Trong cuộc sống hiện đại, hôn nhân có ngọt ngào, hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc vợ chồng có chung tay xây dựng, chăm lo cho gia đình hay không. Mỗi cuộc hôn nhân đều sẽ trải qua 7 giai đoạn sau đây. 

Giai đoạn 1: Yêu đương nồng nhiệt

Chủ yếu nói về thời kỳ tân hôn, thời điểm hai người gắn bó như keo như sơn, yêu nhau mặn nồng. Đây là thời điểm tình cảm cả hai tràn trề và mãnh liệt nhất, khao khát một cuộc hôn nhân viên mãn như hằng mong tưởng. Giai đoạn lấy tình yêu làm trọng tâm này thường sẽ kéo dài khoảng 1 năm. 

Lời khuyên cho các cặp vợ chồng son: Hôn nhân là một giai đoạn mới trên đường đời của mỗi cá nhân, khi mà ta sẽ chấm dứt cuộc sống cá nhân và bắt đầu chung sống với một người khác. Vì thế, trong khoảng thời gian này, hãy dần dần từng bước xây dựng nên một quan niệm về “chúng ta” thay vì “ta” như trước, nghĩa là phải biết vị tha hơn. 

Giai đoạn 2: Bước sang giai đoạn thất vọng

Sau khi trải qua hơn 1 – 2 năm yêu đương mãnh liệt lúc hôn nhân tràn đầy sự mới mẻ, chúng ta bắt đầu thấy thất vọng và giữa hai vợ chồng bắt đầu xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Đây cũng là lúc ta phát hiện ra, kỳ thực đối phương không hoàn mỹ như ta vẫn luôn tưởng. Sống cùng nhau, những thói quen xấu trong cuộc sống cũng không nề hà mà cho nhau thấy. Thậm chí có nhiều người sau khi thấy thất vọng thì bắt đầu tranh luận không ngừng, đấu tranh không ngừng với một nửa của mình, rồi cảm thấy nghi ngờ vì sự lựa chọn của mình. 

Đây là thời kỳ vô cùng quan trọng, nó quyết định hướng đi cuộc hôn nhân sau này. Hôn nhân tốt đẹp không phải là hạnh phúc mà nằm ở sự ổn định, cuộc sống hai người, không phải chỉ có những ưu điểm, mà còn có những khuyết điểm, học cách chấp nhận, bao dung. Không phải là ép đối phương thay đổi mà là cả hai dần dần trở nên thấu hiểu và lấp đầy những thiếu sót của nhau. 

Ảnh: Ivsky.com.

Giai đoạn 3: Hôn nhân chông vênh

Khi mọi mâu thuẫn không được giải quyết một cách gọn gàng, qua thời gian, nó ngày càng lớn lên. Cả hai bắt đầu gây gổ với nhau nhiều hơn, và cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí, trong những cuộc xã giao bên ngoài họ cũng sẽ tháo nhẫn cưới, không muốn thừa nhận rằng mình đã có gia đình. Giai đoạn khó khăn này sẽ kéo dài đến vài năm, thường xảy đến sau khi cả hai kết hôn từ 4 – 7 năm. 

Tại thời điểm nhạy cảm này, ngàn vạn lần tuyệt đối không được tìm giải pháp ở người thứ ba, cũng hết sức tránh để người ngoài can thiệp thái quá vào cuộc sống cá nhân hai người, càng tuyệt đối không được “lỡ bước” sang con đường ngoại tình. Vết thương trên cơ thể thì sẽ chóng lên da non nhưng khi con tim thương tổn thì vết thương sẽ tồn tại cả đời. Cũng đừng luôn mở miệng là nói hai từ “ly hôn” quá dễ dàng mỗi khi tranh cãi. Hãy cố gắng bình tâm hơn trong mỗi cuộc tranh cãi, tôn trọng lẫn nhau, vậy thì thời kỳ khó khăn này không phải là không thể bước qua.

Giai đoạn 4: Hôn nhân bắt đầu ổn định

Đây là lúc vợ chồng đã có con, công việc vững vàng hơn, tương lai cũng có căn bản. Vì đã có dự định cho con cái sau này nên quan hệ vợ chồng cũng ổn định hơn. Vợ chồng cũng hiểu hơn phải cư xử với nhau thế nào, kiên nhẫn và cảm thông cho nhau ra sao.

Thỉnh thoảng, hãy cùng nhau ôn lại kỷ niệm, hâm nóng tình cảm, những cử chỉ khéo léo của người chồng sẽ giúp người vợ thêm tự tin và thỏa mãn hơn. Cũng đừng tiếc nói chứ “Yêu” với nhau. 

Giai đoạn 5: Thời kỳ tái cơ cấu

Giai đoạn này, con trẻ đã đi học và tương đối độc lập. Kinh tế gia đình lúc này cũng khá ổn định. Vợ chồng sẽ gắn bó hơn, cảm thông và không còn nhiều mâu thuẫn như trước. Thời điểm này, hai người đã đi cùng nhau được quãng đường dài khoảng 15 năm.

Thời gian qua làm việc cố gắng, vất vả khiến cho cơ thể trở nên kém linh hoạt, nặng nề, sức khỏe có những báo động. Hãy dành thời gian cho nhau nhiều hơn, cùng nhau tập thể dục, vận động, dành thời gian cho một kỳ nghỉ cùng với gia đình, vừa để giảm stress trong công việc, vừa để hâm nóng tình cảm gia đình, vợ chồng, cha mẹ con cái. 

Ảnh: Ivsky.com.

Giai đoạn 6: Gia đình có thể đối mặt những thay đổi

Hai vợ chồng bước vào tuổi trung niên, có thể cuộc sống sẽ trải qua một vài thay đổi quan trọng như: vấn đề sức khỏe, bệnh tật, người già trong nhà qua đời, sự nghiệp có thể gặp những biến cố, con cái đến tuổi trưởng thành v.v. Giai đoạn này sẽ xuất hiện sau 20 năm kết hôn, và tiếp tục một đoạn thời gian dài. 

Đã chung sống cùng nhau một thời gian dài, vợ chồng đã hầu như thấu hiểu lòng dạ nhau, từng ánh mắt, hành động của nhau cả hai đều hiểu ý. Đối mặt với những thay đổi này, áp lực là không cần bàn cãi, vì thế hãy cùng nhau đối mặt, ủng hộ lẫn nhau. 

Giai đoạn 7: Thời kỳ viên mãn

Thời xây dựng đã qua đi, hai người từ tình yêu bước sang tình thân, từ vợ chồng thành bạn bè, người thân. Đây cũng là lúc vợ chồng bắt đầu bước vào tuổi già, chăm sóc nhau, cùng nhau giữ gìn sức khỏe, an yên hưởng tuổi già bên nhau, hầu như đã là viên mãn…

Vợ chồng cần yêu thương và kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý đạo đức, “tương kính như tân” (kính trọng nhau như khách), có việc thì cùng bàn bạc để làm. Làm được như thế thì gia đình sẽ thuận hòa, xã hội sẽ an định. Mối quan hệ vợ chồng vì thế mà trở thành đạo nghĩa.

Video hay: Vì sao đàn ông thường thích phụ nữ dịu dàng?

videoinfo__video3.dkn.tv||2d0891c23__