Đối với đa số chúng ta, ngủ là thời điểm để nghỉ ngơi, và hoạt động mọi người thường làm nhất trong lúc này là quay ngang quay ngửa. Nhưng đối với một số khác, giấc ngủ có thể là thời điểm mà họ đi lòng vòng quanh nhà, lái xe hoặc nấu ăn trong trạng thái vô thức. Đây chính là “mộng du”.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra nguyên nhân đích thực của chứng mộng du.

Viện Y học Giấc ngủ Mỹ (AASM) chia giấc ngủ của chúng ta thành hai giai loại – giấc ngủ REM và giấc ngủ non-REM (NREM), dựa vào việc sự chuyển động mắt nhanh (REM) có xảy ra bên dưới mí mắt hay không. Trong giấc ngủ REM, bộ não của bạn hoạt động tích cực giống như khi tỉnh táo, và đây là giai đoạn mà các giấc mơ sinh động nhất của chúng ta thường xảy ra. Còn giấc ngủ NREM thì có thể được chia thành 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Chuyển từ tỉnh sang ngủ
  • Giai đoạn 2: Chìm sâu hơn vào giấc ngủ
  • Giai đoạn 3: Bắt đầu giấc ngủ sâu, não có sóng Delta
  • Giai đoạn 4: Giai đoạn ngủ sâu, não có sóng chậm liên tục
Các giai đoạn của giấc ngủ. (Ảnh: ngungthokhingu.com)

Có một điều mà các nhà khoa học biết đó là mộng du thường xảy ra ở trẻ em và xảy ra vào thời điểm chúng ta ngủ sâu nhất, trong giai đoạn 3 và 4. Đây là lúc bạn ngủ sâu nhất và sóng não của bạn chậm nhất. Ngược lại, trong giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh), bộ não của bạn lại hoạt động khá tích cực, và để giúp bạn tránh khỏi việc vung tay vung chân trong những giấc mơ, các cơ bắp của cơ thể sẽ trở nên tê liệt tạm thời. Vậy nên, việc hầu hết mộng du không xảy ra trong giấc ngủ REM là điều hợp lý, bởi vì bạn đâu có cách nào đi đi lại lại trong khi các cơ bắp không thể di chuyển!

Vì mộng du xảy ra trong những giai đoạn ngủ sâu nên sẽ rất khó để đánh thức họ dậy. Nếu bạn cứ cố gắng đánh thức họ dậy bằng được thì họ có lẽ sẽ khá là bối rối vì sao họ lại không ở trên giường.  

Nguyên nhân của mộng du

Có một giả thuyết rằng người ta sẽ bật dậy khỏi giường khi não họ cố gắng đi thẳng từ giấc ngủ NREM sang trạng thái thức, thay vì trải qua tuần tự các giai đoạn của một chu trình ngủ. Người ta tin rằng một tác nhân nào đó đã kích phát quá trình chuyển tiếp này. Đây là phần mà các nhà khoa học vẫn chưa rõ, nhưng họ có một vài ý tưởng.

Như đã nói từ trước, mộng du hầu hết xảy ra ở trẻ nhỏ. Một số nhà khoa học nghĩ rằng trẻ em thường mộng du bởi vì bộ não của trẻ vẫn chưa hoàn toàn phát triển. Có thể là những hormon tăng trưởng đã khiến lũ trẻ bật dậy. Nhưng có lẽ nó cũng liên quan tới chất dẫn truyền thần kinh ức chế. Có một chất dẫn truyền thần kinh gọi là GABA có tác dụng ức chế hệ thống dây thần kinh vận động của bộ não.

Mộng du hầu hết xảy ra ở trẻ nhỏ. Một số nhà khoa học nghĩ rằng trẻ em thường mộng du bởi vì bộ não của trẻ vẫn chưa hoàn toàn phát triển. (Ảnh: How You Sleep)

Đối với người lớn, chất dẫn truyền thần kinh này thường giúp hạn chế các chuyển động của cơ thể. Nhưng ở trẻ em, các nơ-ron mà giải phóng chất dẫn truyền thần kinh này vẫn chưa hoàn toàn phát triển, nên hệ thống dây thần kinh vận động của chúng có thể vẫn hoạt động. Điều này có thể dẫn tới việc lũ trẻ đi đi lại lại trong nhà khi chúng đang ngủ. Nhưng đừng lo, trẻ em thường không còn mộng du nữa khi chúng lớn lên, khi mà não bộ của chúng đã phát triển hoàn thiện.

Tuy nhiên nếu mộng du vẫn tiếp diễn đến tuổi trưởng thành thì hẳn là nó liên quan tới chứng rối loạn thần kinh, ví như ở những người nghiện rượu hoặc trầm cảm. Trong hầu hết trường hợp thì mộng du không nguy hiểm, nhưng nếu như mắc phải chứng này thì bạn vẫn nên tới gặp bác sĩ.

Video:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

 Ngọc Thuần