Trong lịch sử có rất nhiều tăng nhân, bề ngoài thì điên điên khùng khùng, nhưng kỳ thực lại vô cùng thần thông trí huệ. Đó đều là những bậc cao tăng đắc Đạo, nên sự “điên loạn” của họ cũng có nguyên nhân và ý nghĩa riêng.
Dưới đây là một vài vị tăng điên điển hình trong lịch sử.
Pháp Hỉ
Thời nhà Tuỳ, khi Tùy Dạng Đế còn tại vị, quận thủ quận Nam Hải đã tiến cử lên hoàng cung một vị tăng nhân tên là Pháp Hỉ. Lúc ấy, trong cung vừa mới xây xong một tòa điện.
Thiền sư Pháp Hỉ vào trong điện tham quan, nhưng vừa bước vào xem liền chạy xuống phía trước cầu thang, rồi quay đầu về phía tòa điện và nói: “Thiếu chút nữa ngươi đã đè chết ta rồi”. Nửa đêm hôm đó mưa to gió lớn, tòa điện đổ sụp xuống đè chết rất nhiều người.
Về sau, ông lại đi vòng quanh cung điện, nói rằng muốn lấy đầu dê (chữ Dương “羊” nghĩa là dê có cùng âm với chữ Dương “煬” trong họ của Tuỳ Dạng Đế Dương Quảng). Tùy Dạng Đế nghe nói vậy bèn tỏ ra chán ghét, cho rằng Pháp Hỉ đang nói lời điên khùng, lệnh cho người giam ông vào phòng kín.
Vài ngày sau, thị vệ nhìn thấy Pháp Hỉ tự do tự tại đi lại trong thành, liền đến bẩm báo với Tuỳ Dạng Đế: “Pháp Hỉ đi dạo trong thành”. Hoàng đế mệnh lệnh cho người đến kiểm tra căn phòng giam giữ Pháp Hỉ. Cửa vẫn khóa như cũ, người canh gác cũng quả quyết rằng: “Pháp Hỉ vẫn luôn ở trong phòng”.
Nhưng khi thị vệ mở cửa đi vào thì chỉ nhìn thấy một chiếc áo cà sa đậy lên một đống xương trắng, còn có vòng khóa trên xương cổ. Thị vệ đem tình hình báo lên Hoàng đế, Hoàng đế lại phái Trưởng Sử đến xem xét, nhưng kết quả vẫn như trước.
Lúc bấy giờ Hoàng đế mới tin rằng Pháp Hỉ không phải người bình thường, bèn ra lệnh không được làm kinh động đến ông. Đến buổi tối, Pháp Hỉ trở về phòng giam, vừa nói vừa cười rất vui vẻ. Thị vệ chạy đến báo cáo tình hình, Hoàng đế lập tức phái người đến mở khóa, thả Pháp Hỉ ra, để ông tùy ý đi lại những nơi mình muốn.
Không lâu sau, Pháp Hỉ sinh bệnh, thường nằm trên giường lót đệm cỏ, dưới giường lại cho người đốt than đỏ rực, nóng cháy người. Qua vài hôm, Pháp Hỉ viên tịch, một nửa người ông bị than đốt cháy vụn, nhục thân được an táng ở Hương Sơn Tự.
Đến Đại Nghiệp năm thứ tư (năm 608), Nam Hải quận thủ lại bẩm tấu với Tùy Dạng Đế rằng: “Pháp Hỉ đã về đến Nam Quận”. Hoàng Đế nghe xong bán tín bán nghi, bèn cho người mở nắp quan tài, quả nhiên quan tài trống rỗng, không tìm được thi thể của Pháp Hỉ đâu nữa.
Cuồng Tăng
Tại vùng Kiến Châu có một tăng nhân, không ai biết ông tên gì, chỉ biết ông thường tỏ ra như một kẻ điên, mọi người vẫn thường gọi ông là “Cuồng Tăng”, nghĩa là vị tăng nhân điên cuồng. Nhưng những lời nói và hành động của ông phần lớn đều ứng nghiệm.
Huyện thành Thiệu Võ nằm gần một con sông, có một khối đá lớn nằm cách con sông khoảng một trăm bước. Ngày nọ, vị tăng nhân vẽ một vạch ngang trên khối đá, sau đó ông ngồi trên đỉnh đá, cầm cần câu giống như đang câu cá. Ngày thứ hai có lũ quét, mực nước dâng lên đến vạch ngang mà tăng nhân vẽ rồi dần dần rút đi.
Đến năm Quý Mão, vị tăng nhân bỗng chặt hết tất cả nhánh cây duỗi ra trên con đường hướng nam. Mọi người hỏi ông tại sao lại làm vậy, ông trả lời rằng: “Để những nhành cây này không trở thành chướng ngại khi Tinh Kỳ Phan Trượng (cờ của quân đội) đi qua”, lại nói: “Khi đi qua đây cần phải nép vào một bên mà đi”.
Sau đó quân đội của Ngô Quốc tiến vào Kiến Châu, quả nhiên đều đi qua con đường mà ông đã chặt hết nhánh cây đó.
Trên tường của một ngôi miếu bên ngoài thành, vị tăng viết lên dòng chữ: “Mỗ đẳng nhược can nhân trụ tại giá lí” (Những người chúng tôi đã cư trú ở đây). Không lâu sau khi quân đội đến dưới thành, họ đã dùng hàng rào để phân chia ngôi miếu thành nhiều phần, sau đó an bài cho người ở. Số người được an bài ở đây vừa đúng bằng số người mà vị tăng nhân viết trên tường trước đó.
Trước khi Vương Thị thống trị Phúc Kiến, vùng đất nơi đây không ngừng xảy ra nạn tai, dân chúng sinh sống vô cùng cực khổ. Có người hỏi Cuồng Tăng: “Đến khi nào thế cục mới được ổn định?”. Ông đáp: “Sau khi ta chết thế cục sẽ ổn định”. Đợi sau khi ông chết, thế cục ổn định lại, tất cả đều trùng khớp với những gì ông nói.
Chu Điên
Ông là người Kiến Xương, vì hành vi điên dại nên được người đời gọi là “Chu Điên”. Những câu chuyện về ông đã trở thành cố sự nổi tiếng trong lịch sử, được đích thân Minh Thái Tổ ghi chép lại, sau đó lưu truyền trong dân gian.
Khi Chu Nguyên Chương chiến thắng ở Nam Xương rồi trở về Kim Lăng, ông đã đích thân đến xin gặp. Nhưng lần nào cũng vậy, ông chỉ nói đúng một câu khiến Chu Nguyên Chương tức giận, bắt ông bỏ vào chum rồi chất củi để đốt.
Củi cháy hết, mở chum thì thấy ông vẫn khoẻ mạnh, trên đầu chỉ thấm ướt mồ hôi. Một lần khác, Nguyên Chương cho làm một bữa thật thịnh soạn, sau khi no nê thì đem ông giam trong một căn phòng trống, không cho ăn uống trong suốt một tháng nhưng ông vẫn bình an vô sự.
Khi Chu Nguyên Chương chuẩn bị tiến công đánh Trần Hữu Lượng, đã hỏi ông rằng: “Việc này có làm được không?”. Chu Điên đáp: “Được!” Chu Nguyên Chương lại hỏi: “Hắn đã xưng đế, đánh có khó lắm không?”. Ông ngửa lên nhìn trời, rồi nghiêm mặt đáp: “Trên trời không có chỗ dành cho ông ta”.
Nguyên Chương dẫn quân đi thuyền đến An Khánh, thấy không có gió, bèn sai sứ đến hỏi, ông đáp: “Đi ắt có gió!”. Quả nhiên Nguyên Chương mệnh cho kéo thuyền đi, trong chốc lát thì gió nổi lớn, đại quân thẳng tiến. Sau đó, Nguyên Chương chiến thắng trở về, sai sứ đi tìm ông nhưng không được, ai nấy đều cho rằng ông đã đắc Đạo thăng thiên.
Không chỉ vậy, còn có rất nhiều câu chuyện về những vị tăng điên, đạo sĩ điên trong lịch sử, ví dụ như Phong Ba hoà thượng, Tế Điên Hoạt Phật…
Có câu nói rằng: “Đại trí nhược ngu”, bậc đại trí đại huệ sẽ không khoe khoang bản thân mà ẩn mình trong dân gian, đôi lúc còn tỏ ra điên điên khùng khùng. Người đời cho họ là điên, nhưng kỳ thực họ “điên” mà không “khùng”, ngược lại còn lấy cái “điên” của mình để giáo hoá và khuyến thiện cho đời.
Theo Secretchina
Khải Phong biên dịch