Tôn Ngộ Không là một nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết trường thiên Tây Du Ký, một trong tứ đại danh tác cổ điển của Trung Hoa. Có người nói Tây Du Ký là tiểu thuyết thần thoại, tiểu thuyết thần ma. Kỳ thực, đó là mượn câu chuyện thỉnh kinh để nói về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn, đắc Đạo.
1. Tôn Ngộ Không và tâm viên
Tôn Ngộ Không là ai? Trong sách nhiều lần nhắc đến Tôn Ngộ Không là “tâm viên” (lòng vượn). Trong hồi thứ 7, “Đại Thánh trốn khỏi lò Bát Quái, dưới Ngũ Hành Sơn định tâm viên” có một bài tụng rằng: “Khỉ đây đạo thể hợp tâm người, tuy khỉ nhưng lòng nghĩ đến nơi”.
Hồi thứ 58, trong một tình tiết liên quan đến Mỹ Hầu vương thật giả, Như Lai nói hai con khỉ này là “hai lòng”. Hai vị Hầu vương cùng nhau lên trời xuống đất, cuối cùng đánh đến trước tòa Bảo Tọa của Như Lai Phật Tổ. Như Lai lúc ấy đang giảng Pháp, trông thấy hai vị Hầu vương, bèn tức thời rời khỏi bảo tọa, nói với mọi người rằng: “Các ngươi đều là một lòng cả, hãy xem hai lòng kia đang ganh đua tranh đấu với nhau mà đến này”. Tiêu đề trong hồi này cũng đã chỉ rõ: “Hai tâm làm loạn càn khôn rộng, một thể khó tu thành tịch diệt”.
Một người nếu ôm giữ quá nhiều nhân tâm, nhưng bản thân chỉ có một thân thể thì tu như thế nào đây? Đương nhiên Càn Khôn đều sẽ bị xáo trộn cả.
Trong phần kể về việc Ngộ Không chế thuốc trị bệnh cho quốc vương nước Chu Tử, có tiêu đề là “Hành Giả nửa đêm điều thuốc tễ; quân vương trên tiệc kể yêu ma”.
Vậy thì, Ngộ Không là lòng vượn của ai đây? Thật ra, Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Bạch Long Mã – năm vị này hợp lại chính là một người. Trong hồi thứ 32, trong sách nói họ là “một lòng đồng thể, cùng đến Tây phương”.
Nói như vậy, có thể rất nhiều người cảm thấy khó lý giải: Tâm của Đường Tăng sao lại biến thành một sinh mệnh khác được? Thật ra, giới tu luyện xưa nay luôn giảng rằng bên trong thân thể có rất nhiều các chủng các loại sinh mệnh khác nhau, giống như trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói: “Ba hồn bảy vía đều là bạn”; trong Đạo gia cũng có câu rằng thân người tự có “ba thây ma”.
2. Ngũ vị nhất thể
Trong sách, tác giả gọi Đường Tăng là bản tính, thiền tính, cũng là chủ nhân của cái thân thể này, vậy nên ông là thai phàm mắt thịt. Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm của Đường Tăng. Bạch Long Mã là ý chí, cũng chính là “ý mã” được viết trong sách.
Mộc Mẫu là chỉ Bát Giới, Mộc trong ngũ hành. Kim Công vẫn là chỉ Ngộ Không, đối ứng giữa Mẫu (cái) và Công (đực) cũng chính là âm và dương. Bởi vì Hỏa có thể khắc Kim, gọi là “Kim chi công”, vậy nên Kim Công cũng chỉ Hỏa. Bởi vì Thủy có thể sinh Mộc, vậy nên Mộc Mẫu cũng bao gồm Thủy trong đó. Từ trên thuộc tính của âm dương mà nói, Mộc và Thủy cùng thuộc âm, Kim và Hỏa lại đều cùng thuộc về dương.
Âm dương giao hòa, đều cần Thổ tương trợ, Thổ tức là chỉ Sa hòa thượng, lại được gọi là Hoàng Bà. Toàn bộ tác phẩm Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới tranh tranh đấu đấu, đố kỵ với nhau, không ngừng xích mích mâu thuẫn, đó chính là quá trình âm dương xung khắc trong tu luyện, trong khi Sa hòa thượng đóng vai trò là người hòa giải. Mãi cho đến cuối cùng, ba vị này mới đạt đến hài hòa nhất trí với nhau.
Trong sách nhiều lần ám thị năm thầy trò là sinh mệnh trong cùng một thân thể. Đến cuối cùng, khi “Năm thánh thành Phật” có một bài thơ nói càng rõ ràng hơn, bốn câu mở đầu trong đó là:
“Một thể chân như lạc xuống trần,
Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.
Ngũ hành luận sắc không về tịch,
Trăm quái hư danh chẳng luận bàn”.
“Một thể chân như” chính là chỉ một người; “hợp hòa bốn tướng” là thuật ngữ trong giới tu luyện. Đạo gia xem thận, tim, gan, phổi lần lượt đại biểu cho Huyền Vũ, Chu Tước, Thanh Long, Bạch Hổ; trong ngũ hành lại ứng với Thủy, Hỏa, Mộc, Kim. Tương sinh trong ngũ hành, Mộc có thể sinh Hỏa, Kim có thể sinh Thủy. Trong Tính Mệnh Khuê Chỉ giảng, Long – Mộc sinh Hỏa, cùng thuộc về tim; Hổ – Kim sinh Thủy, cùng thuộc về thân.
Tâm không động thì nguyên khí ngưng tụ, thân không động thì nguyên tinh tụ hội. Tinh khí ngưng tụ, tức là chỉ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa hòa quyện vào trong Thổ. “Tứ tượng hòa hợp” tức chỉ điều này. Trong hồi 1 của Tây Du Ký có câu thơ rằng:
“Ba dương hòa, nở muôn loài
Đá tiên chứa đựng đất trời tinh hoa
Hầu tinh từ trứng hóa ra
Họ tên đổi khác thật là khéo thay
Trong tàng ẩn tướng có hay?
Vẻ ngoài cũng chẳng thua ai hình hài
Nhân gian kiếp kiếp trò đời
Xưng vua, xưng chúa một thời dọc ngang”.
Từ đây mà nói, trong tâm mỗi chúng ta đều có sẵn một Mỹ Hầu vương, chỉ là nó “Khi thiện thành Phật, thành tiên; Khi ác lông thú với sừng mọc ngay”, cũng là xem mỗi người làm sao điều khiển nó mà thôi.
3. Con đường lấy kinh chính là quá trình tu tâm
Tu thành chính quả, kỳ thật cũng là một quá trình tu tâm. Ngô Thừa Ân ngay trong hồi mục đầu tiên đã trực tiếp chỉ rõ quan điểm này: “Gốc thiêng ấp ủ nguồn rộng chảy; Tâm tính tu trì Đạo lớn sinh”. Phật gia có một cách nói, gọi là “Phật tại tâm trung”, “tâm tức là Phật”. Không phải nói là trong tâm có ông Phật nào cả, mà là nói cần phải hướng nội mà tu, nhắm thẳng vào cái tâm của bản thân mình mà tu, vậy mới có thể tu luyện thành Phật được.
Dù cho Mỹ Hầu vương đã trải qua bao nhiêu quá trình, kinh qua bao nhiêu năm tháng, cuối cùng chính là vì để ngộ ra được chân Pháp chân Đạo trong tâm của mình.
4. Chân Pháp chân Đạo ngay ở trong tâm
Khi vân du tầm sư học Đạo, Ngộ Không tìm được Bồ Đề Tổ Sư ở đâu đây? Trong sách viết là ở núi Phương Thốn, Linh Đài, động Tà Nguyệt Tam Tinh. Câu này nói đến là chữ “tâm” (心), người thời xưa thường nói “tâm” thành “Linh đài”, còn điều mà “phương thốn” chỉ đến cũng là cái tâm của người ta. “Tà nguyệt tam tinh động” thì càng rõ ràng hơn, “tam tinh” (ba ngôi sao) chính là ba dấu chấm của chữ “tâm”, còn “tà nguyệt” (vầng trăng khuyết) chính là một nét bút bên dưới. Mỹ Hầu vương trải qua biết bao muôn vàn khó khăn gian khổ, cuối cùng đã tìm được Chân Pháp chỉ đạo tu luyện chính là ở ngay trong tâm.
Cũng giống như việc tụng kinh, niệm Phật mà Bồ Đề Tổ Sư nói, chẳng qua chỉ là “trồng cột trong vách”, còn như tham thiền, đả tọa thì như “hòn đất trong lò”. Không có tu trì tâm tính một cách thiết thực vững chắc ngay trong cuộc sống hiện thực này, thì mọi việc thành ra đều uổng công cả.
Tôn Ngộ Không theo Bồ Đề Tổ Sư tu Đạo hơn 20 năm, tu thành Thái Ất tản Tiên. Đây cũng là chỉ người vừa mới bước vào cánh cửa tu luyện, rất nhiều các thứ thần thông thuật loại đều đã xuất lai. Nhưng còn về vấn đề tâm tính và ma luyện vượt quan, phía trước Ngộ Không vẫn còn là cả một chặng đường dài.
Nếu Tôn Ngộ Không chính là tâm, có một câu nói gọi là “lòng vượn khó trói buộc”. Tâm của con người ta hệt như núi sông đảo lộn, tạp niệm trong tâm cùng phát một lúc, nghĩ ngợi đủ thứ. Những lúc không có bản sự thì không có gì để nói, còn một khi đã có bản sự rồi, hãy xem y lên trời xuống đất, được ban danh hiệu “Tề Thiên Đại Thánh” vẫn còn chưa thỏa lòng. Cuối cùng đại náo thiên cung, bị Phật Tổ Như Lai hàng phục, đè dưới núi Ngũ Hành 500 năm.
Cũng may sau khi trải qua 500 năm ấy, cuối cùng Ngộ Không cũng giật mình tỉnh ngộ. Ngộ Không nói với Quan Âm Bồ Tát đến khuyến hóa rằng: “Tôi đã biết lỗi rồi, cúi xin Đấng Đại Từ Bi chỉ cho một con đường, từ nay tình nguyện tu hành”. Từ đó Ngộ Không đi theo Đường Tăng thỉnh kinh, tu tâm phóng hạ chấp trước, vượt qua trùng trùng ma nạn, cuối cùng từ một yêu tiên đã chứng đắc được quả vị Phật Đà.
5. Định trụ lòng vượn, trừ bỏ mọi can nhiễu bên ngoài
Trong hồi thứ 14, “Lòng vượn quy chính, sáu giặc mất tăm”, thầy trò trên đường gặp phải sáu tên giặc, tên gọi là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn) – đây chính là lục căn. Ngộ Không đánh chết chúng, lại bị Đường Tăng trách mắng, Ngộ Không không thể chịu được liền bỏ đi. Sau đó, Bồ Tát đã ban cho Tam Tạng một chiếc vòng kim cô, và một bài Khẩn Cô Nhi Chú, cũng gọi là “Định Tâm Chân Ngôn”, từ đó mới quản được “lòng vượn” này.
Là một con người, chúng ta thông qua thân thể và cảm quan để nhận biết thế giới. Nhưng cùng lúc cảm nhận cũng mang đến sự quấy nhiễu đối với cái tâm, từ đó sản sinh ra thất tình lục dục. Ngộ Không đã thấy được điểm này, bèn ra sức đánh chết chúng, nào biết chăng làm như vậy chỉ có thể trị được cái vỏ bề ngoài chứ không thể giải quyết tận gốc được. Suy cho cùng, đây vẫn là hướng ngoại mà cầu, bởi vậy Đường Tăng không chút cảm kích nào.
Nếu muốn trừ bỏ can nhiễu, vẫn cần phải đặt công phu vào cái tâm. Biện pháp thật sự chính là “định tâm”, bởi vậy Bồ Tát đã truyền thụ “Định Tâm Chân Ngôn” cho Đường Tăng, cũng chính là muốn tu bỏ cái tâm đó. Một khi cái tâm được quy chính rồi, can nhiễu bên ngoài tự nhiên cũng sẽ không khởi tác dụng nữa.
Từ đó sẽ làm được mắt nhìn thấy mà không vui, tai nghe thấy mà không giận, mũi ngửi thấy mà không yêu thích, lưỡi nếm mà không nghĩ tưởng, ý thấy mà không mong cầu, tấm thân cũng không cần phải lo nghĩ. Làm một người tu luyện, điều cần làm trước tiên chính là quản tốt cái tâm của mình. Sau khi cái tâm định trụ lại rồi, lòng vượn sẽ thời thời khắc khắc nhắc nhở Đường Tăng thân phàm mắt thịt phải làm chủ chính mình.
Ví như trong hồi thứ 43, Đường Tăng bởi nghe thấy tiếng nước réo ầm ầm, sợ hãi giật mình kinh sợ, Ngộ Không nói với Đường Tăng: “Chúng ta là những người xuất gia, mắt không nhìn sắc, tai không nghe thanh, mũi không ngửi hương, lưỡi không nếm vị, thân không biết nóng lạnh, ý không còn vọng tưởng. Như vậy mới gọi là từ bỏ sáu giặc. Giờ đây sư phụ đi cầu kinh mà cứ nơm nớp trong lòng sợ yêu quái, không chịu xả thân, lưỡi muốn ăn bữa chay, mũi ngửi mùi thơm ngọt, tai ưa nghe âm thanh, mắt ngắm nhìn sự vật, sáu giặc ầm ầm kéo đến, thì làm sao mà sang phương Tây lễ Phật được?”.
6. Thu phục ý mã, dứt bỏ cái tâm cuồng vọng
Có câu nói “tâm viên ý mã” (lòng vượn ý ngựa), sau khi lòng vượn quy chính rồi, thì ý ngựa nhất định phải thu hồi dây cương, trong phần thu phục Bạch Long Mã cũng có câu “ý mã thắng cương”. Nhưng thu phục ý mã lại khá tốn công phu, nguyên nhân vì sao? Chỉ là bởi sự kiêu căng ngạo mạn thái quá của Tôn Ngộ Không!
Ngộ Không bản tính là cao ngạo, quả đúng là người đến từ Ngạo Lai quốc. Thiên đình phong cho chức quan “Bật mã ôn” còn chê nhỏ, muốn làm Tề Thiên Đại Thánh; làm được Tề Thiên Đại Thánh rồi, lại cuồng vọng muốn đuổi Ngọc Hoàng đi. Ngộ Không ở trong lòng bàn tay của Phật Tổ nhảy cân đẩu vân, tưởng rằng đã đến được nơi tận cùng của trời đất, đã viết trên đó rằng “Tề Thiên Đại Thánh đã đến đây vui chơi” – cái tâm ngạo mạn có thể thấy được trong những lời này.
Loại ngạo mạn này trên thực chất chính là bởi trong tâm có sự bất kính đối với Thần Phật. Bất cứ pháp môn tu luyện Chính Pháp nào đều giảng như vậy, con người ở thế gian đều không tách khỏi sự bảo hộ trông nom của Thần Phật. Nhưng con người ở trong mê, không biết hết thảy những gì bản thân có được đều là đến từ sự bảo hộ của Thần Phật, trái lại lại cảm thấy bản thân mình rất có bản sự. Con người ta một khi đã có cái tâm ngạo mạn rồi, vốn không chỉ là sự cao ngạo với người nào hay sự tình nào đó thôi đâu, mà là trong mọi ngôn hành đều sẽ thể hiện ra cái tâm ngạo mạn đó.
Trong Tây Du Ký giảng, Đường Tăng nguyên vốn là Kim Thiền Tử, đệ tử thứ hai của Như Lai Phật Tổ, bởi vì khinh mạn Phật Pháp mà bị đày xuống hạ giới. Kim Thiền Tử vì sao lại khinh mạn Phật Pháp, đó không phải bởi ông có tâm ngạo mạn rồi mới dẫn đến sự khinh mạn ấy hay sao? Kết quả cuối cùng là bị đày xuống hạ giới, tu hành lại từ đầu. Còn sự cuồng vọng ngang ngược của Tôn Ngộ Không, kết quả cuối cùng là bị đày dưới núi Ngũ Hành Sơn 500 năm.
Trong quá trình thu phục ý mã, những trắc trở và khó khăn gặp phải cũng chính là để trừ đi cái tâm tự đại và ngạo mạn của Đường Tăng và Ngộ Không. Nếu không có cái tâm tự đại, vậy thì chính như Quan Âm Bồ Tát đã nói: “Con khỉ kia chỉ chuyên cậy sức khỏe, có chịu khen ai bao giờ đâu. Lần này đi trước còn có người quy thuận nữa đấy. Nếu có ai hỏi, thì phải nhớ trả lời ngay là đi ‘lấy kinh’. Như vậy người ta quy phục liền, có đỡ nhọc sức không?”. Ngộ Không vui vẻ nhận lời, cũng là bởi tự thân đã biết mình sai.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Vũ Dương biên dịch
Xem thêm: Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông biến hóa, rốt cuộc là những loại nào?