Có câu cổ ngữ rằng: “Khi sắp nổi giận thì hãy nhẫn nhịn, chỉ trong giây lát là tâm lại trong lành”. Khiêm tốn nhẫn nại thực ra là một loại tu dưỡng, là một loại trí tuệ, cũng là một phép tắc tất yếu để làm người của người xưa.
Tướng quân Đại Thụ
Thời Quang Vũ Đế nhà Đông Hán có một vị tướng quân tên là Phùng Dị. Ông là Đông Hán Tả mệnh hổ thần, là người khiêm nhường, rất thích đọc sách, tinh thông “Tả Thị Xuân Thu”, “Binh pháp Tôn Tử”. Phùng Dị ban đầu phò tá Vương Mãng, sau quy thuận theo Lưu Tú và lập nhiều chiến công. Ông là người kiêu dũng thiện chiến, thường tiên phong dẫn đầu đoàn quân đánh trận, làm tiên phong cho các cánh quân. Binh sỹ đều mong muốn được theo ông. Phùng Dị giỏi sử dụng mưu lược, liệu địch quyết thắng, quản lý quân đội rất nghiêm minh, quan tâm đến nỗi thống khổ của người dân. Khi dựng cơ nghiệp cho nhà Đông Hán thì Phùng Dị công lao rất vĩ đại.
Một lần, vì đánh thắng trận nên tất cả các tướng quân đều tụ hội lại với nhau, mọi người ai nấy nói về công lao của mình. Trong khi mọi người đều đang khoe khoang ca ngợi công lao thì Phùng Dị chẳng nói một câu nào, ông đến dưới một gốc cây đại thụ, lặng lẽ ngồi ở đó, không tranh công đoạt lợi với họ.
Khi một người có đức hạnh, nhiều công lao mà không tranh đoạt danh lợi với người khác thì sẽ khiến cho những người kia sau đó tự cảm thấy xấu hổ, tự phản tỉnh kiểm điểm lại bản thân mình.
Quang Vũ Đế biết chuyện rất cảm động, càng tín nhiệm Phùng Dị hơn, đồng thời phong ông làm “Đại Thụ tướng quân”.
Bác sỹ dê gầy
Vào triều Hán có chế độ phong “bác sỹ ngũ kinh” (ngũ kinh bác sỹ). Bác sỹ là một chức quan, “bác học ngũ kinh” là người tinh thông và giảng giải truyền thụ ngũ kinh – tức là Dịch, Thư, Thi, Lễ và Xuân Thu. Đương thời, đạt được địa vị bác sỹ là không hề dễ dàng chút nào.
Theo sách “Đông quan Hán ký” ghi chép, vào những năm Kiến Vũ đời Quang Vũ Đế nhà Đông Hán có một vị Thái học bác sỹ tên là Chân Vũ, tên tự là Trường Văn, là người An Khâu, Bắc Hải (tây nam An Khâu, Sơn Đông ngày nay). Ông thanh tâm quả dục, là người trung hậu, gặp chuyện luôn khiêm nhường.
Tháng Chạp hàng năm, Hoàng đế đều ban thưởng cho mỗi quan bác sỹ một con dê. Tháng Chạp một năm nọ, các “bác sỹ ngũ kinh” nhận ban thưởng của Hoàng đế, mọi người phân chia nhau dê mà Hoàng đế đã ban cho.
Tất cả các “bác sỹ ngũ kinh” đều vây quanh một vòng lựa chọn, tranh nhau: “Con này béo đấy, con này gầy quá, thế này thì không công bằng”.
Mọi người bàn tán mãi không thôi. Chân Vũ trông thấy liền lẳng lặng chẳng nói câu nào, liền đi đến đàn dê, dắt một con dê vừa nhỏ vừa gầy ra về.
Chân Vũ làm như thế này khiến mọi người không tranh cãi nhau nữa, đều cảm thấy hổ thẹn. Chân Vũ vui lòng chịu thiệt, khắc chế bản thân, nhường cái tốt, cái lợi cho người khác đã khiến mọi người tự giác theo đạo nghĩa. Sau này Hoàng đế biết chuyện đã phong Chân Vũ làm “Bác sỹ dê gầy”.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tác giả: Đơn Nhược Thủy
Kiến Thiện biên dịch