Bạn có tin không, khoảng cách tạo nên sự khác biệt giữa kẻ thất bại và người thành công chỉ là hơn kém nhau đúng 1% mà thôi.
Mai và Trang là chị em sinh đôi. Cả hai đều rất thông minh, ngoan ngoãn. Thành tích học tập của họ cũng rất xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp trung học, hai chị em vào học trong 2 trường đại học danh tiếng. Cô chị Mai chọn học ngành tài chính, còn cô em lại theo học ngành tiếng Anh.
Tới năm tốt nghiệp đại học, Trang được vinh danh là nhân viên ưu tú và được cử đi nước ngoài tu nghiệp. Còn Mai về nhà đợi việc. Long đong, lật đật mất 3 năm, Mai mới được nhận vào làm nhân viên tín dụng ở một ngân hàng gần nhà.
Tết năm đó, khi đi siêu thị, tôi vô tình gặp lại hai chị em họ cũng đang vào mua đồ. Hàn huyên hồi lâu mới hay, sau khi du học trở về Trang đã trở thành một chuyên viên dịch thuật cao cấp làm trong một công ty của châu Âu. Còn Mai vẫn là nhân viên tín dụng của ngân hàng như năm nào.
Nhìn hai người một lượt từ đầu xuống chân, tôi chợt nhận ra ngoài khuôn mặt giống hệt nhau, thực chẳng thể tìm được bất cứ điểm nào chung giữa hai người. Sự khác biệt lớn nhất chính là khí chất biểu hiện trên gương mặt họ. Một người mặt mày ủ ê, chán nản như không còn sức sống, còn một người mặt rạng mày ngời tỏa sáng, tự tin.
Dẫu là về gia cảnh, xuất phát điểm, trí tuệ, nhan sắc, hai người đều rất tương đồng. Vậy điều gì đã khiến sự nghiệp họ khác biệt nhau một trời một vực đến thế?
Thực ra, khoảng cách tạo nên sự khác biệt giữa một người bình thường và một người xuất sắc chỉ là hơn kém nhau đúng 1% này thôi.
1. Làm đúng 1%
Định hướng ban đầu chính là nền tảng quyết định thành công. Định hướng sai sẽ khiến bản thân rơi vào hoàn cảnh khốn cùng. Cũng giống như hai chị em sinh đôi Mai và Trang. Mai chọn ngành tài chính vì sức hút của nó nhưng lại không biết rằng mình sẽ phải đương đầu với những con số, thuật toán cao cấp, thứ mà cô đã tỏ ra không có năng khiếu ngay từ ngày nhỏ. Còn Trang từ nhỏ đã có được tư chất tự nhiên về ngôn ngữ. Khi chọn học tiếng Anh, rõ ràng cô có thể phát huy hết khả năng của mình, càng học càng có hứng thú.
Một con thuyền muốn không bị lạc giữa biển trời bao la thì phải có chiếc la bàn chuẩn, người hoa tiêu tốt. Định hướng đúng đắn chính là giúp bạn không phải đi đường vòng, không phải hối hận vì những sai lầm của mình. Nhiều khi sự khác biệt ấy chỉ là 1% mà thôi, 1% giữa đúng và sai thật sự rất mong manh. Dù chỉ là sai biệt 1%, bạn cũng có thể vĩnh viễn không tới được nơi mình mong muốn.
2. Làm nhiều hơn 1%
Khi người ta đi đúng định hướng, làm đúng việc cần làm cũng không nhất định gặt hái được thành công. Bạn còn phải làm nhiều hơn người khác một chút, chăm chỉ hơn một chút. Người xưa đã dạy: “Cần cù bù thông minh“, siêng năng chính là phẩm chất đầu tiên mà một người thành đạt cần phải trui rèn.
Cũng như câu chuyện rùa và thỏ chạy thi. Dù rùa chậm hơn nhưng vì cố gắng chăm chỉ hơn thỏ một chút nên kết quả cuối cùng cũng hoàn toàn khác nhau. Rùa cần cù thắng thỏ lười biếng. Mỗi ngày làm nhiều hơn 1%, sau một khoảng thời gian dài nhìn lại bạn sẽ thấy được mình đã tạo ra kỳ tích thế nào.
Tuân Tử nói: “Bất tích khuể bộ, vô dĩ chí thiên lý“, nghĩa là không tích nửa bước không thể tới ngàn dặm. Cũng lại có câu ngạn ngữ rằng: “Chặng đường ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân“. Dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần cố gắng tích góp sức lực nhiều thêm một chút, bạn có thể gặt hái được thành quả bất ngờ tuyệt vời.
Có một loại cây tên là “mao trúc”. Người ta nói hạt mao trúc rơi xuống đất chỉ mọc lên một cây măng nhỏ rồi hoàn toàn không lớn thêm chút nào trong suốt 5 năm trời. Thế rồi từ khoảng cuối năm thứ 5, cây bất ngờ lớn vọt lên với tốc độ đáng kinh ngạc, mỗi ngày có thể cao thêm tới vài chục phân cho tới khi đạt tới chiều cao gần 25 mét. Thật kì diệu, phải không?
Nhưng không phải là mao trúc không hề lớn lên trong suốt 5 năm trời. Thực ra, trong lòng đất, cây đã đâm rễ, cần mẫn, bền bỉ chuẩn bị cho cú nhảy vọt những năm sau để lớn lên nhanh hơn, cao hơn bất cứ loại cây nào. Cuộc đời người ta cũng rất giống với cây mao trúc này. Trong công việc chỉ cần hơn kém nhau đúng 1%, vận mệnh của bạn có thể chênh lệch đến biết bao nhiêu.
3. Làm tốt 1%
Cùng làm một sự việc, bỏ ra thời gian, công sức như nhau, ai cũng rất cố gắng, vậy cớ sao có người làm được tốt còn có người thì không? Đó chính là vì thái độ của họ là khác nhau. Ai có thể dụng tâm, bỏ ra công phu, tìm được con đường hiệu quả nhất thì càng tiệm cận gần với sự thành công.
Cũng là một năm 365 ngày đó, có người coi mọi thứ chỉ là lặp lại ngày qua ngày nhàm chán, lại có người góp nhặt từng ngày từng tháng. Thái độ quyết định tất cả. Nếu không biết trân quý công việc của mình, bạn sẽ không thể tạo nên khác biệt. Trong những điều tưởng như nhàm chán, lặp đi lặp lại ấy, người thành công chính là người nhìn ra được cảm hứng mới, năng lượng mới.
Trong câu chuyện trên, cô chị Mai từ nhỏ đã có thói quen làm bài theo số lượng để giành chiến thắng, trở thành người đi đầu. Sau này khi ra trường đi làm, cô vẫn giữ thái độ ứng xử tương tự đối với công việc, ngày qua ngày đều là như thế. Bởi vậy, cô mãi chỉ là một nhân viên tín dụng ngân hàng, làm việc theo các chỉ tiêu.
Cô em Trang thì ngược lại, từ nhỏ đã có thói quen tập trung vào từng sai sót nhỏ nhất, lại thích suy luận, phân tích nên học một biết mười. Khi ra trường đi làm, đối với từng sự việc nhỏ, Trang cũng thường xuyên có tổng kết, suy ngẫm. Cô coi từng ngày trong đời là một sự tích lũy, mỗi ngày đều có thể tích luỹ được một điều mới mẻ.
Thực ra, 1% khoảng cách giữa một người bình thường và một người ưu tú đều bắt nguồn từ những việc nhỏ nhất như vậy. Bạn có thể làm đúng, làm nhiều và làm tốt những chuyện nhỏ nhặt nhất hằng ngày hay không, có thể kiên định với mục tiêu của mình hay không?
Mỗi ngày hãy tập dậy sớm hơn 10 phút, một năm bạn đã có nhiều hơn người khác tới 60 giờ.
Mỗi ngày hãy đọc 10 trang sách, một năm bạn đã có thể đọc nhiều hơn người khác 6 quyển Hồng Lâu Mộng.
Con đường thành công vốn không xa xôi, hiểm trở gì, chẳng qua là bạn làm nhiều hơn người khác một chút mà thôi.
Bình Nhi