Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao nhiều người mới sinh ra lại mang nhiều dị tật bẩm sinh, mang trên mình những căn bệnh nan y quái ác? Liệu bạn có tin đó là vì những nhân duyên đời trước tạo ra? Hãy theo dõi những câu chuyện có thật của nhà tiên tri, cũng là bậc thầy thôi miên nổi tiếng Edgar Cayce để tìm câu trả lời.

Edgar Cayce (1877-1945) là một trong những người có công năng đặc dị nổi tiếng nhất của Mỹ, là người có thể khám bệnh cho người khác khi ở trong trạng thái thôi miên. Không những vậy ông còn có thể lý giải được vận mệnh của người khác từ kiếp trước, thậm chí là dự đoán tương lai. Ông phát hiện tất cả những loại bệnh tật và tổn thương mà con người mắc phải trong kiếp này không phải vô duyên vô cớ mà đều có liên quan tới nhân duyên từ tiền kiếp.

Edgar Cayce (1877-1945) người có công năng đặc dị nổi tiếng nhất của Mỹ. (Ảnh: edgarcayce.org)

Tự chữa bệnh trong trạng thái thôi miên

Lần đầu tiên Cayce biết tới cách dùng thuật thôi miên để chẩn đoán bệnh là vào ngày 11/3/1901. Khi Cayce bị viêm thanh quản ở mức nghiêm trọng, đến nỗi không thể phát âm như mọi người bình thường, chỉ có thể phát ra những âm thành khàn đục nhỏ ở cổ họng. Ông đi khắp các bệnh viện để thăm khám nhưng tất cả các bác sĩ đều bó tay.

Tình trạng khổ sở này liên tục hành hạ ông tới cả năm trời, mãi cho tới một ngày có một nhà thôi miên kỳ diệu chuyên trình diễn hài kịch, hứa sẽ dùng thuật thôi miên giúp ông trị bệnh. Mặc dù không hiểu biết gì về y thuật, nhưng sau khi Cayce ở vào trạng thái thôi miên thì một điều kỳ diệu đã xảy ra. Ban đầu Cayce có thể hoàn toàn hồi phục giọng nói như bình thường của mình, tuy nhiên sau khi tỉnh dậy chứng viêm thanh quản lại tái phát.

Trong vùng có một người tên Rennes, sau khi biết được tình hình của ông lại làm một thử nghiệm khác. Sau khi ông ta đưa Cayce vào trạng thái thôi miên, liền hỏi ông về những điều liên quan tới bệnh tình của mình. Thật kỳ lạ khi đó Cayce có thể phát âm rõ ràng chính xác như bình thường, sau đó nói cho Rennes và những người bên cạnh nguồn gốc bệnh tật của họ là bởi nhân tố tinh thần và chỉ cho mọi người cách làm sao để điều trị khỏi.

Làm theo những lời Cayce chỉ dẫn trong trạng thái thôi miên, Rennes hướng về phía thân thể của Cayce yêu cầu ông tập trung tìm cách dồn máu về chỗ mắc bệnh. Một lúc sau những người ngồi xung quanh ông nhìn thấy da ở phần ngực và ở phần họng biến thành màu đỏ sẫm, da ở chỗ mắc bệnh bắt đầu nóng lên.

Một thời gian sau, Rennes lại làm theo những lời Cayce ám thị, yêu cầu ông để máu huyết chảy ngược khôi phục về trạng thái bình thường. Và thật thần kỳ, sau khi Cayce tỉnh lại tiếng nói của ông khôi phục về trạng thái hoàn toàn bình thường. Đây là lần đầu tiên Cayce chữa khỏi bệnh cho bản thân mình trong trạng thái thôi miên.

Sau đó Rennes yêu cầu Cayce trong thôi miên đưa ra cho mình phương án điều trị giúp ông thoát khỏi bệnh đau dạ dày kinh niên. Tiếp nữa là giải đáp nguyên nhân gây bệnh cho một bé gái bị thiểu năng về trí tuệ. Thông qua thôi miên Cayce phát hiện nguyên nhân bệnh là bởi ngoại thương. Các bác sĩ làm theo những kiến nghị của Cayce trong trạng thái thôi miên, đã điều trị thành công giúp cô bé dần dần khôi phục trạng thái phát triển bình thường.

Ngày 9 tháng 10 năm 1910 công năng đặc biệt của ông, được đăng thành chuyên đề trên tờ New York Times. Sau khi chuyên đề được đăng, có rất nhiều người bắt đầu tới tìm ông để khám bệnh. Khi càng có nhiều người tới nhờ ông giải đáp về sinh mệnh và bệnh tật của mình, Edgar đề nghị xây dựng một bệnh viện chuyên biệt để làm điều này.

Tuy nhiên ông hiểu rằng khả năng của mình không dùng để mưu cầu lợi ích thương mại. Ông tiếp nhận sự tài trợ của người khác, nhưng không bao giờ từ chối giải đáp thắc mắc về sinh mệnh cho những người nghèo khó không có tiền. Cho tới năm 1923 công việc giải đáp sinh mệnh của ông đã không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế.

Ngày 9 tháng 10 năm 1910 công năng đặc biệt của ông, được đăng thành chuyên đề trên tờ New York Times. Sau khi chuyên đề được đăng, có rất nhiều người bắt đầu tới tìm ông để khám bệnh. (Ảnh: wikipedia.org)

Tiếp tục những trường hợp kỳ lạ

Một lần nọ có một người đàn ông từ Ohio, tới nhờ ông lý giải về bệnh tật của mình. Cayce sau khi giải đáp một loạt những nguyên nhân bệnh tật của người đàn ông, bèn nói “Người này kiếp trước từng là một hòa thượng” bởi lần thôi miên này ông đã rơi vào cảm giác khổ não sâu sắc. Bởi vì sự tồn tại của “kiếp trước” cũng có nghĩa là có sự tồn tại của luân hồi, tuy nhiên đối với một tín đồ Cơ Đốc giáo mà nói đây là một khái niệm vô cùng xa lạ.

Ông lại bắt đầu cầu nguyện và tìm cách lý giải vấn đề nan giải này, đáp án ông có được là sau khi đọc từ đầu tới cuối Thánh Kinh. Nội hàm sâu sắc trong Thánh Kinh nổi lên trong đầu ông, yêu cầu ông chú ý tới ý nghĩa và tính cộng đồng của sinh mệnh. Cuối cùng ông cũng phát hiện, khái niệm về luân hồi không có liên quan tới bất kỳ tôn giáo nào, hơn nữa sự giải thích này cũng tương đối ăn khớp với việc “ý nghĩa của một tín đồ Cơ Đốc giáo là gì?”.

Những cuốn sách viết về ông có rất nhiều, những bộ sách tiêu biểu nhất là “Gina Cerminara” và cuốn “Many Mansions”. Trong sách có ghi lại giải đáp thắc mắc về sinh mệnh của Cayce. Có rất nhiều trường hợp bị thương trong kiếp này, có thể ngược dòng tìm hiểu từ thời La Mã cổ đại. Có rất nhiều chủ nhân của những trường hợp đó sống trong thời La Mã cổ đại, đều đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc bức hại những tín đồ Cơ Đốc giáo.

Trong đó, có trường hợp là một người phụ nữ 45 tuổi. Vào năm bà 36 tuổi bị bệnh viêm tủy xám dẫn tới bại liệt, thậm chí không thể đi lại, chỉ có thể ngồi xe lăn. Sau khi thử nghiệm đủ các phương pháp điều trị không thành công, bà tìm đến nhờ Cayce giải đáp về tiền kiếp của mình. Sau khi ở vào trạng thái thôi miên, Cacye cho hay nguyên nhân bệnh bại liệt kiếp này của bà, là tội ác kinh khủng bà tự tạo ra khi sống vào thời kỳ La Mã cổ đại.

Vào những năm 37 – 68, khi bạo chúa La Mã Nero có cuộc đàn áp điên rồ với các tín đồ Cơ Đốc giáo, bà chính là một thành viên trong hoàng thất. Khi đó bà có mặt trong đấu trường và chứng kiến sự đau đớn của những người bị thương tàn phế, không những không mảy may thương cảm họ mà ngược lại còn lớn tiếng cười nhạo. Và cái giá phải trả cho sự cười nhạo đó chính là căn bệnh bại liệt của bà kiếp này.

Chủ nhân của một trường hợp khác tới nhờ ông giải đáp về tiền kiếp, là một cô gái kiếp trước từng là một quý tộc trong triều đại Nero, thường có sở thích xem các cuộc bức hại tín đồ Cơ Đốc giáo tại các đấu trường làm vui. Đặc biệt khi cô nhìn thấy thân thể một cô gái bị sư tử cắn xé tan nát vẫn thản nhiên cười lớn. Việc cười nhạo trên sự đau khổ của người khác kiếp trước của cô, đã dẫn tới kiếp này cô phải chịu đựng những đau đớn của bệnh kết hạch khớp háng.

Lại có một nhà sản xuất phim năm 17 tuổi bị mắc bệnh viêm tủy xám chân đi khập khiễng. Nguyên nhân bệnh từ tiền kiếp của ông ta cũng có liên quan tới sự kiện trấn áp tín đồ Cơ Đốc giáo từ thời La Mã. Trong tiền kiếp ông ta là một binh sĩ bị cử đi trấn áp những tín đồ Cơ Đốc giáo tay không tấc sắt. Nghiệp mà ông ta tạo nên không phải là bởi phục tùng mệnh lệnh của cấp trên đi thực thi công việc trấn áp, mà bởi vì cười nhạo phỉ báng những người kiên định tin tưởng vào tín ngưỡng của mình. Sự tàn phế tổn thương của ông ta ở kiếp này chính là để ông ta tự thức tỉnh từ trong nội tâm của mình.

Trường hợp cuối cùng là một cậu bé bị tổn thương cột sống vì bị tai nạn xe hơi lúc 16 tuổi, không thể cử động chỉ có thể ngồi xe lăn. Bảy năm sau khi ở vào tuổi 23, cậu được mẹ đưa tới gặp ông Cayce, nhờ lý giải về sinh mệnh tìm hiểu về tiền kiếp của cậu bé. Trong tiền kiếp cậu bé đã từng là binh sĩ trong quân đội La Mã khi bức hại tín đồ Cơ Đốc vào thời kỳ đầu. Cậu đã có thái độ hả hê, đùa cợt trên nỗi đau khổ của những người vô tội bị bức hại, cậu cũng là người trực tiếp tham gia cuộc bức hại. Bởi vậy tới kiếp này cậu phải chịu đựng những dày vò do chính mình tạo ra từ tiền kiếp.

Tất cả những trường hợp thực chứng nêu trên cho ta hiểu rằng những người bị tàn tật hoặc mắc những bệnh nan y trong kiếp này đều không phải vô duyên vô cớ. Giới tu luyện tin rằng vì kiếp trước đã làm việc xấu mới dẫn tới những bất hạnh và khổ nạn trong kiếp này. Cũng có nghĩa là con người không chỉ sống trong một đời mà đã trải qua luân hồi sống trong rất nhiều kiếp, nghiệp lực của tiền kiếp là có quan hệ nhân quả tới những khổ nạn và bệnh tật mà ta phải gánh chịu trong kiếp này.

Đế chế La Mã hùng mạnh vì bức hại tín đồ Cơ Đốc giáo mà đi đến hủy diệt, (Ảnh: gregburdine.com)

Từ ngàn đời xưa người phương Đông luôn có câu giáo huấn: “Thiện hữu thiện báo, ác ác hữu ác báo“, nghĩa là: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”, đó không phải chỉ là lời nói khoa trương. Đằng sau những lý giải về nguyên nhân bệnh tật của kiếp này trên bề mặt, càng có một tầng ý nghĩa sâu sắc hơn mà con người không biết nguyên do. Đó là đang có một nguồn sức mạnh vô hình, bí ẩn thao túng vận mệnh của con người. Cuộc đời của con người đã được an bài được sắp đặt tùy theo nghiệp lực tiền kiếp mà họ tạo ra.

Mùa xuân năm 1944, sức khỏe của Cayce bắt đầu chuyển biến xấu khi cận kề với những ngày tháng cuối cùng của sinh mệnh. Ông đã dự đoán được cái chết của bản thân mình từ trước và nói với những người thân rằng: “Bước sang năm mới mọi điều của ông sẽ tốt đẹp“. Sau này người thân bạn bè mới hiểu được ý nghĩa thực sự về lời dự ngôn của ông. Ngày 1/1/1945, Edgar Cayce dự đoán ông sẽ được chôn cất trong 4 ngày nữa. Và ông ra đi sau một cơn đột quỵ vào ngày 3/1/1945, được chôn cất tại Hopkinsville, Kentucky, nơi ông sinh ra. Cũng vào lễ Phục Sinh cùng năm đó, vợ ông qua đời.

Theo NTDTV
Kiên Định biên dịch