Ngày xưa, có một nhà sư trẻ tuổi rất mộ đạo. Sau hơn ba mươi năm khổ công tu luyện, sư thuộc lòng tất cả những kinh kệ của nhà Phật, lại rất giỏi thuyết pháp. Vậy mà lâu rồi vẫn chưa thành chính quả…

Một ngày kia sư tự nhủ với lòng: “Phải hành hương đến đất Phật một phen mới có hy vọng thành Phật”. Nghĩ vậy, nhà sư mới quyết chí tìm đường sang Tây Trúc.

Ðường đi từ nước nhà sang Tây Trúc ngày đó quả là mịt mùng gian khó. Việc qua lại hầu hết là theo đường bộ, mà đi bộ thì thật là muôn vàn nguy hiểm. Nhưng nhà sư trẻ tuổi quả quyết nhằm hướng tây mà tiến bước.

Cuộc hành trình đã được năm mươi ngày. Nhà sư đã nhiều lần lạc đường và mấy lần mê man vì sốt rét, nhưng nhờ được giúp đỡ của những người qua đường nên đều qua khỏi, và cứ thế ông tiếp tục cuộc hành trình.

Một hôm, sư đến một khu rừng thì trời đã về chiều. Sư cố bước dồn, hòng tìm một nơi nghỉ vì trong người đã thấy ơn ớn lạnh. May sao giữa rừng sâu, sư bỗng gặp một ngôi nhà. Nghe tiếng gọi cửa một bà cụ già bước xuống sàn. Sư tỏ ngay ý định của mình là xin ngủ nhờ một đêm. Nhưng bà cụ vừa thấy khách đã xua tay rối rít. 

– Đi mau lên! Mau lên! Con ta mà về thì không còn tính mạng.

Sư bước vội khi trời đã xế chiều, rất may đã tìm được một ngôi nhà nhỏ giữa rừng. (Ảnh minh họa: wallup.net)

Sư đáp:

– Tôi bây giờ thật là kiệt sức, không thể nào bước được bước nữa. Nếu không cho nghỉ thì cũng đành nằm liều trước cửa đây thôi.

Bà cụ bảo:

– Chao ôi! Con ta vốn là Ác Lai hay ăn thịt người. Hãy bỏ đi nhanh lên, bây giờ nó sắp về rồi đó.

Nhưng sư đã vứt tay nải, nằm vật xuống đất. Hai đầu gối va vào nhau chan chát. Bà cụ không biết nói thế nào nữa, đành nắm tay ông mà lôi đến một cái hầm đá lớn. Sau khi đẩy sư vào, bà cụ bảo ông phải cố giữ cho thật im lặng để tránh một cái chết thê thảm. Ðoạn, bà cụ chất củi phủ lá che hầm rất kín đáo.

Trời tối hẳn thì Ác Lai về đến nhà, tay xách một con mang, hắn dừng lại ở chân cầu thang và khịt mũi mãi. Rồi nói:

– Có mùi thịt mẹ ạ!

Mẹ hắn đáp:

– Thì chả là thịt con đem về đây là gì?

– Không phải. Thịt người. Con biết lắm. Có thịt người.

Bà cụ chưa kịp cản thì hắn đã quẳng con mang lên sàn rồi chạy đi tìm. Chả mấy chốc, hắn đã lôi được nhà sư bất tỉnh nhân sự từ dưới hầm về nhà mình.

Khi sư tỉnh dậy thì đã thấy Ác Lai đang cầm một mũi mác lăm lăm ở tay. Hắn quát hỏi:

– Mày đi đâu thế?

Sư nhìn kỹ thấy hắn cũng không khác gì một người thường, bèn tỉnh táo đáp :

– Tôi đi tìm Phật.

– Tìm để làm gì?

Ác Lai về tới nhà thì ngửi ngay thấy mùi người liền đi tìm, tìm một hồi thì tìm được sư đang ngất xỉu trong hầm đá. (Ảnh: Youtube)

Sư bây giờ mới nói rõ mục đích của mình. Rồi luôn miệng, sư giảng giải đạo từ bi cho hắn. Sư nói mãi, kể lại bao nhiêu ngày gian khổ của mình dọc đường ra sao, và niềm mong muốn cuối cùng là làm sao được nhìn mặt Ðức Phật để mà thành đạo.

Sư nói khéo quá, đến nỗi mẹ con Ác Lai đều cảm động đến rơi nước mắt. Thấy họ thành thật hối lỗi. Sư cho họ biết là họ cũng sẽ trở nên “vô sinh vô diệt”, sẽ sống một đời sống vô cùng sung sướng trên thiên giới, nếu họ kiên quyết bỏ ác làm thiện. Tự nhiên mũi mác ở tay Ác Lai rơi xuống sàn. Những đường nhăn hung ác trên khuôn mặt lúc nãy bây giờ dịu lại.

Sáng hôm sau, khi sư chuẩn bị lên đường thì mẹ con Ác Lai vui vẻ sắp sẵn lương thực cho ông. Họ lại tiễn đưa sư đi qua một ngọn núi đá. Khi sắp từ biệt, Ác Lai hỏi:

– Tôi biết lấy gì mà dâng Phật đây?

Sư đáp:

– “Tâm tức thị Phật. Phật tức thị tâm”. Chỉ dâng tấm lòng mình là đủ.

Sư không ngờ Ác Lai đã rút mũi mác, nhanh như cắt tự rạch bụng mình lôi ra cả một mớ ruột gan đưa cho sư và chỉ kịp nói nhanh qua hơi thở đứt đoạn:

– Nhờ Hòa thượng đưa hộ dâng lên Ðức Phật.

Sư lấy làm bối rối quá. Chỉ vì Ác Lai hiểu nhầm lời nói của mình. Bây giờ còn biết làm thế nào đây. Cuối cùng nhà sư đành nhìn vào cặp mắt của Ác Lai, gật đầu nhận lời rồi gói bộ lòng của người đáng thương đó mà quả quyết lên đường.

Tâm tức thị Phật. Phật tức thị tâm. Chỉ dâng tấm lòng mình là đủ. (Ảnh: Medium.com)

Sư vừa đi được mấy ngày thì khu rừng rậm biến mất, hiển lộ ra trước mặt mênh mông bát ngát cảnh nước trời một vẻ trông rất vui mắt, nhưng trong bụng sư thì chẳng vui một tí nào. Món lễ vật của Ác Lai nhờ dâng Ðức Phật đè nặng trên vai ông. Nếu chỉ có thế thì không có gì là đáng ngại cho lắm. Khổ một nỗi là mùi xú uế trong bộ lòng kia xông ra khó tả. Sư đã bọc nó ba tầng bốn lớp mà cái mùi kia vẫn bốc lên nồng nặc. Sư lẩm bẩm:

“Như thế này thì các nhà quán dọc đường còn ai dám chứa mình đây”.

Qua ngày hôm sau, không thể chịu được nữa, Sư bèn vứt bộ lòng của Ác Lai xuống biển.

Nhà sư đi mãi, đi mãi rồi cũng đến Tây Trúc. Nhưng khi phủ phục trước Phật đài nói lên nỗi thắc mắc của mình vì sao chưa được đắc đạo thì bỗng nhiên trên điện cao có tiếng vọng xuống bảo:

“Con còn thiếu một vật nữa mới thành chính quả”.

Sư rất đỗi ngạc nhiên, cố ngước mắt nhìn lên. Trên cao vòi vọi, sư thấy Ðức Phật ngự giữa tòa sen sáng chói lòa, sau lưng có bóng dáng hai người tựa hồ như hai mẹ con Ác Lai. Sư bỗng hiểu hết: Ðức Phật đã rõ sự thiếu thành thực, thiếu tận tâm của mình, còn mẹ con Ác Lai nay đã thành chính quả chỉ là nhờ sự ngộ đạo đột ngột và chân thành trong phút chốc. Sư nằm phục vị hồi lâu, trong lòng thẹn thùng và hối tiếc vô biên.

Nhà sư đành thẫn thờ trở về chốn cũ để tìm lại bộ lòng của Ác Lai. Tuy biển mênh mông và sâu thăm thẳm, nhưng cũng cố lặn hụp để mong thấy lại món quà dâng Phật mà Ác Lai từng gửi gắm mình. Sư nghĩ chỉ có làm thế mới dám nhìn lại mẹ con Ác Lai và có hy vọng được gần gũi tòa sen đức Phật.

Loài cá Nược với cái đầu trọc lóc như ông sư, vẫn mải mê tìm kiếm… (Ảnh: pinterest.com)

Sư bơi lên lặn xuống tìm mãi cho đến khi sức cùng lực tận. Sau đó sư hóa thành loài cá mà người ta vẫn gọi là cá He, cũng gọi là cá Nược hay có nơi gọi là cá Ông sư. Vì cho đến ngày nay dòng dõi loài cá đó con nào con nấy có cái đầu trọc nhẵn, và vẫn làm cái việc mải mê tìm kiếm của nhà sư nọ, nghĩa là chúng đi hàng đàn, cứ lặn xuống nổi lên liên hồi không ngừng nghỉ.

Những người đánh cá còn nói loài cá He ấy rất ghét những ai trêu chọc mình. Ai trêu chọc nghĩa là gợi lại chuyện câu chuyện đau lòng xưa cũ, khi đó bầy cá He sẽ làm cho đắm thuyền rách lưới. Trái lại, ai khen ngợi reo hò thì chúng sẽ lặn xuống nổi lên nhiều lần để bày tỏ thành ý biết ơn.

Đường Tân (biên tập)