Nếu bỏ qua yếu tố chi phí chế tạo thì Tiger II (hay còn được gọi là King Tiger) của Đức Quốc xã có thể nói là chiến xa tốt nhất trong chiến tranh thế giới II khi tích hợp các ưu điểm vượt trội như vỏ giáp dày, hỏa lực cực mạnh và độ cơ động. Đây thật sự là đối thủ và kẻ ngáng đường đáng gờm đối với xe tăng Liên Xô và Đồng Minh. 

Mùa hè năm 1943, lực lượng tăng-thiết giáp của Đức Quốc xã thất bại thảm hại trước Liên Xô trong trận vòng cung Kursk. Về lý thuyết mà xét, những chiếc xe tăng hạng nặng Tiger I của quân Đức với trang bị pháo 88mm đủ sức bắn xuyên giáp trước của xe tăng T-34/85 của Liên Xô từ cự li 1.000-1.500m, trong khi T-34 chỉ có thể bắn xuyên giáp trước dày hơn 100mm của Tiger I từ cự li 150-200m.

Nhưng trong thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Tiger I tuy có pháo mạnh và giáp dày nhưng độ cơ động kém do trọng tải quá lớn bị những chiếc T-34/85 cơ động hơn nhiều lợi dụng địa hình để bao vây, chia cắt, tạt sườn… tiệu diệt rất dễ dàng. 

Với T-34/85 là chủ chốt, Liên Xô đã đánh bại Đức Quốc xã tại trận vòng cung Kursk. (Ảnh: Salik.biz)

Ngoài việc thua đau và mất quyền chủ động trên chiến trường, quân Đức gia đoạn này cũng phải đối mặt với những mẫu xe tăng mới của Liên Xô như IS 1, IS 2 với giáp và pháo chính mạnh hơn rất nhiều Tiger I. Chính vì vậy, Hitler cần 1 loại xe tăng mới mạnh mẽ hơn cho quân đội Đức. Và Tiger II chính thức ra đời từ đây.

“Lô cốt di động” trên chiến trường

Tiger II tham chiến lần đầu vào tháng 5-1944 tại mặt trận phía Đông và sau đó tháng 8/1944 chiến đấu với quân Mỹ.

Sau những cuộc chạm trán dữ dội với Tiger II, quân Đồng Minh đã đặt tên cho cỗ máy to lớn này là “King Tiger” bởi sự hủy diệt khủng khiếp của nó. Tiger II có thiết kế giáp nghiêng để có thể chống lại tốt hơn với các loại đạn chống tăng thời đó.

Nhìn chung về cấu tạo, thiết kế của Tiger II tương tự như Tiger I nhưng có tính năng cao hơn. Tiger II kết hợp giáp dày của Tiger I cùng với giáp nghiêng của Panther hay nói cách khác, Tiger II chính là xe tăng Panther phóng to ra để có giáp dày hơn và pháo mạnh hơn. 

Kích cỡ quá to lớn của Tiger II bên cạnh lái xe của nó. (Ảnh: Military)
Tiger II to lớn bên cạnh xe tăng M4 Sherman của Mỹ. (Ảnh: RC-PANZER)

Chính vì thế kích thước và trọng lượng xe tăng vọt. Tiger II dài đến 10,26m, rộng 3,75m, cao 3,09m và nặng đến 69,7 tấn. Đây là một con số quá kinh khủng, nhất là đối với điều kiện đường xá và cầu phà thời bấy giờ. Ở các vị trí có nhiều khả năng trúng đạn như tháp pháo, thân trước sẽ được bọc giáp dày từ 100-180mm, còn ở các vị trí khác sẽ là từ 40-80mm. 

Dù có trọng tải lớn nhưng Tiger II chỉ được trang bị động cơ V-12 Maybach HL 230 P30 xăng với công suất 700 mã lực nên xe di chuyển khá chậm. Tốc độ hành quân trên đường là 38 km/h và trong điều kiện việt dã chỉ đạt từ 15-20 km/h. Tầm hoạt động cũng bị giới hạn còn 120-170km, tùy điều kiện đường.

Về hỏa lực, Tiger II trang bị pháo Kwk 43 L/71 cỡ nòng 88mm có khả năng xuyên giáp rất tốt với kính ngắm TZF-9d cho độ chính xác rất cao. Pháo có cơ số đạn 86 viên, sử dụng nhiều loại đạn có sức công phá lớn như đạn xuyên giáp PzGr 39/43, PzGr 40/44, đạn nổ mạnh SpGr 43, đạn nổ mạnh chống tăng HlGr 39…

Về độ chính xác, ở khoảng cách 1 km, góc nghiêng 30 độ, khi sử dụng đạn Pzgr-39/43 APCBC-HE có thể xuyên phá vỏ thép dày 165 mm; ở khoảng cách bắn 2,29 km có thể xuyên phá vỏ thép dày 127 mm. Còn ở khoảng cách 457 mét, “Vua Hổ” có thể xuyên thủng lớp thép dày 185 mm kể cả ở góc nghiêng 30 độ. 

Khẩu pháo 88 mm của Tiger II có thể hạ bất cứ xe tăng Đồng minh nào từ xa. (Ảnh: Pinterest)

Ngoài ra 2 vũ khí phụ khác được trang bị trên xe là súng máy MG 34 cỡ 7,92mm, cơ số đạn 5.850 viên.

Với những thông số này, có thể hiểu rằng Tiger II giống như một “Lô cốt di động” chủ yếu dùng để phòng ngự nhiều hơn là vũ khí mang tính chất đột phá tấn công giống như T-34/85 hay IS 2 của Liên Xô. 

Đi vào vết xe đổ của Tiger I

Tuy đã có nhiều cải tiến về giáp và trang thiết bị nhưng Tiger II vẫn là một phiên bản “lỗi” trong chiến tranh giống như Tiger I. 

Thứ nhất là hệ thống động cơ và điều khiển cơ khí của xe vẫn giống như Panther (trong khi xe nặng hơn gấp rưỡi) dẫn tới quá tải, độ tin cậy thấp và thường xuyên bị hư hỏng. Khi Tiger II bị hỏng thì cũng rất khó thu hồi sửa chữa trong điều kiện chiến trường do các loại xe kéo cỡ vừa khó có thể kéo một loại xe nặng như vậy. Vả lại việc sửa chữa rất ngốn thời gian khi một giờ hoạt động của Tiger II cần tới 10 giờ để bảo dưỡng.

Thứ hai là giáp. Dù đã được trang bị giáp nghiêng nhưng độ nghiêng của giáp là không lớn, có thể nói là gần như đặt thẳng đứng so với phương ngang, hạn chế phần nào khả năng chống đạn xuyên giáp của Tiger II. Hơn nữa từ năm 1944, người Đức rất thiếu nguyên liệu, đặc biệt là mangan để làm giáp xe tăng buộc họ phải sử thép có hàm lượng các-bon cao và ni-ken, khiến giáp tăng Đức rất giòn, làm giảm khả năng phòng ngự. 

Chính vì vậy, khi Liên Xô tung ra chiến trường mẫu xe tăng hạng nặng IS 2 mang pháo 122mm D-25T có sức mạnh xuyên giáp vượt trội thì lúc này Tiger II giống như chiếc “bia đỡ đạn” cho lực lượng tăng – thiết giáp của Liên Xô bắn mà thôi. 

Cận cảnh một chiếc Tiger II bị tiêu diệt trên chiến trường. (Ảnh: Quora)

Thứ 3 là Tiger II rất ngốn nhiên liệu để vận hành. Do trọng tải lớn và động cơ không đủ mạnh nên “Vua Hổ” tiêu thụ tới 500 lít xăng/100 km. Đây thực sự là cơn ác mộng đối với kíp lái và lực lượng hậu cần trên chiến trường, thực tế có nhiều xe tăng Tiger II bị bỏ lại trên chiến trường vì hết xăng nhiều hơn bị bắn hạ. 

Thứ 4 là năng lực sản xuất có hạn và giá thành cao. Tiger II xuất hiện khi mà Thế chiến II đã ngã ngũ và lúc này quân Đức đang thất thế rất lớn trên chiến trường nên chúng được sản xuất với số lượng rất hạn chế. Trong 1500 chiếc được đặt hàng chỉ có 500 chiếc được xuất xưởng và con số này là không đủ cho quân Đức đảo ngược tình thế trên chiến trường. 

Ngoài ra giá thành để sản xuất 1 chiếc Tiger II rất đắt đỏ và tốn kém, vào khoảng 150.000 USD (chưa tính chi phí cho vũ khí, kính ngắm và điện đài). Trong khi T-34/76 của Liên Xô có giá khoảng 25.470 USD hoặc 27.000 USD của T-34/85, xe tăng M4 Sherman của Mỹ có giá khoảng 46.000 – 51.000 USD hay Cromwell của Anh có giá khoảng 42.700 USD.

Tiger II bị bỏ lại nguyên vẹn và rơi vào tay quân Mỹ. (Ảnh: 2iemeguerre.ca)

Chính vì vậy mà lực lượng Đồng Minh với số lượng xe tăng áp đảo đã đánh bại quân Đức trong “Chiến dịch Berlin”, nhất là Liên Xô sử dụng chiến thuật “lấy số lượng và sự cơ động” để đối phó với “chất lượng bù số lượng” của Đức Quốc xã. Tất cả điều này khiến “Vua Hổ” Tiger II chỉ là nỗ lực vô ích của phát xít Đức trở nên vô ích và Đức kế Hiệp định đầu hàng vô điều kiện kết thúc chiến tranh vào ngày 9/5/1945. 

Có thể nói, xe tăng hạng nặng Tiger II đã đi vào đúng vết xe đổ của Tiger I trước đó là chế tạo một loại xe tăng quá đắt đỏ nhưng lại không hiệu quả trên chiến trường trong một thời gian dài.

Video:

Sơn Tùng