“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của Tây Du Ký luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.

Trong tiểu thuyết trường thiên vĩ đại Tây Du Ký, một trong những tình tiết xúc động, bâng khuâng, ám ảnh nhất chính là 500 năm Tôn Ngộ Không bị giam dưới Ngũ Hành Sơn, mỏi mòn chờ đợi người đi lấy kinh.

Tôn Ngộ Không là con khỉ đá do Trời Đất sinh ra, bẩm sinh căn cơ tốt phi thường, sớm ngộ lẽ vô thường, tầm sư học Đạo, trở thành một Thái Ất kim tiên. Được Thượng Đế sắc phong làm Tề Thiên Đại Thánh, ngao du khắp chân trời góc biển, hưởng phúc lành cõi thần tiên. Chỉ vì sinh lòng ngông ngạo, đại náo thiên cung, bị Phật Tổ phạt giam dưới núi Ngũ Hành 500 năm, “đói thì cho ăn viên sắt, khát cho uống nước rỉ đồng”.

Trong bộ phim truyền hình Tây Du Ký (1986), quãng thời gian đằng đẵng chịu khổ đợi chờ này được tái hiện đầy ám ảnh qua giai điệu bài hát “500 năm bãi bể nương dâu”:

“Năm trăm năm bãi bể biến nương dâu
Tảng đá cứng cũng phủ rêu phong
Cũng phủ rêu phong…

Chỉ còn một trái tim là chưa chết
Nhìn lại quá khứ tiêu dao, tự tại
Tiêu dao tự tại

Nào sợ lửa nội đốt thiêu
Nào sợ băng tuyết che phủ
Chí hướng vẫn hiên ngang không đổi
Niềm tin vẫn vẹn nguyên không sờn”

500 năm là quãng thời gian Tôn Ngộ Không đợi chờ Kim Thiền Tử xuất thế, Đường Tăng đi thỉnh kinh, qua đây giải cứu mình. Tuy nhiên, “Văn dĩ tải Đạo”, một tác phẩm vĩ đại như Tây Du Ký lại càng có nhiều ẩn ý thâm sâu đằng sau mỗi tình tiết. 500 năm ấy, Tôn Ngộ Không thực sự chờ đợi điều gì?

Mau mau trả nghiệp lên đường hồi thăng

Trong hồi 14 “Đại thánh trốn khỏi lò bát quái/ Hầu vương giam dưới núi Ngũ Hành”, có một đoạn trích mà người viết từng băn khoăn không hiểu:

“Như Lai bèn cáo từ Thượng đế và các vị thần cùng hai tôn giả ra khỏi cửa trời. Lúc ấy, ngài lại phát tâm từ bi, niệm thần chú, gọi cả Thổ địa, Thần kỳ, cùng Ngũ phương Yết đế dặn canh giữ núi Ngũ Hành, thấy khi nào Đại thánh đói thì cho ăn viên sắt, khát cho uống nước rỉ đồng, đợi bao giờ hết hạn tai ách, tự khắc có người đến cứu”.

Ăn viên sắt, uống nước rỉ đồng, khác gì tra tấn cho khổ thêm, sao lại nói rằng Như Lai “phát tâm từ bi”? Nếu quả là “từ bi” thật, Phật Tổ phải dặn “đói thì cho ăn cơm, khát cho uống nước” mới phải chứ!

Nên mới nói, chớ dùng tâm phàm mà đo lường cảnh giới của đấng Giác ngộ. Tôn Ngộ Không lừa Trời, dối chủ, tội nghiệp thiên đại như thế, lẽ nào có thể phủi tay sạch nợ? Đức Như Lai phạt giam Tôn Ngộ Không dưới núi Ngũ Hành 500 năm, trải bao phen nắng đốt mưa dầm, uống rỉ đồng ăn viên sắt, cốt là để mau mau trả hết tội nghiệp, lên đường hồi thăng!

Đức Như Lai phạt giam Tôn Ngộ Không dưới núi Ngũ Hành 500 năm, cốt là để mau mau trả hết tội nghiệp, lên đường hồi thăng! (Ảnh youtube.com)

Vậy nên mới có thơ rằng:

“Phúc quả dành cho người lương thiện
Hành vi cuồng vọng trời tha đâu
Nhãn tiền chưa gặp, gặp mai sau

Hỏi Đông quán vì sao, mà nay nhiều tai ách?
Chỉ tại kiêu căng khinh trời đất,
Dưới trên bất kể loạn cương thường”.

Và:

“Quen thói ác, thân bị lèn,
Song le căn thiện Phật hiền vẫn thương
Bao giờ thoát khỏi tai ương,
Ấy ngày sư thánh nhà Đường sinh ra”.

Ngẫm về con người hiện đại lên chùa bái Phật, lại cầu xin sung sướng an nhàn, trong khi cõi người là bể khổ, sinh lão bệnh tử, làm gì có sung sướng an nhàn thực sự đây? Thần Phật độ người thoát khỏi bể khổ, vĩnh viễn không còn chịu luân hồi trong tam giới nữa, nên cho rằng con người chịu khổ nhiều một chút, hoàn nghiệp nhanh hơn, trở về nhanh hơn, vốn là điều tốt. Người không hiểu Thần Phật, cứu độ thật khó thay.

Tôn Ngộ Không chịu khổ 500 năm dưới núi Ngũ Hành, cũng là chờ đợi nghiệp chướng tiêu trừ đó thôi!

Vùi chôn trong cõi hồng trần, ngày kia tỉnh ngộ đạo tâm sáng ngời

Nhiều độc giả đọc Tây Du Ký đều ngộ ra rằng, 5 thầy trò Đường Tam Tạng vốn chỉ là một người mà thôi. Trong hồi cuối “Về thẳng phương Đông/ Năm thánh thành Phật” có một bài thơ nói rõ hơn ý tứ đó, trong đó bốn câu mở đầu là:

“Một thể chân như lạc xuống trần,
Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.
Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch,
Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn”.

Trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, Đường Tăng là thân thể, cũng là chủ nguyên thần, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính, và Bạch Long Mã là ý chí của con người. Tôn Ngộ Không do thiên địa hoá dục mà thành, trước đây tự tại tiêu dao, hàm ý rằng sinh mệnh con người vốn được sinh ra trong không gian vũ trụ, hưởng phúc lành trên thiên giới, chỉ vì biến đổi trở nên xấu đi mà rơi rớt xuống trần gian.

Tôn Ngộ Không do thiên địa hoá dục mà thành, trước đây tự tại tiêu dao, hàm ý rằng sinh mệnh con người vốn được sinh ra trong không gian vũ trụ… (Ảnh dkn.tv)

Đạo gia cho rằng vạn sự vạn vật trong tam giới đều cấu thành bởi ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, nên núi Ngũ Hành tượng trưng cho tam giới, một không gian đặc thù trong vũ trụ mà các sinh mệnh trong đó đều phải chịu luân hồi.

Nếu như vậy, 500 năm Tôn Ngộ Không chờ đợi Đường Tăng dưới núi Ngũ Hành cũng chính là 500 năm sinh mệnh lênh đênh chìm nổi trong lục đạo luân hồi, đến ngày Đường Tăng xuất sinh cũng là ngày may mắn đắc được thân người. Ngày Ngộ Không gặp được Đường Tăng đi thỉnh kinh, cũng là ngày chủ nguyên thần giác ngộ lẽ vô thường của thế gian, chính thức bước trên con đường tu luyện, phản bổn quy chân, trở về thiên quốc. Bởi thế mà Ngũ Hành Sơn còn được gọi là “Lưỡng Giới Sơn”, giới tuyến phân biệt giữa người thường và người tu luyện.

Mỗi người chúng ta trên thân đều cõng một “Ngũ Hành Sơn” mà không hay không biết, có người còn cảm thấy cuộc sống hiện giờ rất tự tại tiêu dao. Ấy là bởi ta đã quên, bởi tháng năm đằng đẵng “bãi bể hoá nương dâu” đã khiến ta không còn nhớ tháng ngày tự tại tiêu dao nơi thiên quốc. 500 năm, hay 5000 năm, thậm chí là ức vạn năm, ta bị giam hãm chôn vùi nơi trần thế, cũng chỉ là đợi Chính Pháp khai truyền, đắc thân người tu luyện, trở về gia viên đích thực của mình mà thôi.

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má

Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu…”

Thanh Ngọc