Chuyên mục diễn đàn bình luận Đạo Đức Xưa Và Nay là cái nhìn trực diện của Ban Biên Tập Văn Hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên vào những vấn đề đạo đức và quan niệm sống trong xã hội Việt Nam hiện đại, cùng độc giả suy ngẫm, hy vọng và đề xuất giải pháp…

Trong thời đại ngày nay, hai chữ “ngoại tình” nằm trong góc khuất ngoài đời nhưng lên ánh sáng của sách báo, các mục tâm sự, hay nơi văn phòng “thám tử tư”. Đôi khi trong cuộc sống êm ả của một gia đình được cho là hạnh phúc bỗng chốc dậy sóng bởi một lần phát giác. Hay đôi khi sự êm ả của một văn phòng bỗng chốc bị xáo trộn bởi một vụ “đánh ghen” của bà xã của một ai đó trong công ty…

Chỉ vậy thôi và hậu quả người ta cho rằng chỉ dừng lại ở đó…

Kiểm lại nội tâm mình, thành thật với chính mình, chúng ta hãy xem chúng ta sợ những điều gì khi trót lỡ đi lệch lạc trong các mối quan hệ? Có lẽ con người hiện đại ngày nay chỉ sợ duy nhất một điều là: bị phát giác… Ngoài đó ra, có lẽ là không sợ gì cả.

Chúng ta hãy cùng lần giở lại những câu chuyện xa xưa hơn một chút để tham khảo những bài học của người xưa và cùng suy ngẫm về sự “mất” và “được”.

Câu chuyện của Bùi Chương

Bùi Chương là người sống tại Hà Đông của tỉnh Sơn Tây. Cha ông có người bạn thân rất được kính trọng là một vị sư Phật giáo. Vị sư này đoán vận mệnh rất giỏi qua xem tướng. Một lần no,̣ ông có xem vận mệnh cho Bùi Chương. Theo lời của nhà sư, Bùi Chương có trán tròn và đầy đặn, mang tới kết quả tốt về sự nghiệp.

Bùi Chương cưới một người đàn bà họ Lý. Năm sau Bùi Chương đi nhiệm chức ở Thái Nguyên và để vợ ở nhà. Vài năm sau đó, nhà sư đó rất ngạc nhiên khi gặp lại Bùi Chương lần nữa. Nhà sư kêu lên, “Mấy năm trước đây, khi nhìn ông tôi có nói là ông sẽ đạt được danh vọng và giàu sang. Không biết tại sao vận mệnh của ông đã bị trở nên xấu tệ như vậy? Ông đã có trán tròn đầy nhưng mà bây giờ thì trán đã bị lõm xuống! Cộng thêm tôi thấy vết đen trong hai lòng bàn tay của ông. Những dấu hiệu đó hiện rõ sự nguy hiểm của mạng sống của ông. Ông hãy coi chừng. Sự thay đổi trầm trọng của gương mặt ông chỉ có thể nói lên là ông đã làm việc gì trái với đạo lý.”

Sau khi nghe lời cảnh cáo, Bùi Chương bắt đầu hồi tưởng về hành vi của mình trong những năm qua ở Thái Nguyên. Ông thú nhận là đã có ngoại tình ở Thái Nguyên và ngoài đó ra không có làm gì khác trái với lương tâm. Nhà sư thở dài và nói với ông, “ Đáng lẽ ông có được tương lai tốt đẹp, nhưng ông không có gìn giữ nó. Vì sự ngoại tình đã hủy hoại vận tốt của ông. Thật là tội nghiệp!

Thời gian ngắn sau đó, Bùi Chương đã gặp phải tai họa chết người như lời tiên đoán của nhà sư.

Câu chuyện của lương y Hà Trừng

Ông Hà rất nổi tiếng nhờ tài năng y thuật của mình. Ngày nọ, có một người tên là Tôn Miễn Chi lâm bệnh và ốm yếu đã lâu. Khi nghe tới vị lương y họ Hà, ông Tôn đã nhờ vợ đi mời ông Hà về nhà. Vị thầy thuốc tới nhà ông Tôn, người vợ liền đưa ông tới mật thất của căn nhà và nói với ông: “Chồng tôi bệnh từ rất lâu rồi, cả nhà đã bán hết mọi thứ để thuốc thang cho ông ấy. Chúng tôi chẳng còn gì để trả cho ông. Tôi sẵn sàng trao thân mình cho ông để cứu lấy chồng tôi.” Ông Hà trả lời rất trịnh trọng: “Sao bà phải nói như thế? Bà không cần lo lắng gì hết đâu; tôi sẽ gắng hết sức để chăm sóc chồng bà. Nếu tôi đồng ý những lời bà nói, tôi sẽ thành tiểu nhân suốt đời, bà cũng sẽ mất đi đức hạnh của mình. Thậm chí nếu không ai lên án chuyện như thế, làm sao tôi tránh khỏi bị trời phạt cơ chứ?” Vợ ông Tôn rất xấu hổ và lặng lẽ rời phòng. Sau này vị lương y họ Hà đã chữa khỏi bệnh cho ông Tôn.

Vào một đêm nọ, ông Hà có một giấc mơ, trong đó ông cảm thấy mình như được một vị thần tiên dẫn tới công đường. Một vị quan đã nói với ông Hà: “Ta nghe ông đã cứu chữa cho ông Tôn, lại không tư tâm lợi dụng vợ người; vì việc đó nên ông sẽ được ban thưởng. Ông sẽ trở thành quan triều đình, hưởng lương 5 vạn đồng.

Ngay sau đó, thái tử bị bệnh. Hoàng thượng cho mời ông Hà vào hoàng cung để chạy chữa cho thái tử. Chỉ với một đơn thuốc, ông đã chữa xong cho thái tử. Hoàng thượng rất hài lòng và ban cho ông Hà tước quan rất cao. Kỳ thực, mọi chuyện xảy ra với ông Hà đúng như những gì ông mơ thấy trước đó.

Câu chuyện Tôn Đạo

Vào triều Minh, ở Ninh Ba tỉnh Chiết Giang có một thư sinh tên là Tôn Đạo, do gia cảnh bần hàn nên lấy việc dạy dỗ trẻ con làm nghề nghiệp kiếm sống. Sau đó vì không giữ được chức nghiệp này, bèn gửi thân nơi nhà họ Trương ở Đường Tây, giúp sao chép viết lách, đổi lấy chút cơm áo sống qua ngày. Tuy thân trong cảnh thanh bần, nhưng trước sau vẫn kiên trì chính trực, không thay đổi đạo đức thanh bạch liêm chính của mình.

Một hôm lúc đêm khuya, nhà họ Trương có một nữ tỳ, lớn lên có chút nhan sắc, nhìn thấy Tôn Đạo tuy ăn mặc giản dị nhưng mặt mày khôi ngô tuấn tú, cử chỉ nho nhã, bất giác xuân tình dập dờn, mới lẻn vào phòng Tôn Đạo định gạ gẫm quan hệ bất chính. Tôn Đạo sau khi biết ý đồ cô gái, liền dùng lời lẽ nghiêm khắc cự tuyệt: “Cô nương hãy bỏ ngay ý nghĩ sai lầm ấy! Phải biết quý trọng thanh danh của mình chứ! Tôi là người đọc sách Khổng Mạnh, nghe theo lời dạy nam nữ thụ thụ bất thân, lẽ nào đi làm cái việc thú tính đồi phong bại tục như thế! Xin cô mau đi đi cho!” Nói rồi trừng mi trợn mắt, mở rộng cửa để cô gái bước ra. Cô nữ tỳ đành chịu, thẹn thùng bước ra cửa mà đi.

Nào ngờ cảnh này đã bị ông thầy tư thục phẩm hạnh không đoan chính của nhà họ Trương thấy được. Ông ta thấy cô gái mỹ miều như hoa, nên lợi dụng cơ hội này tìm cớ lén hẹn hò cô nữ tỳ. Sau khi làm việc cẩu thả không lâu, ông thầy tư thục bỗng nổi mụn nhọt, không thuốc trị được, đau quá bèn bỏ dạy về nhà điều trị.

Vị thầy tư thục đi rồi, chủ nhà mời Tôn Đạo làm thầy dạy con của họ. Một ngày nọ, Tôn Đạo chạm mặt người chú ở Giang Khẩu. Người chú kinh ngạc nói: “Có một việc kỳ quái mà ta tìm cháu để nói. Vì con ta mắc bệnh nặng, ta đến miếu hoàng thành cầu khấn, tối hôm ấy ta có một giấc mộng rõ ràng. Mộng thấy lão thành hoàng ngồi trên điện, hô hoán thuộc hạ cải mệnh cho một số người được định sẵn là sẽ bị chết đói. Khi đọc đến khoảng người thứ mười mấy, ta nghe thấy tên cháu. Ta trộm hỏi vị minh quan, vì sao Tôn Đạo có thể cải mệnh? Minh quan nói: ‘Bản mệnh người này, năm 46 tuổi sẽ chết đói ở xứ người. Vì đêm ngày 18 tháng 4 năm nay, anh ta nghiêm khắc cự tuyệt sự gạ gẫm của người tỳ nữ, tích được đại âm đức, bởi thế kéo dài thọ mệnh hai kỷ (một kỷ là 12 năm), đổi từ chết đói thành giàu sang phú quý”. Cháu nhớ lại xem, có đúng cháu từng cự tuyệt một tỳ nữ hay không?

Tôn Đạo lặng lẽ gật đầu thừa nhận là có chuyện đó.

Sau đó, thuận theo việc học sinh theo học Tôn Đạo ngày càng nhiều, tiền học học sinh nộp mỗi năm mấy trăm lạng bạc. Đến năm Vạn Lịch thứ 36 triều Minh, Tôn Đạo 46 tuổi, cũng chính là năm cần cải mệnh chết đói, quả nhiên xảy ra mất mùa, giá gạo trở nên rất đắt, người nghèo hoàn toàn không có tiền mua, khi ấy người chết đói rất nhiều. Tuy nhiên Tôn Đạo không chỉ thoát được kiếp này, mà cuộc sống còn hết sức dư dả. Đến những năm cuối đời, phủ họ Tôn đã trở thành cự phú, ứng nghiệm với điều mà minh quan báo trước. Năm 70 tuổi Tôn Đạo mất, ứng nghiệm với câu “kéo dài thọ mệnh hai kỷ”.

Những câu chuyện trên khiến chúng ta suy ngẫm:

Phải chăng đúng là trên đầu ba thước có thần linh và mọi hành vi con người đều được Thần nhìn rõ và được ghi sổ? Liệu những gì con người ngày nay tưởng là “bí mật” có thực sự là bí mật hay không? Và điều gì sẽ có thể nhận phải để đổi lấy một chút hoan lạc phù du dễ dãi?

Hà Phương Linh tổng hợp