Chuyên gia các vấn đề quân sự Hạ Lạc Sơn đã có bài viết nhận định về hành động và thái độ của Bắc Kinh đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraina. Sau đây là những nội dung chính trong bài viết của ông được đăng trên Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung.

Cuộc chiến Ukraina liên quan đến hai đối thủ lớn của Trung Quốc là Nga và Hoa Kỳ. Bắc Kinh ngoài miệng nói rằng, họ sẽ chỉ đứng nhìn ngọn lửa từ phía bên kia, và sẽ không hỗ trợ Nga hoặc Ukraina bằng vũ khí sát thương, nhưng âm thầm cấp thêm hỏa lực cho Nga. Ông Hạ nhận định, chính quyền Trung Quốc không nhất thiết phải thực hiện nghĩa vụ đối tác “hữu nghị không giới hạn” với Nga, nhưng họ hy vọng rằng, cuộc chiến sẽ tiếp tục với cường độ cao để tiêu hao mọi nguồn lực chiến tranh của đối thủ.

Thông tin tình báo mới nhất cho thấy, Trung Quốc đang đóng vai trò là cửa sau để Nga tiến hành kinh doanh và có được công nghệ rất cần thiết để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhằm hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraina.

Rebekah Koffler – một chuyên gia tình báo Hoa Kỳ gốc Nga từng là chuyên gia về Học thuyết & Chiến lược Nga trong Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói với giới truyền thông rằng, ông Tập Cận Bình đang giúp đỡ người bạn thân Putin. Các hành động của ĐCSTQ giống như thổi bùng ngọn lửa chiến tranh Nga-Ukraina, bởi vì hai đối thủ địa chính trị lớn nhất của Trung Quốc là Nga và Hoa Kỳ đang cạn kiệt kho vũ khí tương ứng của họ trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm, và ĐCSTQ đang chuẩn bị xâm lược Đài Loan. Bà Koffler nhấn mạnh rằng, ĐCSTQ sẽ được hưởng lợi từ sự đổ máu của Nga và Hoa Kỳ.

Báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia về việc Trung Quốc hỗ trợ Nga cho thấy, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hơn của Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraina. ĐCSTQ cũng đã tăng cường đáng kể việc sử dụng tiền tệ và cơ sở hạ tầng tài chính của mình trong các tương tác thương mại với Nga, nhằm cho phép các thực thể kinh tế của Nga kinh doanh như bình thường mà không sợ sự can thiệp của phương Tây.

Trung Quốc cũng đã cung cấp cho Nga công nghệ lưỡng dụng (sử dụng được cả trong lĩnh vực dân sự & quân sự). Hồ sơ hải quan cho thấy các công ty quốc phòng Trung Quốc đã vận chuyển thiết bị định vị, công nghệ gây nhiễu và các bộ phận máy bay chiến đấu cho các công ty Nga. Nga thậm chí còn mua chip xử lý thông qua các công ty thương mại nhỏ ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Jack Keane – cựu phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến tranh hôm 28/7 cho biết, ông Tập Cận Bình cần đưa ra lựa chọn. Ông Putin sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 10, đây sẽ là lần thứ ba họ gặp nhau kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Trung Quốc đã tăng gấp đôi lượng mua dầu và khí đốt của Nga, điều này giúp Nga về kinh tế. Ông Keane giải thích rằng, Trung Quốc tránh rắc rối bằng cách cung cấp linh kiện và công nghệ thay vì vũ khí sát thương, chẳng hạn như UAV thương mại cho Nga. Như các bạn đã biết, các thiết bị này không cần sửa đổi nhiều để sử dụng trong quân đội.

Ông Keane suy đoán rằng, phương Tây khó có thể có nhiều ý chí chính trị để bịt các lỗ hổng trong công nghệ lưỡng dụng, và do đó khó áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Trung Quốc.

Ông Hạ đặt câu hỏi, Bắc Kinh có thực sự giúp đỡ những người bạn đang ngồi trên chảo lửa vì “tình bạn không giới hạn” không? Ông cho rằng điều đó rất khó nói. Không chắc rằng sự hỗ trợ lén lút của ĐCSTQ cho Nga, có thể trực tiếp giúp quân đội Nga chiến đấu trong một khoảng thời gian ngắn. Cho dù có giúp được thì cũng là rất hạn chế, không thể giải quyết được vấn đề cơ bản là thiếu hụt đạn dược của quân đội Nga, chứ chưa nói đến việc trợ giúp của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến chiến tranh đến mức nào.

ĐCSTQ đang cố gắng bí mật thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của Nga mà không kích động các lệnh trừng phạt quốc tế, mục đích chính không phải là ủng hộ Nga chiến thắng trong cuộc chiến, mà là để thu hút thêm sự ủng hộ của Hoa Kỳ và phương Tây đối với Ukraina. Xét cho cùng, mỗi ngày cuộc chiến kéo dài đều làm suy yếu Nga, Mỹ và tất cả các nước phương Tây ủng hộ Ukraina.

Đối thủ thực sự của ĐCSTQ là phe phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu, lý do chính khiến ĐCSTQ có thể xảy ra xung đột với Hoa Kỳ là quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế như Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chiến tranh Ukraina có tác dụng kiềm chế ĐCSTQ thực hiện tham vọng của mình tại các khu vực này, nhưng nó không nhất thiết giải quyết được vấn đề eo biển Đài Loan.

Kết quả mà ĐCSTQ mong đợi nhất là Nga sẽ phát huy sức mạnh quốc gia để giành chiến thắng thảm hại ở Ukraina (nghĩa là thắng mà như thua khi tổn thất quá nhiều). Vào thời điểm đó, Nga không còn khả năng trở thành một lực lượng độc lập chống lại ĐCSTQ, ngược lại, dưới sự trừng phạt nghiêm khắc của quốc tế, nước này chỉ có thể dựa vào Trung Quốc về kinh tế và thậm chí cả quân sự. Đồng thời, thất bại của Ukraina sẽ tạo tiền lệ trong cộng đồng quốc tế về việc kẻ xâm lược lại vô tội, khiến thế giới mất niềm tin vào Hoa Kỳ và cam kết của phương Tây trong việc duy trì an ninh thế giới, khiến ĐCSTQ dễ dàng mở cửa vào Đài Loan.

Cách đây không lâu, khi Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Lindsey Graham đến thăm Kyiv, ông nói: “Chúng ta không thể từ bỏ việc giúp đỡ Ukraina, bởi vì nếu chúng ta thất bại ở đây, Đài Loan sẽ kết thúc”. Ông nói rằng, bảo vệ Đài Loan và trật tự thế giới là cách tốt nhất là để khiến ông Putin thất bại. Ông Graham tin rằng, chính quyền của ông Biden nên làm nhiều hơn nữa trong vấn đề Ukraina. Hoa Kỳ nên cho Bắc Kinh thấy rằng, việc xâm lược các nước láng giềng không hề dễ dàng như người ta tưởng.

Hoa Kỳ luôn là người ủng hộ trung thành cho cuộc kháng chiến của Ukraina và tin rằng, sự kết thúc chiến tranh ở Ukraina sẽ được đánh dấu bằng việc quân đội Nga rút lui về biên giới Nga-Ukraina trước năm 2014. Tuy nhiên, Mỹ đã không phát huy hết khả năng có thể để hỗ trợ những nỗ lực của Ukraina nhằm đạt được mục tiêu này. Và đã khiến cuộc chiến ở Ukraina dường như kéo dài một cách không cần thiết.

Người Mỹ không bị cuộc chiến ở Ukraina che khuất tầm nhìn, nhiều người trong số họ vẫn tin rằng, thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ là ĐCSTQ. Răn đe ĐCSTQ bằng cách giành chiến thắng trong cuộc chiến Ukraina không bằng làm cho ĐCSTQ tin rằng, lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và Đài Loan hoàn toàn có thể đánh bại cuộc tấn công của ĐCSTQ.

Mỹ cần thiết lập “sự răn đe phủ nhận”, tức là cho đối phương biết rằng, kết quả của hành động sẽ dẫn đến việc tước bỏ hoàn toàn mọi lợi ích chứ không chỉ là vấn đề gia tăng chi phí. Tức là thuyết phục các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ rằng, bất kỳ cuộc xâm lược nào vào Đài Loan đều sẽ thất bại, và tốt nhất là đừng nên thử ngay từ đầu. Chiến lược này yêu cầu Hoa Kỳ tăng cường khai triển ở tuyến đầu của Tây Thái Bình Dương, tăng dự trữ đạn dược, bình thường hóa việc nhắm mục tiêu chất lượng cao, và tăng cường khả năng chiến đấu chung. Đồng thời, quân đội Đài Loan cũng cần khai triển và thể hiện khả năng phòng thủ phi đối xứng cần thiết, để đánh bại một lực lượng xâm lược, chẳng hạn như tên lửa chống hạm, phòng không di động và vũ khí chống thiết giáp.

Việc thực hiện các biện pháp này và các biện pháp tương tự khác là “sự răn đe phủ nhận”, về cơ bản làm suy yếu bất kỳ nỗ lực quân sự nào của quân đội Trung Quốc tiến vào hoặc đi qua eo biển Đài Loan, nhằm thiết lập chỗ đứng trên Đài Loan, hay thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng, xác suất chiến thắng là bằng không, qua đó để đạt được mục đích răn đe.

Nếu viện trợ cho Ukraina không thể đạt được kết quả nhất định trong thời gian ngắn, chẳng hạn như đẩy cuộc chiến đến một giai đoạn dự kiến ​​nhất định, Hoa Kỳ cần xem xét tác động phụ của những viện trợ này đối với khu vực Thái Bình Dương. Cuộc chiến Ukraina là minh chứng cho thực tế rằng chiến tranh hiện đại tiêu thụ một lượng đạn dược đáng kinh ngạc cho vũ khí thông thường, vượt xa cả kho vũ khí đạn dược kết hợp của Hoa Kỳ và phương Tây. Cường độ của cuộc xung đột tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan có thể vượt quá cường độ của cuộc chiến Ukraina, và nhu cầu về đạn dược của nó khó có thể tưởng tượng được.

Bộ Quốc Phòng Mỹ có thể đã nhìn thấy điều này sắp xảy ra. Chiều rộng trung bình của eo biển Đài Loan là 180km. Trong một cuộc xung đột có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan, vũ khí hiệu quả nhất có thể là đạn tấn công chính xác với tầm bắn hơn 200km. Những loại đạn này được sản xuất với năng suất thấp hơn nhiều so với đạn 155mm và các loại đạn pháo phản lực phóng loạt khác nhau, trong khi giá thành lại cao hơn nhiều. Nếu những loại vũ khí này được tiêu thụ trên quy mô lớn như lựu pháo và đạn bazooka, bạn có thể hiểu tại sao Hoa Kỳ lại rất thận trọng trong việc hỗ trợ Ukraina bằng các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa. 

Hơn nữa, chính quyền của ông Biden không có dấu hiệu ưu tiên Đài Loan hơn Ukraina, Hoa Kỳ đã sử dụng quyền rút tiền của tổng thống để cung cấp cho Ukraina một lượng lớn hỗ trợ quân sự từ hàng tồn kho hiện có, bao gồm một lượng lớn đạn dược hệ thống tên lửa cơ động cao, bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, tên lửa Patriot và các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Hoa Kỳ, việc giảm đáng kể lượng hàng tồn kho sẽ hạn chế khả năng cung cấp vũ khí và đạn dược chế tạo sẵn cho Đài Loan. Ngay cả khi ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ tăng cường sản xuất các giải pháp thay thế, Đài Loan sẽ tụt hậu so với nhu cầu của chính quân đội Hoa Kỳ, phần lớn làm trì hoãn khả năng trang bị vũ khí cho Đài Loan để từ chối phòng thủ một cách hiệu quả.

“Sự răn đe phủ nhận” và việc giúp Ukraina đánh bại Nga không mâu thuẫn với việc chống lại tham vọng bành trướng của ĐCSTQ, nhưng các phương pháp rất khác nhau. “Sự răn đe phủ nhận” cần hỗ trợ sức mạnh. Không có thực lực, chỉ tỏ ra quyết tâm răn đe chẳng khác gì bịp bợm. Trong nỗ lực gây chiến của ĐCSTQ, không loại trừ sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Đài Loan, vì vậy ĐCSTQ không nghi ngờ gì về quyết tâm can thiệp của Hoa Kỳ vào xung đột eo biển Đài Loan. Hơn nữa, không giống như Ukraina, phòng thủ của Đài Loan không chỉ đơn giản là vấn đề hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ, mà còn là sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ, điều này hoàn toàn khác với các cam kết của Hoa Kỳ đối với Ukraina.

Ngăn chặn sự thành công của Nga là lợi ích của Mỹ, và Mỹ đang bảo vệ lợi ích đó bằng hỗ trợ quân sự, nhưng điều đó không thể mâu thuẫn với ưu tiên ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. ĐCSTQ sẽ không bởi vì Nga thua Ukraina mà không dám mạo hiểm ở Đài Loan, nhưng vẫn sẽ sợ đánh vào “tấm thép” được tạo thành từ hỏa lực thực sự của quân đội Hoa Kỳ.