Trong lịch sử có rất nhiều bậc danh thần tận nghĩa tận trung nhưng lại phải chịu một kết cục bi thương oan khuất. Dưới đây là 6 án oan còn lưu truyền hậu thế:

Vụ án số 1: Bọc xác trôi sông

Vụ án “bọc xác trôi sông” nói về câu chuyện của Ngũ Tử Tư.

Ngũ Tử Tư là người nước Sở, vì bị Sở vương truy lùng nên ông phải lưu lạc qua nhiều nước, cuối cùng trở thành tướng quốc nước Ngô thời Xuân Thu.

Dưới thời Ngô vương Hạp Lư, Ngũ Tử Tư lập nhiều công trạng, trở thành bậc danh thần được vua sủng ái. Nhưng kể từ khi con trai của Hạp Lư là Phù Sai lên nối ngôi, Ngũ Tử Tư không còn được tín nhiệm, lại bị các gian thần gièm pha công kích.

Vào lúc đó vua nước Việt là Câu Tiễn vì mối hận thù với Ngô vương Phù Sai mà phải nhẫn nhục, chờ thời tiêu diệt nước Ngô. Ngũ Tử Tư thấy trước họa mất nước sắp xảy đến, ông đã nhiều lần cảnh báo vua Ngô: “Việt vương Câu Tiễn là người có thể chịu khổ, nếu không giết e rằng sau này đại vương sẽ phải hối hận”.

Phù Sai không những không nghe mà còn tin theo lời vu khống của gian thần, ép Ngũ Tử Tư phải tự vẫn. Ngũ Tử Tư đau xót than rằng: “Sau khi ta chết hãy trồng trên mộ ta một cây tử đề có thể làm quan tài. Hãy móc mắt ta treo trên cửa phía đông để thấy giặc Việt vào tiêu diệt nước Ngô”.

Phù Sai biết được rất tức giận, bèn dùng da ngựa bọc thi thể của Ngũ Tử Tư rồi thả trôi trên sông Giang. Thương Ngũ Tử Tư là bậc công thần quang minh lỗi lạc mà phải chịu oan khuất lúc cuối đời, dân chúng nước Ngô bèn lập đền thờ ông và gọi đó là Tư Sơn.

Quả nhiên, đúng như lời Ngũ Tử Tư tiên đoán, hơn 10 năm sau Việt vương Câu Tiễn đã đem quân tiêu diệt nước Ngô. Phù Sai vô cùng hối hận đã che mặt lại và nói: “Ta không còn mặt mũi nào để nhìn Tử Tư nữa rồi”.

Ngũ Tử Tư. (Ảnh minh họa từ youtube)

Vụ án số 2: Thỏ tử cẩu phanh

Câu chuyện Việt vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật chờ ngày báo thù là một điển tích nổi tiếng trong lịch sử.

Lúc ấy bên cạnh Câu Tiễn có hai trung thần là Văn Chủng và Phạm Lãi. Cả hai đã đồng tâm hiệp lực cùng vua nuôi chí phục thù, một mặt giữ quan hệ hòa hiếu với nước Ngô, một mặt lại bí mật luyện tập quân đội, tích trữ lương thực, giúp vua phục hưng Việt quốc.

Sau khi nước Việt diệt được Ngô, Phạm Lãi bèn lui về ẩn dật, trước khi đi ông viết thư khuyên Văn Chủng:

“Chim chết rồi cung tên xếp xó, thỏ chết rồi chó bị phanh thây. Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu, chỉ có thể cùng chung hoạn nạn chứ không thể chung vui, vậy sao ông vẫn chưa bỏ đi?”.

Văn Chủng không tin nên vẫn ở lại. Sau đó Câu Tiễn cầm kiếm đến gặp Văn Chủng và nói: “Nhà ngươi dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô, quả nhân mới dùng có ba mà nước Ngô đã thua. Còn bốn thuật nữa, nhà ngươi hãy dùng những thuật ấy với tiên vương dưới địa phủ xem sao”. Văn Chủng biết ý vua nên đã dùng gươm tự sát.

Vụ án số 3: Vô binh tạo phản

Cái chết của Hàn Tín là câu chuyện bi thương nhất trong lịch sử thời Hán – Sở tranh hùng.

Khi hai nước Sở – Hán giao tranh, Lưu Bang và Hạng Vũ thường đối đầu nhau trên chiến trận. Lưu Bang chiếm thế thượng phong, còn Hạng Vũ phải nếm mùi bại trận, thảy đều nhờ công lao của Hàn Tín. Đặc biệt sau trận Tỉnh Hình, Hàn Tín đã chứng tỏ là bậc thiên tài quân sự đầy mưu lược: thâu tóm nước Triệu, bình định nước Tề, tiêu diệt nước Ngụy, đại chiến Cai Hạ… Lưu Bang từng ca ngợi rằng:  “Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hoài Âm hầu”.

Khi Hàn Tín nắm trong tay quân lực cường đại, Hạng Vương từng khuyên ông hãy phản Hán để chia ba thiên hạ, nhưng ông kiên quyết “dù chết cũng không thay lòng đổi dạ”. Sau, Khoái Triệt lại hiến kế cho Hàn Tín cắt đất Tề, Yên, Triệu để tạo thế chân vạc, nhưng ông vẫn một lòng tận trung với nhà Hán: “Tôi lẽ nào lại chạy theo lợi mà quên nghĩa hay sao?”.

Nhưng một bậc trung thần hết lòng thờ chúa như vậy, cuối cùng vẫn không tránh khỏi cái chết. Ngay sau khi đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang đã vội vàng đoạt lấy binh quyền của Hàn Tín, rồi lại vu cáo Hàn Tín mưu đồ tạo phản. Hàn Tín chịu oan khuất, chỉ còn biết ngửa mặt lên trời than rằng:

“Đúng như người ta nói: ‘Thỏ chết thì chó bị nấu chín, chim chết thì cung bị cất đi, nước địch bị phá thì mưu thần hết đời’. Thiên hạ đã bình định rồi, ta bị nấu là đáng lắm”.

Hàn Tín. (Ảnh: dkn.tv)

Vụ án số 4: Bài ca ưu phẫn

Lý Cương là tể tướng nổi tiếng, có công lớn trong công cuộc kháng Kim của triều đình Bắc Tống. Ông sống một cuộc đời trắc trở, giống như sợi dây gàu lúc lên lúc xuống, lên lên xuống xuống lặp lại nhiều lần. Ông đã trải qua ba đời hoàng đế: Huy Tông, Khâm Tông, và Cao Tông, ở đời nào ông cũng phải đối mặt với rất nhiều gian thần, liên tục chịu điều tiếng thị phi, bị bãi chức, rồi lại bị lưu đày.

Lý Cương đã dành trọn tâm huyết của mình xả thân vì nhân dân xã tắc, tuy không được tin dùng, hoặc có dùng mà không được lâu, thì nghĩa khí trung thành lẫm liệt của ông luôn khiến cho người đời cảm động.

Thừa tướng Văn Thiên Tường từng cảm thán: “Đạo của ông thì tốt, vận của ông thì xấu. Ôi, không hay ở chỗ nào, mà trời xanh mấy lần không chọn”. Còn triết gia Chu Hy thì bình giá: “Cương biết đến vua cha mà không biết đến mình, biết an nguy của thiên hạ mà không biết bệnh tật của mình, tuy bị gian thần chỉ trích, mấy lần suýt chết, mà cái chí yêu nước lo vua rốt cục vẫn không mất, có thể xem là vĩ nhân một thời vậy!”.

Cuộc đời của Lý Cương giống như một bài ca bi phẫn: Hết lòng vì xã tắc, nhưng lại bị triều đình coi là cái gai trong mắt mà đày đi xa xứ. Ông đã từng thổ lộ lòng mình qua bài thơ “Con trâu ốm”:

“Ruộng cày nghìn mẫu thóc nghìn kho
Sức kiệt thân mòn ai biết cho
Chỉ muốn người đời no đủ cả
Chiều tàn chẳng quản ốm nằm xo”.

Vụ án số 5: “Mạc tu hữu”

Nhạc Phi là người anh hùng yêu nước, là bậc sĩ phu dũng liệt trung thần thời Nam Tống. Ông dành cả cuộc đời mình để tận trung báo quốc, khôi phục giang sơn, nhưng cuối cùng, tấm lòng trung nghĩa ấy chỉ để lại một tiếng thở dài đầy nuối tiếc!

Trong gần 20 năm chiến đấu chống Kim, Nhạc Phi đã chinh chiến 126 trận và trận nào cũng đại thắng. Người Kim chỉ cần nghe danh ông là phải khiếp đảm, vậy nên mới có câu nói: “Bạt núi dễ, đánh quân Nhạc khó”.

Nhưng đúng vào những ngày thắng lợi huy hoàng nhất của Nhạc Phi, triều đình nhà Tống đã liên tục cấp 12 kim bài ép Nhạc Phi phải thu quân về. Thu quân về, chỉ trong một buổi sớm tất cả đều kết thúc, xã tắc giang sơn từ đây thật khó mà trùng hưng. Nhạc Phi bị ép vào thế khó chỉ còn cách ngửa mặt than rằng: “Công lao 10 năm, đã bị phá hỏng trong một buổi!”.

Nhạc Phi vừa trở về Lâm An thì bị Tần Cối giăng lưới hãm hại, vu cáo ông tội mưu phản.

Tích cũ kể rằng, Nguyên soái Hàn Thế Trung đã chất vấn Tần Cối: “Xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu?”. Tần Cối trả lời quanh co: “Không có, nhưng cũng không cần phải có”. Hàn Thế Trung đã bác bỏ: “Ba từ ‘mạc tu hữu’ (không cần có) sao có thể khiến người trong thiên hạ phục được?”.

Bị khép vào tội chết, Nhạc Phi đã viết tám chữ lớn lên tờ khai cung là: “Thiên nhật chiêu chiêu, thiên nhật chiêu chiêu” (sáng tỏ như ánh sáng ban ngày). Cuối cùng, Nhạc Phi vùng với con trai mình là Nhạc Vân bị Tần Cối hạ độc tại đình Phong Ba, khi ấy ông mới 39 tuổi.

Cuộc đời bi tráng của Nhạc Phi thật đúng với những câu thơ ông từng viết trong bài “Mãn giang hồng”:

“Ngóng trời xa,
Uất hận kêu dài,
Hùng tâm khích liệt.
Ba mươi tuổi cát bụi công danh,
Tám nghìn dặm dầm sương dãi nguyệt”.

Cuộc đời bi tráng của Nhạc Phi khắc họa một hình tượng trung nghĩa lưu vào dòng sông dài lịch sử của các dân tộc Á Đông. (Ảnh minh họa từ youtube)

Vụ án số 6: Âm mưu phản nghịch

Vu Khiêm là vị quan thần nổi tiếng của triều đại nhà Minh, ông cùng với Nhạc Phi và Trương Thương Thủy được tôn vinh là “Tây hồ tam kiệt”.

Vào những năm Chính Thống của triều Minh, thái giám Vương Chấn chuyên quyền, tác oai tác quái, tùy tiện không kiêng dè gì mà tham ô hối lộ. Các quan trong triều mỗi khi vào kinh dâng tấu sự đều phải quà cáp biếu xén cho Vương Chấn, chỉ riêng Vu Khiêm là không mang theo lễ phẩm gì. Thái giám Vương Chấn bèn nói riêng với Vu Khiêm: “Nếu ngài không muốn biếu kim tiền bảo vật, lẽ nào không thể đem theo một ít thổ sản sao?’’. Vu Khiêm mỉm cười, vung hai tay áo lên và nói: “Ta chỉ có gió mát mà thôi”. Sau đó ông viết bài thơ “Vào Kinh” để tỏ rõ thái độ của mình:

“Thủ mạt ma cô dữ tuyến hương,
Bổn tư dân dụng phản vi ương.
Thanh phong lưỡng tụ triêu thiên khứ,
Miễn đắc lư diêm thoại đoản trường.”

Tạm dịch:

“Khăn lụa, nấm thơm với tuyến hương,
Vốn hàng dân dụng biến tai ương.
Gió lùa tay áo chầu thiên tử,
Đỡ bị xóm thôn nói đoản trường.”

Nội dung bài thơ có ý nói rằng: Những thứ như khăn tay, nấm và sợi hương vốn là vật dụng thường dùng trong dân gian, nhưng ngày nay lại gây ra tai ương vì quan lại phải lùng tìm để làm lễ vật. Ta lên triều gặp Thiên tử với hai ống tay áo lộng gió vì chẳng mang gì cả, cho nên tránh được những lời thị phi.

Vào năm Cảnh Thái thứ tám, tướng quân Thạch Hanh cùng với hoạn quan Tào Cát Tường và phó đô ngự sử Từ Hữu Trinh phát binh đảo chính, phế truất ngôi vị hoàng đế của Minh Đại Tông và khôi phục đế vị cho Minh Anh Tông. Vũ Khiêm từng là cận thần của Đại Tông nên không tránh khỏi tai họa, bị bắt giam vào ngục và bị vu khống tội làm phản. Không lâu sau đó, triều đình đem ông ra xử tử trước mặt dân chúng, rồi lại vứt thi thể của ông ra ngoài đường phố. Con trai ông là Vu Miện bị sung vào quân đội, đày ra Long Môn, Sơn Tây; còn vợ của ông là Từ thị bị đày ra Sơn Hải Quan.

Nỗi oan khuất của Vu Khiêm khiến nhiều người rơi lệ, ai cũng nói rằng ông có công dẹp yên các cuộc nổi dậy mà lại bị hàm oan. Việc sát hại Vu Khiêm cũng được xem là sai lầm lớn nhất trong những năm trị vì của Minh Anh Tông.

Ngọc Ny