Trong cuốn “Di Kiên Chí” của tác giả Hồng Mại đời Nam Tống có câu chuyện kể rằng…

Đằng Khải, tự Nam Phu, là người Vụ Nguyên, thuộc tỉnh Giang Tây ngày nay. Tống Thiệu Hưng năm thứ 5 (năm 1135) sau khi thi đậu Giáp Khoa, Đằng Khải được điều đến Tín Châu nhậm chức Ti Hộ. Trên đường đi, ông đã có một giấc mộng kỳ lạ.

Trong mộng, ông thấy mình đi qua một ngôi chùa, trước cổng chùa có treo tấm biển lớn đề ba chữ “Thừa Thiên Tự”. Các phòng ốc trong chùa đều rất nguy nga tráng lệ, nhưng lại không có bóng dáng của tăng nhân. Chỉ có một lão hòa thượng bước ra chào đón ông và nói:

“Ngôi chùa này là do sư phụ của ta xây dựng. Không lâu sau khi chùa xây xong, sư phụ của ta bởi vì tục duyên chưa đoạn nên đã rời khỏi đây đi vân du tứ hải, rất lâu rồi vẫn chưa trở về. Chúng tăng cũng vì vậy mà bỏ đi, chỉ còn lại ta tuổi cao sức yếu đi không nổi nữa, mới ở lại đây lo việc hương hỏa”.

Đằng Khải hỏi: “Sư phụ của ngài đã đi bao lâu rồi?”.

Lão hòa thượng đáp: “27 năm”.

Đằng Khải lại hỏi: “Bao giờ ngài ấy mới trở lại?”.

Lão hòa thượng đáp: “Có lẽ năm nay sẽ trở về”.

Đằng Khải giật mình, bởi năm nay ông vừa đúng hai mươi bảy tuổi.

Tục duyên chưa dứt, bỏ chùa đi hóa duyên 27 năm quay lại vẫn không quên kiếp trước của mình. (Ảnh: Kienthuc.net)

Đi qua ngôi chùa trong mộng cảnh, giải đáp kiếp trước và kiếp này

Mùa thu năm ấy, Đằng Khải phải đến Quân Nam Khang (nay thuộc thành phố Lư Sơn, tỉnh Giang Tây), tham gia cuộc khảo hạch của triều đình đối với các quan viên. Một ngày trên đường đi, nhìn thấy mặt trời xuống núi, ông bèn xin tá túc ở nhà một người dân.

Nhưng gia đình này không đồng ý, chỉ vào một khúc quanh trên con đường nhỏ và nói: “Ở đó có một ngôi chùa rất thanh tịnh. Đa số các quan viên và sĩ tử đi qua đây đều nghỉ ngơi ở đó”.

Đằng Khải đành phải làm theo lời chỉ dẫn. Đi trên con đường nhỏ mấy chục bước, quả nhiên nhìn thấy một ngôi chùa, trên cửa có treo tấm biển đề ba chữ: “Thừa Thiên Tự”. Sau khi vào cửa, cảnh tượng thật sự vô cùng tĩnh lặng, bồi hồi rất lâu mới nhìn thấy một tăng nhân, vừa lúc ấy tăng nhân cũng nhìn thấy ông.

Sau đó hai người hỏi đáp giống hệt như trong giấc mộng lúc trước. Từng chi tiết đều vô cùng trùng khớp, chứng minh những điều trong mộng là thực. Đằng Khải được đưa đến một gian phòng để nghỉ ngơi. Mở cửa sổ ra, ông bất giác cảm thấy tất cả đồ đạc trong phòng đều vô cùng quen thuộc.

Vì vậy trong lòng ông không được thoải mái, thậm chí còn chán ghét, không muốn ở lại nơi này. Ông miễn cưỡng đi qua căn phòng bên cạnh ngủ tạm, sáng sớm hôm sau liền lập tức rời khỏi chùa.

Từ đó về sau, Đằng Khải thường tỏ ra âu sầu, trong lòng chứa chất đầy tâm sự. Trong cuộc khảo thí, ban ngày vì không ăn được cơm, buổi tối lại mất ngủ, nên khi gặp gỡ những quan viên khác Đằng Khải cũng không còn cười nói vui vẻ nữa.

Có người hỏi ông vì sao như vậy, ông đem mọi chuyện xảy ra kể lại một lượt, cuối cùng buồn bã nói: “Có lẽ ta sắp chết rồi, sao còn có tâm tình vui vẻ được đây?”.

Vẫn đường xưa quen thuộc, luân hồi mấy lần qua hỏi người xưa đâu thấy. Giấc mộng xưa hồi về. (Ảnh: Ifeofpix.com)

Lời tiên đoán của đạo sĩ

Sau khi cuộc khảo thí kết thúc Đằng Khải liền trở về. Khi đi qua Lạc Bình dịch trạm, có một đạo sĩ cầu kiến ông và nói: “Ta muốn gặp Hộ Tào Quân”.

Gia bộc đi vào bẩm báo, Đằng Khải từ chối không gặp, nhưng vị đạo nhân này lại tự mình xông vào, nhìn chằm chằm Đằng Khải rồi nói: “Mau mau chuẩn bị đi thôi, trong ba ngày trước khi chết ông còn có thể gặp mặt gia đình lần cuối. Nếu chậm trễ chỉ sợ sẽ không gặp được nữa”. Nói xong, đạo sĩ liền rời đi.

Đằng Khải càng thêm sợ hãi, sau khi viết thư gửi về cho gia quyến, ông liền ngã bệnh. Khi đến huyện Đức Hưng, ông lại mời tri huyện tới và căn dặn: “Ta sắp đi rồi, không còn thời gian nói nhiều với ngài nữa. Trên đường ta gặp được một đạo sĩ điên, ông ta nói mệnh của ta đã đến lúc tận, hôm nay phải chết. Nếu thật sự giống như lời tiên đoán, vậy mọi chuyện sau này phải trông cậy vào ngài rồi”.

Tri huyện nói: “Sao lại có chuyện như vậy? Ngài ngã bệnh nhất định là do trên đường quá vất vả. Hãy để hạ nhân trở về lấy một ít rượu, sau đó sẽ cùng ngài ẩm tửu, làm bạn với ngài ở đây. Ngài không cần phải sợ hãi”. Tri huyện vừa lên xe trở về lấy rượu thì Đằng Khải đột nhiên qua đời.

Huynh trưởng của ông ở quê nhà là Thuần Phu, sau khi nhận được phong thư từ Lạc Bình thì bắt đầu lo lắng. Ngày hôm đó Thuần Phu đang tựa cửa mong chờ thì nhìn thấy một vị tăng nhân đội chiếc mũ ấm chống bảo trượng bước tới.

Thuần Phu tiến lên đón tiếp, chào hỏi vị Tăng nhân này, nhưng người này chỉ im lặng, vừa dùng tay áo che mặt vừa bước qua Thuần Phu tiến vào cửa lớn, đi đến thư phòng của Đằng Khải.

Thuần Phu đi theo phía sau, nhưng vào đến thư phòng lại không thấy bóng người, Thuần Phu thất thanh thống khổ khóc lớn. Đúng lúc này người từ Đức Hưng dùng kiệu đưa di thể của Đằng Khải trở về. Nhìn trên đầu thấy Đằng Khải đội một chiếc mũ ấm, Thuần Phu mới biết vị tăng nhân lúc nãy là do hồn phách của Đằng Khải hóa thành.

Người ta vẫn nói, con người đến thế gian vận mệnh sớm đã được an bài. “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên”, hết thảy đều không thoát khỏi bàn tay sắp đặt của ông Trời. Đằng Khải kiếp trước là trụ trì chùa Thừa Thiên, kiếp này lại được làm quan, sống đời phú quý, âu cũng là đang tận hưởng phúc đức từ tiền kiếp.

Nhưng vì đã bén duyên nơi cửa Phật, có lẽ ông vẫn cần phải quay trở lại để tiếp tục đời tu hành, cho nên giấc mơ ấy mới giống như một lời nhắc nhở. Bởi vì, khi đã bước vào cửa Phật mà không thể đi trọn con đường, tu cho đến viên mãn đắc Đạo, thì chỉ có thể nhận được phúc báo, chứ không thể thoát khỏi bể khổ luân hồi…

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Khải Phong biên dịch