Bắc Kinh có động cơ để hỗ trợ cho Nga kéo dài cuộc chiến lâu hơn nữa chứ không phải để giành chiến thắng nhanh gọn. Bắc Kinh cũng có thể cân nhắc từ cuộc chiến uỷ nhiệm tới tham gia trực tiếp. Nếu tham gia, quân đội Trung Quốc sẽ tham chiến ở mặt trận nào? quân sẽ được điều động từ quân khu nào? Vũ khí chính có thể là những gì? Chiến thuật ra sao? Và khả năng thắng thua thế nào?.
Ukraina đã tiến công vào lãnh thổ Nga với mục đích thu hút quân đội Nga về phòng thủ. Matxcova không muốn từ bỏ cuộc tấn công tổng lực hiện tại, nhưng lại khó có đủ quân tinh nhuệ để đối phó với cuộc phản công của Ukraina, đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Thẩm Châu (沈舟) đã có bài phân tích, cho rằng ngoài ra, có những nghi ngờ rằng Bắc Kinh có thể cử quân hỗ trợ Nga. Ông cho rằng Trung Nam Hải có thể có động cơ như vậy, nhưng đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, họ chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng. Sau đây là những bình luận của ông Thẩm về việc Bắc Kinh liệu có thực sự dám mạo hiểm gửi quân viện trợ cho Nga hay không.
Động cơ có thể tham chiến của Trung Nam Hải
Theo ông Thẩm Châu, ĐCSTQ hy vọng rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraina không ngừng lại, tốt nhất là kéo dài vô hạn; điều này có thể phân tán sự chú ý của Toà Bạch Ốc vào Bắc Kinh và cũng là một cách tiêu hao lực lượng của các nước NATO, giúp giảm áp lực bao vây mà ĐCSTQ đang phải chịu. Nếu Nga và Ukraina ngừng chiến, Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể sẽ dồn sức đối phó với ĐCSTQ.
Ukraina đã chiếm được lãnh thổ của Nga, mặc dù không nhiều bằng số lãnh thổ mà Nga đã chiếm được ở Ukraina, nhưng cũng đã có được một số đòn bẩy trong đàm phán. Quân tinh nhuệ của Nga gần như đã được huy động hết ra mặt trận, không muốn rút lui nhưng lại thiếu hụt lực lượng chiến đấu ở phía sau, trong ngắn hạn khó có thể đánh bại các lực lượng phản công của Ukraina. Nếu Matxcova buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, Trung Nam Hải sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch của mình. Để hỗ trợ Matxcova trong cuộc chiến lâu dài, việc trực tiếp cử quân giúp Nga có thể là một lựa chọn.
74 năm trước, mặc dù có nhiều tiếng nói phản đối, Lâm Bưu không ra mặt vì lý do sức khỏe, nhưng Mao Trạch Đông vẫn mù quáng ra lệnh cử quân sang Triều Tiên. Theo ông Thẩm, 74 năm sau, ĐCSTQ cũng vẫn có khả năng đưa ra quyết định mù quáng.
Năm 1962, ông Mao ra lệnh khởi động cuộc chiến chống Ấn Độ, nhưng sau khi giành chiến thắng lại đột ngột đơn phương tuyên bố rút quân vô điều kiện. Khi đó, ĐCSTQ đang đối mặt với thất bại của Đại nhảy vọt, uy tín của Mao bị tổn hại nghiêm trọng, ông đã cố gắng chuyển hướng mâu thuẫn nội bộ thông qua một cuộc chiến hạn chế để khôi phục uy tín và củng cố quyền lực. Ông Thẩm cho rằng, cuộc chiến Trung-Việt năm 1979 cũng từng là một chiêu trò chính trị của Đặng Tiểu Bình để củng cố quyền lực quân đội.
Người đứng đầu ĐCSTQ hiện nay đã giữ chức Chủ tịch Quân ủy trong 12 năm, nhưng chưa từng thực sự chỉ huy quân đội, và còn khiến cho quân đội trở nên hỗn loạn, các tướng lĩnh ở các cấp không hề phục tùng. Trung Nam Hải hiện đang đối mặt với áp lực nội bộ chưa từng có, quyền lực trung ương bị suy giảm, tin đồn rộ lên, không loại trừ khả năng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bắt chước Mao Trạch Đông hoặc Đặng Tiểu Bình trước đây, cố tình phát động một cuộc chiến hạn chế để chuyển hướng sự chú ý và khôi phục uy tín; thậm chí có thể lấy lý do này để thực hiện một phần quân quản, tăng cường kiểm soát toàn xã hội.
Từ hỗ trợ chiến tranh ủy nhiệm đến rủi ro tham chiến trực tiếp
Cuộc chiến Nga-Ukraina đã kéo dài hơn 900 ngày, Bắc Kinh vẫn đang hỗ trợ quân đội Nga một cách gián tiếp để tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm cho chính mình; nhưng bề ngoài vẫn giả vờ trung lập, lo ngại về việc bị các nước Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn. Nếu ĐCSTQ cử quân tham chiến, họ sẽ hoàn toàn bước vào cuộc chiến, và các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và châu Âu sẽ ngay lập tức đến, Trung Nam Hải có lẽ sẽ không chịu nổi.
Matxcova đang cần Bắc Kinh, và Trung Nam Hải có thể cảm thấy ở một mức độ nào đó có thể điều khiển được Điện Kremlin. Nếu ĐCSTQ tham chiến trực tiếp, Bắc Kinh sẽ buộc phải gắn bó với Matxcova, ai kiểm soát ai sẽ không còn rõ ràng; cả hai cùng sa lầy trong cuộc chiến cũng sẽ đồng thời bị yếu đi. Từ hỗ trợ chiến tranh ủy nhiệm đến tham gia trực tiếp, ĐCSTQ sẽ ngay lập tức rơi vào nhiều rắc rối hơn.
74 năm trước, ĐCSTQ đã tham gia cuộc chiến Triều Tiên dưới khẩu hiệu “kháng Mỹ viện Triều”; nay nếu cử quân hỗ trợ Nga, họ sẽ phải hô hào chống lại ai? Quân đội Mỹ và NATO không tham chiến trực tiếp, nếu ĐCSTQ nói “kháng Ukraina viện Nga,” thì đồng nghĩa với việc công khai tham gia vào một cuộc chiến xâm lược, trở thành tội phạm chiến tranh.
Một khẩu hiệu khác mà ĐCSTQ sử dụng khi tham gia cuộc chiến Triều Tiên là “bảo gia vệ quốc,” nhưng họ luôn tham chiến dưới danh nghĩa quân tình nguyện, cho thấy họ nhận thức rõ rằng logic của “bảo gia vệ quốc” là không hợp lý. Nếu ĐCSTQ cử quân hỗ trợ Nga, quân đội sẽ rời xa lãnh thổ, thì khẩu hiệu “bảo gia vệ quốc” sẽ hoàn toàn không thể hô lên.
ĐCSTQ năm đó đã hỗ trợ Triều Tiên phát động chiến tranh, sau đó lại trực tiếp tham chiến, buộc phải điều động các lực lượng dự kiến tấn công Đài Loan sang bán đảo Triều Tiên, kế hoạch tấn công Đài Loan của ĐCSTQ đã hoàn toàn tan vỡ. Ngày nay, nếu ĐCSTQ cử quân hỗ trợ Nga, kế hoạch tấn công Đài Loan rất có thể cũng sẽ lại thất bại; họ còn lo lắng hơn về việc bị quân đội Mỹ và các đồng minh liên thủ tấn công. Với rủi ro chiến lược lớn như vậy, Trung Nam Hải khó có thể chịu đựng được.
Nếu có thì sẽ tham gia mặt trận nào?
Hiện tại, chiến trường của cuộc chiến Nga-Ukraina có hai mặt trận: một là ở trong lãnh thổ Ukraina, quân đội Nga chủ yếu thực hiện tấn công; mặt trận còn lại là ở khu vực Kursk của Nga, quân đội Ukraina đang tấn công chủ yếu, còn quân đội Nga hiện đang trong thế phòng thủ.
Nếu Bắc Kinh cử quân hỗ trợ Nga, khả năng cao nhất là họ sẽ đóng quân tại khu vực Kursk của Nga. Quân đội Nga tạm thời không muốn điều động quy mô lớn các lực lượng từ tiền tuyến về phòng thủ, vì vậy có thể họ sẽ hy vọng vào sự hỗ trợ từ ĐCSTQ để đánh bại quân đội Ukraina. Trung Nam Hải có thể giả vờ là đang giúp Nga phản công cuộc xâm lược của Ukraina, từ đó trên danh nghĩa không bị tính là tham gia vào cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga.
Bắc Kinh cần khai triển các đơn vị cơ giới nặng, bao gồm tăng, xe bọc thép, pháo, và rocket, chuẩn bị thực hiện cuộc tấn công mạnh mẽ vào quân đội Ukraina; nếu chỉ đào hào phòng thủ, thì sự giúp đỡ cho quân đội Nga sẽ rất hạn chế. Nếu không thể nhanh chóng đẩy lùi quân đội Ukraina, cuộc chiến vẫn sẽ kéo dài, Matxcova vẫn sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán. Do đó, nếu Bắc Kinh cử quân, ít nhất họ cần phải có đủ nhân lực và trang bị để đánh bại quân đội Ukraina.
Nếu Ukraina khai triển 10.000 quân ở khu vực Kursk, Bắc Kinh cần phải huy động ít nhất gấp ba lần lực lượng đó để thực hiện cuộc phản công quy mô lớn. Một quân đoàn của Trung Quốc có 6 lữ đoàn tác chiến tuyến đầu, mỗi lữ đoàn khoảng 6.000 người, tổng cộng khoảng 36.000 người. Đây sẽ là quy mô tối thiểu cho việc ĐCSTQ cử quân, nếu còn chuẩn bị tham gia vào mặt trận phía đông hoặc phía bắc Ukraina, họ sẽ cần phải huy động nhiều hơn nữa.
Quân đội sẽ được huy động từ quân khu nào?
Quân đội Trung Quốc hiện có 13 quân đoàn, trong đó quân khu phía đông, phía bắc và trung tâm mỗi quân khu có 3 quân đoàn, còn phía nam và phía tây mỗi quân khu có 2 quân đoàn.
Ba quân đoàn ở quân khu phía đông chắc chắn sẽ không bị điều động; nếu rút một quân đoàn khỏi quân khu phía nam, việc phòng thủ chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Ba quân đoàn ở quân khu phía bắc, một quân đoàn chủ yếu ở bán đảo Sơn Đông, nếu bị rút đi, phòng thủ gần bờ ở bán đảo Sơn Đông, biển Hoàng Hải và phía nam biển Bột Hải sẽ trở nên vô nghĩa. Quân đoàn thứ hai ở bán đảo Liêu Đông, nếu bị rút đi, phòng thủ gần bờ ở bán đảo Liêu Đông và phía bắc biển Bột Hải cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Quân đoàn thứ ba được khai triển ở Hắc Long Giang và Cát Lâm, vừa bảo đảm biên giới Trung-Nga vừa biên giới Trung-Triều; nếu bị rút đi, sẽ đồng nghĩa với việc bỏ phòng thủ cả hai đoạn biên giới.
Trong ba quân đoàn ở khu vực trung tâm, có 2 quân đoàn được khai triển quanh Bắc Kinh, hoàn toàn không thể điều động. Quân đoàn 83, được khai triển ở Hà Nam và Thiểm Tây, có thể là một lực lượng dự bị của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, quân đoàn 83 có 2 lữ đoàn được bố trí ở Vị Nam, Thiểm Tây, luôn sẵn sàng cho việc di chuyển của các cơ quan trung ương Đảng sang Thiểm Tây; nếu quân ở đây bị rút đi, kế hoạch di chuyển của chính phủ trong thời chiến có thể bị ảnh hưởng.
Khu vực phía tây bao gồm Quân khu Tân Cương, Quân khu Tây Tạng và 2 quân đoàn khác. Nhiệm vụ của Quân khu Tân Cương chủ yếu là giám sát người dân địa phương ở Tân Cương, đồng thời bảo đảm an ninh biên giới; Quân khu Tây Tạng cũng phải giám sát người dân Tây Tạng địa phương, đồng thời bảo đảm an ninh biên giới. Biên giới Trung-Ấn đã xảy ra nhiều cuộc xung đột, vì vậy lực lượng của hai quân khu này không thể điều động.
Một quân đoàn ở khu vực phía tây được khai triển tại Cam Túc, Ninh Hạ, và Thanh Hải, phải chuẩn bị hỗ trợ Quân khu Tân Cương và luôn sẵn sàng đàn áp người dân Tân Cương; quân đoàn còn lại được khai triển tại Tây Tạng, Tứ Xuyên và Trùng Khánh, phải chuẩn bị hỗ trợ Quân khu Tây Tạng và luôn sẵn sàng đàn áp người dân Tây Tạng. Nếu những lực lượng này ở khu vực phía tây bị rút đi, Trung Nam Hải có lẽ sẽ lo lắng hơn về tình trạng nội loạn.
Bắc Kinh muốn cử quân hỗ trợ Nga, việc điều động quân từ quân khu nào cũng không dễ dàng, có thể nói là một động thái ảnh hưởng đến toàn cục. Việc rút quân không chỉ cần xem xét địa lý mà còn phải xem xét trang bị vũ khí. Trong các cuộc tấn công, xe tăng là điều không thể thiếu, nhưng xe tăng của Trung Quốc còn khá lạc hậu.
Xe tăng của Trung Quốc không bằng Nga
Quân đội Trung Quốc được trang bị nhiều nhất là xe tăng Type 96, được mệnh danh là xe tăng thế hệ ba, nhưng thực tế vẫn chỉ là phiên bản cải tiến của những chiếc xe tăng cũ. ĐCSTQ cũng thừa nhận rằng xe tăng Type 96 khởi động chậm, tăng tốc kém, và động lực yếu, không thể so sánh với xe tăng T-72 của quân đội Nga; hiện tại vẫn chưa có kế hoạch thay thế.
Mẫu xe tăng mới nhất của Trung Quốc, xe tăng Type 99 (A), được gọi là xe tăng thế hệ ba, mặc dù đã sao chép nhiều nhưng vẫn không thoát khỏi bóng dáng của xe tăng T-72, sử dụng pháo trơn do Nga sản xuất và cũng có hệ thống nạp đạn tự động kiểu Nga. Tổng thể, nó không bằng xe tăng T-90 mới của Nga, càng không thể đuổi kịp xe tăng phương Tây.
Xe tăng Type 99 chỉ được trang bị cho một số quân đoàn, bao gồm quân đoàn 81 và 82 xung quanh Bắc Kinh; quân đoàn 79 ở bán đảo Liêu Đông; và quân đoàn 76 ở Cam Túc và Ninh Hạ. Quân đoàn dự bị 83 dù có khả năng bị điều động ở quân khu trung tâm, vẫn được trang bị xe tăng cũ kiểu 59 và xe tăng hạng nhẹ kiểu 15.
Nếu ĐCSTQ cử quân, họ chỉ có thể sử dụng xe tăng Type 99, để tránh đưa xe tăng Type 96 ra chiến trường; nhưng ngay cả khi khai triển các lực lượng được trang bị xe tăng Type 99, ông Thẩm Châu cho rằng cũng rất khó giành chiến thắng.
Nếu thua thì sao?
Nếu Trung Nam Hải quyết định cử quân, rõ ràng họ cần một chiến thắng, nhưng liệu quân đội Trung Quốc có mạnh hơn quân đội Nga không?
Theo ước tính mới nhất, quân đội Nga ở chiến trường Ukraina có thể đã tổng cộng thiệt hại 450.000 người, vẫn đang tăng cường lực lượng, hiện đang khai triển khoảng 520.000 quân ở trong lãnh thổ Ukraina. Theo ông Thẩm, nếu Bắc Kinh chỉ gửi một quân đoàn để đối đầu với quân đội Ukraina, mà tấn công mù quáng rồi thất bại, thì còn có thể còn lấp liếm được chút ít; nhưng một khi chịu tổn thất lớn và không giữ vững được vị trí, thì thật khó để giải thích.
Ông Thẩm nhận định, kể từ sau cuộc chiến biên giới Việt Nam, quân đội Trung Quốc chưa tham gia vào thực chiến nào, hệ thống sĩ quan bị tham nhũng nghiêm trọng, trình độ chiến thuật không thể cao, hiện nay các cán bộ chính trị càng thêm tự mãn. Lực lượng như vậy nếu tham chiến, có lẽ sẽ lộ rõ điểm yếu nhanh hơn cả quân đội Nga.
Một khi số lượng xe tăng Type 99 hạn chế của Trung Quốc bị tiêu diệt, xe bọc thép không thể sử dụng, thì sẽ không thể duy trì cuộc tấn công quy mô lớn, chắc chắn sẽ sa lầy vào tình trạng chiến tranh kéo dài giữa hai bên Nga-Ukraina. Khi tổn thất quân lực quá lớn, thì không chỉ tấn công mà ngay cả phòng thủ cũng sẽ trở thành vấn đề.
Nếu một quân đoàn không thể hoạt động, hoặc bị tổn thất nặng nề, Bắc Kinh có sẵn sàng điều động quân đoàn thứ hai hoặc thứ ba tham chiến không? Quân ủy có thể huy động lực lượng dự bị, nhưng khó có thể trang bị đầy đủ vũ khí hạng nặng, cũng giống như vấn đề mà quân đội Nga đang gặp phải. Quân đội Nga có nhiều xe tăng của Liên Xô cũ có thể tân trang, trong khi Trung Quốc không có, và cũng khó có khả năng chuyển giao trang bị hiện tại cho các lực lượng dự bị.
Nếu nhiều quân nhân dự bị Trung Quốc được đưa ra tiền tuyến, ngoài việc trở thành “bia thịt” họ cũng không thể thực sự ảnh hưởng đến cục diện chiến tranh, cuối cùng sẽ lại giống như cuộc chiến Triều Tiên, khó lòng vượt qua vĩ tuyến 38, chỉ có thể ngồi vào bàn đàm phán. ĐCSTQ tuyên bố đã đánh ngang sức với quân đội Mỹ ở Triều Tiên; giờ đây nếu chỉ có thể tuyên bố là hòa hoãn với Ukraina, thì thật là một tình cảnh bi đát.
Chiến thuật của Quân đội Trung Quốc là bản sao của quân đội Nga
Các loại tên lửa phóng đa nòng của Trung Quốc được sao chép từ Nga, nhưng độ chính xác không cao. Pháo của Trung Quốc đã hoàn toàn chuyển sang tiêu chuẩn 155 mm của NATO, nhưng trong thực chiến chưa từng được sử dụng, khả năng vận hành đúng cách và ứng phó với các hoạt động chống pháo vẫn còn là một dấu hỏi; đạn vẫn cần phải được vận chuyển liên tục từ Trung Quốc.
Chiến thuật pháo binh của Trung Quốc thực tế đã kế thừa từ quân đội Nga, nhấn mạnh vào số lượng pháo và tấn công phủ đầu, chứ không phải tấn công chính xác.
Theo ông Thẩm, Bắc Kinh tự khoe rằng lực lượng hợp thành của họ mạnh hơn quân đội Mỹ, nhưng phải thừa nhận rằng quân đội Mỹ chủ yếu dựa vào ưu thế trên không. Quân đội Trung Quốc biết rằng khó có thể nhận được sự hỗ trợ trên không kịp thời, nên chỉ có thể chủ yếu dựa vào hỏa lực mặt đất, thậm chí trang bị pháo cỡ lớn cho cả xe bọc thép, cho thấy quân đội Trung Quốc vẫn chưa thích ứng với chiến đấu đa chiều. Quân đội Nga hiện đã ít sử dụng trực thăng, trong khi đó, Trung Quốc vẫn sử dụng trực thăng, và khi đối mặt với tên lửa phòng không Stinger của Mỹ, e rằng cũng khó có cơ hội chiến thắng.
Nếu quân đội Trung Quốc tham chiến, rõ ràng sẽ thiếu phòng không, và không quân Nga sẽ không nghe theo sự chỉ huy của ĐCSTQ. Nếu không quân Trung Quốc cũng phải khai triển sang Nga, bất kể là tiêm kích J-20 hay J-16 tham chiến, khả năng thực chiến sẽ nhanh chóng bị lộ. Hơn nữa, cách quân đội Trung Quốc đối phó với các cuộc tấn công của UAV Ukraina cũng có vẻ hoàn toàn không rõ ràng.