Kinh Dịch là một bộ triết lý cổ xưa giảng về mọi vấn đề trong Tam Giới chỉ với 64 quẻ Bát Quái. Nội hàm trong nó đến bây giờ vẫn là ẩn số đối với đa số chúng ta.
Trong tiết Xuân tươi đẹp, cùng nhau uống chén trà bốc vài quẻ Dịch cùng nhau chiêm nghiệm xem nên xử thế như thế nào để cho năm mới vận hạn tốt hơn cũng là một điều thú vị.
Kinh Dịch là dùng chỉ sự vận động của Tam Giới trong vũ trụ, nhưng vạn vật Tam Giới này lại cấu thành từ Ngũ Hành, kể cả các mối quan hệ cũng vậy. Vì thế trong Đạo Xử Thế theo Kinh Dịch chúng ta cũng có 5 mối quan hệ cần phải xem trọng.
Phần 4: Kẻ thù – người đối lập
Có câu nói rằng: “Kẻ hiểu rõ bạn nhất nếu không phải tri kỷ thì chính là kẻ thù lớn nhất đời bạn”. Vậy trong đạo xử thế ở đời nhất định phải có cách xử lý tốt nhất dành cho kẻ thù, sao cho có lợi nhất cho bản thân ta. Vì lý Âm Dương nên tất cả mọi việc đều có hai mặt, ngay cả kẻ thù nếu tận dụng tốt cũng có thể đem đến lợi ích rất lớn hay cao hơn nữa là hóa thù thành bạn.
Muốn được vậy chúng ta hãy học theo những bài học trong các tượng Quẻ sau.
Khi bị tiểu nhân vu cáo, tranh tụng, không đấu lý đến cùng, hãy cư xử chân chính
Đây là tình huống hay gặp trên đời, chính là tượng quẻ Thiên Thủy Tụng (quẻ Tụng).
Thoán từ: Hình tượng quẻ này là Càn (Dương, người cấp trên, cứng rắn) nằm ở trên đối lập bên dưới là Khảm (nước sâu, người dưới, hiểm độc). Do người trên phát sinh xung đột cùng kẻ dưới rất âm hiểm mà dẫn đến kiện cáo. Vậy tốt nhất là phải giữ đạo Trung Dung, nếu được minh oan rồi thì bỏ qua, không nên tranh đến cùng sẽ rất nguy hiểm.
Ý của quẻ này nói là khi bạn gặp chuyện tranh tụng, hãy cố giải thích để đừng bị hiểu lầm là đủ rồi. Không nên tranh hơn thua và quan trọng nhất phải giữ cách cư xử đúng mực, chính đáng.
“Lợi kiến đại nhân” hàm ý không phải đi gặp người cao hơn để phân xử, mà chính là phải cư xử tuân theo “Đại Nhân” trong lòng mình, chính là lý tưởng mà mình luôn tin theo vậy. Người theo tôn giáo hãy cư xử đúng như tôn giáo dạy, người theo Thiên Đạo hãy sống đúng theo Thiên Đạo. Nghĩa là hãy bỏ qua và sống đúng lý tưởng chân chính của mình rồi sẽ tốt đẹp.
Người sống như quẻ này chắc chắn sẽ gặp hung hóa cát và dần dần kẻ thù sẽ ít hơn.
Khi gặp đối phương hung hãn, hãy hòa nhã lương thiện
Trong khi giao thiệp ngoài xã hội, sẽ có lúc chúng ta gặp rất nhiều những kẻ xấu, hung hãn muốn làm hại mình. Hoặc có thể do vô tình hay cố ý mà mình gặp nguy hiểm do chạm đến quyền lợi của đối phương, nhưng chúng ta vẫn bình an không việc gì do biết cách cư xử thuận đạo lý. Đó chính là quẻ Thiên Trạch Lý.
Thoán từ: Lí hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh (Dịch: Dẫm lên đuôi cọp, mà cọp không cắn, hanh thông).
Quẻ này trên là dương cương, là Càn (trời) dưới là âm nhu, là Đoài (chằm, đầm) vậy là trên dưới phân minh lại hợp lẽ âm dương. Suy ra trong xử thế thì mình luôn cư xử nhu hòa, vui vẻ, trong lòng chính trực, thì dù người đi trước mình dữ như cọp, cũng tỏ ra hiền từ với mình. Cho nên bảo rằng dẫm lên đuôi cọp mà cọp không cắn là vậy. Ba chữ “lý hổ vĩ” chính nghĩa là dẫm lên đuôi cọp, chỉ nên hiểu là đi theo sau cọp, lấy sự nhu thuận, vui vẻ mà ứng phó với sự cương cường hung bạo vậy.
Xã hội ngày nay trọng danh trọng lợi, vì lợi ích cá nhân mà người ta sẵn sàng giết nhau mà tranh giành. Vì thế mà oan oan tương báo không giờ nào dứt, vì thế mà dù thân trong danh lợi mà quả thực chẳng mấy khi thấy hạnh phúc vì cứ mãi tranh đấu và đề phòng.
Vậy sống thế nào để đạt được cuộc sống yên vui với ít kẻ thù, hãy làm theo các quẻ sau đây:
Địa Sơn Khiêm – người an lành chính là vì nhún nhường
Thoán từ Khiêm: Hanh, quân tử hữu chung. Dịch: Nhún nhường, hanh thông, người quân tử giữ được trọn vẹn tới cuối.
Quẻ này trên là Khôn (Đất), dưới là núi (Cấn). Núi cao, đất thấp, núi chịu ở dưới đất là cái tượng nhún nhường. Khiêm hạ. Vì vậy mà được hanh thông. Trong Quẻ chỉ có mỗi một hào dương, nên dùng nó làm chủ quẻ, cũng là Đức tính chúng ta cần học. Chính là đức Khiêm là đạo của trời, đất và người.
Trời có đức Khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ, đất có đức Khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (Khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm). Đạo đất, đạo quỷ thần cũng vậy. Còn đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm).
Nên những kẻ khoe khoang ngạo mạn dễ chuốc lấy tai vạ. Nên người quân tử mà có đức Khiêm thì ở địa vị cao mà thì đức càng sáng không ai ganh ghét, ở địa vị thấp mà chẳng ai dám khinh nhờn mà vượt mình được. Nên muốn an lành và sự nghiệp vững vàng suốt đời, chính là phải học cho được đức Khiêm này vậy:
“ Đức như núi, kỳ đạo quang minh
Động tĩnh hợp nhau chuyện nghĩa tình
Trên dưới chẳng cùng nên chọi ứng
Yên nhiên tự tại chốn an bình”
Sơn Lôi Di – tu dưỡng miệng và thân
(Di: Trinh cát. Quan di, tự cầu khẩu thực)
Dịch: Nuôi, hễ đúng chính đạo thì tốt. Xem cách nuôi người và tự nuôi mình.
Trời đất khéo nuôi vạn vật mà vạn vật sinh sôi nảy nở về mọi mặt; thánh nhân dùng những người hiền giúp mình trong việc nuôi dân chúng mà làm xã hội tốt đẹp. Nên người quân tử tự nuôi mình thì phải cẩn thận về lời nói để nuôi cái đức, và tiết độ về ăn uống để nuôi thân thể (Quân tử dĩ thận ngôn ngữ, tiết ẩm thực). Là vì đời, “họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập”. Phải giữ gìn nhất cái miệng thì nhất định sẽ hưởng phúc lâu dài.
Lôi Thiên Đại Tráng – lúc đắc ý không làm điều bất chính
Thoán từ: Đại tráng, lợi trinh. Dịch: Lớn mạnh, theo điều chính thì lợi.
Quẻ này có 4 nét dương ở dưới, hai nét âm ở trên; dương đã lớn mạnh mà âm sắp bị diệt hết. Quẻ Càn ở trong, quẻ Chấn ở ngoài, thế là có đức dương cương mà động. Lại có thể giảng là sấm vang động ở trên trời, tiếng rất lớn, vang rất xa. Tức là người quân tử đang ở vị trí nắm quyền, thanh thế lớn mạnh như sấm vang trời đất. Lớn mạnh thì dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng thường tình, gặp thời thịnh, người ta kiêu căng, làm điều bất chính, nên đạo xử thế chính là phải giữ tâm cho chính, lúc đắc ý nghĩ đến lúc thất ý, thì mới có lợi.
Mà muốn làm được điều đó, giữ tâm cho chính thì đừng làm cái gì phi lễ. (Quân tử phi lễ phất lí – Đại Tượng Truyện). Muốn không phi lễ thì phải luôn khiêm tốn và biết kính sợ Trời Đất, học theo Thiên Đạo mà cư xử cho đúng. Vì thế mà quẻ Càn nằm bên dưới cũng là lời nhắc nhở vậy:
“ Phúc lớn nhưng họa cấy mầm ngay.
Giữ đạo trung dung sẽ trọn đầy.
Thời vượng tột cùng lên hết đỉnh.
Nhật trung tất trắc, ý trời đây!”.
Phong Lôi Ích – hành Thiện giúp đời cũng là giúp mình
Thoán từ Ích: lợi hữu du vãng, lợi thiệp đại xuyên. Dịch: Tăng lên: tiến lên thì lợi làm (làm việc ích) thì lợi, qua sông lớn thì lợi (có gian nan nguy hiểm gì cũng vượt được).
Quẻ này chính là tượng trưng cho sự tu thân tích đức hành thiện. Khi mình ở địa vị cao mà giúp cho người ở thấp, thấy điều thiện thì tập làm thiện, mình có lỗi thì phải sửa (kiến thiện tác thiện, hữu quá tắc cải- Đại Tượng Truyện) sẽ càng làm càng tốt (lợi thiệp đại xuyên).
Thoán truyện giải thích thêm: Xét hào 2 và hào 5, đều đắc trung đắc chính cả; lấy đạo trung chính mà giúp ích cho dân, dân sẽ vui vẻ vô cùng mà đạo càng sáng sủa. Vậy mới thật là:
Kỳ đạo đài quan trên dưới yên.
Vượt qua hiểm nạn lợi vô biên.
Cúi mình giúp ích vui thiên hạ.
Sự nghiệp rỡ ràng đẹp tổ tiên”
Thiên Địa Bĩ – gặp thời khó nên tu thân giữ mình
Thoán từ: Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai.
Dẫu cho tu thân tích đức tốt đến đâu nhưng cũng không tránh khỏi sẽ có lúc chúng ta gặp hoàn cảnh thê thảm bất lợi, thời thế không thuận, thế sự đảo điên, tiểu nhân đắc ý. Đó chính là lúc phải làm theo quẻ Bĩ này.
Quẻ Bĩ này trái với Thái (Địa Thiên Thái – giảng bên trên). Thái thì dương ở dưới thăng lên, giao với âm ở trên giáng xuống; bĩ thì dương ở trên đi lên, âm ở dưới đi xuống không giao nhau. Âm dương không giao nhau thì bế tắc, ở đạo người như vậy mà ở vạn vật cũng như vậy. Thời đó không lợi với đạo chính của quân tử, vì dương đi nghĩa là đạo của người quân tử tiêu lần, mà âm lại nghĩa là đạo của tiểu nhân lớn lên. Tài năng không được trọng dụng, bất đắc chí triền miên.
Vậy lúc này là lúc người quân tử nên thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, riêng giữ các đức của mình) để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả. (Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc). Nghĩa là nên ẩn, thu mình lại, không cầu danh lợi vì hành động chỉ vô ích, cốt giữ cái đức và cái thân mình thôi.
Nếu làm được như vậy thì Bĩ Cực Thái Lai, sau đó đến quẻ Thái chính là đền bù lại cho sự gian truân và tu thân tích đức của chúng ta vậy. Quả thực là:
“ Nguy hiểm đang chờ phải thức tâm
Lòng thành bao khó cũng hanh thông
Vun trồng công đức tai qua khỏi
Trời phật hộ trì kẻ có công”.
Lời kết:
Mỗi dịp tết đến xuân về là dịp mọi người thư thả nhìn lại một năm tất bật đã qua và tìm kiếm sự yên bình bên gia đình và người thân. Không giống như cái Tết xưa, xã hội ngày nay ngày càng phát triển với đủ thứ công nghệ và đủ mọi loại thú vui. Người ta kiếm ngày càng nhiều tiền hơn, nhưng tất cả chúng ta không phải ai cũng cảm thấy mình hạnh phúc hơn ngày xưa. Ai cũng có trong lòng mình một nỗi khổ đau khác nhau.
Có người có quá nhiều tiền để có thể mua tất cả nhưng không mua lại được tuổi xuân. Có người có quá nhiều thời gian nhàn rỗi nhưng không đổi lại được những phút giây ấm áp bên người thương đã cách biệt phương trời. Có người sống lâu cả đời nhưng không biết mình sống vì cái gì. Có người lại chỉ có vài năm ngắn ngủi trên dương thế và đằng sau là tiếc thương vô hạn của người thân…
Tết đến tức là thời gian trôi qua, mà trôi qua tức là mất đi, vĩnh viễn không có lại được. Vậy làm sao để chúng ta bớt đi lo âu và ít phải hối tiếc vì những gì đã qua và những việc đã làm? Đó là một câu hỏi muôn đời không có lời giải chắc chắn. Chỉ có một cách khá tốt đó là hãy sống thật trọn vẹn và đối xử đúng đắn với mọi người xung quanh. Có như vậy thì từng giây phút cuộc đời trôi qua mới không đáng tiếc. Mà muốn đạt được điều đó thì phải biết nguyên tắc của cuộc đời mà thực thi cho đúng.
Nguyên tắc đó chính là nằm trong Dịch Học, môn triết thuyết quý giá lâu đời mà đến nay vẫn còn bí ẩn. Với mục đích ôn cố tri tân, người viết mong rằng bài viết đúc rút từ Kinh Dịch bên trên sẽ giúp cho quý độc giả đắc được những điều đáng quý từ tri thức của cổ nhân trong những ngày nghỉ thanh nhàn của tiết Xuân tươi đẹp đang về.
“Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai”
(Mộ Xuân Tức Sự – Nguyễn Trãi)
Dịch thơ:
Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn
Khách tục không ai bén mảng gần
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.
(Khương Hữu Dụng dịch)
Hết
Tĩnh Thủy