Nhân sư là một biểu tượng nổi tiếng của Ai Cập cổ đại vào khoảng 5.000 năm trước, thế nhưng một bức tượng nhân sư với niên đại hơn 1.000 năm tuổi vừa được khai quật tại Trung Quốc vào cuối tháng 11 vừa qua.
Bức tượng nhân sư bằng đá cẩm thạch này, với những đặc điểm mang phong cách phương Tây, đã được phát hiện trong tình trạng khá tốt bên trong một hầm mộ tại một nghĩa trang cùng với các đồ chạm khắc và cổ vật bằng gốm, sắt và đồng.
Bức tượng nhân sư này đã được tìm thấy cùng với tám hiện vật chạm khắc khác, bao gồm một tượng chiến binh, sư tử, lạc đà và ngựa, tại thành phố Cố Nguyên thuộc khu vực tự trị Hồi Ninh Hạ. Bức tượng này cao 36 cm và không xuất hiện nhiều hư hại, ngoại trừ phần mặt. Danh tính của người đàn ông quá cố, người được mai táng cùng với thi hài của vợ trong mộ, là Liu Jun, tờ Thượng hải Nhật báo (Shanghai Daily) cho hay.
Nhân sư là một loài sinh vật huyền thoại với đầu người, mình sư tử, và đã được biết đến rộng rãi trên khắp khu vực Á Âu xuyên suốt từ thời cổ đại và cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên loài sinh vật này là một hình tượng khá hiếm thấy ở miền Bắc Trung Quốc.
Các nhà khảo cổ học đã khai quật một nghĩa trang nhỏ với 29 ngôi mộ có niên đại từ thời nhà Đường (618 – 907). Khi đang chuẩn bị mặt bằng cho dự án xây dựng một nhà máy nước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy 150 hiện vật tuẫn táng trong các ngôi mộ.
“Phong cách điêu khắc mang những nét đặc trưng từ phương Tây và rất hiếm xuất hiện ở những ngôi mộ Trung Quốc cổ đại ở cùng thời kỳ”, theo ông Fan Jun, trưởng nhóm khai quật của Viện Khảo cổ và Di chỉ văn hóa Ninh Hạ, trao đổi với tờ Thượng hải Nhật báo. Ông còn bổ sung thêm rằng cẩm thạch trắng là loại đá khá hiếm gặp ở miền Bắc Trung Quốc.
Tượng Nhân sư lớn ở Giza, Ai Cập. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Tuy có thể bắt gặp các tượng nhân sư ở miền Nam và Đông Nam Á, nhưng phát hiện ở miền Bắc Trung Quốc này dường như khá kỳ lạ. Phạm vi sinh sống của sư tử vào thời tiền sử không bao gồm miền Bắc Trung Quốc. Có thể bức tượng cho thấy ảnh hưởng nào đó của Con đường Tơ lụa gần Ninh Hạ. Công tác khai quật tại khu nghĩa trang này sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về việc lưu thông hàng hoá dưới thời nhà Đường.
Phần tô đỏ trên bản đồ là địa bàn sinh sống của sư tử vào thời tiền sử. (Ảnh: Tommyknocker/Wikimedia Commons)
Các bức tượng nhân sư trên thế giới
Chúng ta biết rằng Người Hy Lạp và Át-xi-ri (Assyrian) đã biết đến nhân sư, thông qua các món cổ vật lâu đời mang hình tượng của loài sinh vật này. Trong khi ở Hy Lạp, nhân sư là giống cái thì ở Ai Cập và Át-xi-ri, nhân sư lại là giống đực. Và tuy nhân sư của người Hy Lạp biểu hiện ra một hình tượng ác, thì nhân sư của người Ai Cập lại biểu hiện ra một hình tượng thiện. Ở cả hai khu vực, nhân sư đều là những loài sinh vật gác đền.
Một bức tượng Nhân sư của người Hy Lạp có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ sáu TCN được trưng bày tại Delphi; các học giả cho rằng văn học và nghệ thuật Hy Lạp cổ đại đã phần nào tác động đến các dân tộc ở châu Á, và họ đã tự sáng tạo ra các phiên bản về nhân sư riêng của mình. (Ảnh: Tetraktys/Wikimedia Commons)
Ở cực hạn phía đông, hình tượng nhân sư còn góp mặt trong hai nền văn hóa Thái Lan và Miến Điện (Myanmar), nơi các phong tục tập quán và các câu chuyện về loài quái thú thần thoại này vẫn còn rất sống động cho đến ngày nay. Ở Ấn Độ, nhân sư được gọi là purushamriga, có nghĩa là “quái thú hình người” hay naravirala, có nghĩa là “linh miêu hình người” theo tiếng Phạn. Các học giả cho rằng hình tượng nhân sư ở Á Đông đã chịu ảnh hưởng của văn học cổ Hy Lạp vào giai đoạn Phật giáo chịu ảnh hưởng của văn hoá cổ Hy Lạp.
Một đoàn xe diễu hành, với hai hình tượng nhân sư ở đầu, trong lễ hội hoa ở thành phố Chiang Mai, Thái Lan. (Ảnh:Internet)
Tượng nhân sư Manusiha canh gác một ngôi đền ở Myanmar. (Ảnh: Internet)
Tượng nhân sư trong một ngôi đền ở Ấn Độ. (Ảnh: Internet)
Trong lịch sử, hình tượng nhân sư cũng đã được miêu tả và đề cập đến trong các truyền thuyết về chúng ở Philippines, Sri Lanka và Châu Âu.
Theo truyền thuyết, các con nhân sư sẽ yêu cầu những người lữ hành trả lời đúng các câu đố của chúng trước khi cho phép họ đi qua. Con nhân sư tại Delphi được cho là đã đưa ra câu đố nổi tiếng nhất trong lịch sử: Con gì bước đi bằng bốn chân vào buổi sáng, hai chân vào buổi chiều và ba chân vào buổi tối? Câu trả lời là con người, vì khi còn bé thì bò (4 chân), khi lớn lên thì đi bằng 2 chân, và khi về già thì chống thêm một chiếc gậy (3 chân).
Tác giả: Mark Miller, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Xem bài gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch
Xem thêm: