Các nhà cổ sinh vật học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện hóa thạch của một loài khủng long có cánh nhưng dường như chưa bao giờ biết đến bầu trời.

Theo thông tin đăng tải trên tạp chí The Science of Nature, đây là hóa thạch 160 triệu năm tuổi của một loài khủng long cổ được tìm thấy vào năm 2014 tại tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc, một khu vực nổi tiếng với hóa thạch của những con chim đầu tiên và khủng long lông vũ.

Loài mới được đặt tên là Serikornis sungei, biệt danh Silky với cơ thể có bốn cánh, chiều dài khoảng gần 5 mét với những chiếc răng nhỏ nhưng sắc bén và một thân thể phủ đầy lông vũ mềm mại. Giống với những họ hàng của mình, Serikornis cũng có hệ móng phát triển cho phép nó trèo lên cây.

Hóa thạch loài khủng long Serikornis
Hóa thạch loài khủng long Serikornis (Ảnh: Nationalgeographic)

Đôi chân của Serikornis có vẻ nặng nề và bao phủ bởi một loại lông khác. Theo các nhà cổ sinh vật học, đây là dấu hiệu cho thấy Serikornis không thể bay được.

Trưởng nhóm nghiên cứu Ulysse Lefèvre, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học tại Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ, cho biết: “Lớp lông vũ của Serikornis không có vách ngăn – một dạng cấu trúc vi mô cho phép lông vũ chống lại áp suất không khí trong suốt các cú đánh cánh.”

“Bộ lông gồm bốn cánh, giống như nhiều con khủng long theropod từ Trung Quốc, nhưng nó không cho phép ‘Silky’ cất cánh từ mặt đất hoặc từ cây.”

Thay vào đó, Lefèvre và nhóm của ông cho rằng Serikornis là một phần của một nhóm khủng long bốn cánh thời kỳ đầu, có lông vũ không thích hợp để bay. Thay vì vỗ nhẹ hoặc thậm chí lướt qua cây cối, những con vật này dường như đã quanh quẩn dưới mặt đất suốt cả cuộc đời.

Theo Lefèvre, lông cánh của Serikornis không đủ nhẹ và cứng để tạo ra lực đẩy thắng lại trọng lực. Thay vào đó, chúng đã sử dụng lông để cách nhiệt và ngụy trang chống lại kẻ thù.

Thomas R. Holtz, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Maryland ở College Park cho biết: “Những chiếc lông dài trên đôi chân của con khủng long này là tình trạng thường thấy ở nhiều con chim đầu tiên và những con khủng long lông vũ, thay vì dùng để bay chúng có một vài chức năng khác”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng Serikornis không thể bay. Mike Benton, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bristol, Anh Quốc, cho rằng khả năng loài khủng long này chỉ sống trên mặt đất là không cao.

Benton nói: “Cánh sau sẽ không tiện lợi đối với một sinh vật di chuyển trên mặt đất”. “Những chiếc lông dài sẽ cọ xát với mặt đất khi con vật đi hoặc chạy.”

Ông vẫn thích cách giải thích rằng những con khủng long lông vũ thời kỳ đầu như Serikornis thường leo lên cây, có lẽ đuổi theo côn trùng và những loài thú ăn quả nhỏ khác. Trong tình huống cần thoát khỏi kẻ thù hoặc đi vòng quanh, chúng sẽ lượn từ cây này sang cây khác.

Hoài Anh

Xem thêm: