Khổng Tử có học trò tên là Mật Tử Tiện, từng được sách Lã thị Xuân Thu miêu tả là một vị quan “đánh đàn Cầm, không thăng đường mà cai trị Đan Phụ thật tốt”. Ông rất hiếm khi xuất hiện trên công đường mà chỉ suốt ngày chơi nhạc gảy đàn, tiêu diêu tự tại, nhưng vẫn được dân chúng ủng hộ và yêu mến. 

Dưới đây là hai câu chuyện kể về ông:

Quân chủ nghe lời gièm pha, làm thế nào để can gián?

Khi Mật Tử Tiện được bổ nhiệm làm quan cai quản đất Đản Phụ, ông lo quân chủ nước Lỗ nghe theo lời gièm pha sẽ khiến ông không thể thi hành được những biện pháp quản lý của mình. Thế là, trước khi lên đường đi Đản Phụ, ông thỉnh cầu quốc quân nước Lỗ phái hai viên quan thư lại thân tín của quốc quân đi cùng mình.

Đến Đản Phụ, quan lại địa phương đều đến bái kiến., Mật Tử Tiện bảo hai viên quan thư lại ghi chép. Khi cả hai đang viết, Mật Tử Tiện đứng bên chốc chốc lại kéo, giật cánh tay hai người. Kết quả là chữ họ viết ra đều rất xấu. Nhưng Mật Tử Tiện lại vì thế mà nổi giận lôi đình. Hai viên quan thư lại này rất lo lắng, bèn cáo từ Mật Tử Tiện, xin được trở về. Mật Tử Tiện nói: “Các ngươi viết quá tệ, các ngươi cứ việc về đi”.

Hai viên quan thư lại trở về, bẩm tấu lên quốc quân nước Lỗ rằng: “Chúng thần không viết cho Mật Tử Tiện được”. Quốc quân nước Lỗ hỏi: “Vì sao không viết được?”.

Họ trả lời: “Mật Tử Tiện bảo chúng thần viết, nhưng ông ta chốc chốc lại kéo giật khuỷu tay chúng thần, khiến chúng thần viết rất tệ. Ông ta lại nổi giận, ngay cả các quan lại địa phương Đản Phụ cũng chê cười ông ta. Đây chính là nguyên nhân chúng thần cáo từ rời khỏi Đản Phụ”.

Quốc quân nước Lỗ nghe xong, than rằng: “Mật Tử Tiện dùng phương thức này để can gián đối với những sai lầm của ta. Ta đã can thiệp làm nhiễu loạn Mật Tử Tiện, khiến ông ta không thể thi triển tài năng quản lý địa hạt, nhất định là đã nhiều lần rồi. Nếu không có hai khanh trở về nói, có lẽ ta lại sẽ phạm sai lầm tiếp theo”.

Quốc quân nước Lỗ nghe xong, than rằng: “Mật Tử Tiện dùng phương thức này để can gián đối với những sai lầm của ta…”. (Ảnh: wikipedia.org) 

Quốc quân nước Lỗ bèn sai người thân tín đi Đản Phụ, nói với Mật Tử Tiện rằng: “Từ nay trở đi, Đản Phụ sẽ không do ta quản lý nữa, mà do khanh toàn quyền xử lý. Hễ việc gì có lợi cho Đản Phụ, khanh cứ quyết định, sau 5 năm khanh báo cáo lại cho ta”. 

Mật Tử Tiện cung kính lĩnh ý chỉ, từ đó mới thực thi các biện pháp quản lý Đản Phụ. Sau thời gian ngắn, Đản Phụ trở nên thái bình thịnh trị, bách tính yên vui, cư xử với nhau theo lễ nghĩa, nhân tài được trọng dụng. 

Có hai loại cá, loại nào tốt? 

Mật tử Tiện đảm nhận chức Huyện lệnh Đan Phụ. Trước khi lên đường nhậm chức, ông bái kiến Dương Thư và nói với Dương Thư rằng: “Ngài có lời tặng tiễn biệt tôi không?”. 

Dương Thư nói: “Tôi từ nhỏ đã rất hèn kém, không hiểu phương thức quản lý bách tính. Tôi chỉ có hai kinh nghiệm câu cá, xin cho phép tôi tặng ngài”. 

Dương Thư nói tiếp: “Khi dây câu và mồi câu đã được đặt xong, sẽ lập tức có cá đến ăn mồi. Loài cá này có tên gọi là Dương Kiều, rất ít thịt, hơn nữa vị cũng không ngon. Còn loại thoắt đến rồi lại thoắt đi, đối với mồi dù ngon ăn mà không ăn, đó là cá mè. Cá mè thịt nhiều, vị lại thơm ngon”. 

Mật Tử Tiện nói: “Hai kinh nghiệm này của ngài hay quá”. 

Sau đó Mật Tử Tiện lên đường nhậm chức. Khi chưa đến huyện thành Đan Phụ, kiệu xe của các quan lại nghênh đón ông như nước chảy, đầy kín đường. Mật Tử Tiện nói: “Cho xe chạy nhanh, cho xe chạy nhanh! Cá Dương Kiều mà Dương Thư nói đã đến rồi!”. 

Sau khi đến huyện thành Đan Phụ, Mật Tử Tiện chủ động tìm hiểu dân tình địa phương, đặc biệt mời các thân sỹ có danh tiếng và những người hiền tài địa phương đến, cùng họ bàn bạc làm thế nào để quản lý tốt huyện Đan Phụ. 

Sau này huyện Đan Phụ được Mật Tử Tiện quản lý phát triển rất phồn vinh thịnh vượng và yên bình. 

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung 
Nam Phương biên dịch