Lùi lại chính là để tiến về phía trước. Lời dạy của thiền sư trong câu chuyện cổ dưới đây thật thâm sâu, là lời nhắc nhở cho người đời.
Tại Thiền viện Long Hổ, trên bức tường trước chùa, chư tăng đang chú tâm vẽ tranh rồng và hổ đấu nhau. Rồng thì ở trong mây cuộn mình lao xuống; hổ thì chực sẵn trên núi dốc sức phóng vồ lên. Chư tăng cứ tô đi vẽ lại, đổi tới đổi lui mãi, nhưng nhìn chung cái thế vẫn chưa xứng.
Vừa lúc ấy, trụ trì đi qua, vị tăng liền mời ngài xem và xin ý kiến.
Trụ trì xem xong liền nói:
“Về hình dáng bên ngoài của rồng và cọp thì vẽ tốt rồi. Nhưng về đặc tính của rồng và cọp thì các huynh có hiểu chăng? Rồng trước khi tấn công thì đầu nó phải rút lùi về phía sau. Cọp khi muốn nhảy vồ lên thì đầu nó phải hạ thấp xuống đất. Cổ rồng rút lùi về phía sau càng nhiều thì sức quật lại càng mạnh. Đầu cọp càng hạ sát mặt đất thì khả năng tấn công càng nhanh và nhảy vồ lại càng cao”.
Chư tăng nghe xong rất vui mừng và thưa:
“Ngài nói thật quá đúng! Chúng con không những vẽ đầu rồng hướng quá về trước, mà cái đầu con cọp cũng vươn quá cao. Hèn chi nãy giờ xem hoài mà thấy động tác không xứng”.
Nhân đó, trụ trì nói thêm:
“Làm người ở đời xử sự với nhau và đạo lý tham thiền học đạo cũng là giống như thế. Sau khi lùi lại một bước để chuẩn bị thì mới có thể tiến xa hơn. Sau khi hạ thấp mình xuống một chút để phản tỉnh thì mới có thể vươn cao được”.
Chư tăng chưa hiểu nên thưa hỏi thêm:
“Bạch Hòa thượng, người mà lùi lại một bước thì sao có thể tiến lên trước được ạ?”
Trụ trì nghiêm nghị bảo:
“Các huynh hãy nghe ta nói một bài thơ thiền:
Thủ bả thanh ương sáp mãn điền
Đê đầu tiện kiến thủy trung thiên;
Lục căn thanh tịnh phương vi đạo
Thoái bộ nguyên lai thị hướng tiền”.
Tay cầm mạ non ruộng cấy liền
Cúi đầu thấy bóng trời trong nước;
Thân tâm thanh tịnh lòng trông đạo
Lùi lại chính là để tiến lên.)
“Các huynh có thể lĩnh hội được chăng?”.
Lúc đó mọi người mới bừng tỉnh lời của trụ trì dạy.
Theo Tinhhoa
Xem thêm: