Dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) hiện chỉ áp dụng đối với thuê bao trả sau. Chủ nhân của những thuê bao trả trước muốn chuyển mạng giữ số sẽ phải chờ thêm ít nhất 1 tháng nữa.

Từ ngày 16/11/2018, ba nhà mạng lớn gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone đã chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số đối với thuê bao di động trả sau. Đến ngày 01/01/2019, nhà mạng thứ tư là Vietnamobile cũng sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít người dùng đã thử chuyển mạng giữ số nhưng bị nhà mạng từ chối. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng về cơ bản là các thuê bao di động trả sau phải đáp ứng được đủ 11 yêu cầu dưới đây.

1. Thuê bao đang hoạt động đầy đủ cả 2 chiều, tức là không bị khóa.

2. Thông tin thuê bao phải đầy đủ, chính xác và trùng khớp giữa hai nhà mạng.

3. Thuê bao không nợ cước sử dụng

4. Cước nóng nhỏ hơn 100.000 đồng.

* Chú thích: Cước nóng là cước phát sinh trong tháng thực hiện chuyển mạng giữ số và cước chưa tổng hợp của tháng trước (nếu có).

5. Thuê bao không đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming)

* Chú thích: Nếu đã từng đăng ký và sử dụng dịch vụ roaming thì phải hủy trước khi chuyển mạng giữ số tối thiểu 60 ngày.

6. Các thuê bao chung một hợp đồng phải đồng thời chuyển mạng giữ số.

7. Thuê bao không vi phạm hợp đồng, không vi phạm cam kết với nhà mạng.

8. Thuê bao phải có thời gian hoạt động trên 6 tháng ở nhà mạng chuyển đi.

9. Thuê bao không có khiếu nại về việc sử dụng dịch vụ với nhà mạng chuyển đi.

10. Số lượng thuê bao trong một yêu cầu chuyển mạng không vượt quá số lượng theo quy định (tối đa 3 thuê bao đối với cá nhân và 100 thuê bao đối với tổ chức/doanh nghiệp).

11, Trong 90 ngày gần nhất, thuê bao không sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số.

Như vậy, những ai mới hòa mạng thuê bao sẽ không thể chuyển mạng giữ số ngay được. Những ai nợ cước nhà mạng cũ cũng không thể bỏ sang nhà mạng mới. Chúc bạn chuyển mạng giữ số thuê bao di động của mình thành công.

(Tổng hợp)