Một mảnh giấy nhỏ nhưng vô cùng lợi hại vừa được nghiên cứu thành công giúp xác định nước sạch hay bẩn. Phát minh này có thể cứu sống hàng triệu người ở châu Phi.
Loại giấy này được các nhà khoa học đến từ trường Đại học Bath (Vương quốc Anh) nghiên cứu và thiết kế thành công. Được biết nó lấy cảm hứng từ loại giấy rất phổ biến hiện nay là quỳ tím có thể thay đổi màu sắc theo độ chua của nước. Bên trong mỗi mảnh giấy được gắn một bộ cảm biến siêu nhỏ và khối lượng mỗi mảnh giấy cũng chưa đến 1 gram.
Giấy thử này có công dụng đặc biệt là xác định nguồn nước có sạch và đảm bảo cho sinh hoạt hay không. Kết quả nghiên cứu này rất có ý nghĩa đối với người dân ở các nước nghèo đói, nhất là ở châu Phi, nơi thường xuyên khan hiếm nước sạch và thường phải dùng các loại nước không rõ nguồn gốc khiến nhiều tử vong mỗi năm. Theo ước tính mỗi phút có khoảng 2 trẻ em ở châu Phi bị chết do sử dụng nước bẩn.
Không những vậy những mảnh giấy này sẽ luôn đồng hành cùng các nhân viên, tình nguyện viên của nước Anh đang hoạt động ở châu Phi phòng tránh ô nhiễm và tổn hại sức khỏe do nguồn nước độc hại. Cách thức sử dụng giấy đo khá đơn giản và cho kết quả chính xác và nhanh chóng. Mọi người có thể mang theo và sử dụng nó mọi lúc, mọi nơi.
Tiến sỹ Mirella Di Lorenzo, hiệu trưởng Đại học Bath cho biết: “Loại giấy mới sẽ mở ra một cuộc cách mạng trong việc kiểm tra nước. Tiềm năng phát triển của nó là rất lớn, thậm chí có thể được thương mại hóa để khách du lịch sử dụng kiểm tra nguồn nước ở nơi mà họ đến trước khi uống.”
Giấy thử mới không chỉ xác định nguồn nước nhanh chóng và rẻ tiền mà nó cũng rất thân thiện với môi trường. Sau khi sử dụng, nó có thể dễ dàng tự phân hủy. Dự kiến mỗi mảnh giấy có giá không quá 1 bảng Anh.
Video: 60 giây để kiểm tra nước sạch hay ô nhiễm ngay tại nhà
Sơn Tùng