Có hay không câu chuyện Thiên Đàng – Địa ngục, hay thế giới Thiên Quốc mỹ diệu của Phật Pháp nhiệm màu? Câu hỏi này từng khiến nhân thế ngàn năm băn khoăn trăn trở: giới tu luyện chính Pháp, chính Đạo thì luôn tin đó là ‘Bến quê’ – nơi trở về của ngọn nguồn sinh mệnh, giải thoát mọi khổ đau phiền lụy trong cõi vô thường. Người chưa ngộ Đạo lại coi đó là chuyện huyền bí hoang đường, phi thực tại…

Trong khuôn khổ của loạt bài viết này, chúng tôi không đưa ra lời khẳng định từ cơ điểm khoa học hoặc tôn giáo mà chỉ đơn thuần khách quan giới thiệu lại câu chuyện trải nghiệm của một vị cao tăng – Pháp sư Khoan Tịnh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Chuyện được ông kể lại trong buổi thuyết giảng tại núi Nam Hải Phổ Đà (Sin-ga-po) vào tháng 4 năm 1987, ngõ hầu đem tới cho quý độc giả những hình dung thú vị về một cảnh giới nào đó thuộc Thế giới cao tầng. Nếu không tin, các bạn cũng có thể xem như là mình vừa nghe một câu chuyện cổ tích.

“Tây phương Cực Lạc thế giới du ký” được Bút giả cư sĩ Lưu Thế Hoa căn cứ theo lời kể của Khoan Tịnh Pháp sư mà ghi lại, phóng viên thời báo Đại Kỷ Nguyên tổng hợp và giới thiệu. 

Được Phật A Di Đà chỉ dạy

Thăm xong chín phẩm hoa sen rồi, tôi lại được đưa trở về trước đức Phật A-Di-Ðà. Tôi quỳ trước Ngài chí thành đảnh lễ, cầu đức Phật gia trì và chỉ dạy. Từ chính kim khẩu Ðức Phật A-Di-Ðà từng câu, từng câu một vô cùng thận trọng mà nhắc nhở tôi:

– Phật Tính của chúng sinh vốn là bình đẳng, do tùy nghiệp mình làm đảo điên ý thức, lấy giả làm thực tạo nhân chịu báo, trôi lặn trong sáu nẻo luân hồi không dứt, chịu khổ vô vàn. Bốn mươi tám nguyện ta thề hằng độ chúng sinh, trai gái già trẻ, lấy tín nguyện hạnh nhất tâm bất loạn, tịnh độ thiền, chỉ cần mười niệm quyết được vãng sinh.

Tôi quỳ lễ bái nữa, Ngài dạy tiếp:

– Con có nhân duyên với thế giới Ta Bà, con muốn độ cha mẹ nhiều đời, anh em chị em, thân bằng quyến thuộc, con cần dặn họ giữ giới làm lành, lấy giới làm thầy, thiền định song tu… Con cần dặn kỹ các loại đạo: Phật giáo, Ðạo Nho, Ðạo Gia Tô, Hồi Giáo v.v… các giáo cần cùng nhau giúp đỡ, cùng nhau khích lệ, đừng nói gièm pha nhau, đừng phỉ báng nhau, đừng nói những lời tà chính: người tà – ta đạo, người ma – ta cao, người thấp – ta quý… đừng soi tìm cái dấu vết sai sót nhỏ của nhau mà phỉ báng không ngừng, đây chỉ là hành vi diệt căn lành; bào mòn thì giờ quý báu vào chuyện không đâu, thực chẳng đáng.

Cửa Phật quảng đại, tám vạn bốn nghìn pháp môn, Ðạo nào cũng thực. Có thể tu trì: tà biến được ra chính, ma biến được ra Đạo, nhỏ có thể đi về lớn, cùng nhau đùm bọc nương nhau tinh tấn tu hành pháp môn của mình, sửa sai của mình, hành cái lành của mình mới đúng là chính tông huệ mạng của chư Phật.

Ngưng một lúc Ngài bảo:

– Thôi con về là vừa rồi.

Tôi bái lễ tạ, lễ ba lần và lui gót.

Tôi đảnh lễ ba lần Phật A Di Đà và lui gót. (Ảnh qua youtube)

Trên đường về tôi vẫn cứ bay bay không thấy Nam Thiên Môn, đi bằng trì chú và nương hoa sen đi thật nhanh, đến ngay Trung Thiên La Hán. Tôi ngừng niệm chú thì hoa sen biến mất, lại thấy vị đồng tử hôm trước đưa nước trong cho uống. Thầy tri khách bảo tôi vào phòng nghỉ tí đã, tôi vào phòng nghỉ, thoáng cái đã say say trong giấc ngon lành.

Về tới thế gian

Lúc tôi tỉnh lại loay hoay không biết mình đang ở đâu: không thấy người trời, không thấy Bồ Tát, không thấy tòa Đại điện cũng không thấy nơi nào phát ra hào quang nữa. Tôi nhớ lại: mới ba giờ khuya hôm qua tôi đi dạo cả ngày và giờ lại tối khuya nữa rồi, chắc chừng hai mươi tiếng đồng hồ đi tham quan thích thú quá đi! Ở đây sao mà tối thui như mực, đưa tay không thấy ngón, tôi cảm thấy như đang ở trên một tảng đá lớn của động núi cõi nào. Lần mò hồi lâu mới thấy có tia sáng hừng đông, tinh thần phục hồi ngay như thường, tôi thấy ra mình đã ở thế giới Ta Bà.

Ở trong động không thấy lối ra, tôi gọi, tôi nhảy, tôi khát, không ai trả lời… cuối cùng tôi cũng tìm được lối ra ven theo đường núi xuống dưới. Đi bộ 20 cây số đến đường Xích Thủy, gặp người đi đường tôi bèn hỏi ra, hú vía kinh hồn! Thì ra bây giờ là ngày 8 tháng 4 năm 1973 rồi. Tôi bấm đốt ngón tay đếm, té ra tôi đã rời khỏi nhân gian hơn sáu năm năm tháng!

Tôi lầm bầm niệm trong lòng, Nam Mô A-Di-Ðà Phật:

“Kẻ giác thành Bồ Tát
Người mê ấy chúng sinh
Phật pháp có túc thân
Lúc gặp duyên thì độ”…

Tôi phải thừa kế ý chí của ân sư Hư Vân Lão hòa thượng, thực hành chỉ thị của Ðức Phật A-Di-Ðà và Bồ Tát Quan Thế Âm, hoằng pháp độ chúng sinh hữu thiện duyên.

Cuối cùng tôi cũng tìm được lối ra ven theo đường núi xuống dưới. (Ảnh minh họa: flickr.com)

Đôi chút luận bàn:

Còn nhớ Pháp sư Khoan Tịnh từng trải nghiệm và kể lại câu chuyện kỳ bí này vào đúng thời điểm mà ở Trung Quốc lúc bấy giờ đang diễn ra cuộc “Cách mạng văn hóa” (1966 – 1976). Đây là một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên còn được gọi là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa” (tiếng Trung: 十年动乱, 十年浩劫 – Thập niên động loạnthập niên hạo kiếp).

Thời ấy ngọn lửa hận thù điên cuồng của cái gọi là: “Phá Tứ cựu” do thể chế đương nhiệm phát động đã thiêu hủy gần như đến tận gốc rễ nền văn hóa Thần truyền 5000 năm của vùng đất Trung Nguyên cổ xưa. Các đền chùa Phật giáo, Đạo giáo, nhà thờ, tu viện Hồi giáo, tượng Phật, những bức thư pháp, đồ cổ, hội họa… đã bị phá nát trong tay Hồng vệ binh.

Rất nhiều tăng ni, phật tử cư sỹ… và những người theo tôn giáo tín ngưỡng bị đàn áp, chính quyền Trung Quốc bắt buộc họ phải từ bỏ đức tin và tín ngưỡng của mình. Theo con số thống kê được, sau “Cách mạng văn hóa” có Tổng cộng 1,5 đến 1,8 triệu người bị giết chết hay tự sát, khoảng 20 triệu người bị đưa về nông thôn lao động cưỡng bức trong nhiều năm. Khoảng 200 triệu người bị thiếu ăn thường xuyên.

Nhưng tội ác kinh hoàng nhất trong lịch sử đàn áp người tu luyện phải kể đến cuộc thảm sát man rợ mà chính quyền Trung Quốc thực thi với môn tu luyện Pháp Luân Công – một môn pháp tu luyện ‘tính mệnh song tu’ thượng thừa của Phật gia lấy nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” làm nền tảng.

Niềm tin vào Thần Phật của các học viên Pháp Luân Công hoàn toàn khác biệt với quan niệm vô thần mà ĐCSTQ luôn gieo rắc suốt nửa thế kỷ trước đó. Tổng Bí thư của ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân hơn bao giờ hết cảm thấy lo sợ vị thế và quyền lực lãnh đạo của mình bị uy hiếp, khi mà số người dân theo học môn tu luyện thượng thừa này lên đến hơn 100 triệu người – con số vượt hơn nhiều so với số đảng viên ĐCSTQ khi đó.

Trong một nỗ lực điên cuồng, tháng 7/1999 – Giang Trạch Dân đã huy động tối đa ngân sách và nhân lực quốc gia dành cho việc duy trì bộ máy đàn áp Pháp Luân Công. Theo ước tính, chi phí trả lương cho khoảng vài triệu người trong lực lượng an ninh tham gia đàn áp lên tới 100 tỷ nhân dân tệ mỗi năm ở thời điểm nóng bỏng nhất. Năm 2001, riêng ở quảng trường Thiên An Môn, mỗi ngày chính quyền Trung Quốc tiêu tốn khoảng 2,5 triệu NDT cho các vụ bắt bớ, đánh đập, bức hại và giam cầm các học viên Pháp Luân Công.

Đỉnh cao của cuộc đàn áp man rợ, vô nhân tính do Giang Trạch Dân phát động chính là chính sách mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công ngay khi họ đang còn sống. Theo công bố kết luận điều tra ngày 20/6/2015 của Tổ chức Thế giới – Điều tra về Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) cho biết: ‘có ít nhất hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng trái phép tại Trung Quốc’…

‘Tây phương Cực Lạc thế giới du ký’ được kể ra như một lời cảnh tỉnh và điểm hóa của Thần Phật và các sinh mệnh cao tầng dành cho thế nhân: rằng tu luyện ấy là điều hết sức thực tại, thế giới cao tầng cũng đâu có huyền hoặc như trong mường tượng của bách tính dân gian. Bởi thế chớ lấy cõi mê làm điều huyễn hoặc, lại càng không nên: “Đả tăng mạ đạo” (giết sư, chửi đạo) hành ác tạo nghiệp mà khiến tự thân rơi vào biển khổ trầm luân, vạn kiếp trả đền nào đâu hết tội. Trong câu chuyện, đức Phật A Di Đà có giảng:

‘Phật Tính của chúng sinh vốn là bình đẳng, do tùy nghiệp mình làm đảo điên ý thức, lấy giả làm thực tạo nhân chịu báo, trôi lặn trong sáu nẻo luân hồi không dứt, chịu khổ vô vàn’. Vậy nên: ‘đừng nói những lời tà chính: người tà – ta đạo, người ma – ta cao, người thấp – ta quý… đừng soi tìm cái dấu vết sai sót nhỏ của nhau mà phỉ báng không ngừng, đây chỉ là hành vi diệt căn lành’… 

Kẻ giác tành Bồ Tát, người mế ấy chúng sinh… (Ảnh: lovehhy.net)

Xin khép lại lời bình và sê-ri bài viết về chủ đề: Bí ẩn tâm linh – ‘Tây phương Cực Lạc thế giới du ký’ bằng lời kệ có từ trong tác phẩm:

“Kẻ giác thành Bồ Tát
Người mê ấy chúng sinh
Phật pháp có túc thân
Lúc gặp duyên thì độ”…

Hết.

Đường Phong