Hiếm ai nghĩ rằng người tự ti một lúc nào đó sẽ tự đại và ngược lại. Nhưng thật ra nó không có gì khó hiểu bởi đó chỉ là hai cực điểm trên đoạn thẳng mang tên “cạnh tranh với người” mà thôi.

Tự đại là khi con người cảm thấy mình có sở trường về một số phương diện nào đó, từ đấy mà coi thường người khác. Còn tự ti là khi con người cảm thấy mình có thiếu sót, khiếm khuyết về một số phương diện nào đó mà cho rằng mình không bằng người khác. Cả hai loại cảm xúc này cùng tồn tại, là do người ta cứ mãi so sánh bản thân với người khác, từ đó sinh ra cảm giác thấy mình cao hơn hoặc thấp hơn, rồi khiến tâm trí nhảy nhót từ thái cực này tới thái cực khác.

Do đó, tự đại và tự ti thường cùng tồn tại trong một con người. Để khiến cho người khác phải tôn trọng mình, người tự ti nỗ lực tích lũy những điều tốt đẹp trên thế gian (kỹ năng, của cải, danh tiếng, quyền lực, mối quan hệ…) để chứng tỏ bản thân. Sau này nếu họ thực sự thành công thì có thể thoắt một cái họ sẽ biến thành người tự đại, nhưng vẫn là ở trong cùng một loại quan niệm mà chạy từ cực này tới cực khác mà thôi.

Ảnh minh họa: Theconversation.

Nhưng khiêm nhường không nằm trong biên độ giữa tự đại và tự ti. Đây là một tâm thái không dùng quan niệm của mình để so sánh bản thân với người khác. Đó là tâm thái của người đã vượt ra ngoài thế giới nhỏ bé của việc nhìn người khác mà sống. Là người tự do, tự tại đối diện với mọi người, mọi việc bằng chân ngã của mình. Nhưng cũng lại là người ý thức được rằng ai cũng đều có điểm tốt để học hỏi và ta luôn sẵn sàng để tiếp nhận những điểm tốt đó. Đó chính là trân trọng người khác mà cũng lại trân trọng chính mình.

Tôi đã đi xem nhiều mùa lưu diễn của chương trình nghệ thuật Shen Yun, mỗi năm họ đều dựng một tiết mục về một vị tiểu hòa thượng mà tôi rất tâm đắc. Trong chùa, tiểu hòa thượng là người có địa vị thấp nhất, bị coi thường nhất, chịu khổ nhiều nhất, nhưng tiểu hòa thượng lại không tính toán được mất với người khác. Vì luôn chân thành, vô tư và không có tâm phân biệt, so sánh, nên cậu luôn thấy hạnh phúc với hoàn cảnh ở địa vị thấp nhất chùa của mình.

Người tự đại vì nghĩ mình ở trên nên sẽ mất đi khả năng tự đánh giá bản thân mà dần tụt hậu, lại cũng dễ “gây thù chuốc oán”. Người tự ti vì tâm thái yếm thế mà tích thù hận, khát vọng vươn lên trĩu nặng. Cuối cùng đều sẽ phải tranh đấu mãi không thôi để khẳng định mình, buồn phiền mãi không thôi vì cái danh bị đe dọa tổn thương. Chẳng phải cả đời sẽ luôn mệt mỏi nếu ta cứ chạy qua chạy lại giữa hai thái cực tự đại và tự ti hay sao.

Nếu có thể vượt ra khỏi vòng kìm kẹp của tự đại và tự ti, của việc sống theo tiêu chuẩn của người khác, của việc tìm kiếm danh vọng từ sự so sánh để định vị bản thân, ta có thể tự do với con người thật sự của mình.

Thuần Dương
Theo Zhengjian

Bạn đang đọc bài viết: “Khiêm nhường mới là mĩ đức, tự ti hay tự đại đều chỉ khiến bạn lo phiền” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! 

Từ Khóa: