Theo chính tu hành nên cẩn thận,
Rửa lòng ái dục để quy chân.

Sau khi thu phục Sa Ngộ Tĩnh, vượt qua Lưu Sa hà, Đường Tăng cùng các đồ đệ thẳng đường lớn tiến về phương Tây. “Trải mấy non xanh nước biếc, ngắm khắp cỏ nội hoa rừng”, một tối mùa thu nọ đến một trang viên nguy nga tráng lệ, mấy thầy trò định xin ngủ nhờ một đêm. Chẳng ngờ, chủ ngôi nhà này lại là một thiếu phụ nhan sắc mặn mà, cùng ba cô con gái xinh tươi đều đang muốn kén chồng làm chủ gia nghiệp. Tây du ký*, hồi thứ 23 viết:

“Người đàn bà lại nói:

– Nhà tôi đây có hơn ba trăm mẫu ruộng cấy, hơn ba trăm khoảnh ruộng màu, trang trại vườn tược cũng hơn ba trăm mẫu, trâu bò hơn một nghìn con, lừa ngựa hàng đàn, lợn dê vô số, bốn phía đông tây nam bắc có đến sáu bảy mươi cánh đồng cỏ, thôn trang, thóc lúa trong kho dùng tám chín năm không hết, lụa là mặc chục năm nay vẫn còn, tiền của tiêu xài suốt đời thừa thãi, đủ mọi thứ gấm vóc lụa là, bạc vàng châu báu. Nếu thầy trò nhà ngài đổi tâm chuyển ý, làm rể nhà này thì sẽ được thoải mái tự do, vui hưởng vinh hoa phú quý, chẳng hơn sang phương Tây vất vả sao?

Tam Tạng vẫn cứ như ngây như dại, chẳng nói chẳng rằng. Người đàn bà nói tiếp:

– Tôi sinh năm Đinh Hợi, ngày ba tháng ba, vào giờ Dậu, chồng tôi hơn tôi ba tuổi. Năm nay tôi bốn nhăm. Con gái lớn của tôi tên gọi Chân Chân, năm nay hai mươi tuổi; cháu thứ hai là Ái Ái, mười tám tuổi; cháu út là Liên Liên, mười sáu tuổi. Cả ba cháu đều chưa hứa gả bán cho ai. Tôi tuy xấu xí, nhưng các cháu đều có chút nhan sắc, việc nữ công thêu thùa đều giỏi cả. Vì chồng tôi hiếm hoi không có con trai, nên nuôi nấng dạy dỗ các cháu như con trai vậy. Lúc nhỏ các cháu cũng được đi học, cũng biết làm câu đối, thơ phú. Tuy ở núi rừng, nhưng cũng khác xa hạng quê mùa thô kệch, tưởng cũng xứng đáng kết duyên cùng các ngài được. Các ngài hãy vứt bỏ ý muốn cũ, để tóc dài, ở đây làm chủ nhà này, ăn sung mặc sướng, chẳng hơn áo thâm bát sành, giày rơm nón lá sao?

Tam Tạng ngồi ở đằng trước khác nào đứa trẻ sợ tiếng sấm, cò sợ gặp mưa, ngây ngây dại dại, ngả người lơ mơ đưa cặp mắt trắng nhìn lên trời. Bát Giới nghe nói đến gái đẹp, giàu sang như thế trong lòng thấy ngứa ngáy không yên, ngồi trên ghế mà như kim châm vào đít, ngả nghiêng nhấp nhổm, nhịn không nổi, bèn chạy lên níu lấy sư phụ nói:

– Thưa sư phụ, cô nương đây đã thưa chuyện với sư phụ, sao sư phụ cứ lặng thinh, phải chiếu cố một chút chứ!

Tam Tạng ngẩng phắt đầu, hừ một tiếng, mắng Bát Giới:

– Đồ nghiệt súc! Chúng ta là người xuất gia, há lại để giàu sang động tâm, gái đẹp loạn trí, thì còn ra thể thống gì nữa?

Người đàn bà cười nói:

– Khổ lắm, đi tu thì sướng nỗi gì?

Tam Tạng hỏi lại:

– Thưa bà, thì người tại gia cũng sướng nỗi gì? 

Người đàn bà đáp:

– Xin trưởng lão ngồi yên, để tôi nói cái sướng của người tại gia cho trưởng lão nghe. Ngài không thấy sao, có bài thơ làm chứng rằng:

Mùa xuân tha thướt bộ quần là
Mùa hạ thưởng sen mặc áo sa
Thu tới làm men ngâm rượu nếp
Đông về sưởi ấm ở lầu hoa
Bốn mùa hưởng thụ đều sung sướng,
Tám tiết ăn chơi đủ ngọc ngà.
Trướng gấm màn the đèn nến tỏ,
Còn hơn mỏi miệng niệm Di Đà.

Tam Tạng nói:

– Thưa bà, người tại gia hưởng vinh hoa phú quý, ăn sung mặc sướng, con trai con gái đầy nhà. Sướng thật. Nhưng bà không biết người xuất gia cũng có chỗ sướng. Bà không biết sao? Có bài thơ làm chứng rằng:

Xuất gia lập chí phi thường,
Ái ân rũ sạch mọi đường xưa nay.
Ngoại vật coi nhẹ, nhàn thay
Âm dương vũ trụ đủ đầy trong ta.
Công quả viên mãn chan hòa,
Sáng lòng thấy tính trở về cố hương.
Gấp trăm tham dục người phàm,
Những túi da thối, ai màng chi đâu!

Người đàn bà nghe xong, nổi cáu nói:

– Lão hòa thượng này thật vô lễ! Ta không nể nhà ngươi từ phương Đông xa xôi tới đây thì sẽ tống cổ ra. Ta đã thực lòng thực dạ, mang cả gia tài mời các người ở rể, thế mà nhà ngươi lại khích bác ta. Nhà ngươi đã thụ giới, phát nguyện, suốt đời không hoàn tục nữa thì thôi, còn trong số đồ đệ, để cho nhà ta một người cũng được, tại sao lại cứ khăng khăng từ chối thế?

Tam Tạng thấy người đàn bà nổi cáu, chỉ biết ậm ờ cho qua, rồi bảo Ngộ Không:

– Ngộ Không, con ở lại đây nhé! 

Hành Giả thưa:

– Con từ bé không biết làm việc đó, sư phụ bảo Bát Giới ấy.

Bát Giới nói:

– Anh đừng đùa thế. Phải bàn bạc cho kỹ chứ.

Tam Tạng nói:

– Hai con không chịu, để ta bảo Ngộ Tĩnh ở lại vậy.

Sa Tăng nói:

– Sư phụ, nghe con nói đây. Con chịu ơn Bồ Tát khuyến hóa, đã chịu giới hạnh, chờ đợi sư phụ. Từ ngày đội ơn sư phụ thu nhận con, được sư phụ dạy dỗ, đi theo sư phụ chưa đầy hai tháng, chưa tiến được nửa phân công quả nào, con đâu dám mưu đồ phú quý! Con thà chết để sang phương Tây, quyết không chịu làm việc dối lòng như thế.

Người đàn bà thấy mọi người từ chối cả, vội vàng quay ngoắt người trở vào sau tấm bình phong, đóng chặt cửa lại, bỏ mấy thầy trò ở bên ngoài, cơm nước không có, chẳng một bóng người. Bát Giới trong lòng bực bội, oán giận Đường Tăng, nói:

– Sư phụ chẳng biết suy tính, cứ nói thẳng ruột ngựa làm hỏng bét cả. Sao sư phụ không tinh ý một chút, cứ ừ ừ bằng lòng để kiếm chút cơm ăn, hưởng một đêm khoan khoái đã, rồi ngày mai nghe hay không nghe là do thầy trò mình chứ. Bây giờ họ đóng chặt cửa không ra nữa, còn lại chúng ta bếp lạnh tro tàn, chịu sao nổi đêm nay!”.

Bát Giới quả là “biết suy tính”! Trên hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh, mấy thầy trò trải qua 81 nạn, nào ma bắt quỷ vồ, nào lửa to sóng dữ, muôn ngàn thống khổ, nhưng dường như hiếm có “nạn” nào lại thảnh thơi sung sướng như nạn này. Cả giàu sang và vợ đẹp đều có dễ như trở bàn tay. Thế mới biết, khó khăn khổ sở là ma nạn, mà dễ dàng sung sướng cũng là ma nạn. Thậm chí trong thuận cảnh, người ta còn dễ đánh mất mình hơn, dễ rơi rớt hơn.

Phản ứng khác nhau của mấy thầy trò trước lời mời mọc của thiếu phụ đã bộc lộ ra cảnh giới tâm tính của mỗi người. Đường Tăng, Ngộ Không và Sa Tăng đều một lòng một dạ tu hành, riêng Bát Giới không giữ nổi mình trước giàu sang và sắc đẹp. Vì thế, chú ngốc đã lấy cớ chăn ngựa để ra cửa sau gạ gẫm ‘mẹ vợ’, hoàn toàn quên mất việc đi lấy kinh. Bát Giới bị dục vọng mê hoặc, chẳng thèm xin phép sư phụ, cũng chẳng màng gì lễ nghĩa, trùm khăn lên đầu, quờ quạng tứ tung để chọn vợ, cuối cùng chẳng bắt được cô nào cả. Tây du ký, hồi thứ 23 viết:

“Bát Giới nói:

– Mẹ ạ, các em không chịu lấy con, hay là mẹ lấy con vậy.

Người đàn bà nói:

– Con rể giỏi nhỉ! Chẳng kể trên dưới, dám đòi lấy cả mẹ vợ? Ba đứa con gái ta khéo tay lắm, đứa nào cũng có móc một chiếc áo lót bằng sợi gấm trân châu, con mặc vừa áo của đứa nào, thì mẹ gả đứa ấy cho.

Bát Giới nói:

– Vâng, vâng! Mẹ mang ngay cả ba chiếc áo ra đây để con mặc thử, con mặc vừa tất là con sẽ lấy tất đấy.

Người đàn bà quay vào trong nhà, rồi chỉ mang ra một chiếc đưa cho Bát Giới. Chú ngốc cởi ngay chiếc áo gấm xanh đang mặc ra, giật lấy chiếc áo lót, mặc vào người, chưa kịp thắt dây, thì phốc một cái, ngã quay ra đất. Thì ra mấy sợi thừng đã trói chặt lấy người, Bát Giới đau đớn không sao chịu nổi. Mấy mẹ con người đàn bà cũng không thấy đâu cả.

Lại nói chuyện Tam Tạng, Hành Giả, Sa Tăng ngủ dậy, đã thấy phương đông trắng bạch, mở mắt ngẩng đầu nhìn xung quanh, chẳng thấy lâu đài nguy nga tráng lệ đâu nữa, thì ra mấy thầy trò ngủ giữa rừng thông. Tam Tạng hốt hoảng gọi Hành Giả. Sa Tăng nói:

– Anh ơi, đúng là chúng ta gặp ma rồi!

Tôn Ngộ Không biết rõ cả, chỉ tủm tỉm cười, nói:

– Chú nói sao? 

Đường Tăng hỏi:

– Con xem, chúng ta ngủ ở đâu thế này? 

Hành Giả thưa:

– Ngủ trong rừng thông thích thật. Nhưng không biết chú ngốc ta chịu tội ở đâu rồi?

Tam Tạng hỏi:

– Sao, ai chịu tội? Hành Giả cười, đáp:

– Mẹ con mấy cô gái nhà này hôm qua, hẳn là Bồ Tát biến hóa thử thách chúng ta, chắc đã đi từ nửa đêm rồi, chỉ khổ cho Bát Giới phải chịu tội thôi”.

Chỉ qua một đêm mà lâu đài nguy nga biến mất, người đẹp xinh tươi chẳng còn. Đây là phép màu của Bồ Tát, hay là sự thật hiển nhiên mà phần đông con người chẳng nhận ra? Có câu rằng: “Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất”, so với sự vô cùng của trời đất và vĩnh hằng của sinh mệnh, thì một kiếp người này cũng chỉ là cái chớp mắt mà thôi.

Phật gia giảng: Đời người như giấc mộng, quán trọ ấy trần gian, qua một đêm thức dậy, tất cả những gì ta tích cóp đều tan thành mây khói cả. Con người đến thế gian này với hai bàn tay trắng, ra đi cũng hoàn toàn trắng tay. Tiền bạc, địa vị, vợ đẹp con khôn… đều không mang nổi xuống hoàng tuyền. Thế mà người ta lại lao tâm khổ tứ, giành giật đấu tranh vì chúng, suốt đời tạo nghiệp, thật mê mờ lắm thay!

Hình ảnh Bát Giới cởi chiếc áo tu hành để mặc vào chiếc áo lót gấm trân châu mà “mẹ vợ” đưa cho là một ẩn dụ sâu sắc. Giữa Thần và người, Bát Giới đã rời xa Thần để bước về phía con người. Để rồi “chưa kịp thắt dây, thì phốc một cái, ngã quay ra đất. Thì ra mấy sợi thừng đã trói chặt lấy người, Bát Giới đau đớn không sao chịu nổi”. Ái dục và phú quý chốn nhân gian nhìn thì như chiếc áo lót gấm mềm mại gợi tình, nhưng kỳ thực là dây thừng trói buộc, khiến con người không thể giải thoát, vĩnh viễn chìm đắm trong biển khổ luân hồi.

Nói về sức mê hoặc của vật chất và sắc dục, trong hồi thứ 27 “Thây ma ba lượt trêu Tam Tạng, Đường Tăng giận đuổi Mỹ Hầu vương”, Tôn Ngộ Không sau khi một gậy bổ đầu Bạch Cốt Tinh cũng đã nói với sư phụ rằng: “Lão Tôn trước kia, khi còn là yêu ma động Thủy Liêm, lúc nào muốn ăn thịt người đều làm cách như thế này: hoặc biến thành vàng bạc, nhà cửa, hoặc biến thành gái đẹp say người. Kẻ nào ngu si say đắm phải lòng con, là bị con lừa mang về động. Lúc ấy, thì tùy ý con, hoặc nấu hoặc kho, ăn không hết, con phơi khô để dành phòng lúc mưa dầm”. Nghe thì huyền hoặc đáng sợ, nhưng trong chừng mực nào đó, những người mê đắm trong danh lợi ái tình đều quên mất bản tính, không thể tu thành Phật, sau trăm năm tấm thân này mục rữa, bị côn trùng sâu bọ rỉa xác, nào khác gì bị yêu tinh ăn thịt.

Trong chúng ta đây có người là người xuất gia tu luyện, nhưng đa số là sống giữa cuộc đời bình thường, cũng có gia đình, có nhà cửa ruộng vườn. Làm như Đường Tăng cắt hết duyên trần, y bát vạn dặm thì không phải ai cũng làm được, nhưng nếu chúng ta có thể dần buông bỏ những truy cầu ham muốn về danh, lợi, tình, sống đơn giản tuỳ duyên, để tâm hồn ngày một nhẹ nhàng, tĩnh lặng, thì đó đã là cởi bớt những sợi dây thừng trói buộc, đến gần hơn với cảnh giới thanh tịnh vô vi rồi.

Kết thúc cố sự này, Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng mới biết là do các vị Bồ Tát biến hoá ra để thử lòng người tu luyện. Mấy câu tụng viết trên tờ thiếp bay phấp phới trên cành cây bách cổ thụ là lời nhắn nhủ cho đoàn người thỉnh kinh, cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người mang tâm cầu Đạo:

“Lê Sơn lão mẫu ngại chi phàm
Bồ Tát Quan Âm cũng giáng trần
Thêm cả Phổ Hiền, Văn Thù nữa
Biến thành gái đẹp thử lòng tăng.
Đường Tăng đức trọng không nhơ tục
Bát Giới lòng phàm vẫn nặng căm.
Nhắn nhủ từ đây nên sửa đổi
Nếu không chính quả khó muôn phần!”

*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

videoinfo__video3.dkn.tv||2fc53753a__