Hơn 1000 năm trước đây, một đại sư của Ấn Độ và của Mật giáo Tây Tạng đã thấy trước những sự kiện sẽ diễn ra trong thời đại ngày nay, như: Thiên tai xảy ra khắp nơi, nạn đói và dịch bệnh tràn lan, cuộc xâm lăng Tây Tạng, đền chùa và tượng Phật bị phá hủy, các tu sĩ bị sát hại… Đối chiếu với ngày nay, có thể thấy đó đều là những dự ngôn chuẩn xác lạ thường.
Trước khi Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn tại Thánh địa Kushinagar, ngài đã nói với các đệ tử của mình rằng:
“Trong thế gian vô thường này chúng sinh không thể tránh được cái chết, giờ đã tới lúc ta phải ra đi. Nhưng đừng than khóc nữa, vì 12 năm sau khi ta lìa thế gian, tại hồ Dhanakosha ở góc tây bắc của xứ Urgyan, sẽ có một đấng thông thái và đầy quyền năng sinh ra trong một đóa hoa sen. Người đó sẽ được gọi là Liên Hoa Sinh và truyền bá Mật giáo”.
Đấng thông thái mà Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc đến chính là Đại sư Liên Hoa Sinh, người truyền bá Phật giáo sang Tây Tạng và được các đệ tử tôn kính gọi là “Đức Phật thứ hai”.
Truyền thuyết về Đại sư Liên Hoa Sinh
Tương truyền, Đại sư Liên Hoa Sinh là một hóa thân của Phật A Di Đà. Ngài sinh ra trong một đóa sen ở giữa Hồ Ngọc (hồ Dhanakosha) thuộc xứ Urgyan, phía tây của Bodhgaya (tức Bồ Đề Đạo Tràng). Ngay từ khi sinh ra, Liên Hoa Sinh đã mang thần thái của một đấng giác ngộ, sớm thông tuệ các giáo lý Phật Pháp. Ngài đã được vua Indrabodhi nhận làm con trai và trao quyền kế vị vương quốc.
Thế nhưng, khi đã đạt tới đỉnh cao của quyền lực thế gian, Liên Hoa Sinh nhận ra rằng vạn vật trong cõi vô thường chỉ là hư ảo. Ngài đã quyết định từ bỏ ngai vàng để xuất gia tu hành. Cũng trong những năm tháng ấy, đại sư đã nhiều lần sử dụng thần thông, nhiếp phục ma quái, và đẩy lùi thiên tai, để lại nhiều truyện thần thoại cho đời sau. Vì vậy mà người ta còn gọi ngài là “Đạo sư quý báu”, “Quỹ Phạm Sư Bảo”, hay “Sư Tôn Bảo”.
Điều đặc biệt là tất cả những lời dạy của Đại sư Liên Hoa Sinh đã được một đệ tử của ngài là Đức bà Yeshe Tsogyal, người có trí nhớ kỳ diệu, chi chép lại trong Kinh Dakini. Cuốn sách này đã được cất giấu và chỉ được hậu thế tìm ra cách nay khoảng 500 năm. Đoạn trích dẫn trong ngoặc kép dưới đây là lời tiên tri về thời mạt pháp, tức thời đại ngày nay của chúng ta:
Dự ngôn về thời mạt pháp
Khi vị vua bảo hộ Mật giáo ở Tây Tạng tên là Trisondetsen hỏi đức Liên Hoa Sinh về thời Mạt pháp, ngài đã trả lời rằng:
Sư tăng vô đạo
“Khi thời mạt pháp đi dần tới nạn lửa cuối cùng, tuổi thọ của kiếp người giảm và bóng tối dày đặc hơn, nhưng con đường sa đọa vẫn còn được kiềm chế khi người ta vẫn còn nghe lời Phật và vẫn còn theo Đạo Pháp.
Vào khoảng cuối thời hắc ám này, khi tuổi thọ giảm từ 65 xuống 55, còn tính vị kỷ của người ta tăng mà không giảm, thì những tình trạng xấu sẽ thắng thế, báo trước sự hủy hoại của Đại Bảo Tháp (Đại Bảo Tháp là một hình ảnh ẩn dụ, có thể hiểu nôm na là tín tâm của nhân loại đối với Phật Pháp – NV), đó là:
Người tại gia đến ở đầy chùa và đánh nhau trước bàn thờ. Đền chùa được dùng làm lò sát sinh. Các vị ẩn tu trong hang núi trở về cày ruộng. Các Thiền giả sẽ đi buôn. Bọn trộm cướp thì có của cải và gia súc. Tu sĩ trở thành người tại gia. Còn các sư trưởng thì trở thành giặc cướp, trộm đạo.
Trật tự trở thành hỗn loạn, biến thành hốt hoảng lan nhanh như lửa cháy rừng. Người hư hỏng và vị kỷ trở thành lãnh tụ, còn các sư trưởng trở thành sĩ quan quân đội chỉ huy các tu sĩ quân nhân của họ. Các nữ tu giết con hoang của mình. Có những người phải chứng kiến cảnh cơ nghiệp và gia sản của mình bị cướp đoạt. Bọn mị dân ác độc và thô lỗ trở thành các lãnh đạo địa phương, còn các cô gái thì dạy trẻ con ở các trường học. Phù thủy Bon lớn tiếng đến nỗi Thiền giả trong am thất cũng nghe thấy, và các đền chùa bị cướp bóc.
Kinh sách của chư Phật, tượng Phật, tranh ảnh và các Tháp bị xâm phạm, bị đánh cắp và mua bán với giá ngoài chợ, không ai nhớ tới giá trị thật của những vật này. Đền chùa trở thành chuồng trâu, chuồng ngựa phủ đầy phân”.
Nhân tâm suy đồi
“Khi người ta quên bổn phận tôn giáo thì ma quỷ, vốn bị kiềm chế bằng các nghi lễ, sẽ được thả lỏng, làm loạn và điều khiển tâm trí của người nào mà chúng nhập. Ma thù địch nhập vào các tu sĩ. Ma vị kỷ độc ác nhập vào các hành giả Mật chú và các phù thủy. Ma bệnh tật nhập vào các đạo sĩ Bon. Ma gây bệnh nhập vào đàn ông. Ma cãi cọ nhập vào đàn bà. Ma lả lơi nhập vào các cô gái. Ma hư hỏng nhập vào các nữ tu. Ma phá rối nhập vào trẻ con. Mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ con trong xứ đều bị lực lượng hắc ám được thả lỏng nhập vào.
Dấu hiệu của thời này là kiểu y phục mới, kỳ lạ: kiểu quần áo cũ kỹ bị bỏ quên. Các tu sĩ mặc kiểu áo mới lạ, còn các nữ tu thì sửa sang trước tấm gương. Mọi người đều phải mang gươm để tự vệ và ai cũng canh chừng để thức ăn của mình không bị bỏ thuốc độc. Sư trưởng và thầy làm ô nhiễm tâm trí các đệ tử của họ. Nhà cầm quyền và các pháp quan không đồng ý với nhau.
Đàn ông trở nên thô tục, buông thả. Đàn bà không còn trong sạch nữa. Các tu sĩ không giữ giới và đức hạnh. Các hành giả Mật chú vi phạm lời thệ nguyện. Khi sự hoành hành của các ma độc ác, vị kỷ, thù hận và tàn bạo gia tăng, thì những tin đồn hoảng hốt cũng gia tăng và kiểu y phục thay đổi thường xuyên hơn”.
Chính giáo và tà giáo
“Bọn say rượu thuyết giảng về sự cứu rỗi. Bọn mị dân được người ta nghe theo. Các vị thầy giả mạo truyền tâm ấn giả dối. Bọn lừa bịp khoe là có thần thông. Tài hùng biện được coi là trí huệ. Bọn kiêu ngạo đề cao phàm tục. Bọn hạ tiện cai trị vương quốc. Các vua chúa trở thành người nghèo. Bọn đồ tể và bọn giết người trở thành thủ lãnh. Bọn tham vọng tiến thân thô lỗ leo lên vị trí cao.
Các vị Thầy của nghi quỹ cao cấp chạy rông như chó ngoài đường, còn các đệ tử của họ thì không có tín tâm cũng đi lang thang như sư tử trong rừng. Những người hiện thân của độc ác và vị kỷ được kính trọng như các vị thầy, trong khi sự thành tựu của các vị thầy Mật giáo thì bị nói xấu, lời dạy của Đạo Sư Bí Mật bị coi là tà đạo, giáo lý của Đức Phật bị bỏ quên, lời khuyên của các Thiền giả và các Thánh nhân bị làm ngơ.
Bọn ngu ngốc và bọn gian tà mặc áo Tu sĩ, còn các Tu sĩ mặc y phục của ngoại nhân; bọn sát nhân cũng mặc áo cà sa. Những người tìm ma thuật học Mật chú vì mục đích vị kỷ. Tu sĩ chế thuốc độc để bức bách người khác và để trục lợi. Giáo lý tà ngụy được tạo ra từ lời Phật và các vị thầy diễn giải kinh điển để tự đề cao.
Người ta đi theo những con đường nguy hiểm chưa được biết trước đây. Nhiều lối tu hành gian tà lan rộng. Những hành vi vốn được coi là xấu xa thì lại được dung dưỡng; những tư tưởng mới trái ngược với phong tục cũ, những tục lệ tốt bị từ bỏ, những lối sống mới đáng khinh làm hư hỏng con người, tài sản của đền chùa bị cướp đoạt và bị những người đã thọ giới tiêu phí. Đi theo đường tà, con người bị kẹt trong chính những hành động xấu của họ. Những người bảo hộ giáo lý thuần túy thì lại tham lam, giả dối, không làm tròn bổn phận của họ nữa”.
Thiên tai nhân họa, bệnh tật tràn lan
“Thiên lý bị đảo lộn, gây ra dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh để làm khủng hoảng đời sống thế gian. Các tinh tú hỗn loạn, những ngôi sao rơi khỏi các chòm sao; những ngôi sao lớn bốc cháy xuất hiện mang lại tai họa không thể lường trước được. Mưa rơi không đúng mùa, mà trái mùa; các thung lũng bị ngập lụt. Nạn đói, sương giá và mưa đá gây mất mùa nhiều năm.
Bọn nữ quỷ dữ tợn và mười hai nữ hộ pháp không được cúng tế nữa nên nổi giận thả lỏng các bệnh tật cùng các bệnh dịch khủng khiếp lan tràn như lửa cháy rừng, làm hại cả người lẫn gia súc. Những trận động đất gây nạn lụt bất ngờ, trong khi lửa, bão và gió lốc tàn phá đền chùa, tháp và các thành phố trong khoảnh khắc.”
“Trong cảnh đen tối này, Pháp luân ở Vajrasana (Bồ đề đạo tràng) không hoạt động nữa; chiến tranh tàn phá Nepal trong nhiều năm; Ấn Độ gặp nạn đói; thung lũng Kathmandu bị bệnh dịch hoành hành; động đất tiêu diệt dân xứ Ngari Thượng ở miền tây Tây Tạng; bệnh dịch hủy diệt dân miền trung Tây Tạng; quận Thung lũng Kyi của thủ đô Lhasa vẫn tồn tại; các đỉnh của Hy Mã Lạp Sơn ở biên giới xứ Mon bị đổ xuống các thung lũng.
Ba đồn phòng thủ được xây trên núi Năm Đỉnh; các Thiền giả tụ họp nơi thung lũng Hang Gấu ở Mon; hai mặt trời mọc ở tỉnh Kham về hướng đông; Hoàng đế trung Hoa chết đột ngột; bốn đạo quân tràn xuống miền trung Tây Tạng từ biên giới; quân Hồi giáo chiếm Ấn Độ; quân Garlok diệt giáo pháp ở Kashmir; người Mông cổ chiếm Tây Tạng; quân Jang tiến vào Kham; chùa Hộ Pháp Rasa Trulnang bị đe dọa; chùa Samye danh tiếng bị xâm phạm; các tháp ở Bhutan bị nghiêng và Pháp luân bị hỏng”.
“Các chùa lớn ở xứ này bị bỏ hoang và tiếng ợ của đạo sĩ Bon vang trong các am thất yên tĩnh; các vị lãnh đạo khôn ngoan hay chất phác của các tu viện bị đầu độc làm cho việc diễn giải và tu hành truyền thống bị phân tán hay mai một; những người bảo tồn truyền thống bị chết đột ngột. Bọn giả dối lừa gạt người dân và những bóng ma đen ám ảnh xứ sở này.
Nút chỉ tơ thiêng liêng trói buộc các lực lượng ma quỷ bị tháo ra và sợi dây tín tâm giữ tâm trí con người hòa hợp bị cắt đứt. Luật lệ của vua bị phá và sức mạnh của sự hợp nhất xã hội bị diệt; phong tục của dân bị chối bỏ và biển an lạc bị khô cạn; đạo đức con người bị bỏ quên và ca áo khiêm tốn bị liệng bỏ”.
“Người đức hạnh thì bất lực và bị hạ nhục, chịu sự sai khiến của những người cai trị thô lỗ, kiêu ngạo, đáng sợ. Các tu sĩ và thầy giáo trở thành sĩ quan quân đội, còn kẻ ngu dốt thì lại hướng dẫn người có đạo tâm, thuyết giảng giáo lý và truyền tâm ấn. Tín đồ nói xấu người khác để tự biện minh, trong khi đồ tể và voi hoang dẫn dắt người ta.
Các đèo, các thung lũng và các đường mòn đều bị các bọn cướp vô liêm sỉ quấy phá. Lo sợ, vô pháp luật và không có người hướng dẫn, dân chúng đánh lẫn nhau và hành động một cách vị kỷ. Tây Tạng trở nên bại hoại và ô nhiễm. Đây là tình trạng chính yếu trong khoảng giữa thời Mạt pháp, khi tuổi thọ của con người là năm mươi năm”.
“…chiến tranh sẽ bộc phát như một cơn bão thổi qua Tây Tạng và Trung Hoa, sự phi nhân của tai họa này sẽ làm tăng gấp ba lực hắc ám, nạn đói và bệnh tật sẽ đưa chúng sinh vào địa ngục khủng khiếp. Từ biên giới Trung Hoa ở cao nguyên Đông bắc, một đạo quân đông bằng năm lượng hạt cải trắng sẽ xâm lăng Tây Tạng và tiếng kêu khủng khiếp sẽ vang như sấm trong nhiều năm. Một đạo quân đông bằng chín lượng hạt cải trắng sẽ tiến qua vùng bình nguyên miền nam xâm lăng Tây Tạng và tiếng kêu kinh hoàng sẽ vang như là một con rồng lửa.
Các đạo quân sẽ tiến qua những thung lũng như chớp nhoáng xâm chiếm miền tây Tây Tạng. Lực lượng cao nguyên sẽ xâm lăng Trung Hoa, cướp phá cho tới khi chiến thắng. Một nửa dân Tây Tạng sẽ bị giết, các đền chùa đều bị phá hủy, các bức tượng bị xâm phạm, kinh sách bị chà đạp dưới đất, các tu sĩ bị sát hại. Những ngôi làng bị tàn phá và trở nên hoang vắng vì những người sống sót trong tai họa này sẽ trốn sang Sikkim, Bhutan, Nepal và Ấn Độ như những người tỵ nạn, và đến các thung lũng bí mật của Hy Mã Lạp Sơn. Những người ở lại vì còn tiếc ruộng đất và của cải, sẽ bị bọn man rợ chống giáo pháp tàn sát cùng với gia súc của họ”.
Sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế
“Ngài có trí lực lớn và sẽ thấy rõ những gì mình sẽ làm trong đời. Do nhận thức bí ẩn hay rõ rệt trong các kiếp từ khi Ngài phát nguyện, Ngài sẽ tái sinh với tín tâm coi Tam Bảo là An Lạc Vĩnh Hằng, tôn kính trách vụ của giáo hội, và thành tâm với sự thiêng liêng của thân, khẩu, ý. Là người Đại thừa, Ngài có tâm từ bi đối với loài người cũng như các sinh vật và sự bố thí của Ngài về thân, khẩu, ý là vô tận. Với trí huệ về chân không an lạc của bản thể các pháp, Ngài quán thông Phật Hạnh bạo động và sự biểu lộ hung dữ của các hộ pháp phẫn nộ.”
“Nguyện giải trừ sự thống khổ này, vị Tulku, với lục an lạc của ta, với tâm từ bi đối với chúng sinh, không nghĩ tới thể xác, sự sống và hạnh phúc của riêng mình, khôi phục dũng mãnh bằng sự phẫn nộ thiêng liêng, ngài hướng dẫn và củng cố sức mạnh cần thiết cho người dân ở các xứ biên giới. Khi tiếng nói đức hạnh của những người lưu vong đã hợp nhất, thì những người bạn của Vĩ nhân này bắt đầu cùng nhau ra sức phục hồi Đại Bảo Tháp.
Nhưng những quyền lực hắc ám quái đản đã dụ dỗ mọi người làm những điều tội lỗi; chỉ có ít người tôn sùng và tin tưởng vị Tulku, những người này ít như sao buổi sáng. Tuy nhiên, Vĩ nhân này cũng có một trăm ba mươi ngàn tín đồ đạo hạnh, một trăm lẻ sáu Đạo sư uyên thâm, tám mươi tám Thiền giả thành tâm trì giới, tám mươi thí chủ rộng rãi, không keo kiệt, hai mươi ba nhà tiên tri, tám Giáo sư hóa thân của tám Bồ Tát, hai mươi lăm đệ tử sùng tín, năm Dakini (nữ thần) hóa thân, và hai mươi lăm thiếu nữ thuộc các gia đình cao quý. Tiếp xúc với họ, Ngài thanh lọc tâm trí ô nhiễm của họ và dọn sạch mọi chướng ngại trên đường đạo của họ.”
“Tất cả những người nào ra tay phục hồi Đại Bảo Tháp, sau ba lần tái thức tỉnh, sẽ tái sinh làm người hay thần, thanh tịnh để nhận cam lộ Giáo pháp, và rốt cuộc sẽ đắc Phật quả ở cõi Tây Phương Cực Lạc (…) Tất cả những người nào cùng với Đấng Vĩ Đại, thi hành việc phục hồi Đại Bảo Tháp, dù có ý thức về Ngài hay không, dù tin tưởng và tôn sùng hay không, đều sẽ đạt thành tựu tối thượng và quyền năng tâm linh vào cuối kiếp làm người thế gian”.
Cuối cùng, xin được kết thúc bài viết này bằng một dự ngôn khác. Đạo sư Liên Hoa Sinh cũng có lời tiên tri giống với lời giảng của Đức Phật Thích Ca 2500 năm trước đây, rằng: Khi Đấng Cứu Thế xuất hiện thì hoa Ưu Đàm Bà La sẽ khai nở. Lời tiên tri trong kinh Phật đã ứng nghiệm rồi, những bông hoa Ưu Đàm Bà La hiện giờ đã khai nở khắp nơi, phải chăng Đấng Cứu Thế đã có mặt tại nhân gian và đang cứu độ chúng sinh rồi?
(Dựa theo các ghi chép của Đức bà Yeshe Tsogyal trong phần “truyền thuyết về Đạo sư Liên Hoa Sinh” và “Huyền thoại Đại Bảo Tháp Bodha”)