Bản thiết kế tháp Eiffel là đề án dự thi của kỹ sư Gustave Eiffel nhân dịp Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế tại Paris vào năm 1889, kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. Ban đầu, việc xây dựng tháp bị công chúng phản đối dữ dội, vì bị coi là chướng mắt, kỳ quái, phá hỏng vẻ đẹp của Paris hoa lệ.
Thậm chí, một nhóm kiến trúc sư và học giả đã ký vào văn bản phản đối việc xây dựng tòa tháp. Họ gọi công trình này là “vô dụng” và “quái dị”.
Một trong những người phản đối mạnh nhất là nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant (Mô-pa-xăng). Nhà văn này tuyên bố ông sẽ thường xuyên leo lên tháp Eiffel để ăn trưa, làm mọi người sửng sốt không hiểu. Khi được hỏi tại sao, Maupassant trả lời: “Vì đó là cách tốt nhất để không nhìn thấy cái chướng mắt do Tháp Eiffel gây ra”.
Thế nhưng vượt qua tất cả những lời chỉ trích, tháp Eiffel vẫn được xây dựng và khánh thành. Ngay từ những ngày đầu mở cửa đón khách tham quan, tháp Eiffel đã thu hút nườm nượp người đến Paris. Riêng năm 1889, đã có gần 2 triệu khách tham quan, đạt kỷ lục về du lịch trên thế giới vào thời điểm bấy giờ. Từ đó đến nay, tháp Eiffel càng ngày càng trở nên nổi tiếng, liên tục giữ kỷ lục về lượng khách tham quan, mang lại nguồn lợi kinh tế khổng lồ cho nước Pháp.
Tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng kiêu hãnh của nước Pháp nói chung và của Paris nói riêng, đi vào hội hoạ, âm nhạc, văn chương, điện ảnh… Ngoài ra, tháp Eiffel còn được sử dụng với các mục đích quân sự và khoa học. Nhà phát minh trứ danh người Mỹ Thomas Edison đã trân trọng gọi Gustave Eiffel là “Ngài Eiffel, Công Trình Sư dũng cảm”.
Kỹ sư Gustave Eiffel và những người ủng hộ xây dựng ngọn tháp đã vượt qua áp lực từ dư luận để xây dựng nên một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất thế giới, được người đời sau ca ngợi. Nếu lúc đó, Gustave Eiffel bị những lời chỉ trích làm cho nao núng và gục ngã, Paris giờ đây sẽ thiếu đi biểu tượng nên thơ kiêu hãnh của mình, người dân thế giới sẽ thiếu đi một danh thắng uy nghi tuyệt đẹp.
Từ xưa tới nay, những người có thể nhẫn chịu được những lời chỉ trích mới có thể làm nên việc lớn. Một người muốn hoàn thành một việc tốt nào đó, thì phải vượt qua khó khăn tương ứng, việc càng có ảnh hưởng lớn thì độ khó khổ cũng càng cao. Cũng như một chiếc cây càng vươn cao thì càng phải đương đầu với gió lớn. Một toà nhà càng cao càng phải đương đầu với bão giông.
Một khi đã xác định con đường đúng đắn cho bản thân, nếu có thể chịu nhận những lời chỉ trích với tâm thái vững vàng, không dao động, không oán trách, thì “khổ tận cam lai”, một ngày kia chiếc cây cao sẽ kiêu hãnh vươn mình đón nắng, làm đẹp cho đời, làm nơi trú ngụ của muôn loài chim chóc.
Tất nhiên, nếu ý kiến của bản thân còn thiếu sót, một người cần phải thành khẩn lắng nghe những lời góp ý, phê bình để cải chính và hoàn thiện. Nhưng một khi đã phân rõ thiện – ác, chính – tà, thì cần phải có tâm thái vững vàng, kiên định làm theo cái Thiện. Vậy mới nói, lương thiện là một loại năng lực, là thành quả của tu dưỡng sâu dày.
Trong lịch sử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã vượt qua rất nhiều lời chỉ trích, nhục mạ, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã. Một lần, Ngài đi ngang qua một ngôi làng, đột nhiên có một toán người kéo đến tìm Ngài và nói những lời xấu xa bẩn thỉu. Đức Phật chỉ im lặng lắng nghe, sau khi họ nói xong mới hoà nhã ôn tồn đáp lời họ. Một người trong số đó liền hỏi Đức Phật: “Chẳng lẽ ông không nghe thấy chúng tôi nói gì sao? Chúng tôi nói ông không ra gì cả, vậy mà ông lại không phản ứng gì hết?”.
Đức Phật nói: “Nếu các vị muốn tôi phản ứng lại thì quá muộn rồi, các vị phải quay về mười năm trước thì mới thấy được tôi phản ứng. Nhưng mười năm nay tôi đã không còn bị người khác điều khiển, tôi không còn là một nô lệ nữa, tôi là chủ của bản thân mình. Tôi chỉ dựa vào việc mình cần làm chứ không chạy theo phản ứng của người khác”.
“Chỉ dựa vào việc mình cần làm chứ không chạy theo phản ứng của người khác”, người có thể làm được như thế này nhất định sẽ làm nên việc lớn.
Thanh Ngọc