Một người sành trà chính là người như Lục Vũ nói trong “Trà kinh”, ắt sẽ là người “Tinh hạnh kiệm đức” (Tinh tế, phẩm hạnh, kiệm ước, nhân đức). Người yêu trà đại đa số đều thanh khiết, kiên trì tiết tháo, coi trọng truyền thống, trân quý tình bạn.

Người Á Đông uống trà đã có 5000 năm lịch sử. Theo “Trà kinh” của Trà Thánh Lục Vũ viết: “Uống trà, bắt đầu từ Thần Nông, nổi danh bởi Lỗ Chu Công”. Ngay từ thời Thần Nông, trà và giá trị dược tính của nó đã được phát hiện ra.

Thời Tây Chu, trà chủ yếu dùng làm đồ tế. Đến thời Xuân Thu, lá trà tươi được mọi người dùng làm rau ăn. Thời Chiến Quốc, lá trà được dùng làm dược liệu trị bệnh. Đến thời Tần Hán, trà bắt đầu trở thành một khâu trong ẩm thực xã hội, đồng thời trở thành vật quý hiếm dùng trong các lễ nghi tiếp đãi khách.

Sách “Thần Nông thực kinh” thời Tần Hán có chép: “Uống trà lâu ngày khiến con người có sức mạnh, tinh thần vui vẻ”. Thời Tây Hán, trà đã trở thành một trong những thương phẩm chủ yếu.

Trong thời gian hơn 300 năm từ thời Tam Quốc đến Nam Bắc Triều, đặc biệt là thời Nam Bắc Triều, Phật giáo thịnh hành, người tu Phật dùng trà để tiêu trừ cơn buồn ngủ khi ngồi tọa thiền, thế là ở các thung lũng bên các chùa chiền phổ biến trồng trà. Cách nói: “Trà thiền nhất vị” (Trà và thiền cùng một vị) cũng từ đó mà ra.

Thời Lục Triều, Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ đến Trung Quốc, phát thệ 9 năm không ngủ để thiền định. Tương truyền, 3 năm đầu Đạt Ma đã thành công như ước nguyện, nhưng sau đó không chống được cơn buồn ngủ, cuối cùng ngủ say. Sau khi tỉnh giấc, Đạt Ma vừa xấu hổ vừa bực tức, liền cắt mí mắt ném xuống đất. Không lâu sau, nơi ném mí mắt mọc lên cái cây nhỏ, cành lá thưa, sức sống tràn trề.

Hoàn thành lời thề thiền định 9 năm. Lá cây Đạt Ma hái ăn chính là lá trà đời sau. Đây cũng lại là một truyền thuyết khởi nguồn của trà. (Ảnh: sensualanimist.com)

5 năm trôi qua, khi Đạt Ma thiền định đến năm cuối cùng, lại bị ma ngủ can nhiễu. Ông hái lá cây bên mình ăn, ăn xong lập tức đầu óc tỉnh táo, mắt sáng, tâm chí thanh tỉnh, nhờ đó mới có thể hoàn thành lời thề thiền định 9 năm. Lá cây Đạt Ma hái ăn chính là lá trà đời sau. Đây cũng lại là một truyền thuyết khởi nguồn của trà.

Đến thời Đường, trà mới chính thức phổ cập ở dân gian, từ dùng làm dược phẩm đã dần dần trở thành thức uống trong đời sống thường nhật, đồng thời dần dần tập tục uống trà và nghệ thuật thưởng trà phong phú đa dạng, trang nhã và thông tục cùng thưởng thức.

Lưu Trinh Lượng đời Đường khái quát tổng kết trà có “Thập đức” là: Dùng trà tiêu tán u uất, dùng trà xua đi cơn buồn ngủ, dùng trà dưỡng sinh, dùng trà xua đi khí bệnh, dùng trà nuôi dưỡng lễ nhân, dùng trà bày tỏ lòng kính trọng, dùng trà để thưởng thức mùi vị, dùng trà để nuôi dưỡng thân thể, dùng trà để hành Đạo, dùng trà để tâm tình ưu nhã.

Cao tăng Nhật Bản Minh Huệ (Myoe) cũng đã tổng kết trà có “Thập đức”: Chư Thiên gia hộ, phụ mẫu hiếu dưỡng, ác ma hàng phục, buồn ngủ tiêu trừ, ngũ tạng điều hòa, hết bệnh tiêu tai, bằng hữu hòa hợp, dưỡng tâm tu thân, phiền não tiêu trừ, lâm chung không loạn.

Trà từ một loại đồ uống đơn thuần, dần dần hình thành văn hóa trà độc đáo lấy trà truyền tải, đồng thời đại diện cho sự truy cầu cảnh giới tinh thần tầng thứ rất sâu và thái độ đối với tình cảm, đối với sinh mệnh. Người sành trà chính là người như Lục Vũ nói trong “Trà kinh”, ắt là “Người tinh tế, phẩm hạnh, kiệm ước và nhân đức”. Người yêu trà đại đa số đều thanh khiết, kiên trì tiết tháo, coi trọng truyền thống, trân quý tình bạn.

Uống trà có đặc tính thanh kiết, tao nhã, ngoài thưởng thức về cảm quan, còn có thể tĩnh tâm, tĩnh thần, giúp nuôi dưỡng tình cảm tiết tháo, trừ bỏ tạp niệm, tu thân dưỡng tính, dùng trà ngộ Đạo, điều này rất hợp với quan niệm triết học phương Đông “Thanh tĩnh, điềm đạm”, cũng phù hợp với tư tưởng “tu hành nội tỉnh” của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.

Trong dân gian, các nước Á Đông đều có tập quán “Khách đến mời trà”, đã phản ánh đầy đủ vị trí quan trọng của trà trong nghi lễ truyền thống Á Đông. (Ảnh: tiin.vn)

Trong dân gian, các nước Á Đông đều có tập quán “Khách đến mời trà”, đã phản ánh đầy đủ vị trí quan trọng của trà trong nghi lễ truyền thống Á Đông. Tề Thế Tổ, Lục Nạp thời cổ đại đã từng đề xướng lấy trà thay rượu. Thời Đường Tống, rất nhiều các văn nhân nhã sỹ như Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích, Bì Nhật Hưu, Vi Ứng Vật, Ôn Đình Quân, Lục Du, Âu Dương Tu, Tô Đông Pha, họ không chỉ say mê uống trà, mà còn ca tụng và miêu tả về trà trong các kiệt tác của mình.

Tuyết tan thanh ngọt suối nước trong,
Trà bếp bày ra chẩn bị xong,
Sự đời bỗng chốc tâm chẳng gợn,
Trăm năm chẳng uổng cũng chẳng mong.

(Lục Du – Tuyết tan nấu trà)

Theo Secretchina
Triêu Lộ biên dịch