Không chỉ con người mới có thể xây dựng nên những kỳ quan độc nhất vô nhị mà thế giới động vật cũng có thể tạo ra những công trình kiến trúc khổng lồ của riêng chúng.

Bên cạnh những công trình kiến trúc vĩ đại của loài người, kẻ cả từ thời cổ đại cho đến ngày nay thì thế giới loài vật cũng có những công trình kiến trúc cho riêng mình rất đáng kinh ngạc. Và một điều thú vị là nhiều công trình đó đều được làm nên từ những loài sinh vật có kích thước vô cùng nhỏ bé.

Dưới đây là những loài động vật với biệt danh “kiến trúc sư đại tài” trong thế giới động vật:

Chuột chũi không lông – Thành phố ngầm trong lòng đất

Chuột chũi không lông ở Đông Phi là một trong những loài thú có vú có tổ chức xã hội độc đáo và cao cấp, chúng thường quần cư thành từng đàn lớn trong hang nằm sâu dưới mặt đất và nằm chôn mình dưới đất. Lối sống này giống như một số loài côn trùng như ong, mối,…

Chuột chũi không lông sống theo bầy đàn có tổ chức rất chặt chẽ. (Ảnh: earthtouchnews.com)

Không những vậy, chuột chũi không long còn là những chú thợ đào đất chăm chỉ và tài tình. Hang của chuột chũi thực sự có thể gọi là thành phố với lãnh địa kéo dài tới hàng trăm mét và sức chứa hàng nghìn cư dân cùng một lúc. Tại đây, chúng dự trữ một lượng lương thực lớn để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Điểm ấn tượng nhất ở công trình này là quy hoạch rất tốt với hệ thống các phòng riêng biệt như phòng ngủ, phòng giữ ấm vào mùa đông hay thậm chí là nơi ở cho các con non. Các phòng đều có những hốc nhỏ để giúp thông khí và điều hòa nhiệt độ.

Chiếc tổ của chúng được xây dựng vô cùng tỷ mỷ và có thể chứa hàng nghìn cá thể. (Ảnh: HypeScience)

Những bờ đê xung quanh miệng hang để tránh nguy cơ ngập nước khi mưa xuống. Ngoài ra, cũng có một đội chuyên làm công việc canh gác đề phòng nguy hiểm; nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, chúng ngay lập tức phát tín hiệu cảnh báo.

2. Kiến và chiếc tổ khổng lồ

Kiến là sinh vật khiến nhiều người ấn tượng bởi khả năng mang vác những vật có khối lượng gấp nhiều lần cơ thể chúng nhưng chúng ta lại không biết kiến cũng là một nhà kiến trúc đại tài. Tổ kiến lớn nhất từng được phát hiện là ở châu Âu có chiều dài hơn 6.400km với số lượng hàng nghìn tỷ con.

Một nhóm nhà khoa học dẫn đầu bởi Tiến sĩ Bert Hölldobler đến từ Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) và Luiz C. Forti của Đại học Bang Sao Paulo (Brazil) từng phát hiện 1 khu phức hợp khổng lồ của loài kiến cắt lá tại Brazil với diện tích lên tới 46 m2, sâu tới 7,9 m. Những đường hầm dài và vô số khoang của cộng đồng kiến này tương đương những con đường và tòa nhà của con người chúng ta. Các nhà nghiên cho rằng đây là sức mạnh tổng thể của cả đàn kiến tạo nên.

(Ảnh: Entertainment)

Tổng số có khoảng 1.900 khoang chính cùng những ngõ ngách nhỏ dẫn ra đến những cái hốc chứa rác thải và thậm chí vườn nuôi nấm, thứ được nuôi trồng nhờ những rau lá mà kiến thu thập được. Họ ước lượng có đến hàng triệu con kiến từng sống tại đây nhưng khống biết tại sao chúng lại bỏ đi.

3. Ong và sự chuẩn xác đến hoàn hảo trong kiến trúc xây tổ

Có thể nói là một kiệt tác ngoài sức tưởng tượng đối với những ai yêu thích sự hoàn hảo. Quá trình xây dựng cũng vô cùng kỳ công khi những chú ong thợ tiết ra những miếng sáp ong chỉ nhỏ bằng kích thước đầu kim rồi sau đó đắp chồng lên nhau tạo ra một mạng lưới gồm vô số các ô nhỏ hình trụ có 6 mặt đều tăm tắp xếp theo chiều dọc.

Tổ ong là một tác phẩm hoàn hảo từ sự chăm chỉ và tính toán chuẩn đến không ngờ từ loài ong. (Ảnh: hornpestmanagement.com)

Mỗi cạnh của 6 mặt có cùng một chiều rộng và nằm ở một góc 120°, chúng đối xứng hoàn hảo một cách đáng kinh ngạc như được đo đạc và thiết kế từ trước đó.

4. Nhện và mạng lưới siêu khổng lồ

Nhện là loài sống đơn độc và thường sống cách xa nhau để tránh xảy ra xung đột nên hiếm khi chúng ta có thể thấy nhiều nhện ở cùng một chỗ. Nhưng nếu cơ hội bắt gặp sinh vật này tác chiến cùng nhau thì bạn sẽ bất ngờ với cảnh tượng khi bắt gặp.

Hình ảnh dưới đây mô tả 1 mạng nhện “khủng” rộng tới 182 m được tạo nên từ hàng nghìn cá thể thuộc 12 loài nhện khác nhau. Điều này vô cùng hiếm thấy bởi hàng ngày chúng chiến đấu trong lãnh thổ và với con mồi, xây dựng những mạng nhện độc lập.

(Ảnh; homesecurity.press)

Nguyên nhân ban đầu có thể là do mưa rào làm cho lượng sâu bọ có thể ăn được dồi dào hơn; chính vì thế mà các con nhện chọn cách hợp tác để cùng nhau thu hoạch món lợi trời cho này. Ngoài ra, nhện không chỉ tạo nên lưới nhện một lần mà có thể làm lại ba lần nếu do mưa, gió phá hỏng.

Sơn Tùng