Trong đời, có thể kết được thiện duyên với quý nhân chính là một loại hạnh phúc của nhân sinh.

Nhà Phật giảng về duyên phận, trong đó có nhắc đến thiện duyên và ác duyên. Hiểu nôm na thì ác duyên là những mối quan hệ theo kiểu “oan gia”, oan oan tương báo, cản trở, gây khó dễ cho nhau. Còn thiện duyên thì chính là mang đến cho người ta sự tốt lành, thuần thiện.

Nếu đã là vậy, làm thế nào để kết nhiều thiện duyên đây?

Chuyện cổ Phật gia có nhắc đến một chuyện như sau:

Xưa có một tiểu hòa thượng chăm chỉ, tinh tấn, ngày ngày đi hóa duyên, chẳng quản đường xa khó nhọc, mưa gió bụi lầm. Một hôm, chú dừng chân lại một trang viên giàu có, xin cơm ăn và muốn ở nhờ một đêm. Thế nhưng chủ nhà lại không đồng ý cho chú ở lại. Ngoài trời mưa gió, chú bèn nép mình co ro dưới mái hiên, vừa đói vừa rét suốt cả một đêm.

Sáng sớm hôm sau, người nhà ra mở cửa thì thấy tiểu hòa thượng mình ướt như chuột lột, đói lạnh run người, vẫn ngồi co ro bên cánh cửa lớn. Thấy người đến, chú vội vã đứng dậy cúi chào và hỏi tên họ của gia chủ, sau đó mới rời đi.

Nhiều năm sau đó, tiểu hòa thượng kia đã trở thành trụ trì của ngôi chùa lớn nhất vùng. Một hôm, người vợ của gia chủ nọ sắm sửa lễ lạt, lên chùa cúng tiến. Mới bước vào gian điện lớn, bà giật mình khi nhìn thấy tên chồng được ghi trên một chiếc bảng treo trên cột nhà. Lấy làm hiếu kỳ, bà mới tìm gặp một hòa thượng thỉnh hỏi.

Đức Phật dạy: Thiện duyên chính là con đò ngang của sinh mệnh
Chỉ có thiện duyên mới hóa giải được số mệnh trên đường đời. (Ảnh: Youtube)

Hòa thượng nói: “Sư phụ của chúng tôi ghi tên chồng nữ thí chủ lại vì trước đây ông ấy không chịu bố thí tăng nhân”. Người vợ chưa nghe hết câu đã phẫn nộ mắng mỏ: “Trụ trì của các vị tại sao lại nhỏ mọn làm vậy, để bụng một chuyện nhỏ đã mấy chục năm như thế!”.

Vị hòa thượng chắp tay hợp thập trước ngực nói với người phụ nữ rằng: “Thí chủ xin đừng nói vậy! Sư phụ chúng tôi sở dĩ làm vậy là bởi ngài cho rằng chồng của thí chủ không bố thí đồ ăn cho tăng nhân ắt là có ác duyên đời trước chưa dứt được. Sư phụ ghi lại tên của ông để ngày đêm niệm Phật tụng kinh, những mong hóa giải ác duyên đó để gia đình thí chủ bình an cát tường vậy!”.

Người vợ nghe xong thì cảm động khôn nguôi, nước mắt chực rơi, gấp rút về nhà báo lại cho chồng. Người chồng nghe xong cũng vô cùng hối hận, tự trách mình mấy chục năm trước đã hành xử quá ư hẹp hòi, nhỏ mọn. Ông tự thân đến chùa cầu khấn dâng hương, đáp tạ trụ trì. Ông cũng cắt một phần sản nghiệp của mình để lo liệu hương hỏa cho chùa cũng như đồ ăn thức uống cho chúng tăng.

Thực là ác duyên của cả kiếp trước và kiếp này đều đã được một phen hóa giải cả.

Lại có một câu chuyện cổ kể về Đức Phật một hôm dẫn các đồ đệ đi truyền pháp và hóa duyên thì đi tới một bờ sông. Đức Phật hỏi các đồ đệ rằng: “Vì sao khối đá tảng rộng ba thước vuông, đặt trên nước mà không bị chìm, không bị ướt mà lại còn có thể đi qua sông?”.

Các đệ tử trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu nhưng không ai nói ra được nguyên nhân vì sao cả. Cuối cùng, Đức Phật bèn cất giọng ôn tồn giảng: “Chuyện này xem ra rất đơn giản. Tảng đá ấy có thiện duyên nên mới qua được sông mà không chìm. Thiện duyên của nó là gì? Chính là con đò ngang. Đá đặt trên đò, qua sông nhẹ như bay, không bị chìm, cũng chẳng bị ướt”.

Hóa ra là vậy, thiện duyên có thể khiến những điều tưởng chừng không bao giờ xảy ra trở thành sự thật.

Xem thêm: Vì sao Đức Phật giảng: đời người là bể khổ?

***

Giữa thế nhân hỗn độn vàng thau, lòng người quả là khó đoán. Con người vẫn đang sống trong một cuộc sống đầy bất an. Vì sao người ta càng ngày càng có nhiều nỗi sợ hãi đến vậy? Chẳng phải vì qua hết kiếp này, kiếp khác, người ta ngày càng kết thêm nhiều “ác duyên”, đánh mất đi hầu hết “thiện duyên” của mình đó sao?

Thiện duyên của một người không phải truy cầu rồi mà có, hoặc ngồi im đợi là đến. Nó là một mối quan hệ qua lại. Bạn cho đi tấm lòng thiện lương thì sẽ kết được những mối thiện duyên không ngờ nhất.

Đức Phật dạy: Thiện duyên chính là con đò ngang của sinh mệnh
Niềm tin và thiện lương là chìa khóa của tu luyện. (Ảnh: Taylor Weidman/Getty Images)

Và bạn hãy nhớ kỹ:

1. Làm người chớ nên tuyệt tình quá. Bởi kết oán thù thì dễ mà vun xới tình tương giao mới khó biết bao. Hiểu lầm một người dễ, thấu hiểu một người mới là gian nan.

2. Giữa người với người thêm một chút cảm thông, thêm một phần thấu hiểu thì tự khắc tâm rộng rãi, lòng bao la, trời đất cũng ứng theo mà giao hòa, tươi tốt, cuộc sống cũng nhẹ nhàng, thanh đạm, an yên.

3. Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm. Đến khi tìm được, nhất định phải giữ lấy họ bên mình, hoặc ít nhất là trong tim. Bởi mỗi người đi qua đời đều sẽ đặt dấu chân vào trái tim ta.

4. Giữa người với người, có thể gần, cũng có thể xa. Giữa việc với việc, có thể phức tạp, cũng có thể giản đơn. Tình cảm trong đời, có thể sâu, cũng có thể cạn. Đừng mong cầu mọi người đối xử với mình đặc biệt, cũng chẳng nên hy vọng họ sẽ bớt đi những toan tính.

5. Có một số việc, vừa chỉ phân trần trắng đen đã thành quá khứ. Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng. Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước. Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.

Văn Nhược