cẩn thận. Giờ thì đã lỡ rồi. Phát tâm thì phải cho trọn vẹn; cứu người thì phải hết lòng. Ông bèn an ủi gã thanh niên:

– Cậu đừng giận! Vừa rồi vì tôi quá hấp tấp mà đã quên hỏi cậu trước cho rõ ràng. Tôi đã biết lỗi. Con mắt bên phải của tôi vẫn còn đây, để tôi móc ra đền lại cho cậu đem về làm thuốc chữa bệnh cho mẹ cậu.

Nói xong, Xá Lợi Phất lại cố nén đau đớn, móc luôn con mắt bên phải trao cho gã thanh niên. Tiếp lấy con mắt, không một lời cám ơn, gã lại còn đưa con mắt lên mũi ngửi ngửi, rồi ném mạnh xuống đất và mắng:

– Ông mà là người tu hành gì! Con mắt của ông sao mà hôi thối khó ngửi quá! Làm sao có thể làm thuốc chữa bệnh cho mẹ tôi được!

Mắng xong, gã lại dùng chân đạp lên con mắt của Xá Lợi Phất. Lúc đó tuy không còn trông thấy gì được nữa, nhưng tai Xá Lợi Phất vẫn nghe biết rõ mọi chuyện. Ông đã nghe gã thanh niên kia mắng ông. Ông cũng nghe tiếng chân gã dẫm đạp lên con mắt của ông đã cho gã. Ông than thầm: “Chúng sinh thật khó độ; tâm bồ tát thật khó phát! Thôi ta cũng không nên vọng tưởng về việc tiến tu hạnh đại thừa nữa làm gì, mà hãy cứ theo con đường tự lợi cũ là hơn”.

Xá Lợi Phất vừa nghĩ như vậy thì bỗng trên hư không xuất hiện rất nhiều thiên chúng, đồng thanh nói với ông rằng:

– Hỡi vị hành giả kia! Người không nên thối chí như vậy. Gã thanh niên vừa rồi chính là một vị Trời hóa hiện để thử đạo tâm của người đấy thôi. Người hãy giữ vững tâm nguyện và hãy tinh tấn dũng mãnh hơn nữa trên đường tu hành!

Nghe mấy lời ấy, Xá Lợi Phất lại tự lấy làm hổ thẹn, tâm bồ tát lại phát sinh mạnh mẽ. Trải qua sáu mươi tiểu kiếp, Xá Lợi Phất vẫn không thối chuyển trên đường tu học. Đến khi được gặp Đức Phật Thích Ca, ông liền chứng Thánh quả và đắc được thiên nhãn thông.

Trải qua sáu mươi tiểu kiếp, Xá Lợi Phất vẫn không thối chuyển trên đường tu học. Đến khi được gặp Đức Phật Thích Ca, ông liền chứng Thánh quả. (Ảnh minh họa: utaunhp.info)

***

Phật gia giảng Nhẫn: nhẫn nhục, nhẫn chịu, dung nhẫn cả những điều khó dung nhẫn nhất. Nhẫn ở đây không phải là nhu nhược, yếu hèn, mà hoàn toàn ngược lại: Chỉ những ai có ý chí kiên cường, có khả năng khống chế được bản thân mới có thể nhẫn. Nhẫn ở đây cũng không phải là kìm nén nỗi oán hận vào trong, mà là tâm tình thản nhiên, bị thiệt thòi đến mấy cũng không mảy may tức giận.

Người có thể nhẫn đến thế, ắt hẳn đã hiểu thấu nhân quả và ý nghĩa của nhân sinh. Cổ nhân có câu rằng:

“Nhẫn nhẫn nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận.

Nhiêu nhiêu nhiêu, thiên tai vạn họa nhất tề tiêu.

Mặc mặc mặc, vô hạn thần tiên tùng thử đắc.

Hưu hưu hưu, cái thế công danh bất tự do”.

Tạm dịch:

Nhịn nhịn nhịn, trái chủ oan gia từ đây dứt.

Nhường nhường nhường, ngàn vạn tai họa cũng đều tiêu.

Nín nín nín, vô số cảnh giới thần tiên do đây được.

Thôi thôi thôi, công danh trùm đời cũng chẳng tự do.

Thanh Ngọc

(Tham khảo: “Mười vị đệ tử lớn của Phật” – Tinh Vân pháp sư)