Nói đến Tết là chúng ta liền nghĩ ngay đến hương vị Tết truyền thống được khắc họa đậm nét, đầy màu sắc hình ảnh qua câu đối:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Như vậy thịt mỡ, thịt ba chỉ gói bánh chưng là nét đặc trưng không thể thiếu được của Tết Việt, nó cũng gắn liền với những chú lợn. Và năm nay là năm Kỷ hợi –  năm Lợn vàng, nên xin mạn phép được nói đôi điều về con lợn trong văn hóa truyền thống Việt.

Đã từ lâu, lợn đã rất gần gũi với con người, trong quá trình tiến tới văn minh của loài người, lợn luôn đi cùng với nhân loại, có nhiều cống hiến cho con người.

Người xưa nói: “Quý nhân thích rồng, nông dân thích lợn”. Người nông dân làm ruộng vô cùng trân quý lợn, họ gửi gắm bao hy vọng thoát nghèo đi đến ấm no hạnh phúc vào những chú lợn ngày đêm ở bên họ.

Con lợn cùng người Việt từ thuở sơ khai dựng nước

Con lợn đã được người Việt cổ thuần hóa nuôi dưỡng từ rất sớm. Theo câu chuyện truyền thuyết dân gian thì lợn đã được nuôi từ thời các vua Hùng. Theo “Thế thứ các triều vua Việt Nam” nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần thì lợn được nuôi từ thời vua Hùng Vương thứ 6 là Hùng Huy vương (雄暉王 1712 – 1632 TCN). Có nghĩa là cách đây 3.700 năm, lợn đã được nuôi qua câu chuyện sự tích bánh chưng bánh dày.

Tương truyền Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân, vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, ngài bảo với các con rằng: “Ai tìm được thức ngon lành để bày cỗ dâng cúng tổ tiên có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Trong khi đó, người con trai thứ 18 tên là Tiết Liêu (hay Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ. Tiết Liêu nằm mộng được một vị Thần mách: “Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Tiết Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn ba chỉ dày thật tươi. Đến hẹn, các lang đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Tiết Liêu chỉ có bánh Dày bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông thuật lại chuyện được Thần mách bảo. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Từ đó, cứ đến Tết nguyên đán dân gian bắt chước làm bánh chưng, bánh dày sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.

Cách làm bánh chưng, bánh dày được Thần truyền lại cho Lang Liêu. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Con lợn trong văn hóa Á Đông

Lợn là một trong lục súc (6 loài gia súc), là gia súc quan trọng trong lục súc. Tương truyền, khi Thần Nữ Oa tạo vạn vật thì tạo lục súc trước rồi mới tạo ra con người.

Thuở ban đầu Trời là một khối hỗn độn, đất là một đống bùn đất. Ngày đầu tiên Thần dùng đất bùn nặn một con gà, gà gáy lên một tiếng, cổng Trời mở ra, mặt trời mặt trăng các vì sao đều xuất hiện. Ngày thứ 2, Thần nặn một con chó, chó chạy, cổng Đất mở ra, có 4 phương đông tây nam bắc. Ngày thứ 3, Thần nặn một con lợn, lợn là báu vật trong nhà, không có lợn không thành nhà. Có lợn liền có nhà. Ngày thứ 4, Thần nặn một con dê, dùng dê để tế Thiên Thần, được Thiên Thần ban cho phúc khí, cát tường như ý. Ngày thứ 5 và thứ 6, Thần nặn ra ngựa và trâu.

Sau khi đã nặn ra lục súc, không có người quản lý. Đến ngày thứ 7, Thần dùng bùn và nước nặn ra con người, rồi lại thổi luồng khí, con người liền có linh khí, được gọi là anh linh của vạn vật. Có người, có lục súc, gia nghiệp hưng vượng. Đến ngày thứ 8, Thần Nữ Oa tạ ơn Thần Thổ Địa nên đã dùng đầu lợn hiến tế.

Không có lợn thì không thành nhà, thế nên trong chữ Gia (家 – nhà) có chữ Thỉ (豕 – con lợn). Chữ ‘gia’ sớm nhất là chữ được tìm thấy trên mảnh xương, nên gọi là chữ giáp cốt, cách đây khoảng 3.500 – 4.000 năm, có vẽ một ngôi nhà, trong là con lợn (hình dưới):

(Chữ Giản thể Giáp cốt)

Như vậy con lợn đã được con người nuôi từ rất sớm, và được ở gần gũi xung quanh con người. Hiện nay một số dân tộc thiểu số vẫn ở nhà sàn, dưới là nơi ở của lợn, trâu bò v.v…, có lẽ chính là tập quán từ thuở nguyên sơ còn lưu lại.

Theo “Thuyết văn giải tự”: “Gia, cư dã”, nghĩa là: “Nhà là nơi định cư, cư trú”. Như vậy con người thuở xưa định cư là có chăn nuôi. Không phải ai cũng đủ điều kiện nuôi cả lục súc. Trâu bò ngựa thì lớn, phải là những nhà khá giả, còn chó gà thì chó chủ yếu để trông nhà, gà thì quá nhỏ, thế nên con vật có giá trị nhất đối với đại đa số người, mà nhà nhà giàu nghèo đều có thể nuôi, chính là con lợn. Lợn cung cấp thực phẩm cho con người, thức ăn của chúng là những đồ dư thừa hoặc con người không sử dụng được như cám, gốc rau, cơm thừa canh cặn v.v… Ngoài ra lợn còn dùng để cúng tế Trời Đất, Thổ Công, ông bà tổ tiên.

Thời xưa lợn được dùng như là tiêu chí đánh giá giàu nghèo, là tượng trưng cho báu vật. Trong “Lễ ký” có viết: “Hỏi người dân giàu thế nào, thì lấy số gia súc trả lời”. Từ thời kỳ đồ đá mới người ta đã dùng đầu lợn hoặc xương hàm dưới của lợn bồi táng để biểu thị thân phận, mức độ giàu có của chủ nhân.

Thời xưa lợn được dùng như là tiêu chí đánh giá giàu nghèo, là tượng trưng cho báu vật. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Con lợn âm dương trong tranh dân gian

Tranh dân gian về lợn thì phải kể đến dòng tranh Đông Hồ, có 2 bức tranh lợn tiêu biểu là:

  • Lợn đàn, còn gọi là ‘Đàn lợn âm dương’: thể hiện gia đình hạnh phúc con đàn cháu đống.
  • Lợn ăn cây ráy: thể hiện sự sung túc ấm no.

Tất cả những chú lợn trong tranh này đều có những vòng âm dương, còn gọi là đĩa thái cực hay thái cực đồ, vậy chúng biểu đạt ý nghĩa gì?

Trước hết chúng ta nói về vòng âm dương. Theo học thuyết âm dương ngũ hành của Đạo gia thì:

Vô Cực sinh Thái Cực
Thái Cực sinh Lưỡng Nghi
Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng
Tứ Tượng sinh Bát Quái
Bát Quái sinh vô lượng

Chỉ mấy câu ngắn ngủi đã giải thích vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Triết gia đời Tống Chu Đôn Di có viết “Thái cực đồ Thuyết” như sau:

“Vô cực” là chưa thành “thái cực”. “Thái cực” hoạt động tạo ra dương, khi chuyển động đến giới hạn, nó trở nên tĩnh. Trong tĩnh, nó tạo ra âm, tới cực đại, nó lại hoạt động. Động và tĩnh chuyển hóa, cái này là nền của cái kia. Khi âm và dương đã phân hóa, hai trạng thái xuất hiện. Sự chuyển hóa và kết hợp của âm và dương tạo ra kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Với ngũ hành, các thời kỳ biến đổi của khí được sắp xếp hài hòa, qua đó bốn mùa được tiếp diễn. Ngũ hành đơn giản là âm và dương, âm và dương chẳng qua chính là thái cực, thái cực có nền tảng từ vô cực. Do vậy, trong quá trình tạo ra ngũ hành, mỗi hành đều chứa đựng bản chất riêng của nó.

Nói về lợn, như trên đã nói, ‘không có lợn thì không thành nhà’, trong nhà (chữ Gia) là phải có lợn (chữ Thỉ). Mà con người thì ‘thành gia lập nghiệp’ nghĩa là lập gia đình rồi thì mới có thể dồn tâm sức tạo dựng cơ nghiệp, công lao, sự nghiệp. Ở các vùng nông nghiệp như nước ta thời xưa thì nuôi lợn là có thể tận dụng những phế phẩm nông nghiệp, ngược lại lợn cũng cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng. Lợn lại có khả năng sinh sản cao, tăng trưởng nhanh, và là thực phẩm có giá trị, nên con người có thể sống khá giả sung túc bằng nuôi lợn.

Theo thuyết âm dương ngũ hành thì Hợi là lợn, thuộc âm, ngũ hành thuộc thủy. Mà nước chủ về tài lộc, âm tàng, chứa đựng tích trữ, thế nên lợn là nguồn sinh tài phát lộc cho gia đình.

Bức tranh “Đàn lợn âm dương”. (Ảnh: wikipedia.org)

Chữ Hợi (亥) thể tiểu triện được viết như sau:

(Chữ Hợi thể tiểu triện)

Theo “Thuyết văn giải tự”, “Hợi” là tháng 10 (âm), là khí dương nhỏ bắt đầu khởi lên.

Chữ “Hợi” theo bộ Nhị (hai) gồm một người nam và một người nữ. Nhìn trên chữ giáp cốt chữ Hợi cũng thấy dưới chữ Nhị vẽ hình 2 người, một nam một nữ.

Như vậy tranh Đông Hồ vẽ những con lợn có xoáy âm dương thể hiện một quan niệm vũ trụ quan Thiên – Nhân hợp nhất, con người hài hòa với tự nhiên, có âm có dương, trong âm có dương, trong dương có âm, sinh sôi nảy nở, phát triển phồn vinh. Nó cũng thể hiện hạnh phúc gia đình, âm dương hòa hợp cùng phát triển, tài lộc sung túc, cuộc sống ấm no hạnh phúc, con cháu phát triển thịnh vượng.

Tranh lợn Đông Hồ nổi bật lên một chữ “Hòa”, hài hòa với tự nhiên, âm dương hòa hợp, màu sắc hài hòa, nét vẽ, sắc thái những chú lợn cũng hiền hòa. Người xưa có nói: “Gia hòa vạn sự vinh”, nghĩa là: “Gia đình hòa thuận thì mọi sự việc đều hưng thịnh”, và cũng nói: “Hòa khí sinh tài”, nghĩa là “Hòa khí thì sinh ra của cải tài lộc”. Người xưa còn nói: “Hòa khí trí tường”, nghĩa là “Hòa khí thì đem đến may mắn tốt lành”.

Nho gia cũng cho rằng “Hòa vi quý”, nghĩa là “Hòa là tôn quý nhất”, nên bất kể làm việc gì, với ai, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, cũng đều cố gắng đạt được sự hài hòa, hòa thuận. Thế nên con người cần hài hòa với tự nhiên, thiên nhiên, hài hòa với người khác, hài hòa trong gia đình với vợ chồng con cái, và hài hòa với chính mình, nghĩa là tâm và thân đạt được sự hài hòa, tâm bình hòa yên định. Mạnh Tử cũng nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”.

Thế nên, xét cho cùng thì các bức tranh lợn âm dương Đông Hồ thể hiện chỉ một chữ Hòa. Gia đình hòa thuận, sự nghiệp hưng thịnh, gia tộc sinh sôi, phúc bất tận, từ đó cũng khiến cho thiên hạ hòa thuận. Thiên hạ hòa thuận, hài hòa thì may mắn phúc lành khắp càn khôn, hạnh phúc bình an sẽ trở lại thế gian. Trời Đất hòa hợp, mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi, bừng bừng sức sống, thiên hạ thái bình, hạnh phúc trường tồn.

Nam Phương