Những miệng núi lửa sâu hoắm trên Mặt Trăng ẩn chứa lượng băng đá khổng lồ được đánh giá là nguồn tài nguyên giá trị.
Tổng hợp dữ liệu từ các vệ tinh chuyên theo dõi Mặt Trăng trong thời gian qua, các nhà khoa học đã định vị hàng trăm điểm có mật độ băng đá dày đặc nằm ngay sát bề mặt. Việc khai thác các mỏ băng đá này không chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt ngoài vũ trụ, chúng ta còn có thể tạo ra nguồn nhiên liệu tên lửa dồi dào bằng cách tách các nguyên tử hydro và oxy. Hơn nữa, rất có khả năng dấu vết sự sống trên Mặt Trăng cũng sẽ được phát hiện.
Mặt Trăng là một khối đá khổng lồ, không có bầu khí quyển, nhiệt độ ban ngày tại đây vượt qua nhiệt độ nước sôi. Mọi loại dung dịch cũng như băng đá sẽ bốc hơi ngay lập tức nếu chúng tiếp xúc với môi trường bề mặt. Tuy nhiên trong lòng những miệng núi lửa đã nguội lạnh, nhiệt độ lại xuống thấp đến mức tốc độ đóng băng của hơi nước nhanh đến mức chúng không kịp thoát ra ngoài, từ đó hình thành nên hàng loạt những mỏ băng đá khổng lồ vừa được phát hiện.
Lợi ích từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu này đang được khá nhiều tỷ phú quan tâm và cân nhắc đầu tư. Mặc dù vậy, khai thác được nó cũng không phải chuyện dễ dàng. Vào hồi tháng Sáu vừa qua, một số nhà khoa học và kỹ sư danh tiếng trong ngành đã tụ họp để thảo luận cách khai khoáng Mặt Trăng.
Kết thúc buổi họp, phần lớn nhóm nghiên cứu đều thống nhất rằng chúng ta cần bổ sung dữ liệu thực tế, do đó việc đưa thêm thiết bị thăm dò lên Mặt Trăng là rất cần thiết trong thời gian tới. Nếu dự án này thành công, Mặt Trăng sẽ trở thành trạm tiếp tế nhiên liệu vũ trụ tự cung đầu tiên trong lịch sử nhân loại, là điểm mốc vô cùng quan trọng cho cuộc chinh phục hệ Mặt Trời trong tương lai.
T.Vũ