Không dễ để lập ra hồ sơ tâm lý của một người điển hình tin vào hiện tượng tâm linh, vì có rất nhiều kiểu người tin tưởng, nhưng có một số đặc điểm dường như khá nổi bật.
Các nghiên cứu tâm lý về những người tin tưởng vào hiện tượng tâm linh cho thấy yếu tố tuổi tác và trình độ học vấn dường như không quan trọng. Quan điểm chính trị dường như cũng không có liên quan. Tuy nhiên, nhà tâm lý học, TS Erlendur Haraldsson đã phát hiện thấy những người tin tưởng hơi có xu hướng ủng hộ các công ty tư nhân, trong khi những ai không tin tưởng có thể nghiêng về các công ty nhà nước hoặc xí nghiệp hợp tác.
Những người có mong muốn tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống có thể dễ tin tưởng hơn, họ nhìn thấy sự liên hệ chứ không chỉ các sự kiện ngẫu nhiên hay mang xác suất thấp. Một mối quan tâm rộng rãi hay chung chung đối với phạm trù tâm linh cũng có thể khiến người ta dễ tin tưởng vào hiện tượng siêu thường hơn. Phụ nữ có thiên hướng tin tưởng cao hơn một chút so với đàn ông.
Những người tin tưởng hơi có xu hướng ủng hộ các công ty tư nhân.
TS Haraldsson đã tiến hành một vài nghiên cứu trong lĩnh vực này vào những năm 1980 cũng như vào đầu những năm 2000. Các phương diện trong kết quả nghiên cứu của ông đã được xác nhận bởi các nhà tâm lý học khác trong các nghiên cứu tương đồng.
Trong một nghiên cứu năm 1980 nhằm mục đích thử nghiệm các đặc điểm tính cách cá nhân song song với niềm tin tâm linh, TS Haraldsson đã gặp khó khăn khi cố gắng thiết lập mối liên hệ giữa tính cách và niềm tin.
Ông sử dụng hai cụm từ “cừu” và “dê” khá phổ biến trong lĩnh vực cận tâm lý học để chỉ những người tin tưởng và không tin tưởng. Ông viết: “Biến số cừu-dê có mối liên hệ điển hình với chỉ đơn thuần 7% sự khác biệt trong các kết quả đo lường tính cách. Đây là một phần lý do tại sao, trong cả hai nghiên cứu, dự đoán vị thế cừu-dê trong một mẫu mới cho ra kết quả không mấy thành công: tính cách không phải là một chỉ số dự đoán đáng tin cậy về việc một người là cừu hay dê”.
“Cừu” là một thuật ngữ được các nhà cận tâm lý học sử dụng để biểu thị những người tin tưởng vào hiện tượng tâm linh. (Ảnh: iStock)
“Dê” là một thuật ngữ được các nhà cận tâm lý học sử dụng để biểu thị những người không tin tưởng vào hiện tượng tâm linh. (Ảnh: iStock)
Tính cách không phải là một chỉ số dự đoán đáng tin cậy về việc một người là cừu hay dê.
— TS Erlendur Haraldsson
Vào năm 1981, ông hướng sự nghiên cứu cụ thể vào các quan điểm tôn giáo và chính trị. Trong số 900 người, tuổi từ 30 đến 70, được lựa chọn ngẫu nhiên từ Viện Lưu trữ Quốc gia Iceland, khoảng 25% đã báo cáo có trải nghiệm tâm linh hay tôn giáo sống động,. Con số này cũng tương đồng với kết quả của các cuộc khảo sát ở Mỹ và Anh vào thời điểm đó, TS Haraldsson nhấn mạnh. Những người này cho thấy một thiên hướng niềm tin cao hơn vào hiện tượng tâm linh.
Ông phát hiện thấy một mối liên hệ nhỏ với việc đọc kinh Thánh, nhưng lại tồn tại một mối liên hệ đáng kể với việc đọc các tôn giáo Đông phương. Ông viết: “Điều này có thể cho thấy niềm tin vào hiện tượng tâm linh có liên hệ nhiều hơn với hứng thú về tôn giáo tự do hay tổng quát hơn là các niềm tin vào Công giáo chính thống hay bè phái”.
Ông phát hiện thấy một mối liên hệ nhỏ với việc đọc kinh Thánh, nhưng lại tồn tại một mối liên hệ đáng kể với việc đọc các tôn giáo Đông phương.
Mối tương quan lớn nhất là với niềm tin vào cuộc sống sau khi chết. Ông phát hiện thấy một sự tương quan nhẹ với tần suất hồi tưởng giấc mơ và diễn giải giấc mơ.
Ông đã làm lại cuộc khảo sát này một vài lần với một chút điều chỉnh trên một quy mô nhỏ hơn, trên cộng đồng sinh viên của trường Đại học Iceland, và mỗi lần đều nhận thấy các kết quả tương tự.
Về xu hướng những người tin tưởng cũng đồng thời diễn giải các giấc mơ bản thân, TS Haraldsson cũng phỏng đoán rằng việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống có thể có mối liên hệ rộng hơn với hiện tượng tâm linh.
“Khá thú vị khi nhận thấy một số nhà xã hội học trong tôn giáo… đã diễn giải tôn giáo như một cách tìm kiếm ý nghĩa sự sống—nhằm cấu trúc cái thực tại vào một vũ trụ có ý nghĩa, hay xây dựng một hệ thống ý nghĩa”, ông viết. “Việc gán nhãn cho một trải nghiệm là ‘tâm linh’ thường phụ thuộc vào việc một cá nhân đánh giá các sự kiện là có liên hệ ý nghĩa chứ không chỉ trùng hợp đơn thuần. Dựa trên cơ sở này, chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng thiên hướng thích nhìn nhận các sự kiện theo nhân quả là nguồn gốc chung tạo ra mối liên hệ nhỏ nhưng đáng kể giữa tôn giáo (theo nghĩa rộng) và niềm tin vào hiện tượng tâm linh?”
Việc gán nhãn cho một trải nghiệm là ‘tâm linh’ thường phụ thuộc vào việc một cá nhân đánh giá các sự kiện là có liên hệ ý nghĩa chứ không chỉ trùng hợp đơn thuần.
— TS Erlendur Haraldsson
Năm 2011, TS Bruce Greyson từ Đại học Virginia đã bình luận về một thiên hướng đi tìm ý nghĩa cuộc sống tương tự của bộ phận những người tin tưởng vào hiện tượng tâm linh .
Trong bài viết “Những sự trùng hợp ý nghĩa và trải nghiệm cận tử”, được đăng tải trên Biên niên sử Tâm lý (Psychiatric Annals), TS Greyson đã nói: “Nhận thức và gán ý nghĩa cho các sự kiện trùng hợp đã được liên hệ với niềm tin và trải nghiệm trong các hiện tượng siêu thường, niềm tin vào cách suy nghĩ trực giác, sự hứng thú với tâm linh, và một phương cách xử lý thông tin thiên về trải nghiệm thay vì lý trí.”
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không rõ đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả. Phải chăng những người tin tưởng đã đi tìm kiếm ý nghĩa hay việc tìm kiếm ý nghĩa đã truyền cảm hứng cho sự tin tưởng?
Năm 2003, TS Haraldsson đã tiến hành một nghiên cứu về những đứa trẻ Lebanon liên tục đề cập đến ký ức từ kiếp trước. Luân hồi là một hiện tượng tâm linh. Ông so sánh những đứa trẻ với một nhóm trẻ được chọn ra, chưa từng đề cập đến các kiếp trước trước đây.
Ông phát hiện ra rằng những đứa trẻ với ký ức từ kiếp trước “đạt được chỉ số cao hơn trong việc mơ mộng, nhu cầu thu hút sự chú ý, và tình trạng rối loạn phân rẽ nhân cách, nhưng mức độ cô lập với xã hội, và khả năng dễ bị ám thị thì ở mức bình thường”. Tuy nhiên, ông phát hiện ra rằng “mức độ phân rẽ nhân cách thấp hơn khá nhiều so với trong các trường hợp đa nhân cách và cũng không có mối liên hệ lâm sàng”.
Ông phát hiện ra rằng những đứa trẻ với ký ức từ kiếp trước “đạt được chỉ số cao hơn trong việc mơ mộng, mong muốn thu hút sự chú ý, và tình trạng rối loạn phân rẽ nhân cách, nhưng mức độ cô lập với xã hội, và khả năng dễ bị ám thị thì ở mức bình thường”.
Những đứa trẻ từng đề cập đến kiếp trước sẽ mơ mộng nhiều hơn bạn cùng trang lứa, nhưng không có dấu hiệu cho thấy chúng có xu hướng bịa đặt những trải nghiệm tưởng tượng này. Và chúng cũng không có xu hướng dễ bị ám thị hơn. Ở trong một trong những nghiên cứu của ông tại Sri Lanka, ông phát hiện thấy những đứa trẻ này có vốn từ vựng lớn hơn, đạt được điểm cao hơn trong một bài trắc nghiệm trí thông minh ngắn, và có kết quả học tập tốt hơn so với bạn cùng trang lứa.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm:
- Chuyện khó tin về luân hồi: Cậu bé tự nhận rằng kiếp trước mình là… một con rắn
- Chuyên gia về luân hồi, TS Jim Tucker, nói chuyện về nghiên cứu ‘tâm linh’ trong giới khoa học Mỹ
- Khoa học về sự trùng hợp: Xác suất chỉ là cách miêu tả, không phải cách giải thích
- Trứng côn trùng hay loài hoa Ưu Đàm huyền thoại?