Rất nhiều người đều đang tìm kiếm cái gọi là cuộc sống hạnh phúc. Họ thường oán trách người bạn đời không thể mang lại hạnh phúc cho mình, từ đầu đến cuối đều đang nghĩ về một ảo mộng không có thực. Có rất nhiều người dành cả đời tìm kiếm hạnh phúc, trong khi hạnh phúc thực sự lại đang ở bên cạnh mình.

Nhà văn đoạt giải Nobel Văn học George Bernard Shaw từng nói: “Ngay giờ phút này, ở trên Trái Đất có khoảng 20 nghìn người phù hợp trở thành bạn đời của bạn, chính là xem bạn gặp được người nào trước. Nếu như trước khi người bạn đời lý tưởng thứ hai xuất hiện, mối quan hệ của bạn với một người trước đó đã phát triển đến bước biết quý trọng nhau, tin tưởng lẫn nhau, thế thì người đến sau kia sẽ chỉ trở thành một người bạn tốt của bạn. Nhưng nếu bạn và người trước đó không thể dưỡng thành một mối quan hệ sâu sắc thì tình cảm dễ dàng lung lay, thay đổi. Chỉ khi bạn có được tình cảm sâu đậm, bền chặt với một trong số những ứng cử viên bạn đời lý tưởng kia thì đó mới chính là sự khởi đầu của hạnh phúc, là hồi kết của những ngày tháng phiêu du bất định”.

Yêu một người không cần thiết phải dựa vào nỗ lực, chỉ cần dựa vào “gặp gỡ”, ấy là an bài của Trời cao. Nhưng “yêu một người lâu dài” chính là cần phải nỗ lực không ngừng. Trong những mối quan hệ tình cảm, yếu tố để mọi chuyện đầu xuôi đuôi lọt chính là sự gắn kết, thông cảm, bao dung và tự kiềm chế. Có rất nhiều người luôn bị mê hoặc bởi thứ tình yêu sét đánh trong khoảnh khắc gặp gỡ. Nhưng cũng chính thứ tình không bền chặt ấy lại là căn nguyên của khổ não, khiến người ta không dứt nổi dục niệm, không thôi giằng xé tinh thần. Rất nhiều người đã quên mất rằng liên tục bồi dưỡng tình cảm mới là then chốt của hạnh phúc.

(Ảnh minh họa: fuelle.jp)

Vậy nên cũng đừng nên truy hỏi xem rốt cuộc ai mới là hạnh phúc thật sự của bạn, mà hãy hỏi trong mối quan hệ với người bạn đời hiện tại, bạn đã nỗ lực đến mức độ nào. Nếu không thể làm được cái gọi là “kinh doanh hạnh phúc”, thì dẫu hạnh phúc có ở ngay bên cạnh mình, bạn cũng sẽ không hay biết, mà cứ mãi sống trong do dự và tiếc nuối không thôi. Đây không phải là cảnh ngộ và tâm thái của rất nhiều người vốn cứ mãi trông chờ vào một “tình yêu vô vọng” đó hay sao?

Lúc này, nếu bạn có được một người bạn đời đã cùng đi qua những năm tháng lâu dài thì chớ lăn tăn thêm nữa. Chúng ta thường không dễ nhận ra một cạm bẫy trong tình cảm, chính là “gần gũi dễ thờ ơ”, cũng chính là “Quy luật lợi ích cận biên giảm dần” trong kinh tế học. Cái gì gọi là “lợi ích cận biên giảm dần”? Chính là khái niệm nói rằng khi người tiêu dùng tiêu dùng một lượng hàng hóa hay dịch vụ càng lớn thì ích lợi hay mức thỏa mãn thu được từ mỗi đơn vị tăng thêm sẽ giảm với tốc độ ngày càng nhanh. Tương tự như vậy, người ở cùng bạn càng lâu, ta càng dễ thờ ơ và xem nhẹ, còn những cuộc “gặp gỡ” mới mẻ luôn khiến người ta vui vẻ và thích thú.

Trong chuyện tình cảm, khó tránh có mâu thuẫn và tổn thương, hơn nữa có những khi người khiến ta tổn thương nhiều nhất lại là người thân thiết, gần gũi với ta nhất. Còn những người mới quen thì dường như lúc nào cũng muốn lấy lòng bạn, cũng chẳng có cơ hội nào đắc tội với bạn. Ấy thế nên niềm vui mới thì lúc nào cũng đáng yêu như thế, còn tình cũ nhìn kiểu gì cũng vẫn đáng ghét, đáng hận như vậy.

(Ảnh: pixpo.net)

Nhưng bạn hỡi, đừng quên rằng cái niềm vui mới kia luôn là ẩn số không xác định, cũng dễ dàng cuốn bay theo gió như những đóa bồ công anh mà thôi. Tình cảm vững bền phải có sự tin cậy. Và thường thứ tình cảm ấy chỉ đến từ những người cũ mà thôi, những người tri kỷ thực sự hiểu mình. Hãy nhớ kĩ, tuyệt đối đừng tùy tiện đánh mất bản thân bởi những cuộc “gặp gỡ” ngẫu nhiên, chớp nhoáng. Đừng bao giờ buông đi mất một bàn tay ấm áp đang nuôi dưỡng hạnh phúc của đời mình.

Vậy nên, Bernard Shaw chính là nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ đi tìm hạnh phúc điên cuồng đến mức như “dùi vào sừng bò”, mãi không thấy lối ra. “Nước sông ba nghìn, chỉ cần một gáo”, cớ gì cứ phải mải mê truy cầu rồi chìm trong tuyệt vọng khổ đau đây? Nếu may mắn gặp được người bạn đời, thì đừng chần chừ do dự chi nữa. Tin tôi đi, bạn sẽ không bao giờ biết được rằng đời này còn có thể gặp được mấy người trong số 20 nghìn người đó. Dù sao đi nữa, hãy biết trân quý hạnh phúc trước mắt không dễ chi mà có được này. 

Duyên phận chính là: người trên thế gian tuy nhiều, nhưng có thể đi cùng bạn dưới cơn mưa tầm tã lúc đêm khuya về đến nhà thực tế chỉ có một mà thôi.

Người hạnh phúc thường quên đi bản thân đã từng làm cho người khác những gì, nhưng lại luôn ghi nhớ những điều người khác đã làm cho mình.

Hạnh phúc, thay vì tìm kiếm, chi bằng hãy tự mình “kinh doanh”. Dù thế nào đi nữa cũng hãy gắng sức trân quý hết thảy những gì ta đang có. Có những thứ một khi mất đi thì không bao giờ tìm lại được. Kỳ thực, hạnh phúc chính đang ở ngay bên cạnh bạn mà thôi! 

Thuận An
Theo duwenzhang

Bạn đang đọc bài viết: “Duyên phận khó tìm thấy, hạnh phúc hãy biết trân quý” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||41fd9f6bb__