Có người nói: “Tôi không hề làm một việc xấu nào, sao có thể tổn hại đến phúc báo được?”. Kỳ thực bạn nên nhớ một điều tạo “khẩu nghiệp” cũng sẽ tổn hại đến phúc báo. Một người có mệnh tốt hay không, nhìn “khẩu đức” của người đó nhiều hay ít là biết.
“Khẩu nghiệp” (nghiệp gây ra do lời nói không tốt) theo quan niệm Phật gia, là một loại tội (lỗi) mà một người bình thường dễ phạm phải nhất. Số mệnh của một người tốt hay không, xem người đó có nhiều “khẩu nghiệp” hay không là biết. Vì vậy, “khẩu nghiệp” đối với sinh mệnh mỗi người rất quan trọng.
Trong cuộc đời của một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe và không đứng đắn thì có thể xảy ra mỗi ngày. Tích luỹ qua năm tháng, phúc báo sẽ vì “khẩu nghiệp” mà chạy mất hết. Do đó, người nói chuyện không có “khẩu đức”, cả cuộc đời thường gập ghềnh, nhấp nhô, thậm chí rất thê lương.
Vậy làm thế nào để tu khẩu không tạo “khẩu nghiệp”? Sau đây là những cách tu khẩu dưỡng phúc báo mà bạn nên tham khảo một lần.
1. Đừng nên đánh giá sự tốt hay xấu của người khác, bởi sự tốt xấu của họ không ảnh hưởng gì tới miếng cơm manh áo của bạn.
2. Đừng nên đánh giá đức hạnh của người khác, bởi vì chưa chắc bạn đã cao hơn họ.
3. Đừng nên đánh giá về gia cảnh của người khác, bởi nó không liên quan chút nào tới bạn cả.
4. Đừng nên đánh giá về tri thức học vấn của người khác, bởi trên thế giới này thứ mà con người luôn thấy thiếu nhất chính là học vấn.
5. Đừng nên đánh giá bất kỳ ai, cho dù đó là người bạn thấy coi thường nhất.
6. Đừng nên tiêu tiền một cách bừa bãi, bởi rất có thể ngày mai bạn sẽ bị thất nghiệp.
7. Đừng nên kiêu ngạo dương dương tự đắc, bởi ngày mai có thể bạn sẽ bị thất thế .
8. Đừng nên phô trương một cách quá mức, bạn nên nhớ rằng không có ai nhỏ bé hơn bạn. Tóm lại làm người nên biết khiêm tốn.
9. Đừng nên dựa vào người khác, bởi cuộc sống mỗi người đều có rất nhiều gánh nặng, ai cũng muốn sống được thoải mái.
10. Đừng nên làm tổn thương người khác, bởi luật nhân quả sớm muộn cũng sẽ đến với bạn.
11. Không cần giải thích nhiều chính là sự lựa chọn của những người thông minh. Con người sống trên thế gian, đôi khi thường muốn giải thích suy nghĩ của mình khi đối diện với một vấn đề. Tuy nhiên khi vừa bắt đầu giải thích ta cũng sẽ phát hiện ra rằng sự giải thích của bất kỳ ai cũng đều cứng nhắc và như nhau, thậm chí càng giải thích càng làm cho sự việc rắc rối hơn.
Núi không giải thích về độ cao của mình bởi điều đó không ảnh hưởng tới vị trí chót vót cao tận mây xanh của nó. Biển không giải thích về độ sâu của mình, bởi điều đó không ảnh hưởng tới sức chứa nước từ các con sông lớn đổ ra đây. Đất không giải thích về độ dày của nó, nhưng không ai có thể thay thế vị trí gánh chịu tải trọng vạn vật của nó… Đừng coi thường bất kỳ ai bởi bạn không có nhiều khán giả xem đến thế, đừng mệt mỏi vì để ý tới những điều đó.
12. Không nên tùy tiện nổi cáu với ai, bởi không ai thiếu nợ bạn cả. Cho dù hiện tại bạn thấy đau khổ, nhưng qua một thời gian ngoảnh đầu nhìn lại bạn sẽ phát hiện kỳ thực nó không có gì to tát cả. Chúng ta thường oán trách cuộc sống bất công bằng với mình, kỳ thực căn bản cuộc sống không biết chúng ta là ai…
13. Đừng bao giờ bình luận việc tu hành của người khác tốt hay không, bởi tu hành là việc của mỗi cá nhân, người khác chính là một chiếc gương phản ánh những điểm chưa hoàn chỉnh của bạn. Bản thân mỗi người tự tu luyện bản thân để bù đắp những khuyết điểm chưa hoàn chỉnh đó.
Người xưa nói: “Miệng có thể nói lời đẹp như hoa hồng, miệng cũng có thể nói lời độc như gai ma vương”. Tu dưỡng khẩu đức, cũng tức là tu luyện trường năng lượng của bản thân, người mà toàn thân tràn đầy năng lượng tốt đẹp mới có thể gặp nhiều may mắn.
Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch