Trong thiên “Trả lời đế vương” (Ứng đế vương), Trang Tử kể rằng:

Vua biển Nam là Thúc. Vua biển Bắc là Hốt. Vua khu giữa là Hỗn Độn.

Thúc và Hốt thường gặp nhau trên đất của Hỗn Độn. Hỗn Độn tiếp họ tốt. Thúc cùng Hốt tính trả ân Hỗn Độn, bàn với nhau: “Người ta, ai cũng có bảy khiếu để nhìn, để nghe, để ăn, để thở. Chỉ riêng có ông bạn chúng ta đây là không có. Vậy ta thử đục ông ta xem nào!”.

Mỗi ngày đục một khiếu. Sau bảy ngày, Hỗn độn chết.

***

Thất khiếu chính là bảy cái lỗ, bảy cái cửa ngõ ghi nhận thông tin của con người xác thịt. Đó là hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, một lỗ miệng.

Nhân giai hữu thất khiếu, dĩ thị, thính, thực, tức” (Từ Nguyên). Có nghĩa là: Người ta ai cũng có bảy khiếu để nhìn, nghe, ăn, thở.

Lại nói về các nhân vật trong truyện: Hỗn Độn, Thúc, Hốt. Hỗn Độn là vua của khu giữa, là trung tâm của vũ trụ của Đạo gia, là nguồn gốc của mọi vật. Tượng trưng của Hỗn Độn là hình tròn Thái Cực, là nơi khí Âm Dương hòa hợp, nơi mà các cặp mâu thuẫn đối lập hòa lẫn vào nhau không phân biệt. Chính là nơi không phân biệt đúng sai, tốt xấu, thiện ác, trong đục, v.v. và vượt lên tất cả những khái niệm mang tính phân biệt đó. Cho nên nó được gọi là Hỗn Độn. Không có cái gì riêng biệt nhưng không gì không có. Nó chính là Đạo mà Lão Tử, Trang Tử mà Đạo gia hay nói đến.

Câu chuyện đi tìm chân lý đáng suy ngẫm của Trang Tử
Theo Đạo gia thì hỗn độn là trạng thái cao nhất của vật chất, tượng trưng là hình tròn Thái Cực. (Ảnh: pinterest.com)

Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh vô lượng (Kinh Dịch).

Từ cái Hỗn Độn đó rồi mới phân ra thành những sự vật mang tính phân biệt và ngày càng phân biệt, đi ngày càng xa khỏi Hỗn Độn (chính là vô lượng).

“Vua Biển Nam là Thúc”, tượng trưng cho quẻ Càn ở phương Nam, thuộc Dương.

Vua biển Bắc là Hốt” tượng trưng cho quẻ Khôn ở phương Bắc, thuộc Âm.

Đó là hai sự vật cùng sinh ra từ Hỗn Độn – vua khu giữa, nhưng đã đối lập hẳn nhau.

Dù đối lập hẳn nhau, nhưng quay về với gốc là Hỗn Độn thì hài hòa, an lạc, không phân biệt. Cho nên mới nói “Hỗn Độn tiếp họ rất tốt”.

Cho nên, muốn quay về gốc, để nắm rõ hết thảy chân lý thì phải “phản bổn quy chân”, buông bỏ hết thảy những thứ hậu thiên để trở về với bản tính thuần khiết lúc ban sơ. Ấy là đắc Đạo.

Muốn vậy phải dứt được cái tâm phân biệt.

Mà cái tâm phân biệt này lại đến từ các giác quan tai, mắt, mũi, miệng (lưỡi). Chúng chỉ cung cấp cho ta một phần rất nhỏ của sự vật, chứ không phải tất cả. Cái mắt thấy, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi chỉ là một phần sự thật, đâu phải là chân lý tối hậu. Đặt lòng tin tuyệt đối vào chúng thì không tới được với chân lý như bài viết này.

Câu chuyện đi tìm chân lý đáng suy ngẫm của Trang Tử
Vậy nên muốn trở về bản tính nguyên sơ cần vứt bỏ hết thảy quan niệm hình thành từ các giác quan – Đạo gia gọi là: Phản bổn quy chân. (Ảnh: pixabay.com)

Ngược lại, chỉ khi dứt hẳn sự dựa dẫm vào các giác quan, vào thất khiếu thì cái tâm phẳng lặng trong vắt thấu đáy như nước mới cho ta nhìn thấy chân lý, đó là về với Hỗn Độn, với Đạo.

Ấy chính là chỗ mà Phật gia khuyên ta phải để lục căn thanh tịnh. Lục căn tức là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý — tức là Tai, Mắt, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý niệm.

Hoặc như Đức Lão Tử trong Đạo Đức Kinh đã khuyên ta: “Tắc kỳ đoài, bế kỳ môn…” tức là phải đóng lại các giác quan, bế lại thất khiếu thì mới quay được về cái gốc tức là “phục kỳ bản, phản kỳ chân” như Trang Tử đã nói.

Vậy mà Thúc, Hốt – những kẻ mang tâm phân biệt nhị nguyên, lại lấy cái nhận thức sai lạc của mình có được nhờ các giác quan để áp cho Hỗn Độn. Họ quyết khai khiếu cho Hỗn Độn để Hỗn Độn cũng có cái nhìn, cái nghe, cái nếm, cái ngửi… giống như họ.

Thế thì còn Hỗn Độn làm sao được nữa? Chẳng trách đục được 7 khiếu thì Hỗn Độn cũng chết. Đúng là cái sự thiển cận của tâm phân biệt đã trở thành kẻ phá hoại với Đạo như thế đấy.

Tỉnh Thức