Khi nói đến võ tướng Tuỳ Đường, chúng ta không thể không nhắc đến Tiết Nhân Quý, một danh tướng lẫy lừng trong lịch sử Trung Quốc. 

Khi nhắc đến Tuỳ Đường là nhắc đến một trang sử hào hùng với trăm nghìn biến cố, và cũng là thời kỳ các bậc anh hùng thi triển văn tài võ lược. Tên tuổi của Tiết Nhân Quý được gắn liền với điển tích “Tam tiễn định giang sơn”.

Tuổi trẻ thiếu niên anh hùng

Tiết Nhân Quý là người Giáng Châu, Long Môn (nay thuộc Hà Tân, Sơn Tây), xuất thân trong một gia đình thế tộc ở Hà Đông, thuộc dòng dõi tướng lĩnh thời Bắc Ngụy là Tiết An Đô. Tằng tổ phụ của Tiết Nhân Quý là Tiết Vinh, cũng làm quan thời Bắc Ngụy đến chức Thái thú, Đô đốc, được phong Trừng Thành Huyện công. Tổ phụ là Tiết Diễn, làm Trung đại phu thời Bắc Chu, cha là Tiết Quỹ, làm quan cho nhà Tùy.

Tuy thân là dòng dõi danh môn nhưng sau khi cha chết sớm, gia đình Tiết Nhân Quý lâm vào cảnh bần hàn, cuộc sống khó khăn. Tiết Nhân Quý thần lực thiên bậc, học văn luyện võ, tinh thông võ nghệ, lớn lên trong cảnh Tuỳ Đường giao tranh.

Đường triều năm thứ 20, phía Bắc bình định Đột Quyết, phía Tây bình định Cao Xương, Thổ Cốc Hồn, chỉ còn phía Đông là Cao Câu Ly chưa bình định được. Năm Trinh Quán thứ 18 (644) Đường Thái Tông hạ lệnh viễn chinh Cao Câu Ly, toàn quốc chiêu binh nạp sĩ. Tiết Nhân Quý từ biệt vợ con lên đường tòng quân, bắt đầu từ đây mở ra một trang sử hào hùng 40 năm của cuộc đời.

Tiết Nhân Quý thần lực thiên bậc, học văn luyện võ, tinh thông võ nghệ. (Ảnh: Youtube)

Thân mặc bạch ý, tay cầm Thần kích, một mình đánh bại địch quân

Tháng 6 năm Trinh Quán 19, quân Đường từ Nham Thành (nay thuộc đất Liêu Ninh) tiến quân đến An Thành (nay giáp phía Đông Bắc Liêu Ninh). Giữa đường gặp phải quân Cao Câu Ly, hai bên tương chiến, trong lúc kịch chiến, lang tướng quân của phía Đường Thái Tông là Lưu Quân Cung bị quân địch bao vây, không ai có thể vào cứu.

Đột nhiên lúc này Tiết Nhân Quý tay cầm thủ cấp của tướng lĩnh của quân Cao Câu Ly xuất hiện, quân địch thấy vậy khiếp vía bỏ chạy, không ai dám đối đầu với Tiết Nhân Quý. Nhờ đó Lưu Quân Công được giải cứu, Tiết Nhân Quý vang danh toàn quân.

Ngày 20 tháng 6, Đường Thái Tông đem quân đến được phía Bắc An Thành. Quân Câu Cao Ly phái đại tướng quân là Cao Đình Thọ thống lĩnh 25 vạn đại quân đối kháng. Đường Thái Tông bày mưu dụ quân địch vào thế mai phục, dẫn đại tướng của quân Cao Câu Ly khu vực núi Lục Sơn cách phía Đông An Thành 8 dặm (nay thuộc phía Đông Nam Hải Thành Liêu Ninh), đồng thời lệnh cho Lý Tích phục kích ở phái Tây núi Lục Sơn.

Trưởng Tôn Vô Kỵ mang 1 vạn binh mã phục kích ở hẻm núi phía Bắc, từ phía mặt sau tấn công. Đường Thái Tông đích thân thống lĩnh 4000 kỵ binh tiến lên chính diện phía Bắc trên núi, hiệu lệnh vang lên, toàn quân tấn công.

Sang ngày hôm sau, hai quân giáp mặt, Đường Thái Tông hạ lệnh xuất đánh, mấy vạn quân Đường từ hai bên mạn sườn áp tới tấn công. Tiết Nhân Quý mình mặc áo bào trắng, tay cầm Phương Thiên Họa Kích, eo đeo đại cung tiễn lao vào phía mạn sườn quân địch, không người địch nổi. Một mình Tiết Nhân Quý tung hoành trong số mấy chục vạn quân, đi đến đâu quân địch gục đến đó.

Trên đỉnh núi phía Bắc, Đường Thái Tông nhìn xa xa về phía trận chiến, thấy một võ tướng thân mặc áo bào trắng, dũng khí vô song liền chỉ tay hỏi: “Người mặc áo bào trắng, tay cầm trường kích đó là ai”? Bộ tướng theo bên mới đáp: “Đó là Tiết Nhân Quý”.

Quân địch đụng phải Tiết Nhân Quý vô cùng khiếp sợ, quân Đường thừa thế đánh tới khiến cho 25 vạn đại quân Cao Câu Ly đại bại. Sau trận chiến, Đường Thái Tông lập tức cho triệu Tiết Nhân Quý khen ngợi rồi ban thưởng cho 2 con ngựa, 40 cuốn vải lụa, đồng thời phong làm Du Kích Tướng quân, Vân Tuyền Phủ Quả Nghị. Ngày 18 tháng 9, Đường Thái Tông hạ lệnh toàn quân rút về triều.

Thiên cổ lưu danh, lời hay cầu tướng

Ngày 11/10, quân Đường về đến Doanh Châu. Lúc Đường Thái Tông tưởng nhớ danh tướng bị thương vong lại gọi Tiết Nhân Quý đến nói: “Các tướng cũ của trẫm đã già, không còn gánh vác nổi ký thác nơi sa trường, mỗi lần cần chọn bậc kiêu hùng, không ai được như khanh. Trẫm không vui vì được Liêu Đông, mà vui vì có được khanh vậy”.

Câu nói: “Trẫm không vui vì được Liêu Đông, mà vui vì có được khanh” đã trở thành câu nói thiên cổ ngàn năm. Tiết Nhân Quý lại được thăng làm Hữu Lĩnh Quân Trung Lang Tướng.

Hình ảnh tướng soái mặc áo choàng trắng đã đi vào giai thoại. (Ảnh: Youtube)

Đơn thủ độc chiến mãnh tướng Câu Cao Ly

Sau khi Đường Thái Tông tạ thế, nhà Đường cùng bán đảo Tam quốc duy trì được hoà hảo một thời gian. Nhưng sau khi Cao Câu Ly phục hồi nguyên khí lại bắt đầu kiếm cớ gây sự với nhà Đường. Đường Cao Tông quyết định thảo phạt Cao Câu Ly để đè bẹp thực lực.

Tháng 6 năm Hiển Khánh thứ 3 (678) Đường Cao Tông lệnh cho Tiết Nhân Quý là đô đốc Doanh Châu, Đông chinh Cao Câu Ly. Tiết Nhân Quý lĩnh quân tiến đánh Khắc Tân Thành (Thuận Bắc Liêu Ninh phủ) Xích Phong Trấn. Cao Câu Ly phái 3 vạn đại quân nghênh chiến, nhưng bị Tiết Nhân Quý đánh bại phải lui quân.

Đến tháng 11 năm sau, Tiết Nhân Quý lại một lần nữa thống lĩnh đại quân qua sông Liêu Thuỷ (nay Liêu Hà) đánh với quân Cao Câu Ly. Phía Cao Câu Ly phái mãnh tướng Ôn Cao Lương chỉ huy đại chiến ở Hằng Sơn (Nay thuộc núi Hoa Biểu, Liêu Dương, Liêu Ninh).

Quân Cao Câu Ly bị Tiết Nhân Quý dùng tên đánh bại, Tuỳ Đường lại khai chiến với quân Cao Câu Ly ở Thạch Thành, quân Cao Câu Ly có mãnh tướng, liên tiếp trảm mười mấy danh tướng của quân Đường.

Tiết Nhân Quý nổi giận đích thân cầm Thần kích lao về phía mãnh tướng của Cao Câu Ly. Mãnh tướng Cao Câu Ly dùng tên bắn liên tiếp về phía Tiết Nhân Quý nhưng đều bị Tiết Nhân Quý tránh được lao tới, đơn thủ tóm gọn lôi về.

Đội quân Cao Ly bị thu phục. (Ảnh: Youtube)

Một tiễn xuyên ngũ giáp

Một lần trông buổi tụ hội quân trang, Đường Cao Tông muốn đích thân nhìn thấy bản sự của Tiết Nhân Quý nên nói: “Trong số Thần nhân từ thượng cổ đến nay, có một Thần nhân một tiễn xuyên 7 áo giáp, Khanh lấy 5 áo giáp thư thử xem?”

Tiết Nhân Quý lấy cung lên bắn, một tiễn xuyên 5 giáp, Đường Cao Tông thích thú ban thưởng bảo giáp cho Tiết Nhân Quý.

Tam tiễn định giang sơn

Tháng 2 năm Long Sóc thứ 2 (662), 9 bộ liên minh, tập trung quân lực hơn 10 vạn quân để đối phó quân Đường.

Tháng 3, Tiết Nhân Quý thống lĩnh đại quân đối kháng quân địch. Hai bên ác chiến, liên minh 9 bộ nghe danh trong quân Đường có Tiết Nhân Quý võ nghệ cao cường, liền phái mấy chục mãnh tướng đến nghênh chiến.

Tiết Nhân Quý liền để cho mấy chục người cùng lên một lúc, rồi giương cung lên bắn liên tiếp 3 võ tướng của địch ngã ngựa chết tại chỗ, số còn lại thấy vậy buông cờ quỳ xuống xin hàng. Cuối cùng, 9 bộ liên minh đại loạn, Tiết Nhân Quý chỉ đạo quân đội đại tấn công, khiến 10 vạn quân địch thảm bại, một số xin hàng, một số tháo chạy.

Cũng bắt đầu kể từ đó, điển tích “Tam tiễn định giang sơn” ra đời, Tiết Nhân Quý vang danh thiên hạ.

Theo Secret China
Minh Vũ biên dịch