Phát hiện đáng kinh ngạc về khoáng chất ngoài hành tinh tại điểm rơi của thiên thạch 60 triệu năm tuổi khiến các nhà khoa học sửng sốt

Theo Fox news, các nhà khoa học đã phát hiện ra các khoáng chất ‘ngoài hành tinh’ tại vị trí mà một thiên thạch từ thời tiền sử đã va chạm với Trái đất tại hòn đảo nhỏ hẻo lánh có tên Skye thuộc Scotland.

Các nhà địa chất học đến từ Đại học Birkbeck thuộc thủ đô London, là thành viên của nhóm nghiên cứu đá núi lửa trên đảo Skye. Họ đã phát hiện ra các dạng khoáng chất chưa từng thấy trên Trái đất hình thành từ một vụ va chạm của thiên thạch.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu tìm thấy osbornite, một khoáng chất mà trước đây đã được thu thập như là bụi không gian trong một sứ mệnh của NASA. Ban đầu, các nhà khoa học nghĩ rằng họ đang tìm kiếm một chất lắng từ dòng chảy núi lửa gọi là ignimbrite, nhưng khi họ sử dụng kim dò điện tử (EMP) để kiểm tra, họ đã tìm thấy một vật chất rất hiếm ngoài không gian.

Khoáng chất được phát hiện giống như thứ được tìm thấy trong bụi vũ trụ (Ảnh: Space.com)

Tiến sĩ Andy Beard, giảng viên thuộc Khoa Khoa học Trái đất và Hành tinh của đại học Birkbeck chia sẻ: “Khi chúng tôi phát hiện ra điều đó chúng tôi đã rất ngạc nhiên, thậm chí là hơi sốc một chút vì chúng tôi đã không mong đợi nó xảy ra.”

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra osbornite khi đang tiến hành khảo sát nền móng của dòng dung nham 60 triệu năm tuổi. Theo các nhà địa chất học, bởi vì dạng khoáng chất này không bị nóng chảy nên nó có thể là một mảnh thiên thạch nguyên thủy.

Theo tiến sĩ Simon Drake, giảng viên tại Khoa Khoa học Trái đất và Hành tinh, khu vực này dốc đứng và nhiều bùn lầy, đây có lẽ là lý do khiến các nhà nghiên cứu trước đây không phát hiện được vị trí này. Ông nói: “Chúng tôi chìm trong vũng bùn ngập tới tận đùi. Tôi nhớ rõ tôi đã nói với Andy Beard rằng tốt nhất là chúng ta nên bỏ công sức ra một cách xứng đáng. Và thực sự kết quả có được rất xứng đáng.”

Nó được đưa đến Trái đất thông qua một vụ va chạm thiên thạch từ hàng triệu năm trước (Ảnh: omega-level.net)

Các chuyên gia nói rằng phát hiện này đặt ra câu hỏi về vị trí va chạm của thiên thạch và liệu tác động của nó có kích hoạt một đợt phun trào dung nham núi lửa cùng lúc đó hay không.

Một địa điểm thứ hai cách đó 6,3 km, họ đã thấy một loại khoáng chất khác thường tương tự có thành phần được biết đến là ‘ejecta’ – loại khoáng chất được phun ra từ miệng núi lửa.

Những phát hiện đáng chú ý này của các nhà khoa học đã được công bố trên tạp chí GeoScienceWorld.

Nhật Quang