Một gia đình nếu muốn hưng vượng, có thể cần phải đến một năm, mười năm, thậm chí thời gian lâu hơn nữa, nhưng lụn bại thì có thể chỉ trong một đêm ngắn ngủi.

Con người từ xưa đến nay, hầu như ai ai cũng đều mong mỏi, theo đuổi sự hưng vượng cho gia đình mình. Cổ ngữ có câu: “Gia đình hòa thuận vạn sự hưng, gia đình mâu thuẫn bần cùng đến”, vậy nên vận nhà hưng suy đều có liên quan chặt chẽ với mỗi người chúng ta. 

Phật gia có giảng nhân quả báo ứng, sự lụn bại của một gia đình phần nhiều đều là do ba loại nguyên nhân này đưa đến.

Con cái bất hiếu, phúc báo tổn hao

Trong Bản Sự Kinh có nói: “Người thông tuệ ở thế gian ắt hiếu kính cha mẹ, thường hằng tu trì cúng dường, trong tâm thường an lạc”.

Cha mẹ là ruộng phước đầu tiên của đời người, chúng ta gieo trồng nhân gì ở ruộng phước này chính là sẽ thu về quả đó. Khi bạn hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ, bạn đã gieo trồng hạt giống tài phú. Khi bạn quan tâm hiếu thuận cha mẹ, con cái của bạn sau này cũng sẽ hiếu kính với bạn như vậy. Ngược lại, nếu bạn bất hiếu với cha mẹ, thì đã gieo xuống ác nhân, gia đình khó được yên ổn.

Tăng Quốc Phiên cho rằng, trong gia đình, người lớn tuổi là gốc, là phúc khí của cả nhà. Vậy nên nếu người già trong lòng luôn vui vẻ, thì gia đình có tướng khí hưng vượng. Còn như cụ già hay buồn khổ, thì có thể là dấu hiệu suy vi.

Thời xưa có một người tên Nghê Cửu, từ nhỏ đã mất cha, mẹ anh phải làm người ở cho một gia đình giàu có, ngậm đắng nuốt cay nuôi anh lớn khôn. Sau khi khôn lớn làm ăn kiếm được tiền, Nghê Cửu trở thành một tài chủ, cưới được một cô vợ xinh đẹp.

Thế nhưng người vợ này rất xem thường mẹ chồng, cô cho rằng bà xuất thân nô bộc, thân phận thấp kém. Nghê Cửu cũng nghe theo vợ mà bất hiếu với mẹ mình, các việc lặt vặt trong nhà như quét dọn, làm cơm, rửa nhà xí… đều để mẹ mình làm.

Chẳng bao lâu, việc làm ăn của anh đã bắt đầu sa sút thấy rõ, số tiền bao năm dành dụm được đều thua lỗ hết, cuối cùng phải về lại ngôi nhà tranh cũ nát trước đây.

Một buổi sáng nọ, Nghê Cửu cùng vợ lại bắt mẹ ở sát vách bên cạnh dậy nấu cơm. Bà mẹ già tội nghiệp phải gắng gượng tấm thân già cả đi vào nhà bếp. Lúc này, đột nhiên không trung gió lớn ập đến, mưa tầm tã trút xuống, đất đá ở gần đó rơi xuống trúng ngay trên mái nhà của phòng hai vợ chồng Nghê Cửu, hai vợ chồng bị nhà sập đè chết. Mẹ già làm cơm ở nhà bếp bình an vô sự.

Người xưa kể lại chuyện, đều răn thêm, vợ chồng Nghê Cửu ngỗ nghịch bất hiếu với mẹ già, vậy nên gia đạo suy bại, cuối cùng gặp phải báo ứng. Xã hội thời nay cũng có rất nhiều những đứa con bất hiếu như vậy, bản thân ăn ngon mặc đẹp, lại để cha mẹ ăn cơm thừa canh cặn, còn đòi hỏi cha mẹ phải chăm lo cho họ vô điều kiện.

Những người như vậy, làm sao có được phúc báo đây? Gia đình như vậy làm sao hưng vượng được đây? Rất nhiều người cầu Thần bái Phật, mong rằng sẽ được ông Trời phù hộ, nhưng họ không biết rằng bất hiếu cha mẹ thì có bái Phật nhiều hơn nữa cũng đều vô dụng.

Ảnh: Shutterstock.

Vợ chồng bất hòa, gia đạo suy vi

Cổ nhân giảng: Cùng tu mười năm mới đi chung chuyến đò, tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng.

Mỗi một đôi tình lữ trên thế gian có thể kết thành vợ chồng đều là phúc khí của đời trước tu được. Duyên phận có được không dễ, đời này có thể được ở cùng nhau cũng không dễ dàng gì, vợ chồng đều nên biết trân quý mối duyên phận này, vợ chồng hòa thuận thì gia đạo mới hưng.

Người chồng và người vợ là nền tảng trọng yếu nhất của một gia đình. Giữa vợ chồng với nhau mà tình đầu ý hợp, tương kính như tân, gia đình sẽ thuận hòa ấm êm.

Phía sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Cũng như Chu Nguyên Chương trong suốt quá trình bình định thiên hạ, kiến công lập nghiệp, vợ ông là Mã thị luôn ở phía sau âm thầm ủng hộ ông, bà không những đồng cam cộng khổ với ông, mà còn hết sức chăm lo cho ông bằng tất cả khả năng của mình. Hai người vì gia nghiệp chung mà quan tâm giúp đỡ nhau cùng tiến cùng lùi.

Ngược lại, nếu hai vợ chồng suốt ngày tranh cãi không thôi, gia đình cũng sẽ rất khó có được tháng ngày yên ổn. Rất nhiều vấn đề xuất hiện trong gia đình đều là do vợ chồng bất hòa dẫn đến.

Trong Kinh Dịch có nói, đàn ông là dương, phụ nữ là âm. Âm dương hòa hợp thì vạn sự hưng, âm dương bất hòa thì vạn sự suy. Vợ chồng bất hòa, trên khắc cha mẹ, giữa thì khắc nhau, dưới khắc con cái.

Thời xưa có một thương nhân dẫn theo vợ mình đến chùa cầu phúc. Ông ta hỏi lão hòa thượng: “Thưa thầy, đây là vợ con, ngài xem cô ấy có tướng vượng phu hay không?”.

Lão hòa thượng mỉm cười đáp: “Phụ nữ trong thiên hạ đều vượng phu cả, then chốt là hãy xem xem liệu cô ấy có vượng được người chồng như ông không thôi!”.

Vị thương nhân không khỏi nghi hoặc hỏi: “Vì sao vậy?”.

Lão hòa thượng đáp: “Muốn vợ có thể vượng phu, trước tiên cần phải cho cô ấy mấy loại phúc này! Thứ nhất ông cần cho cô ấy niềm vui, cô ấy hễ trong lòng thấy vui, thì sẽ có tướng vượng phu. Thứ hai cần cho cô ấy phúc, khiến cô ấy cảm thấy gả cho ông là lựa chọn đúng đắn. Thứ ba cần cho cô ấy tiền tài, bằng lòng tiêu tiền vì cô ấy, phó xuất vì cô ấy. Thứ tư cần phải biết trân quý cô ấy, ở trước mặt người nhà bè bạn hãy nói nhiều lời tốt đẹp về cô ấy”.

Phụ nữ là phong thủy quan trọng nhất, và là người quyết định hạnh phúc của cả một gia đình.

Nếu như nói người đàn ông là trụ cột của gia đình, thế thì người vợ chính là phúc khí trong gia đình, chiếc chìa khóa hạnh phúc của gia đình chính là nắm chặt trong tay người vợ.

Con đường nhân sinh vốn nhiều phiền não, người mà có thể cùng bạn đi qua mưa gió khó khăn, cùng nhau gây dựng tổ ấm, thử hỏi còn gì đáng trân quý hơn ân tình này nữa đây?

Ảnh: Shutterstock.

Cưng chiều con cái, ắt có tai ương

Cổ ngữ có nói: “Con cháu tự có phúc của con cháu, trưởng bối chớ nên lo lắng quá”.

Hiện nay rất nhiều gia đình từ nhỏ đã cho con trẻ áo gấm cơm ngọc, nuông chiều từ bé, không nỡ để chúng chịu một chút khổ nào. Kết quả con cái lớn lên ngỗ nghịch, chỉ biết đến mình, thậm chí nhiễm các thói hư tật xấu, bại hoại gia phong.

Hiện tượng như vậy đâu đâu cũng có. Con cái đến thế gian này còn chưa có khả năng tích phúc, ấy vậy mà phúc phận của chúng đã bị tiêu hết cả rồi.

Rất nhiều người cưng chiều con cái, cho con cái rất nhiều tiền để tiêu xài, đáp ứng mọi yêu cầu của con cái. Nhưng mà, nếu bạn thật sự yêu thương con mình, việc nên làm là hãy tịnh hóa tâm hồn, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho con.

Lâm Tắc Từ từng nói: “Con cháu nếu được như ta, để lại tiền bạc cho chúng làm gì. Con cháu nếu không được như ta, để tiền lại cho chúng nào ích gì?”.

Con cháu nếu tự thành tài được, không cần phải để lại tiền của cho chúng, người tài giỏi một khi có được nhiều tiền rồi sẽ hao mòn ý chí phấn đấu. Con cháu nếu là hạng tầm thường, để lại tiền của cho chúng chỉ sẽ tăng thêm tính lười biếng của chúng, vậy để lại tiền bạc cho chúng giúp ích gì đây?

Con cái được ma luyện trong khổ nạn mà trưởng thành thì biết cảm ân hơn những đứa trẻ được bao bọc nuông chiều từ bé. Có câu nói rất hay rằng: “Chiều con nhiều bất hạnh, cưng con khó thành tài”. Nếu yêu thương con cái thì hãy để chúng biết chịu khổ, yêu thương con cái hãy để chúng hiểu được cảm ân.

Mạnh Tử từng nói: “Cái gốc của thiên hạ chính là ở quốc gia, gốc rễ của quốc gia là ở gia đình, gốc rễ của gia đình lại ở tự thân mỗi người”.

Mỗi người đều hãy cố gắng xây dựng một gia đình hòa thuận, mỗi một thành viên đều cảm nhận được bầu không khí hạnh phúc của gia đình, nếu làm được thế thì gia hòa vạn sự hưng không còn là điều chi quá xa vời nữa.

Theo Sohu
Vũ Dương biên dịch

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__