Kinh Dịch không phải để xem bói hay đoán biết mệnh vận của bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Đó là hiểu biết rất sơ khai và nông cạn thường thấy khi thế nhân nghiên cứu và sử dụng Kinh Dịch. Vì tâm mong cầu danh lợi và thỏa mãn ích kỷ cá nhân, nên hầu hết đã làm mất đi tinh hoa của Kinh Dịch vốn là lời dạy của Thần dành cho con người.

Loạt bài “Bí ẩn Kinh Dịch” này không có tham vọng viết hết tất cả bí mật của 64 quẻ Dịch tốt và xấu, thay vào đó sẽ chỉ chọn ra 8 quẻ Thuần (Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Khảm, Ly, Đoài, Tốn) mà viết.

8 quẻ Tiên Thiên Bát Quái tượng trưng cho Đạo Trời và 64 quẻ Hậu Thiên Bát Quái có thể dự đoán mọi việc rất chính xác. Chúng tôi chọn ra 8 quẻ Thuần chính là 8 lời dạy nguyên sơ nhất của Thần dành cho con người trong tất cả các quẻ Hậu Thiên, cũng là phần tinh túy nhất để khơi gợi căn cơ ham học nghiên cứu của các độc giả yêu mến văn hóa Thần truyền.

Nếu bạn tìm hiểu với tâm vô dục vô cầu, chỉ từ 8 quẻ đó biết đâu bạn sẽ có cơ duyên hiểu được tất cả các quẻ còn lại, thay chúng tôi viết thêm cho hoàn chỉnh các lời dạy của Thánh hiền.

Rất hoan nghênh sự đóng góp của quý độc giả để hoàn thiện loạt bài nghiên cứu còn sơ sài này.

“Càn Vi Thiên” nghĩa là gì?

Quẻ dịch này đứng đầu trong 64 quẻ. Tượng trưng cho Trời. Tên quẻ chỉ gồm 3 chữ nhưng hàm chứa nhiều huyền cơ. Không phải chỉ đơn giản là “Càn Vi Thiên” nghĩa là “Càn là Trời” như lâu nay người ta hay cho là thế. Chúng ta có thể tạm hiểu như sau:

  •       “Càn” là càn khôn vũ trụ, trời đất, Thần Phật, Đấng sáng tạo.
  •       “Vi” là vi tế, thành phần nhỏ nhất của sinh mệnh, cũng chính là Đạo.
  •       “Thiên” là nơi cư ngụ của Thần, Phật, các đấng Thiêng Liêng, thiên quốc, là nơi mà các sinh mệnh trần gian luôn mong ước được trở về sau khi mất, hay linh hồn được sống trong đó.

Từ 3 chữ trên, ta có thể thấy ý nghĩa khái quát nhất của quẻ Càn này chính là: Đây là quẻ để nói về Trời (Càn), là lời dạy của Thần Phật để con người làm theo (Vi) nhằm đạt đến cái Đạo tế (Vi), cải biến sinh mệnh mà đạt tiêu chuẩn để có thể quay về thiên quốc (Thiên).

Đọc đến đây, có lẽ có độc giả rành về Hán Cổ sẽ thắc mắc rằng: chữ “Vi” trong Càn Vi Thiên phải là chữ “vi 為” (làm, là) chứ không phải là chữ “vi 微” trong “vi tế”, và đưa ra một loạt dẫn chứng từ các sách cổ chữ Hán khác. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Kinh Dịch, đặc biệt là quẻ Càn không phải là thứ mà con người có thể tùy ý phát minh ra được, nó có thể được xem là “Thần dụ” – tức lời chỉ dẫn của Thần. Không một văn tự nào có thể diễn tả hết ý nghĩa của Thần dụ, do đó muốn hiểu thấu đáo chỉ có thể ngộ, không thể cầu, càng không có đúng sai, chỉ có ngộ ở tầng thứ nào mà thôi. Tất cả các tác phẩm bằng chữ Hán cổ san định Kinh Dịch, kể cả xa xưa như của Chu Văn Vương hay Khổng Tử, đều là người đời sau dựa vào chút tàn tích ít ỏi còn lưu lại mà nghiên cứu, luận giải về Kinh Dịch; chữ mà họ dùng chú thích là dựa trên kiến thức và tìm hiểu của họ, cũng chỉ là hữu hạn.

Do đó, nghiên cứu và ứng dụng Kinh Dịch được thấu đáo ắt chỉ có người đắc Đạo, với tâm vô dục vô cầu mà nhìn ra huyền cơ đằng sau của nó; với sự cho phép của Thần thì mới có thể thấy sâu hơn phần nào đó để mà viết ra. Người viết không tự nhận mình giỏi hơn ai, chỉ là do cơ duyên mà đắc được một số cảm ngộ khác hơn so với người xưa mà thôi. Những điều viết ra có thể là nông cạn hay thâm sâu, còn tùy vào mỗi người đọc. Đó cũng là cái duyên của độc giả với Kinh Dịch vậy.

Bài học từ Quẻ Càn: Nhận thức đúng về Thần và vũ trụ

Như đã nói ở phần 1, Kinh Dịch có thể coi như một bộ máy mô phỏng khổng lồ. Từ nhỏ như vi sinh vật đến lớn như thiên hà cũng đều có thể mô phỏng và thể hiện qua nó. Vậy quẻ Thuần Càn này ngoài mặt là lời dạy của Thần, nội hàm bên trong chắc chắn cũng rất rộng lớn, sẽ bao hàm hết mọi phương cách mà chúng ta sinh sống trong cuộc đời này sao cho đạt Đạo, đủ tiêu chuẩn quay về thiên quốc.

Đồ hình quẻ Thuần Càn (ảnh: Wikipedia).

“Càn Vi Thiên” nghĩa là trong bầu trời bao la kia, ngoài cái vũ trụ rộng lớn mà con người có thể thấy và khám phá một phần như các hệ tinh cầu, mặt trời, trăng và các vì sao ra, còn có những tầng trời, những thiên hà rộng lớn, các Phật quốc, thiên đàng vẫn đang song song tồn tại ngoài sự hiểu biết của con người. Trời là khái niệm vũ trụ to lớn và đáng kính vô biên trong tâm thái cổ nhân. Dẫu là Phật hay Thần cũng không ai dám nói mình thấy và hiểu hết về vũ trụ, nên cổ nhân thời xưa đối với trời đất vũ trụ đều một lòng kính ngưỡng và tuân phục, sống theo quy luật tự nhiên, không dám trái ý Trời.

Nhưng 5.000 năm đã trôi qua, con người hiện đại trải qua mấy cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã trở nên vô cùng kiêu hãnh. Họ không cảm thấy cần phải kính ngưỡng và sợ Trời. Họ thấy rằng Trời là một khái niệm không gian mà thôi. Nên họ mới đóng tàu vũ trụ, bay vào không gian rồi kiêu ngạo cho rằng không thấy Thượng đế đâu cả. Họ coi thường các quy luật tự nhiên, rời bỏ niềm tin vào Thần, tự cho mình cái quyền chinh phục tự nhiên, khám phá mọi thứ bằng khoa học, máy móc và suy nghĩ mọi thứ đều có thể giải thích, giải quyết bằng khoa học.

Vì thế mà trần gian tươi đẹp này đã trở nên vô cùng ô nhiễm, nhân loại phải gánh chịu hầu hết những gì mà sự kiêu ngạo kia đem lại. Không khí và nguồn nước vĩnh viễn không còn trong sạch như xưa, sinh ra đủ thứ bệnh tật. Còn có chiến tranh, giết chóc để thỏa mãn dục vọng, lòng tham, lợi ích của các quốc gia.

Khoa học hiện nay đã không còn cách nào đem lại một trái đất tươi đẹp như ngày xưa, thời mà con người còn tin vào Thần, còn sinh sống với một trái tim lương thiện và ít dục vọng.

Muốn cảm nhận và thấy được vũ trụ chân thực và Thần Phật, không phải là bay cao bay xa. Mà chính là phải thay đổi trong cách suy nghĩ và sinh sống, phải tiến nhập vào cảnh giới của chữ “Vi”. Phải thay đổi quan điểm và tư duy của khoa học hiện đại, nếu không con người khó tránh khỏi kết cục tự đào hố chôn mình. Dù bay cao bay xa, mà đi sai đường thì cũng được ích gì đâu.

“Vi” có nghĩa là vi lượng, vi tế, tức là thành phần cực nhỏ. Nghiên cứu phát triển từ những thứ nhỏ nhất mà đi sâu vào nó mới là con đường đúng. Nếu vậy thì nghiên cứu nano hay hạt nhân, vật lý lượng tử phải chăng là con đường đúng?

Thật ra, cái nhỏ nhất cần nghiên cứu mà điều chỉnh chính là cái “Tâm” của con người. Khoa học chẳng đã phát hiện ra rằng tư duy con người phát xuất ra chính là một dạng vật chất đó sao.

Dù đã có rất nhiều nghiên cứu về Tâm và tiềm năng con người, nhưng vẫn chỉ là muối bỏ biển, còn xa mới có thể hiểu hết sự vi tế của chữ Tâm. Chỉ khi nào con người tập trung tìm hiểu thâm sâu về bí ẩn tư duy, thân thể và Tâm của chính mình thì mới có thể tiếp cận thế giới của Thần Phật, chính là chữ “Thiên”.

Vậy ý nghĩa của “Càn Vi Thiên” đối với sự phát triển của Tâm Đạo và quan niệm về vũ trụ chính là: Phải sống thuận theo tự nhiên, phát triển tâm linh dựa trên nền tảng đức tin vào Thần Phật, thì nhân loại mới có thể đạt đến hạnh phúc thật sự, và có thể thấy lại được thiên đàng, thiên quốc.

Cũng như nhà thơ William Blake đã viết:

“To see a world in a grain of sand

And a heaven in a wild flower,

Hold infinity in the palm of your hand,

And eternity in an hour”.

Dịch nghĩa :

“Để thấy vũ trụ trong một hạt cát

Và bầu trời trong một đóa hoa rừng,

Hãy giữ vô cùng trong lòng tay bạn

Và thiên thu trong một khắc đồng hồ”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã viết cuốn sách “Vũ trụ trong một nguyên tử” – một định nghĩa hay khái niệm thật mới lạ, vượt khỏi suy nghĩ của con người. Khi tu luyện ở trình độ cao và thâm sâu, sẽ khám phá ra những điều mà các nhà khoa học hiện đại hay người thường khó có thể tin được.

* Loạt bài “Bí ẩn Kinh Dịch” được đăng tải vào 11h thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hàng tuần, kính mời quý vị cùng theo dõi.

Video: Người vô Thần chỉ tin vào khoa học, các nhà khoa học lại tin vào Thần học

videoinfo__video3.dkn.tv||29d1b41b6__